Pages

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

EVN lại lỗi hẹn với dân



Sau một thời gian dài 33 hộ dân tại Đại Từ - Thái Nguyên đi khiếu nại, thưa kiện, biểu tình về công trình đường dây tải điện 220 KV Tuyên Quang – Thái Nguyên đi ngang qua nóc nhà của họ gây ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng, cuối cùng tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã chấp nhận đối thoại với người dân vào ngày hôm qua (17/8).
RFA
Hệ thống giây điện chằng chịt đầy nguy cơ trên các cột điện.
Thế nhưng một lần nữa, việc tổ chức đối thoại lại có những thay đổi bất thường vào giờ chót khiến cho người dân rất bức xúc.

Tự ý thay đổi địa điểm họp

Trước khi buổi đối thoại dự kiến diễn ra, 33 hộ dân ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, đã kéo nhau đến trước trụ sở của tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) để xin gặp lãnh đạo cơ quan này vì những thay đổi địa điểm bất ngờ vào phút chót từ phía EVN.
dien-250.jpg
Công nhân điện lực đang sửa điện. AFP photo.
Như thông báo trên văn bản EVN gửi cho văn phòng luật sư Trần Vũ Hải - trợ lý pháp lý cho các hộ dân vào ngày 10/8, cuộc đối thoại giữa 33 hộ dân ở Đại Từ với lãnh đạo EVN cùng với sự tham gia của đại diện Bộ Công thương, UBND tỉnh Thái Nguyên, luật sư trợ lý pháp lý và một số nhà khoa học sẽ diễn ra từ 8:30 - 12:00 ngày 17/8 tại trụ sở của EVN. Thế nhưng vào ngày 16/8, EVN gửi thư thượng khẩn tới văn phòng luật sư Trần Vũ Hải và cho biết cuộc họp vẫn giữ nguyên thời gian và địa điểm là tại… trụ sở Truyền tải điện ở tỉnh Thái Nguyên! Điều đó có nghĩa địa điểm họp đã thay đổi so với ban đầu.
Ngay lập tức, văn phòng luật sư Trần Vũ Hải đã gửi thư đại khẩn phúc đáp ngay trong ngày về việc thỏa thuận địa điểm và thời gian họp trước đây, đồng thời nhắc lại việc “không được tự ý thay đổi” khi không có sự nhất trí của hai bên. Phía EVN không có thư trả lời về vấn đề này nên sáng 17/8, đại diện 33 hộ dân cùng với luật sư trợ lý pháp lý đã đến trụ sở của EVN tại Hà Nội để làm việc nhưng họ đã không được đón tiếp.
Theo văn bản của EVN, chúng tôi hôm nay xuống làm việc tại trụ sở của EVN. Nhưng bây giờ xuống thì họ lại không tiếp nữa mà họ đẩy chúng tôi về tỉnh.
Một hộ dân ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên
Một trong các hộ dân có mặt từ sáng sớm cho biết:
“Theo văn bản của EVN, chúng tôi hôm nay xuống làm việc tại trụ sở của EVN. Nhưng bây giờ xuống thì họ lại không tiếp nữa mà họ đẩy chúng tôi về tỉnh, mà lưới điện thì không phải của tỉnh nên chúng tôi không nghe.
Bây giờ chúng tôi đang ở đây. Sáng nay các anh ấy bảo là dồn quân ở trên tỉnh về dưới này, chiều nay 2 giờ gặp chúng tôi. Nhưng bây giờ 2 giờ không làm việc nữa. Giám đốc tổng công ty điện lực EVN lại nghiêm cấm không cho ai ra vào, không cho luật sư của chúng tôi vào. Chiều nay lại thất hứa, không tiếp chúng tôi. Chúng tôi đang nằm ngủ tại cổng EVN đây.”
Được biết, sau nhiều lần các hộ dân Đại Từ đến tận trụ sở của EVN tại Hà Nội khiếu nại, biểu tình, EVN đã đồng ý tổ chức buổi đối thoại với người dân vào ngày 2/8. Tuy nhiên, trước đó 3 ngày, tập đoàn này gửi thông báo hoãn cuộc gặp đến ngày 17/8 vì lý do lãnh đạo bận công tác. Đây là lần thứ hai EVN lỗi hẹn trong việc tổ chức đối thoại với người dân.

Tai nạn điện nghiêm trọng

Kiểm tra đường giây trên cột điện. AFP
Kiểm tra đường giây trên cột điện. AFP
Trong số 33 hộ dân ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cùng làm đơn khởi kiện tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) về những ảnh hưởng của đường dây tải điện 220 KV Tuyên Quang – Thái Nguyên, có 23 hộ đã phải đi khỏi nhà, sống vất vưởng ở các nơi khác vì lo sợ ảnh hưởng về sức khỏe và sinh mạng sau khi vùng đất này xảy ra hàng loạt các vụ tai nạn điện nghiêm trọng.
Một trong số những hộ dân ở lại vì điều kiện tài chính hạn chế cho biết các hộ dân sống ngay bên dưới đường dây truyền tải điện thường gặp các triệu chứng sau:
“Đau đầu, tức ngực, khó thở, mệt mỏi, choáng váng, giật, bỏng… Thằng bé con đứng trong nhà mà điện phóng vào bỏng hết nửa lưng phải mang đi cấp cứu. Có người bị điện phóng xuống chết đi sống lại cách đây khoảng 2 tuần, bây giờ cắm bút thử điện vào người là sáng rực lên như cắm vào ổ điện. Nhà tôi không ở được. Các con vật đẻ con bị dị dạng, chân không có ngón, mồm không có, không có mắt, chết dần chết mòn. Gà nuôi 8 tháng có 3 lạng, toàn khối u trên đầu thôi. Chúng tôi không biết bây giờ phải sống như thế nào. Gia đình tôi bây giờ tay trắng hết, không có nhà, không có đất, không có gì cả.”
Tập đoàn điện lực EVN bắt đầu xây dựng hệ thống lưới truyền tải điện 220 KV Tuyên Quang – Thái Nguyên kể từ năm 2006 và được đưa vào vận hành từ năm 2007. Đường dây điện này đi ngang qua nóc nhà của nhiều hộ dân ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gây ra nhiều trường hợp tai nạn điện nghiêm trọng. Vì vậy, các hộ dân nơi đây đã liên tục gửi đơn kêu cứu, khiếu nại lên các cơ quan có thẩm quyền để xin đền bù di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Thế nhưng việc giải quyết đền bù không được thỏa đáng nên các hộ dân đã đồng loại khiếu kiện EVN.
Một hộ dân cho biết:
Có người bị điện phóng xuống chết đi sống lại cách đây khoảng 2 tuần, bây giờ cắm bút thử điện vào người là sáng rực lên như cắm vào ổ điện.
Một hộ dân ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên
“Hỗ trợ nhưng bắt chúng tôi ở lại, bắt chúng tôi tồn tại trong môi trường nhiễm điện như thế đấy. Điện giật vào nhà tôi như thế mà bây giờ không giải quyết, không đền bù, bắt dân ở lại trong môi trường như thế.
Nói thật với chị, nhà tôi hàng nghìn lá đơn nhưng không ai giải quyết cả, toàn đùn đẩy né tránh hết, chạy trốn hết. Không chui đầu ra, cứ nói dối dân, nay thế này, mai thế kia. Sáu năm nay rồi, suốt từ năm 2006, tôi đã không có thuế nhà đất rồi.”
Các hộ dân Đại Từ cho biết đất của họ đã bị chuyển thành đất nông nghiệp, không phải là đất thổ cư. Người dân nơi đây không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nữa, nghĩa là không có quyền sở hữu về đất và nhà. Họ trở thành người cư trú trái phép ngay trên mảnh đất nhà mình.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, người được mệnh danh là “ông già Ozon”, cho biết ảnh hưởng nhiễm điện ở nơi đây là nghiêm trọng và chỉ có hai cách để giải quyết. Ông nói:
“Một là phải thay đổi đường dây, mà việc thay đổi đường dây thì tốn kém. Ngay cả thâm tâm tôi cũng rất muốn đưa điện về cho nông dân, đưa về càng nhiều nơi càng tốt. Cho nên tốt nhất là phải chuyển những nhà ở dưới đường truyền tải điện ấy ra chỗ khác. Hao phí sẽ rất ít. Còn nếu cứ bắt người dân phải ở đấy thì trước sau sức khỏe cũng hao mòn, sản xuất kém đi và sẽ có nhiều vụ tai nạn.”
Văn phòng luật sư Trần Vũ Hải cho rằng tập đoàn EVN đã không xác định rõ diện tích đất cần sử dụng và phương án đền bù, giải phóng mặt bằng trước khi xây dựng dự án đầu tư, khiến cho vụ việc trở nên phức tạp như hiện nay. Chính vì vậy, tập đoàn này không thể đổ trách nhiệm lên các đơn vị khác trong việc giải quyết các khiếu kiện, bức xúc cho người dân.

Không có nhận xét nào: