Pages

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

Cường quyền va chạm trí khôn


Nguyễn đạt Thịnh
 
Trong những ngày cuối tháng Bẩy vừa rồi cường quyền và trí khôn va chạm nẩy lửa tại Sài Gòn, cường quyền là bộ chỉ huy Công An, và trí khôn được một bà đầm Pháp gốc Việt -bà Lương Thị Hồ Quì- đại diện.
Bà Hồ Quì là vợ ông Nguyễn Gia Kiểng, một trong những sáng lập viên của hội Thông Luận, ngoài hội Thông Luận, ông Nguyễn Gia Kiểng còn  lập thêm tổ chức Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, tổ chức này chủ trương biên tập và phát hành tờ báo Tổ Quốc trên khắp thế giới, ngay cả trong quốc nội.
Trong lúc chú phỉnh chủ trương "nước Việt là sở hữu riêng của Đảng Ta, vì nước này là chiến lợi phẩm Đảng Ta đoạt được trong chiến dịch Xuân 1975", mà ông Kiểng lại đi bàn chuyện đa nguyên thì đúng là không thức thời, không thể cho ngồi vào mâm cỗ chính trị xôi thịt được.
Bà Quì không làm chính trị, nhưng lại thích hoạt động giáo dục; bà tổ chức hội Măng Non, chọn toàn măng Việt Nam, chọn toàn con nhà nghèo để giúp đỡ ăn học. Năm nay hội đã có đến 400 măng, và bà Quì hy vọng sang năm hội sẽ thu nhận thêm 100 măng nữa.
Công An Việt Nam không cho bà đầm gốc Việt trồng măng; dù thiếu thông minh trong mọi việc -trừ việc đếm bạc tham nhũng- quý vị quan chức công an cũng hiểu rằng "thằng" Mỹ nó không dại khi nó đem du sinh Việt Nam sang Mỹ học, và bà Quì đem đồng Ơrô về Việt Nam giúp đỡ măng nghèo chẳng phải vì thương yêu chính thể Cộng Sản mất lai xăng của Việt Cộng.
Một quan lớn công an gọi bà đến đồn công an "mần việc"; ký giả Trọng Khiêm liên lạc với bà Hồ Quì sau khi bà về Pháp và nghe bà kể lại cuộc va chạm lý thú này.
Ký giả Trọng Khiêm hỏi, "quan công an lớn cỡ nào?"
Bà Quý trả lời, "Chắc là lớn lắm, không lớn làm sao có quyền ra lệnh cho hãng du lịch cho chúng tôi mướn xe đi lục tỉnh phải quay đầu trở về Sài Gòn ngay lập tức."
"Tại Công An Cuộc, quan hỏi bà những gì?"
"Hỏi tôi đưa 20 bà đầm Pháp đi đâu? Tôi bảo đưa đi thăm cảnh, thăm chùa, thăm trường học. Quan hỏi vào chùa gặp ai? Tôi bảo 'gặp Phật'. Quan hỏi thăm trường học nói chuyện với ai? Tôi bảo nói chuyện với học sinh, với cô giáo, thầy giáo; phát sách vở, đồ chơi, kẹo bánh, và vài trăm ơrô cho mỗi đứa trẻ."
Trọng Khiêm hỏi chi tiết của buổi "mần việc.
Bà Quì “… quan lớn  nói: ‘đất nước này là của chúng tôi, chúng tôi muốn cho ai đến thì cho, muốn cấm ai ở thì cấm, chúng tôi khuyên chị nên rời Việt Nam ngay’…"
Hội từ thiện Măng Non (tên tiếng Pháp là Association Avenir, www.mangnon.free.fr) thành lập tại Pháp hoạt động từ năm 1994 với mục đích giúp đỡ các sinh viên và học sinh nghèo tiếp tục theo học. Từ  18 năm qua cứ hai năm một lần hội tổ chức những chuyến du lịch Việt Nam để tặng quà cho các trường học để các nhà hảo tâm có dịp thăm viếng Việt Nam và gặp các em mà họ giúp đỡ. Cho tới nay các chuyến du lịch này diễn ra môt cách bình thường dù bị công an theo dõi rất sát nhưng lần này công an đổi thái độ và ra mặt sách nhiễu. Bà Hồ Quì đã phải rời Việt nam đột ngột sau khi bị công an đe dọa đến an ninh bản thân bà.
Chị nghĩ rằng họ có thể bạo hành?
- Tôi hỏi tòa lãnh sự Pháp xem phải ứng xử như thế nào sau lời đe dọa này. Vị lãnh sự Pháp hỏi tôi 'cơ quan nào đưa ra lời đe dọa,' tôi nói rằng tôi chỉ biết đây là một cơ quan công an nhưng không biết danh xưng chính thức là gì, chỉ biết địa chỉ công an là 242 đường Nguyễn Trãi. Vị lãnh sự nói rằng nếu như thế thì nghiêm trọng lắm, bà nên trở về Pháp ngay đi. Tôi điện thoại hỏi anh Kiểng, chồng tôi cũng bảo nên rời Việt Nam bởi vì công an Việt Nam có thói quen dùng bọn lưu manh hành hung những người mà họ không ưa. Đã có rất nhiều phụ nữ bị công an giả dạng côn đồ hoặc thuê bọn côn đồ hành hung. Một lý do khác khiến tôi quyết định về Pháp ngay là họ nói rằng nếu tôi còn ở lại Việt Nam thì phái đoàn Măng Non đi đến đâu họ cũng không để yên. Tôi không muốn vì tôi mà các bạn trong phái đoàn bị sách nhiễu, làm hỏng chuyến du lịch của họ.
Đây là lần đầu tiên phái đoàn và cá nhân chị bị làm khó?
- Cá nhân tôi thì không phải lần đầu nhưng phái đoàn thì gần như vậy. Năm 2006 tôi vào tới Sài Gòn thì được đua giấy mời ra sở công an "làm việc", tôi hỏi người sĩ quan công an đây là giấy mời hay lệnh triệu tập và được trả lời rằng đây đúng là một giấy mời. Tôi đáp lại rằng nếu là giấy mời thì có nghĩa là tôi không sai phạm gì cả và có quyền từ chối lời mời. Sau đó sở công an gọi điện thoại cả chục lần đòi tôi đến sở công an nhưng tôi vẫn không đến, cuối cùng tôi bằng lòng để công an đến nhà gặp tôi trong vòng nửa giờ. Năm 2008 họ lại đưa giấy mời và tôi cũng vẫn từ chối đến sở công an, sau cùng hai sĩ quan công an đến gặp tôi tại khách sạn, khoảng một giờ. Năm 2010 không có gì xảy ra, phái đoàn và tôi được yên ổn. Nhưng năm nay thì khác hẳn.
Chị nói khác hẳn là khác như thế nào?
- Kề từ năm 1996 khi hội chúng tôi bắt đầu tổ chức những chuyến về thăm Việt Nam lúc nào họ cũng theo dõi rất sát, đi đâu họ cũng đi theo để quay phim, chụp ảnh nhưng họ vẫn để chúng tôi yên và chúng tôi cũng không phiền gì vì mình có làm gì lén lút đâu mà sợ. Nói chung hội Măng Non cũng như cá nhân tôi không có quan hệ trực tiếp và công khai với công an. Chỉ từ năm 2006 trở đi họ mới đòi gặp tôi nhưng hội thì họ vẫn để yên và cũng chỉ tiếp xúc tại Sài Gòn, nghĩa là giai đoạn chót của chuyến thăm viếng thôi chứ ở ngoài Bắc và ngoài Trung họ không làm gì ngoài quay phim và chụp ảnh. Như tôi đã nói năm 2006 sau khi đưa giấy mời và điện thoại rất nhiều lần yêu cầu tôi đến sở công an làm việc nhưng tôi không đến, họ đã đến nhà chị tôi để gặp tôi. Người gặp tôi xưng tên là Phan Trung chắc là một sĩ quan cao cấp vì có mấy sĩ quan công an đi theo. Ông này nói năng lịch sự. Sau vài lời xã giao ông ấy đề nghị hội Măng Non gia nhập Mặt Trận Tổ Quốc như các hội từ thiện khác để dễ hoạt động. Tôi đáp lại rằng Mặt Trận Tổ Quốc là một tổ chức chính trị, hội chúng tôi là một hội từ thiện thuần túy chúng tôi không thể tham gia Mặt Trận Tổ Quốc được, còn các tổ chức từ thiện khác có tham gia hay không tùy họ. Ông Trung không nói thêm và xoay qua nói về anh Kiểng. Ông ấy nói rằng anh Kiểng là một người yêu nước, nhưng thái độ của anh ấy với chính quyền cứng rắn quá. Anh Kiểng nên về Việt Nam thăm quê hương để biết rõ thực tại đất nước. Tôi đáp lại rằng nếu các anh muốn anh Kiểng về Việt nam thì cứ liên lạc trực tiếp với anh ấy; tôi không làm chính trị nên không thể biết anh ấy nghĩ gì để có thể làm trung gian. Ông ấy vẫn nói anh Kiểng nên về nước và suốt phần còn lại của buổi tiếp xúc xoay quanh vấn đề này một cách lịch sự. Năm 2008 khi tôi vừa vào tới Sài Gòn thì đã nhận được ngay giấy mời lên sở công an và tôi cũng từ chối. Sau cùng thì hai sĩ quan công an đến gặp tôi tại khách sạn. Tất cả cuộc nói chuyện kéo dài hơn một giờ, ngoài những thăm hỏi xã giao, chỉ xoay quanh việc đề nghị anh Kiểng về Việt Nam. Lập trường của tôi vẫn như trước nghĩa là họ nên trực tiếp liên hệ với anh Kiểng trong khi lập trường của họ vẫn là tôi nên chuyển lời đề nghị của họ. Có một lúc họ nói rằng tại sao các ông Nguyễn Cao Kỳ và Thích Nhất Hạnh về nước được mà anh Kiểng lại không chịu về. Tôi chỉ biết đáp lại rằng mỗi người có một cương vị riêng và buổi tiếp xúc kết thúc một cách nhã nhặn.
Còn lần này thì sao?
- Lần này thì ngay khi tôi mới tới Hà Nội đã nhận được giấy mời lên sở công an làm việc. Tôi không tới gặp họ. Vả lại tôi rất ít thời giờ vì chỉ ở Hà Nội vài ngày lại còn dự định đi thăm nhiều nơi. Trước khi rời Hà Nội tôi gọi điện thoại cho họ theo số điện thoại trên giấy mời. Họ cho biết là tôi không sai phạm gì, họ chỉ muốn gặp tôi để biết thêm về hội Măng Non và phái đoàn du khách. Tôi nói rằng tôi không còn là chủ tịch hội nữa, trong phái đoàn có anh trưởng đoàn và cô tổng thư ký của hội sẵn sàng gặp họ, nhưng họ cho biết chỉ muốn gặp tôi thôi chứ không muốn gặp hai người kia. Tôi biết là có chuyện không bình thường rồi nhưng vẫn từ chối gặp họ. Họ nói rằng nếu tôi không gặp họ tại Hà Nội thì cũng sẽ phải gặp họ ở Sài Gòn. Sau đó đoàn chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình, đi đâu cũng có người theo sát, quay phim chụp ảnh một cách rất lộ liễu. Tại Huế họ khám xét rất kỹ những món quà chúng tôi tặng cho học sinh. Không khí bắt đầu căng thẳng nhưng cũng không quá gay go. Chỉ từ khi vào đến Sài gòn là mới thực sự căng thẳng và cuối cùng tôi phải rời Việt Nam một tuần lễ trước dự định.
Cuộc đụng độ giữa công an và chị diễn ra như thế nào?
- Họ kiếm chuyện với tôi chứ tôi đâu có đụng độ gì với họ. Tôi chỉ ứng xử một cách bình thường. Ngay khi tôi tới Sài Gòn công an thường phục đã đợi sẵn tại khách sạn và liên tục quay phim, khách sạn đã có sẵn giấy mời tôi đến sở công an làm việc. Cũng như tại Hà Nôi hôm sau tôi gọi họ để biết lý do tại sao họ mời tôi. Một công an tên là Tạ Xuân Vũ cho biết giấy mời này không liên quan gì tới hội Măng Non, nhà nước hoan nghênh công việc từ thiện của hội. Tôi được mời tới làm việc là để nói chuyện về chồng tôi. Theo họ chồng tôi có lập trường "không thân thiện" với chính quyền. Tôi trả lời họ là tôi không làm chính trị nên không biết gì về hoạt động của chồng tôi cả, vả lại tôi rất ít thời giờ nhưng nếu họ muốn gặp cũng được, với điều kiện là họ đến khách sạn gặp tôi. Họ đồng ý nhưng buổi chiều không thấy họ đến. Ngày hôm sau tôi cùng đoàn đi thăm viếng miền Tây đúng như chương trình.
Phản ứng của công an ra sao?
- Xe chúng tôi đi được một đoạn đường thì công an gọi cho công ty du lịch bắt quay trở lại và đưa tôi tới sở công an đường Nguyễn Trãi. Tôi vào gặp họ, anh trưởng đoàn và cô tổng thư ký hội đi theo, còn những bạn khác ngồi trên xe chờ. Họ để anh trưởng đoàn và cô tổng thư ký ngồi chờ ngoài sân còn tôi thì vào văn phòng làm việc với họ.
Chuyến về Việt Nam lần này như thế là không vui?
- Cũng có nhiều niềm vui. Thí dụ như tôi và các bạn đã tới ăn cơm trưa ở "Quán Cơm 2000" của hội Người Tôi Cưu Mang (www.nguoitoicuumang.com). Mỗi bữa ăn chỉ có 2000 đồng Việt Nam, nghĩa là chưa tới 10 cent vì một USD đổi ra được hơn 20.000 đồng VN. Quán cơm được tổ chức để giúp đồng bào nghèo có bữa ăn. Chỉ có 2000 đồng một bữa cơm thôi nhưng rất sạch sẽ, lịch sự, tình cảm, cơm ăn đủ no. Các sinh viên phục vụ rất chu đáo và ân cần. Thật là tuyệt vời. Nước ta vẫn còn nhiều hy vọng vì vẫn còn những người tốt. Thật đáng kính phục và đáng được ủng hộ nồng nhiệt.
Câu hỏi cuối cùng, sau vụ này hội Măng Non và cá nhân chị có còn tiếp tục công tác từ thiện tại Việt Nam nữa không?
- Dĩ nhiên là vẫn tiếp tục. Chúng tôi làm việc cho học sinh, sinh viên nghèo ở Việt Nam chứ có làm việc cho công an đâu mà bỏ cuộc vì công an thô bạo? Dĩ nhiên là nhiều bạn Pháp trong chuyến đi này rất thất vọng và không muốn đến Việt Nam nữa trong một thời gian dài, nhưng hoạt động của hội vẫn phải tiếp tục và càng phải tiếp tục mạnh hơn nữa khi đất nước bị quản trị một cách vô lý. Chúng tôi hiện có hơn 400 con nuôi. Hy vọng rằng hè năm tới con số này sẽ là 500 hay nhiều hơn.
Trong bất cứ một cuộc va chạm, đối đầu  nào cũng có kẻ thắng, người thua; dĩ nhiên các viên chức công an không nhận là họ thua, và thật sự, họ cũng không ý thức được điều này. Họ còn coi việc họ đe dọa và đuổi được bà Hồ Quì ra  khỏi Việt Nam là chỉ dấu họ đã thắng.
Thắng một cuộc giao tranh để cuối cùng thất trận là một triết lý có thể hơi trừu tượng về chiến tranh, vượt quá tầm hiểu biết của những ông quan lớn, mang ám số chuyên nghiệp "đếm kỹ".
Nguyễn đạt Thịnh

Không có nhận xét nào: