Pages

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Mỹ đang thiết lập một NATO phiên bản châu Á

SGTT.VN - Mỹ lên kế hoạch mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Á. Khi hệ thống này hoàn tất, Mỹ sẽ thiết lập được một vòng cung án ngữ toàn bộ phía Đông và Đông Nam Trung Quốc và có thể giám sát chính xác bất kỳ một tên lửa đạn đạo nào được bắn từ Trung Quốc ra Thái Bình Dương.


Hệ thống radar X-Band1 của Mỹ được lắp đặt tại khu vực Okinawa của Nhật Bản. Ảnh: TL

Mỹ mới đây tuyên bố đang lên kế hoạch mở rộng quy mô lớn hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Á. Theo đó, Mỹ sẽ bố trí một radar mới ở Nhật Bản và có thể một ở Đông Nam Á liên kết với các tàu phòng thủ tên lửa và hệ thống đánh chặn trên đất liền. Hiện Mỹ dự tính điều động radar phòng thủ tên lửa X-Band đến một hòn đảo chưa rõ tên ở miền Nam nước Nhật. Giới chức quốc phòng Mỹ cho biết radar này có thể được lắp đặt chỉ trong vòng vài tháng sau khi Nhật Bản chính thức đồng ý. Trước đó năm 2006, Mỹ đã lắp hệ thống X-Band tương tự ở tỉnh Aomori, miền Bắc Nhật Bản. Cũng theo báo này, Mỹ đang tìm kiếm một địa điểm ở Đông Nam Á cho radar X-Band thứ ba để tạo vòng cung theo dõi tên lửa đạn đạo phóng đi từ Bắc Triều Tiên cũng như từ Trung Quốc. 
Đây là một phần trong hệ thống phòng thủ, bao phủ một vùng rộng lớn ở châu Á, với việc đặt thêm trạm radar ở phía Nam Nhật Bản và có thể ở Đông Nam Á, giúp phát hiện và bắn chặn kịp thời tên lửa của đối phương được phóng đi từ đất liền hoặc từ tàu chiến. Kế hoạch này nằm trong chiến lược phòng thủ mới do chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đề ra theo đó tập trung chú ý tới châu Á - Thái Bình Dương, khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với nền kinh tế Mỹ. Một khi công tác bố trí hoàn tất, Mỹ sẽ thiết lập được một vòng cung án ngữ toàn bộ phía Đông và Đông Nam Trung Quốc và có thể giám sát chính xác bất kỳ một quả tên lửa đạn đạo nào được bắn từ Trung Quốc ra Thái Bình Dương. Như vậy, Trung Quốc cũng sẽ không còn điểm đột phá nào để có thể đưa ra sự đe dọa đối với Mỹ.
Hồi tháng Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết nước này đang có kế hoạch điều chuyển phần lớn các chiến hạm của mình tới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2020. Theo ông Panetta, tới năm 2020, khoảng 60% số tàu chiến của Mỹ sẽ được triển khai ở đây.

Nhằm vào ai?

Việc mở rộng hệ thống phòng thủ diễn ra trong bối cảnh Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực lo ngại về nguy cơ Bắc Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân cũng như thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong các tranh chấp về chủ quyền biển đảo, như tại Biển Đông.
Mặc dù chính phủ Mỹ nói rằng việc bố trí tại châu Á hệ thống phòng thủ tên lửa là nhằm đối phó với nguy cơ tên lửa của Bắc Triều Tiên, song rõ ràng cách nói này chỉ là sự bao biện nhằm che đậy mục đích chính. Nếu so sánh quân lực giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên, Mỹ sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa để đối phó Bình Nhưỡng chẳng khác gì “lấy đại bác để đánh ruồi muỗi”, cơ bản là không cần thiết. Cũng giống như việc Mỹ bố trí tại châu Âu hệ thống phòng thủ tên lửa, bề ngoài Mỹ nói là nhằm đối phó với nguy cơ tên lửa của Iran, song trên thực tế là để đối phó với Nga, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Á cũng là nhằm vào một đối tượng chính, đó là Trung Quốc.
Shielders, chuyên gia nghiên cứu về phòng thủ tên lửa của Quốc hội Mỹ cũng công khai nói rằng, trọng điểm trong ngôn từ Mỹ đưa ra là nhằm vào Bắc Triều Tiên, song thực tế là xuất phát từ “con voi lớn” mà Mỹ cần phải đề phòng về lâu dài, “con voi lớn” này rõ ràng là chỉ Trung Quốc.
Hệ thống phòng thủ tên lửa không giống như các loại vũ khí thông thường, một khi được bố trí hoàn tất tại các nước khác nhau, nó sẽ liên kết các nước này lại, hình thành một khối đồng minh quân sự hữu cơ. Trước đây, Mỹ bao vây Trung Quốc chủ yếu là thông qua việc kết đồng minh với từng nước xung quanh Trung Quốc, song giữa các đồng minh này không hề có sự liên hệ về quân sự, Trung Quốc do đó có rất nhiều điểm đột phá có thể lợi dụng. Nay Mỹ bố trí tại châu Á hệ thống phòng thủ tên lửa, mục đích chính là nhằm liên kết Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và các nước Đông Nam Á lại với nhau, từ đó hình thành một mạng lưới quân sự gắn kết, khiến cho Trung Quốc không còn lối nào để đi.

Các biện pháp khác

Ngoài việc bố trí tại châu Á hệ thống phòng thủ tên lửa, Mỹ còn áp dụng một số biện pháp khác với các nước đồng minh của mình nhằm thúc đẩy nhất thể hóa quân sự. Mới đây, Nhật Bản đã cùng Mỹ đạt được thỏa thuận, theo đó từ năm tới Nhật Bản sẽ cử quan chức của lực lượng phòng vệ nước này tới thường trú tại Bộ Quốc phòng Mỹ, đây sẽ là quan chức quân sự đầu tiên của Nhật Bản được cử đi thường trú tại cơ quan quốc phòng của Mỹ. Điều này có ý nghĩa rằng quân sự Mỹ-Nhật đã được nhất thể hóa, vào những khi cần thiết, Mỹ có thể điều động quân đội của Nhật Bản, đồng thời làm cho nội hàm đồng minh quân sự Mỹ-Nhật được nâng lên tầm cao mới.
Ngoài ra, theo phía quân đội Mỹ tiết lộ, một vị Thiếu tướng của Australia sẽ trở thành Phó Tư lênh Lục quân Thái Bình Dương của Mỹ. Việc một người Australia đảm nhận một chức vụ cao như vậy trong quân đội Mỹ, nhìn bề ngoài dường như có cái gì đó không bình thường, song nếu suy xét vấn đề một cách sâu xa, có thể thấy rằng đây là việc làm tiêu chí cho sự nâng cấp của đồng minh quân sự Mỹ-Australia.
Theo báo chí Trung Quốc ý đồ bao vây Trung Quốc của Mỹ đã bộc lộ rõ, mục tiêu của nó là muốn thành lập một NATO phiên bản châu Á. Thông qua hàng loạt biện pháp như bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Á, cái gọi là khối NATO phiên bản châu Á này đã hình thành trên thực tế, chẳng qua chỉ là “hữu thực vô danh”. Một khi thai nghén chín muồi, quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn, Mỹ-Nhật, Mỹ-Australia cùng các nước Đông Nam Á sẽ được hợp lại với nhau dưới sự lãnh đạo của Mỹ, hình thành một tổ chức quân sự mới chuyên nhằm đối phó Trung Quốc. Đến lúc đó, việc tổ chức này được gọi là gì không còn là điều quan trọng.

Chính sách châu Á của Mỹ có nhiều thay đổi

Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales cho rằng chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có nhiều thay đổi kể từ khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền năm 2009, bằng chứng là Mỹ đã thắt chặt quan hệ với nhiều nước Đông Nam Á, đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao, tăng cường hiện diện cả về quân sự lẫn kinh tế tại khu vực này...
Theo Giáo sư Carl Thayer, Tổng thống Obama đã dùng cách tiếp cận đa phương để lật lại thế cờ với Trung Quốc ở khu vực này. Trong khi chính sách của cựu Tổng thống George W. Bush đối với châu Á-Thái Bình Dương là coi trọng các mối quan hệ song phương, giảm tầm quan trọng của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các định chế đa phương, thì từ khi bắt đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Obama đã xem xét mọi điểm yếu của chính sách đó để lật ngược chúng.
Gần đây, để đối phó với thái độ hung hăng hơn của Trung Quốc, Tổng thống Obama đã áp dụng cách tiếp cận đa phương. Đó là lý do khiến Mỹ đến dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, bổ nhiệm đại sứ tại ASEAN, đích thân Tổng thống Obama, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến dự các hội nghị thượng đỉnh của ASEAN. Những động thái đó cho thấy Mỹ quyết tâm chứng tỏ các quyền lợi kinh tế, chính trị và chiến lược của Mỹ nằm tại khu vực này, và Washington quyết tâm hậu thuẫn các chính sách của mình bằng hành động. Đây chính là chính sách chuyển trọng tâm sang châu Á của chính quyền Tổng thống Obama.
Tuy nhiên, có một câu hỏi được đặt ra là liệu chính sách này có thay đổi nếu cử tri Mỹ dồn phiếu cho liên danh Romney-Ryan của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới hay không? Theo nhận định của Giáo sư Thayer, nếu ứng cử viên Mitt Romney của đảng Cộng hòa đắc cử tổng thống, chính sách của Mỹ đối với châu Á sẽ thay đổi theo chiều hướng tiêu cực vì ông Romney có vẻ không chú trọng tới châu Á như ông Obama. Giáo sư Thayer cho rằng khi đó, Mỹ sẽ vắng mặt nhiều hơn trong các sự kiện ở châu Á-Thái Bình Dương, và đây sẽ là một bước thụt lùi trong những thành quả mà Mỹ đã đạt được dưới thời Tổng thống Obama.
Giáo sư Thayer cho biết từ khi đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2009, và ngay cả trước khi làm lễ tuyên thệ nhậm chức, ông Obama đã liên lạc với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Hai nhà lãnh đạo đã nhanh chóng gặp gỡ và đạt được một số thỏa thuận. Giáo sư Thayer hy vọng nếu ông Romney trúng cử tổng thống vào tháng 11 tới, cố vấn của ông sẽ khuyên ông chọn cách hành xử tích cực trước để xem xét tình hình, thay vì chọn thái độ thù nghịch với Trung Quốc ngay từ đầu. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét