Pages

Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

Giải mã việc phá vỡ sự im lặng của Đài Loan


Quỳnh Chi


Đài Loan bắt đầu lên tiếng cũng như có những hành động gây chú hơn về vấn đề biển Đông. Đằng sau việc này là gì cũng như những “được – mất” mà nước này nhận được là như thế nào?

Tăng cường quân sự

Đảo Ba Bình
Trong số các nước có tuyên bố chủ quyền tại biển Đông, Đài Loan được đánh giá là nước khá kín tiếng. Tuy nhiên, sự im lặng này bắt đầu bị phá vỡ khi trong thời gian vừa qua, Đài Bắc liên tục có những hành động cho thấy nước này sẵn sàng “nhảy vào” vùng biển đang bị tranh chấp gay gắt.

Thiếu tướng La Thiệu Hoa, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 7 tháng 8 vừa tuyên bố tăng cường quân sự trên đảo Ba Bình/Thái Bình. Tuy thông tin cụ thể không được tiết lộ chính thức, nhưng báo chí Đài Loan từ hồi cuối tháng 7 đã có tin nói những loại khí tài này bao gồm các khẩu trọng pháo nòng 40 mm và súng cối nòng 120mm.

Đây là máy bay chiến đấu F 16 C/D của Hoa Kỳ mà Đài Loan muốn thay thế cho loại F16 AB hiện đang sử dụng. Photo courtesy of Airforce.mil.

Việc chuyển vũ khí được thực hiện sau khi hồi tháng Năm, Ủy ban quốc phòng Đài Loan đồng ý thông qua dự luật yêu cầu Bộ Quốc phòng chuyển vũ khí ra đảo Ba Bình.

Trước đó, ngoài việc thành lập đội không vận có khả năng đến Trường Sa trong vòng vài giờ, Đài Loan cũng loan tin nước này đang xem xét khả năng kéo dài đường băng ở Trường Sa thêm 500 mét.

Sự gia tăng quân sự trên một hòn đảo dưới sự bảo vệ của lực lượng dân sự là một động thái đáng gây chú ý vì năm 2000, Đài Loan chuyển quyền phòng vệ đảo này từ thủy quân lục chiến sang tuần duyên.

Chính sách “chỉ có một Trung Quốc” mà Bắc Kinh đang theo đuổi lâu nay là rào cản khiến Đài Loan bị loại ra trong hầu hết các cuộc thảo luận quốc tế liên quan đến tranh chấp biển Đông. Tuy nhiên, vào đầu tháng 8, ông James Chou, giới chức cao cấp thuộc bộ Đông Á – Thái Bình Dương của ngành ngoại giao Đài Loan lên tiếng khẳng định chủ quyền “không thể tranh cãi”của mình tại biển Đông và bày tỏ mong muốn được tham gia vào tất cả những hình thức đa phương nhằm giải quyết tranh chấp. Việc ông James Chou cho rằng “bất cứ giải pháp nào mà không có mặt của Đài Loan đều là đáng tiếc” cùng với các hành động gần đây từ phía Đài Bắc bắt đầu làm giới quan sát đặt một dấu chấm hỏi về lý do phía sau.

Lý do và thử thách

Tổng thống Mã Anh Cửu người đứng đầu chính quyền Đài Loan. RFA screen capture/TaiwanTV.

Thời gian gần đây, chính phủ của Tổng thống Mã Anh Cửu cũng đứng dưới áp lực từ đảng đối lập khi cuối tháng 7, truyền thông Đài Loan loan tin người phát ngôn đảng Dân Tiến (DPP) đối lập đã lên tiếng chỉ trích chính quyền đương nhiệm không phản bác việc thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa của Trung Quốc. Đó được xem là một trong những yếu tố dẫn tới việc Đài Loan phải phá vỡ sự im lặng của mình. Tuy nhiên, trao đổi với đài RFA hôm 9 tháng 8, ông Dean Cheng, chuyên gia về Đài Loan và Trung Quốc của The Heritage Foundation (Washington, D.C) cho biết thêm các lý do khác:

“Tôi cho rằng có nhiều lý do. Trước hết là vấn đề biển Đông đã trở nên thu hút rất nhiều sự chú ý cho nên rồi thì sẽ có lúc tất cả các bên lên tiếng về chủ quyền của mình thôi.
Thứ hai, tôi nghĩ là Tổng thống Mã Anh Cửu muốn tận dụng bộ quy tắc ứng xử COC – một cách giải quyết ôn hòa để nói lên hai điểm: thứ nhất Đài Loan là một nước khác Trung Quốc ở chỗ nước này có trách nhiệm và không muốn làm tình hình thêm căng thẳng. Thứ hai, Đài Loan muốn nói là mình có tư cách hợp pháp để tham gia vào tất cả các cuộc thảo luận nào liên quan đến tình hình tranh chấp”.

Từ năm 2006, sau khi bị chỉ trích mạnh mẽ vì xây đường băng dài 1150 mét trên đảo Ba Bình, Đài Loan thường duy trì thái độ im lặng trong các sự kiện liên quan đến tranh chấp biển Đông. Mặc dù vậy, việc theo đuổi một chính sách thận trọng trên biển Đông không có nghĩa là Đài Loan sẽ không thể hiện lập trường cứng rắn của mình bởi vì nước này không dễ dàng từ bỏ cơ hội.

Thứ hai, Đài Loan muốn nói là mình có tư cách hợp pháp để tham gia vào tất cả các cuộc thảo luận nào liên quan đến tình hình tranh chấp.
Ô. Dean Cheng
Động thái này của Đài Loan được ông Dean Cheng đánh giá là có thể mang đến cho Đài Loan những cơ hội trong đó bao gồm việc nước này có thể được tham gia vào các cuộc thảo luận tranh chấp biển Đông. Mặc khác, đây cũng là hình thức để Đài Loan gián tiếp khẳng định sự khác nhau giữa Đài Bắc và Bắc Kinh. Song song những lợi ích, còn có thử thách và thậm chí nguy hiểm. Ông Dean Cheng cho biết:

“Một trong những thách thức mà Đài Loan có thể đối mặt là Trung Quốc có thể qua việc này mà có thêm những đe dọa quân sự lên Đài Bắc. Những đe dọa này không nhất thiết nhắm vào Đài Loan để Mỹ có thể nhúng tay vào để bảo vệ. Chẳng hạn Bắc Kinh có thể gia tăng đe dọa lên đảo Ba Bình nhằm gây sức ép lên Đài Loan mà các nước khác khó có thể can thiệp”.

“Đạo luật quan hệ Đài Loan” thông qua năm 1979 của Hoa Kỳ như một sự đảm bảo để Washington bảo vệ Đài Bắc khi nước này gặp sự tấn công từ phía lục địa. Tuy nhiên, khi liên quan đến biển Đông, thì Hoa Kỳ khó lòng đi khỏi vị trí của một nước bảo vệ quyền tự do hàng hải.

Cây bút thường trú tại Đài Loan J. Michael Cole viết trên tờ Diplomat gần đây rằng thách thức mà Đài Loan phải đối mặt là làm sao tăng cường khả năng phòng vệ trên đảo Ba Bình nhưng cũng đồng thời làm cho đảo này “không trở nên quá hấp dẫn để các nước khác phải chiếm đóng bằng vũ lực”. Xem ra thách thức không chỉ dừng lại ở đó khi Đài Loan đã chuyển quyền phòng vệ đảo Ba Bình từ thủy quân lục chiến sang tuần duyên. Điều này có nghĩa là Đài Loan đứng trước một thế khó xử khi để cho thành phần dân sự chịu trách nhiệm bảo vệ hòn đảo lớn nhất khu vực tranh chấp nhưng cũng không thể triển khai quân sự quá mức để phá vỡ qui định đã thông qua cách đây 12 năm.

Hợp tác với Bắc Kinh?

Trưởng đoàn đàm phán của Trung Quốc Chen Yunlin (trái) trao đổi tài liệu với đối tác Đài Loan Chiang Pin-kung (phải) trong cuộc đàm phán thương mại tại Đài Bắc vào ngày 9 tháng 8 năm 2012. AFP photo/ Sam Yeh.

Khi Đài Loan bắt đầu lên tiếng, các nghi vấn đặt ra không chỉ xoay quanh việc nước này “được – mất”như thế nào mà còn là câu hỏi liệu sẽ có một sự hợp tác giữa Bắc Kinh và Đài Bắc trên biển Đông.

Mặc dù ông Tsai De-sheng, người đứng đầu cục An ninh Nội địa vùng lãnh thổ Đài Loan tuyên bố trong một cuộc họp báo hồi tháng 5 rằng “hiện nay không có chuyện Đài Loan sẽ hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông” nhưng gần đây, giám đốc Tập đoàn Dầu khí Đài Loan – Khưu Nghi và nghị sĩ Chiu Yi thuộc Quốc Dân Đảng đã đánh tiếng kêu gọi sự hợp tác của hai nước nhằm khai thác tài nguyên biển Đông.

Tờ Asia Times vừa đăng bài của tác giả Brendan O’Reilly trong đó nêu lên rằng cả Đài Loan và Trung Quốc có cùng một tuyên bố chủ quyền ở đường lưỡi bò và cả hai đều đồng thuận là chủ quyền tại biển Đông thuộc về “người Trung Quốc”. Ông Dean Cheng thì nghĩ rằng sẽ rất khó để hai nước có thể hợp tác quân sự với nhau:

“Hợp tác quân sự rất khó. Trước khi nó có thể diễn ra, cần giải quyết nhiều mâu thuẫn. Chắc chắn nó khó hơn người ta nghĩ nhiều lắm. Thêm nữa, nếu mà quân đội Đài Loan hợp tác với giải phóng quân Trung Quốc thì sẽ làm cho rất nhiều người thắc mắc.
Nếu mà Đài Loan hợp tác quân sự với Trung Quốc thì có thể cánh cửa vào LHQ và những thỏa thuận quốc tế khác sẽ đóng lại.
Ô. Dean Cheng
Thời tổng thống trước ông Mã Anh Cửu, Đài Loan cũng từng tìm kiếm cơ hội trở thành thành viên của LHQ. Nếu mà Đài Loan hợp tác quân sự với Trung Quốc thì có thể cánh cửa vào LHQ và những thỏa thuận quốc tế khác sẽ đóng lại”.

Khả năng hợp tác dù còn quá sớm để nói, mỗi động thái mới tại vùng biển này đều làm dấy lên một quan ngại. Một trong những quan ngại đầu tiên là bức tranh về biển Đông trong thời gian tới sẽ như thế nào. Thắc mắc này được ông Dean Cheng cho biết:

“Tôi không thể dự đoán trước những bước đi tiếp của nước nào. Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng Đài Loàn đứng ở vị trí phản ứng lại hơn là tạo ra. Bắc Kinh và Việt Nam là một trong những con cờ chính của những mâu thuẫn. Nếu mà có thêm căng thẳng trên biển Đông thì tôi cũng không nghĩ là do Đài Bắc tạo ra trước”.

Theo giới quan sát, Đài Loan có một lối ứng xử khá cẩn thận tại biển Đông và những gì mà nước này đang làm chỉ có thể xem là một sự phòng vệ. Thông điệp mà Đài Loan đưa ra được đánh giá là nhằm nói rằng đảo Ba Bình là dưới sự kiểm soát của họ và không dễ dàng mất đi. Thông điệp này cũng được cho là khác với cách hành xử được đánh giá là “đơn phương” và “khiêu khích” tại biển Đông mà Trung Quốc đang muốn gởi tới các nước trong khu vực và kể cả Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, bất cứ một bước đi nào trên một bàn cờ quan trọng cũng sẽ được chú ý và khiến người chơi cờ phải chau mày suy nghĩ. Gần đây Manila chính thức tuyên bố không quan ngại về các hoạt động của Đài Loan tại Ba Bình vì đây không phải là nơi họ tranh chấp. Tuyên bố của Philippines không khiến người ta ngạc nhiên nhưng lại tạo ra một câu hỏi khiến: “Những nước có tuyên bố chủ quyền tại Ba Bình sẽ phải hành xử như thế nào?”.

© Quỳnh Chi, phóng viên RFA

Không có nhận xét nào: