Pages
▼
Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012
Dự án tẩy độc dioxin thúc đẩy quan hệ Mỹ-Việt
at a military airport in Vietnam's central Danang city August 9, 2012
REUTERS/Richard Nyberg/USAID/Handout
Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh (thứ ba từ bên trái), Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear (thứ tư từ bên phải), và Giám đốc USAID ở Việt Nam Francis Donovan (thứ hai từ bên phải) tại Đà Nẵng ngày 09/08/2012.
Hôm qua, 09/08/2012, Hoa Kỳ và Việt Nam đã khởi công dự án xử lý ô nhiễm dioxin từ hóa chất khai quang tại các khu vực sân bay Đà Nẵng, nơi lưu trữ chất da cam trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Sự kiện này được coi là một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Mỹ-Việt, theo nhận định của tờ báo của người Mỹ gốc Hoa xuất bản tại Hoa Kỳ The Epoch Times, tức Đại kỷ nguyên thời báo, số ra ngày hôm nay.
Dự án nói trên sẽ do Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID ) cùng thực hiện. Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ đã hợp tác về các vấn đề liên quan đến chất da cam từ năm 2000. Riêng cơ quan USAID đã hợp tác với các cơ quan Việt Nam để phát triển dự án tại Đà Nẵng từ năm 2009. Khi dự án hoàn thành, dự kiến vào năm 2016, đất và trầm tích ở khu vực sân bay Đà Nẳng đã qua xử lý sẽ an toàn cho sử dụng trong công nghiệp và thương mại theo các tiêu chuẩn do Việt Nam cũng như của chính phủ Hoa Kỳ.
Trong bài phát biểu hôm qua trong lễ khởi công dự án, đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội David Sheer đã nói một cách hình tượng: “Cả hai nước chúng ta đang di chuyển đất và tiến hành những bước đầu tiên để chôn vùi các di sản của quá khứ. Tôi mong chờ nhiều thành công hơn nữa sẽ tiếp nối trong thời gian tới".
Đối với tiến sĩ Steve Maxner, giám đốc Trung tâm Việt Nam tại Đại học Công nghệ Texas, được tờ The Epoch Times trích dẫn, lễ khởi công dự án tẩy độc dioxine có giá trị biểu tượng ở nhiều cấp độ khác nhau, đẩy lùi những căng thẳng chung quanh vấn đề này trong quá khứ và đánh dấu một mức độ chín chắn hơn trong mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam Hoa Kỳ.
Theo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, hiện có hơn 3 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chất da cam, trong đó có ít nhất 150 ngàn trẻ dị dạng, dị tật nặng. Đối với Hà Nội, đây là vấn đề ưu tiên hàng đầu mà Hoa Kỳ phải giải quyết, nhưng Washington vẫn không công nhận trách nhiệm của họ về chất da cam, kể cả đối với các cựu quân nhân Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam.
Theo nhận định của tiến sĩ Maxner, phía Việt Nam đã giúp Hoa Kỳ rất nhiều trong việc tìm kiếm lính Mỹ mất tích trong chiến tranh MIA và nay Hoa Kỳ đang cố giúp Việt Nam giải quyết vấn đề hậu quả chất da cam.
Tờ The Epoch Times cho biết, một số nhà phân tích cho rằng chính những tranh chấp chủ quyền Biển Đông và chính sách của Hoa Kỳ đặt trở lại trọng tâm vào châu Á đã góp phần lớn thúc đẩy Washington thực hiện dự án tẩy độc dioxin ở Đà Nẵng. Nhưng theo tiến sĩ Maxner, chính các nghị sĩ cựu chiến binh Việt Nam trong Quốc hội Mỹ (khoảng 60 người) đã đóng vai trò quan trọng trong việc này.
Cũng như những cựu chiến binh khác, các nghị sĩ nói trên vẫn quan ngại về tình hình vi phạm nhân quyền và thiếu tự do tôn giáo ở Việt Nam. Nhưng một số nhân vật chủ chốt trong Quốc hội Mỹ đã đi thăm Việt Nam và đã tận mắt nhìn thấy những tác hại của chất da cam ở Việt Nam.
Việc các cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam kiện ra tòa đòi công nhận là nạn nhân của chất da cam và phần lớn đã thắng kiện, theo tiến sĩ Maxner, cũng đã góp phần thúc đẩy Washington chấp nhận giúp Việt Nam khắc phục hậu quả của ô nhiễm dioxin./Thanh Phương (RFI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét