Nhân Khánh, thông tín viên RFA
Hiện nay, thời điểm đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại Việt Nam đã chính thức khởi động từ cấp chính phủ.
Liên quan đến sự thay đổi có tính hệ thống về quản lý hành chính này, có nhiều vấn đề cần giải quyết.
Trước những khó khăn dồn dập về mặt kinh tế, chính sách ổn định xã hội cần thúc đẩy mạnh hơn. Phương cách sử dụng các nguồn lực xã hội, góp phần tăng trưởng bền vững cho quốc gia là một thực trạng cần có những cải cách lớn. Chính quyền đô thị là mô hình quản lý hành chính phù hợp với đặc thù của đô thị, có sự phân biệt rõ rệt với nông thôn.
Tự chủ cho địa phương?
Vừa qua, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho 8 tỉnh cùng một số bộ, ngành nghiên cứu đề xuất mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Thời gian hoàn thành các báo cáo là cuối tháng này. Chúng tôi có trao đổi với Tiến sỹ Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển thì được biết thêm như sau:
Các địa phương cần có một sự tự chủ nhiều hơn nữa trong quản lý địa phương những vấn đề về đất đai, quản lý đô thị, về môi trường, về trật tự an toàn giao thông.TS Hoàng Ngọc Giao
“Có thể khái quát là, theo tôi, vấn đề các chính quyền địa phương hiện nay đặt ra trên các phương tiện truyền thông, xuất phát từ những đòi hỏi một cách khách quan của địa phương. Bởi vì các địa phương cần có một sự tự chủ nhiều hơn nữa trong quản lý địa phương những vấn đề về đất đai, quản lý đô thị, về môi trường, về trật tự an toàn giao thông.
Hà Nội đang trong quá trình vận động là làm sao có được một luật về thủ đô, để có những quyền riêng của địa phương mình. Thực ra hiện tượng Hà Nội phải có một luật về thủ đô, theo tôi hiện tượng này cũng giống như xu thế của một số các thành phố lớn. Khi nhu cầu tự chủ hơn nữa trong quản lý thành phố lên cao, người ta cần phải có những quy chế riêng mà không phụ thuộc nhiều vào trung ương. Đây là câu chuyện suy cho cùng là vấn đề phân cấp, phân quyền giữa trung ương với các địa phương.”
So với mô hình chính quyền hiện tại, đề án về mô hình chính quyền đô thị muốn vươn tới những mục tiêu quản trị cao hơn. Quá trình hình thành một mô hình chính quyền đô thị hợp lý và hoàn chỉnh còn nhiều việc cần bàn. Chúng tôi liên hệ với Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển, một trong những đơn vị nghiên cứu về đề án chính quyền đô thị tại Sài Gòn. Về đặc điểm chính của đề án, chúng tôi được Phó Giáo sư Tiến sĩ Tôn Nữ Quỳnh Trân, Giám đốc Trung tâm này cho biết:
Bây giờ chúng tôi cũng đang mới bắt đầu làm và muốn tìm ra phương thức làm thế nào xây dựng được mô hình hữu hiệu trong quản lý nhà nước, giúp tăng trưởng kinh tế hơn.”
Điểm chung về mô hình chính quyền đô thị do các thành phố đề xuất cho thấy, người đứng đầu chính quyền đô thị sẽ có toàn quyền quyết định các vấn đề quan trọng tại địa phương. Do nắm rõ những lĩnh vực trong phạm vi địa phương, chính quyền sở tại cần được chủ động giải quyết những vấn đề của đô thị. Trong bối cảnh tăng quyền tự chủ cho chính quyền địa phương, theo Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao, nhà nước cần phải thực hiện đồng bộ các hoạt động phân quyền khác:
“Vậy thì tổ chức chính quyền địa phương như thế nào, trong mối quan hệ với chính quyền trung ương. Nếu như chúng ta tăng quyền tự chủ cho chính quyền địa phương, ở đây là chính quyền địa phương sẽ được quyền tự chủ quyết định nhiều hơn. Theo quan điểm cá nhân tôi, như thế chưa đủ. Muốn có sự phát triển chính quyền địa phương một cách tự chủ, mà chỉ có phân quyền nhiều hơn cho chính quyền địa phương; không có sự kiểm soát, không có sự đánh giá thì dễ dẫn đến chuyện địa phương sẽ có những tùy tiện trong việc điều hành quản lý các nguồn lực, cũng như quản lý đô thị.
Tôi nghĩ rằng, rõ ràng xã hội ngày càng cần đến một xã hội dân sự lành mạnh và có năng lực. Đây là điều hiển nhiên.Ô. Lê Quang Bình
Để giải quyết vấn đề này, yếu tố rất quan trọng là, khi trao quyền cho chính quyền địa phương thì đồng thời cũng trao nhiều quyền hơn nữa cho người dân; có nghĩa là trao quyền kiểm soát của người dân đối với hoạt động của chính quyền địa phương. Phải thấy rằng, cách trao nhiều quyền nhất cho người dân, là phải trao quyền cho người ta được có tiếng nói trong việc bầu ra những người thực sự có năng lực, có trách nhiệm phát triển được địa phương.
Đây là hai mặt của vấn đề cần phải thu xếp. Nếu chỉ đòi tự chủ cho chính quyền địa phương mà không tăng cường quyền lực nhân dân, không tăng cường tiếng nói của nhân dân, không có những cơ chế để nhân dân kiểm soát; không tăng tính trách nhiệm và giải trình của chính quyền thì rõ ràng chưa chắc cải thiện được tình hình.”
Sao cho minh bạch?
Trong mô hình chính quyền đô thị, bộ máy hành chính vận hành mà không cần nhiều hỗ trợ từ trung ương. Vấn đề cốt lõi là cách vận hành bộ máy hành chính sao cho minh bạch và có hiệu quả. Trong trường hợp tinh giản Hội đồng nhân dân các cấp trung gian, xã hội dân sự có một vai trò nhất định trong cơ chế giám sát của nhân dân. Chúng tôi có trao đổi ý kiến này với ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường thì được cho biết như sau:
“Tôi nghĩ rằng, rõ ràng xã hội ngày càng cần đến một xã hội dân sự lành mạnh và có năng lực. Đây là điều hiển nhiên. Mặc dù Hội đồng nhân dân thay đổi như thế nào, xã hội nhân sự vẫn đóng một vai trò quan trọng. Tôi nghĩ là ngày càng quan trọng trong vấn đề đóng góp, góp ý và giám sát chính sách của chính quyền.”
Do liên quan đến nhiều lãnh vực khác nhau, việc triển khai mô hình chính quyền đô thị vào thực tế đã kéo dài nhiều năm. Theo Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao, khó khăn lớn nhất là:
“Theo tôi, khó khăn nhất là quyết tâm chính trị. Khi đã có quyết tâm chính trị, quyết tâm làm thì tôi nghĩ rằng về mặt cơ chế, về mặt thể chế cải cách; chúng ta đều có rất nhiều chuyên gia giỏi. Chứ không phải là vấn đề khó khăn gì cả.
Và mức độ quyết tâm tới đâu. Rõ ràng là có nhiều chuyện, chúng ta thấy rất là có lý nhưng khi vào cuộc, thấy nó cứ kéo dài. Theo tôi, quan trọng nhất là phải có quyết tâm làm thực sự, làm có lộ trình thì làm được thôi.”
Nhìn chung, một loạt vấn đề được đặt ra trong việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Nếu hệ thống chính quyền được sắp xếp tinh gọn lại thì hệ thống đoàn thể hiện nay cũng không thể nằm ngoài xu thế chung này. Về chế độ tự quản địa phương, thực tiễn thế giới đã có những bước phát triển lớn. Hiến chương về tự quản địa phương ở châu Âu có hiệu lực từ năm 1988, Trung Quốc đã chuyển sang cơ chế người dân trực tiếp bầu thị trưởng từ năm 1994. Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương là cần thiết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét