Pages

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

Nhạc sĩ Mặc Thiên: Tôi nguyện dâng đời mình để hát cùng dân tộc


Mặc Thiên, người nhạc sỹ bí ẩn của năm 2007 vừa cho phổ biến một sáng tác mới, bài hát “Ngọn Lửa Thiêng Liêng”. Một lần nữa, những ca khúc của ông tiếp tục gây rung động bao trái tim người Việt khắp nơi.
Mặc Thiên là ai? Đây vẫn là một câu hỏi hiện không có lời đáp. Chỉ biết rằng ông là một nhạc sỹ đang sống tại Quy Nhơn. Trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi với nhóm ‘Chứng Nhân Lịch Sử’, Mặc Thiên cho biết bản thân ông đã từ bỏ con đường chính thống để thực hiện ước nguyện sống cùng nhân dân. “Tôi nguyện sẽ dâng hiến cuộc đời mình để hát cùng dân tộc dù đó là lời hát reo vui hay những khúc nhạc não nề”.

Nhân dịp này, Danlambao xin gửi đến bạn đọc bài phỏng vấn nhạc sĩ Mặc Thiên do nhóm ‘Chứng Nhân Lịch Sử’ thực hiện. Bài phỏng vấn được phổ biến năm 2007, sau sự kiện hàng ngàn dân oan khắp các tỉnh miền Nam kéo về Văn Phòng 2 Quốc Hội để biểu tình đòi đất. Cuộc biểu tình kết thúc trong đàn áp thô bạo, bài hát “Khóc Mẹ Dân Oan” cũng được ra đời từ đó.
*
ĐỖ QUYÊN (Chứng Nhân Lịch Sử) – Mặc Thiện là tác giả của bài hát Khóc Mẹ Dân Oan mà Trung tâm Asia cho vào cuốn Asia 57, do ca sĩ ca sĩ Như Quỳnh trình bày. Nạn dân oan khiếu kiện nói lên cái bội bạc, cái xoay lưng đối với các bà mẹ mà Mặc Thiện ám chỉ do lòng tham của nhà cầm quyền Cộng Sản trong bài hát.
Một ngày trần gian khóc thương mẹ dân oan
Ngại gì sương gió nuôi con qua khổ nạn
Nay con sang giàu mẹ sống cảnh lầm than
Đời oan trái đã gieo bao oán hờn
Cưu mang con rồi nay con phủi công ơn.
Một vấn đề thời sự quan trọng trong nước đã được đồng hương hải ngoại chú ý theo dõi là trong suốt diễn trình đấu tranh cho lý lẽ công bằng qua sự việc “Dân Oan Khiếu Kiện”. Thực tế đó là khi những người dân thấp cổ bé miệng ở trong nước nhất là ở những vùng nông thôn bất mãn, phẫn nộ vì đã bị những cán bộ thế lực như những quan chức tư bản đỏ, sách nhiễu, nhũng lạm quyền hành, đã cướp nhà cửa, ruộng vườn của họ từ nhiều năm qua để làm giàu bất chính trên xương máu nhân dân. Người dân đen không những không được chánh quyền bảo vệ đoái hoài đến, không giải quyết thỏa đáng mà ngược lại, họ còn bị Công an chèn ép, hành hung tàn nhẫn, quê hương như đắm chìm trong sự bất công. Câu chuyện cảm động khi nguồn gốc của bài nhạc ra đời trong bối cảnh chua xót của nạn Dân Oan.
Buổi chiều ngày 2 tháng 9 (2007) nhạc sĩ Mặc Thiện từ Qui Nhơn đã gọi điện thoại đến người bạn của anh đang viết trang nhật ký trên mạng, anh vừa khóc vừa tâm sự như sau:
“Bạn ơi, tôi là Mặc Thiện đây, tôi không làm gì được cho đồng bào Dân Oan Khiếu Kiện, họ đang khổ đau vì bị đàn áp, tôi chỉ có thể hát lên khúc “Hát Trong Uất Hận”. Vì tôi hận những kẻ vô lương tâm, những kẻ cướp bóc giữa ban ngày. Miệng chúng thì hô khẩu hiệu công bằng xã hội, mà lại thẳng tay bóc lột đồng bào không chút lòng xót thương. Chúng là kẻ “vừa đánh trống vừa ăn cướp”.
Và nhạc sĩ Mặc Thiện đã gởi cho người bạn đó ca khúc “Khóc Mẹ Dân Oan” để nhờ phổ biến rộng rãi, anh coi đây như một lời tạ tội đối với những người Mẹ Việt Nam, anh xót thương nhưng bất lực không làm gì để cứu giúp họ. Đau xót thay cho những người mẹ đã cống hiến cả cuộc đời mình cho đàn con, để hôm nay nhận sự “trả ơn trong sự vô ơn”, không chút lương tâm khi các con mình đã đạt được mục đích tối hậu rồi, khi nắm được quyền hành sinh sát đất nước trong tay, “đàn con nay trở thành mất dạy”, nhẫn tâm quay về cướp bóc, trấn lột hết cả gia tài của mẹ.
Nhạc sĩ Mặc Thiện cũng thố lộ thêm rằng:
”Nếu trong mỗi chúng ta không thể có một hành động nào, và nếu cũng không thể nói lên những tiếng nói cứu Mẹ thì xin hãy cất lên một tiếng hát… khóc. Khóc cho Mẹ và khóc cho quê hương lầm than khốn khổ”.
“Một ngày trần gian khóc thương mẹ dân oan
Ngại gì sương gió nuôi con qua khổ nạn
Nay con sang giàu mẹ sống cảnh lầm than
Đời oan trái đã gieo bao oán hờn
Cưu mang con rồi nay con phủi công ơn
Vườn ruộng đất nhà tranh con hoán đổi
Mẹ sống sao đây khi đổi mười lấy một?
Mẹ đòi công lý chịu thêm nhiều uất hận
Hận kẻ vô tâm mẹ phơi thân giữa bão bùng
Trời lạnh giá tấm bạt thô không giữ được
Gió lùa mưa vào lạnh thấu cả tâm can
Tay mẹ run run đôi chân không vững được
Biết bám víu vào đâu khi mẹ tỏ tường đời?”
Ca khúc “Khóc mẹ dân oan” (Còn được biết với tên gọi ngắn gọn hơn là “Khóc mẹ”) của anh đã nhanh chóng được truyền đi qua internet đến với những trái tim Việt Nam trên khắp năm châu và đã được Trung tâm Asia chọn giới thiệu trong chương trình Asia 57 qua tiếng hát của nữ ca sĩ Như Quỳnh. Tiếng vọng về từ đồng bào các nước đã chứng minh rằng trong cuộc chiến đấu chống bạo quyền độc tài toàn trị của dân chúng Việt Nam, người dân trong nước không đơn độc.
Nhận dịp ca khúc “Khóc mẹ dân oan” chính thức được phát hành, cộng tác viên của Chứng nhân Lịch sử tại Quy Nhơn đã tìm đến nhà nhạc sĩ Mặc Thiên và có cuộc trò chuyện dưới đây. Để bảo đảm sự an toàn cho cá nhân tác giả, chúng tôi xin được giữ bí mật hình ảnh của anh cũng như mọi thông tin khác liên quan đến Mặc Thiên.
Tôi nguyện sẽ dâng hiến cuộc đời mình để hát cùng dân tộc
Chứng nhân Lịch sử (CNLS): Xin anh cho biết trong hoàn cảnh nào anh đã viết tác phẩm “Khóc mẹ dân oan” và vì sao anh lại viết những lời như vậy?
Mặc Thiên: Đầu tiên, cho phép tôi được cảm ơn Chứng nhân Lịch sử đã dành cho tôi cuộc phỏng vấn này cũng như cảm ơn Trung tâm Asia và ca sĩ Như Quỳnh đã giúp hát lên ca khúc của tôi. Tôi muốn nói rằng tôi chỉ là một trong số rất nhiều những tác giả đã chọn con đường hát cho vận mệnh đất nước. Ca khúc “Khóc mẹ dân oan” cũng chỉ là một bài hát nhỏ bé trong số nhiều bài hát chưa có cơ hội được vang lên dưới sự kiểm soát ngặt nghèo của chế độ này. Nhưng tôi cũng đồng thời khẳng định rằng sẽ không có sức mạnh nào đè bẹp được lòng dân. Không có bạo quyền nào cướp được trái tim của dân tộc.
Về ca khúc “Khóc mẹ dân oan”, tôi đã viết ngay trong những ngày tháng diễn ra cuộc biểu tình của người dân miền Nam Việt Nam chống lại quân gian ác đã cướp đất đai, nhà cửa của mình. Báo chí nô dịch của nhà nước có thể gọi đó là cuộc “khiếu kiện đông người”, nhưng tôi gọi đó là cuộc biểu tình chống chính sách ăn cướp của chính quyền từ những cấp rất cao chứ không chỉ của bọn cán bộ địa phương quen thói vơ vét, hà hiếp dân nghèo. Tôi đã không có điều kiện để vào tận nơi, để nhìn tận mắt cảnh khổ của bà con, nhưng qua những thông tin từ bạn bè văn nghệ sĩ, tôi biết bà con đã phải chịu đau khổ, uất ức đến bực nào. Nơi tôi ở đây cũng là một thành phố nhưng chỉ cần cán bộ phường đe nẹt một tiếng là người dân đã sợ điếng hồn. Không sợ sao được? Từ ngày có chế độ Cộng sản ở Việt Nam, bao nhiêu người đã chết, đã bị thủ tiêu bằng những hình thức man rợ nhất mà cuộc thảm sát năm 1968 ở Huế là vết đen Cộng sản sẽ không bao giờ rửa được dù họ có đổ hết bao nhiêu xà bông với hóa chất giặt tẩy loại mạnh nhất. Tội ác Cộng sản, tôi muốn dùng hai câu trong bài “Cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi để chỉ cho rõ. Đó là: “Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội. Nhơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi”.
Người dân Việt Nam đã quen bị hà hiếp đến mức chịu đựng trở thành một đặc tính. Vậy thì tại sao họ lại dám đứng lên, cả ngàn người? Chỉ có một cách trả lời thôi. Vì cái mà bọn cướp bắt họ chịu đựng đã vượt quá sức chịu đựng của người dân. Nói cách khác là người dân đã không thể chịu đựng nổi. Bạn tôi ở Sài Gòn kể lại trong gần một tháng đó, những người dân nghèo đã bị trệt đường sinh sống. Họ bị chặn không cho nhận tiếp tế thức ăn, nước uống. Họ bị chặn không cho tắm rửa, không cho đi vệ sinh là những nhu cầu thiết yếu của một con vật chứ chưa nói là một con người. Ai là người Việt Nam không xót xa khi nhìn thấy những người mẹ già, những đứa em thơ dại phải dầm mưa, dãi nắng để đòi lại đất nhà? Nếu có một hay nhiều kẻ như vậy, tôi phải gọi đó là bọn vô lương tâm, là quân dã thú.
- Thưa anh, có một câu hát trong “Khóc mẹ dân oan” mà nhiều người chưa hiểu rõ lắm là câu “Mẹ biết sống sao đây khi đổi 10 lấy 1”. Anh giải thích gì không?
- Cô có còn nhớ lần đổi tiền ở Việt Nam hồi năm tám mấy không (Cuộc đổi tiền ngày 14/9/1985 tại Việt Nam theo nguyên tắc 1 đồng tiền mới ăn 10 đồng tiền cũ – CNLS). Cô ngủ một giấc, sáng ra thấy tiền trong túi mình chỉ còn có 1/10 giá trị. Cảm giác của cô lúc đó ra sao? Có thể lúc đó cô còn trẻ nên không biết chứ còn bọn tôi thì vẫn cảm giác như mình vừa bị cướp một cách trắng trợn mà không làm gì được. Giờ cũng vậy! Cô có 1000m2 đất. Chính quyền lấy và cho phép cô mua lại 100m2 với giá cao gấp 10 lần giá họ gọi là bồi thường cho cô vì đã lấy đất của cô. Tức là sau khi cô mua lại 100m2 đất của chính cô thì cô hết tiền. Nó cũng giống y chang như khi cô ngủ một giấc thức dậy thấy nhà mình nhỏ đi chỉ còn có 1/10. Còn 9/10 kia trở thành tài sản của bọn cướp để chúng bán cho nước ngoài, lấy tiền bỏ túi.
- Là một tác giả thuộc nhóm “chính thống” và có nhiều tương lai, điều gì đã dẫn anh đến quyết định rút lui vào thế giới underground?
- Để trả lời câu hỏi này, tôi nhờ cô nhìn quanh một chút và nói tôi nghe xem có nhạc sĩ nào thuộc dòng chính thống đã dám lên tiếng về sự kiện chưa? Những người dám nói đều bị chính quyền sách nhiễu. Một số đã buộc phải im lặng, số khác đành phải nói trớ đi, nhẹ hơn dưới dạng những bài thơ, tản văn. Để có thể nói đúng với tiếng nói của lương tâm mình mà không sợ bị chính quyền khủng bố, chúng tôi chỉ còn cách náu mình vào thế giới underground. Tránh được khỏi sự săn lùng, trấn áp của chính quyền thì chúng tôi mới có thể nói đúng những điều đang thực sự xảy ra, hát đúng tình cảnh của hàng triệu người dân Việt Nam đang phải lầm lũi sống, lặng lẽ khóc trong cảnh lầm than, trong bóng tối cường bạo. Từ hồi quyết định rút lui vào bóng tối để sống với thế giới underground, tôi thực sự hạnh phúc vì đã không phải sợ hãi, không phải tự mình kiểm duyệt những tác phẩm của mình. Tôi có thể viết đúng điều mình nghĩ, hát được điều muốn hát. Tôi nguyện sẽ dâng hiến cuộc đời mình để hát cùng dân tộc dù đó là lời hát reo vui hay những khúc nhạc não nề.
- Xin anh cho hỏi một câu riêng tư. Từ sau quyết định sống như một tác giả underground, anh có gặp khó khăn gì về vật chất hay tinh thần không?
- Nhạc sĩ ở Việt Nam không sống được bằng nghề, cô à! Tôi sáng tác, nhưng thu nhập chính vẫn là từ việc khác nên cũng không gặp khó khăn gì. Điều khó khăn duy nhất là tôi không thể nói với bất kỳ ai rằng tôi chính là Mặc Thiên. Điều đó cũng đau đớn giống như việc mình sinh ra một đứa con nhưng không thể nhìn nhận nó. Chỉ trong một xã hội độc tài, toàn trị như thế này người nghệ sĩ như chúng tôi mới phải chịu đựng điều đau đớn đó thôi. Nhưng tôi chấp nhận được. Tôi cũng tin là sẽ có một ngày mai quê hương tôi sẽ thoát nạn Cộng sản, khi những người con trung hiếu của dân tộc dám đứng lên trút bỏ gông cùm để sống cho quê hương.
- Cảm ơn anh và xin chúc anh thêm nghị lực, niềm tin để tiếp tục con đường của mình.
Sau cuộc trò chuyện, tác giả Mặc Thiên đã cậy nhờ Chứng nhân Lịch sử giới thiệu thêm một sáng tác mới của anh, ca khúc Khấn nguyện, cũng về đề tài nhân sinh và nỗi đau dân tộc. Ca khúc này, chúng tôi xin được hẹn giới thiệu với độc giả vào một dịp khác sau khi có bản thu âm hoàn chỉnh. Một lần nữa, chúng tôi có lời cảm ơn nhạc sĩ Mặc Thiên đã tín nhiệm giao phó tác phẩm của mình và xin chúc mừng thế giới underground đã có thêm một tác giả.
Lịch sử không thể bị chôn vùi dù có bao nhiêu thế lực đen tối cố bưng bít và lấp liếm. Trước súng đạn, dùi cui, hơi cay và những thủ đoạn đàn áp khác, tiếng nói của tự do vẫn sẽ vang lên. Tiếng hát cho quê hương vẫn sẽ vang vọng cho đến khi Việt Nam thực sự có ánh sáng.
Thực hiện phỏng vấn: ĐỖ QUYÊN (Chứng Nhân Lịch Sử)
danlambaovn.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét