Pages

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Nấu cháo biểu tình !



Ngày xưa Gandhi ra biển vớt muối để phản đối thực dân Anh đánh thuế muối thì ngày nay dân ta có sáng kiến này:
Phóng viên Khánh An, của đài phát thanh Á Châu Tự Do loan tin khoảng 1,000 người dân xã Liên Hiệp, huyện Phú Thọ, thuộc thành phố Hà Nội đã tập họp trong sân trụ sở của Ủy Ban Nhân Dân (UBND) xã từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều hôm thứ Ba 24 tháng Bảy để… nấu cháo biểu tình, đòi chính quyền trả lại đất đã tịch thu của nông dân và nghiêm khắc trừng phạt những cán bộ tham nhũng, cắt đất của nông dân đem bán.
Lực lượng biểu tình còn đặt một cái trống lớn ngay giữa sân để đánh trống kêu oan.
Quang cảnh biểu tình trong sân UBND xã Liên Hiệp
Khánh An viết: “Đây là lần thứ ba bà con xã Liên Hiệp tổ chức nấu cháo ngay tại sân UBND xã. Ngoài việc mang trống, chở nồi niêu, củi lửa ra sân UBND để nấu cháo, bà con còn treo rất nhiều biểu ngữ xung quanh khu vực này”.

Câu hỏi nhiều người muốn được giải đáp là “quý vị cán bộ tham nhũng ở mô, lực lượng công an ở mô, mà bỏ trống trụ sở UBND xã để mặc thôn dân đánh trống, ăn cháo và đả đảo chính quyền, dù chỉ là chính quyền xã?” Nếu đây không phải là một hình thức nhân dân cướp chính quyền, thì cũng là cảnh chính quyền bỏ trốn, …3 lần. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là zdụ zdiệc xảy ra ngay trong địa bàn thủ đô Hà Nội, nơi “gần mặt trời”, thì đáng lẽ việc làm bất chính phải giảm bớt.
Ông Đỗ Sĩ Thục, một thôn dân đang biểu tình trong sân trụ sở UBND, khoe thành tích của dân xã: “Biểu ngữ rất nhiều, treo kín toàn bộ sân Ủy Ban. Biểu ngữ ghi tên tất cả các cán bộ sai phạm treo lên toàn bộ cổng quanh khu vực Ủy Ban”.
Ông Thục cho biết việc thôn dân kiện 11 cán bộ xã Liên Hiệp và huyện Phú Thọ “ăn đất” kéo dài đã hơn một năm rồi nhưng vẫn chỉ là việc đánh bùn sang ao, tham quan cấp lớn che chở quan tham cấp nhỏ, không thực hiện một biện pháp trừng phạt hay chấn chỉnh nào cả. Do đó , vụ đánh trống kêu oan và ăn cháo biểu tình lần thứ nhất diễn ra vào cuối tháng Tư năm nay.
Chị Đinh Thị Thơm, một người dân ở xã, cho biết:
“Chúng tôi làm đầy đủ giấy tờ ra tỉnh, thành phố, trung ương đầy đủ cả nhưng ở huyện người ta cứ khất lần đã hơn một năm rồi. Vừa rồi, người ta cũng khất một tháng nữa. Chúng tôi đã ‘cho’ một tháng rưỡi mà người ta vẫn chưa trả lời nên chúng tôi phải nấu cháo nữa để xem bao giờ người ta trả lời, trả đất cho chúng tôi”.
Trong tinh thần bất bạo động, chị Thơm nói thêm: “Chúng tôi chỉ đòi đất lại, trả lại là xong, chúng tôi không làm gì nữa cả”.
Cuộc nấu cháo biểu tình lần thứ nhì xảy ra vào tháng Sáu; sau cuộc biểu tình này, thành phố Hà Nội đã có công văn chỉ thị chính quyền xã và huyện phải giải quyết thỏa đáng khiếu nại của thôn dân, nhưng lệ làng mạnh hơn phép vua nên không những không giải quyết, cán bộ địa phương còn bao che cho nhau.
Ông Đỗ Sĩ Thục cho biết: “11 cán bộ trong xã vi phạm Luật Đất Đai và phóng tay tham ô, lãng phí, biển thủ công quỹ vẫn chưa bị xử lý, chưa bị kỷ luật, mà huyện lại bảo chúng tôi ‘tạm ngừng 15 ngày để xét xử’. Nhưng cuối cùng có xét xử gì đâu: chủ tịch UBND xã vẫn ngồi ghế chủ tịch, tất cả bộ máy tham nhũng vẫn còn y nguyên”.
Thôn dân xã Liên Hiệp nói tham nhũng đã mọc rễ từ thập niên 90, chính quyền địa phương xã Liên Hiệp liên tục gây ra những vụ sai phạm trong việc quản lý đất đai gây hậu quả nghiêm trọng. Người dân cho biết, hiện ở xã Liên Hiệp có những lô đất ruộng được lén mời thầu từ năm 1998 tới giờ mà không nộp tiền cho xã, không ghi vào sổ sách. Đất canh tác được chia cho người dân trước đây đều bị cắt xén và sử dụng sai mục đích. Chị Đinh Thị Thơm nói: “Ở phía Đông chúng tôi trước kia, vào năm 1993, chúng tôi có 10 khẩu, (mỗi khẩu) 11 thước. Đến năm 1998, người ta rút, chia lại, rút của chúng tôi mỗi người một thước. Bến bãi thì hiện nay chúng tôi mất rất nhiều đất. Trước kia chúng tôi có 3, 4 chỗ làm mà giờ gom lại chỉ còn một chỗ làm thôi. Giờ người ta cho đấu thầu hết. Chỗ thì bán, chỗ thì đấu thầu”.
Cảnh thôn dân chiếm trụ sở xã Liên Hiệp
(Photo courtesy of worldpress)
Ngoài việc dồn điền, cắt xén đất đai của dân, chính quyền địa phương còn sử dụng đất thu hồi được để đem cho một số nhà làm nghề mạ kẽm thuê. Các cơ sở sản xuất này xả hóa chất độc hại chưa được xử lý ra môi trường bên ngoài khiến cho những khu vực xung quanh bị ô nhiễm.
Không dừng lại ở đó, vào năm 2008, chính quyền địa phương lại tiếp tục cắt mỗi khẩu thêm 15 thước vuông đất để cho thuê; dĩ nhiên tiền thuê đất vào túi cán bộ, người dân bị cắt đất không được hưởng bất cứ quyền lợi gì.
Phẫn uất, nông dân đứng lên, kéo nhau ra sân trụ sở xã nấu cháo cùng ăn với nhau, treo biểu ngữ và đánh trống kêu oan. Đóng vai trò người hiểu biết trong xã, ông Đỗ Sĩ Thục nói với phóng viên Khánh An: “Toàn bộ nhân dân xã Liên Hiệp tổ chức nấu cháo vì bây giờ họ hiểu quyền lợi đất là quyền lợi của họ. Nhiều người nói đùa nếu Chủ tịch huyện, Chủ tịch xã chúng tôi mà lên chức, làm Chủ tịch nước thì quần đảo Hoàng Sa đã bị bán từ lâu rồi. Dù biết là xã cố tình cắt đất đem bán, nhưng chúng tôi vẫn bảo dân không được quá uất ức đi đến bạo động đấu tranh, mà chỉ tự giới hạn vào hành động nấu cháo tại UBND xã. Kỷ luật đấu tranh là không được gây mất trật tự, xã ăn cắp và tham ô đất của dân thì xã phải chịu trách nhiệm trả lại cho dân. Nếu không, thành phố phải về giải trừ và tiếp xúc trực tiếp với chúng tôi”.
Người dân ở xã Liên Hiệp cho biết ngày mai và những ngày tiếp theo họ vẫn tiếp tục tổ chức nấu cháo, biểu tình cho đến khi nào chính quyền địa phương giải quyết điều oan khuất của họ mới thôi. Hiện bà con đã chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng nấu cháo một tuần lễ, thậm chí nếu cần, có thể kéo dài việc nấu cháo để đòi đất đến hàng tháng sau.
Sáng kiến “nấu cháo biểu tình” rất hay, dù không bảo đảm cho người biểu tình là lực lượng công an không dùng bạo lực để giải tán họ. Nếu họ không ngoan ngoãn giải tán theo lệnh của công an, nồi cháo sẽ bị đập bể, mặt trống sẽ bị chọc thủng.
Và khí uất trong nồi xúp de đã căng cứng lại căng thêm cho đến lúc quả bom phẫn uất phát nổ như nó đã nổ tung ở Nga, ở Đông Âu, hất những kẻ tham nhũng, độc tài và bạo ngược xuống vực thẳm lịch sử.
Nguyễn đạt Thịnh

Không có nhận xét nào: