Nam Nguyên, phóng viên RFA
Ngư dân một số nơi tự hình thành liên kết trên biển để tiếp tế dầu, thực phẩm và thu mua hải sản tại chỗ, kéo dài chuyến đánh bắt cũng như hỗ trợ nhau khi gặp nạn. Nam Nguyên ghi nhận thông tin này.
Hiểm nguy ngày càng gia tăng đối với các tàu cá của ngư dân Việt Nam trong những chuyến đi đánh bắt hải sản trên biển Đông. Hành động Trung Quốc lấn biển, ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, được gia tăng với việc Bắc Kinh lập thành phố Tam Sa và lập bộ chỉ huy quân sự nhằm kiểm soát toàn vùng biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam. Không những thế, 23.000 tàu cá của vùng Hải Nam được các tàu ngư chính hải giám hùng hậu bảo vệ, đang tràn xuống phía nam như một hành động cụ thể hóa sự hiện diện, cũng như tranh chấp các ngư trường của ngư dân Việt Nam.
Mô hình tàu mẹ liên kết hỗ trợ các tàu con
Ngư dân Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn nhưng vẫn bám biển, Thuyền trưởng Chí Thạnh ở Huyện Đảo Lý Sơn Quảng Ngãi phát biểu hôm 6/8 trong khi đang chuẩn bị cho chuyến ra khơi:
Bao giờ cũng vậy đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh. Đây là một hướng đi do ngư dân tự nghĩ ra, còn nhà nước có vai trò hỗ trợ.Ô. Nguyễn Tử Cương
Trong hoàn cảnh như thế, nếu có tàu dịch vụ, mua thủy sản đánh bắt của các tàu cá ở ngoài khơi, đồng thời cung cấp nhiên liệu và lương thực cho các tàu cá, thì chuyến đi biển của ngư dân có thể kéo dài hơn, với chi phí giảm nhẹ lợi nhuận sẽ cao hơn. Ngoài ra nếu tàu cá đi theo nhóm và có một tàu mẹ hỗ trợ, thì ngoài vấn đề lợi ích kinh tế, ngư dân sẽ bớt lẻ loi khi gặp bão táp hoặc đối diện bọn cướp biển từ phương Bắc. Nhận định về vấn đề vừa nêu, ông Nguyễn Tử Cương, ủy viên thường vụ Hội nghề cá Việt Nam phát biểu:
“Chính phủ cũng như người dân đang rất là kiên quyết biển của Việt Nam thì tàu của Việt Nam cứ đi lại và cứ khai thác. Chúng tôi nghĩ rằng việc đi theo đội có một tàu lớn hơn, vừa làm thu gom cung cấp dầu nước …thì bao giờ cũng vậy đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh. Đây là một hướng đi do ngư dân tự nghĩ ra, còn nhà nước có vai trò hỗ trợ, như giúp trang bị những máy liên lạc cực mạnh để đảm bảo là tàu mẹ có thể liên lạc với tàu con bất cứ lúc nào, hoặc có chính sách hỗ trợ về vốn để ngư dân đóng những con tàu với lãi suất thấp hơn. ”
Mô hình chưa thành công
Theo thông tin chúng tôi ghi nhận, cũng với một ý tưởng như thế, nhưng mô hình đội tàu hậu cần nghề cá bị thất bại ở Khánh Hòa Nha Trang do việc thu mua hải sản của tàu mẹ chỉ phục vụ lợi ích một phía. Nhận định về vấn đề này ông Nguyễn Tử Cương phát biểu:
“Nếu như không có một sự liên kết hữu cơ tự nguyện của người chuyên đi thu gom phục vụ hậu cần với ngư dân thì sẽ thất bại. Vấn đề ở đây không phải là con thuyền và cơ chế đi thu mua cá rồi cung cấp nước đá, dầu….mà cái chính là nhóm những người ngư dân phải liên kết với nhau, thông qua đó nhà nước hỗ trợ để có được điều lệ chia sẻ trách nhiệm đồng thời hài hòa về lợi ích. Chỉ những tổ chức như vậy mới có thể thành công. Còn nếu một nhóm nhỏ nào đó muốn dành lợi ích riêng thì cái liên kết đó sẽ không tồn tại được lâu.”
Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị hình thành lực lượng kiểm ngư để bảo vệ quyền lợi khai thác hải sản trên vùng biển Việt Nam. Thông tin cho biết Cục Kiểm ngư ban đầu sẽ có 4 tàu với trang thiết bị hiện đại để phục vụ công tác. Cùng với sự kiện này, mô hình đội tàu phục vụ hậu cần nghề cá cần của ngư dân cần được phát triển, nhưng một khi ngư dân liên kết với nhau họ rất cần bàn tay hỗ trợ của nhà nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét