Pages

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Chú dượng của Kim Jong-un đi TQ



Chang Song-thaek đứng cạnh Kim Jong-un trong tang lễ Kim Jong-il
Chang Song-thaek, người đứng về bên phải Kim Jong-un, được cho là cổ súy cải cách
Người dượng của lãnh đạo tối cao Bắc Hàn Kim Jong-un đang có chuyến thăm Trung Quốc giữa các dấu hiệu cho thấy quốc gia nghèo đói này muốn giải quyết các vấn đề kinh tế.
Ông Chang Song-taek, người mà một số nhà quan sát cho rằng trung tâm quyền lực phía sau Kim Jong-un, đã đến Bắc Kinh hôm thứ Hai ngày 13/8, truyền thông nhà nước của Bắc Hàn cho biết.

Chang Song-taek là phu quân của cô ruột ông Kim Jong-un và là em rể của cố lãnh đạo Kim Jong-il.
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA thì ông Chang sẽ thảo luận với giới chức Trung Quốc về việc xây dựng hai đặc khu kinh tế.

Ông được cất nhắc vào vị trí phó chủ tịch Ủy ban quốc phòng quốc gia vào năm 2009 và trước đó từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong Đảng Lao động Triều Tiên.
Ông Chang cũng từng một vài lần tháp tùng cố lãnh đạo Kim Jong-il trong các chuyến công du nước ngoài của ông Kim.

‘Dự án kinh tế chung’

Truyền thông Bắc Hàn cho biết ông sẽ thảo luận các dự án kinh tế chung với Trung Quốc nằm trên bờ biển phía đông của nước này và nằm ở khu vực biên giới với Trung Quốc.
Ngoài ra không có chi tiết gì thêm về chuyến thăm này.
Hai miền Triều Tiên hiện đang có một khu công nghiệp chung ở Kaesung để hỗ trợ cho nền kinh tế tập trung của Bắc Hàn.
Quốc gia cộng sản này đã bị lũ lụt tàn phá trong những tháng vừa qua và đã kêu gọi bên ngoài viện trợ lương thực.
Bắc Hàn cũng từng trải qua một nạn đói vào giữa những năm 1990 vốn được cho là làm cho hàng trăm ngàn người chết đói.
Kể từ đó, quốc gia này vẫn không thể sản xuất đủ lương thực để nuôi sống người dân.
Sau khi tin tức về chuyến đi của ông Chang được thông báo, Hoa Kỳ đã bày tỏ hy vọng rằng Bắc Hàn sẽ thay đổi đường lối và cải thiện cuộc sống của người dân.
“Họ có thể mở cửa đất nước, tuân thủ trở lại (các thỏa thuận quốc tế) và sống trong một môi trường tôn trọng nhân quyền, tôn trọng các nhu cầu của con người,” hãng tin Pháp AFP dẫn lời người phát ngôn Victoria Nuland của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.
“Hoặc là họ có thể tiếp tục con đường họ đang đi và tiếp tục bị cô lập và chịu đựng thống khổ,” bà nói.
Lũ lụt ở Bắc Hàn
Thiên tai càng làm cho kinh tế ốm yếu của Bắc Hàn thêm kiệt quệ
“Do đó chúng tôi hy vọng giới lãnh đạo mới (của Bắc Hàn) sẽ xem xét thay đổi đường lối bởi vì đây hiển nhiên là điều tốt đẹp nhất đối với nhân dân Triều Tiên và cũng vì hòa bình và ổn định,” bà nói thêm.
Một quan chức cấp cao ở Washington nói với hãng tin Anh Reuters với điều kiện giấu tên rằng chuyến đi của ông Chang, vốn diễn ra sau chuyến thăm Bình Nhưỡng hồi đầu tháng Tám của một quan chức cao cấp trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ mang một thông điệp ngoại giao quan trọng.
Đây có thể là tiền đề cho một chuyến thăm Bắc Kinh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, vị quan chức này nói, và cũng là nỗ lực hàn gắn mối quan hệ song phương vốn đã bị sứt mẻ ít nhiều sau khi Bình Nhưỡng quyết định phóng tên lửa hồi tháng Tư bất chấp cảnh báo của Trung Quốc.

Muốn thay đổi?

Chuyến thăm của ông Chang, người lâu nay vẫn cổ súy cải cách kinh tế, diễn ra sau khi ngày càng có nhiều đồn đoán rằng giới lãnh đạo mới của Bắc Hàn đang muốn thay đổi cách điều hành nền kinh tế.
Bắc Hàn trước giờ vẫn dựa khá nhiều vào Trung Quốc để hỗ trợ cho nền kinh tế kiệt quệ của họ. Giới lãnh đạo nước này đã từng rất nghi ngại thay đổi vì cho rằng đây là mối đe dọa đối với quyền lực của họ.
Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận với Bình Nhưỡng đã nói với Reuters hồi tháng trước rằng Bắc Hàn đang khởi động tiến đến thử nghiệm các cải cách kinh tế và nông nghiệp sau khi Kim Jong-un và người dượng quyền lực của ông thanh lọc nội bộ để loại bỏ những người chống đối cải cách.
Trong một dấu hiệu khác cho thấy ông Kim con đang muốn chấm dứt sự cô lập quốc tế đối với Bình Nhưỡng, ông đã điều ông Kim Yong-nam, người đứng đầu nhà nước trên danh nghĩa của Bắc Triều Tiên, đến thăm Việt Nam và Lào trong tháng này.
Ông Kim được biết đã bàn bạc các vấn đề phát triển kinh tế với giới chức của hai quốc gia cộng sản này.

Không có nhận xét nào: