Pages

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Đoàn kết, hòa hợp dân tộc trước những mâu thuẫn xã hội


Bùi Công Tự
Trong bài bút ký Tương lai đang thúc gic chúng ta viết nên nhng trang s mi đăng trên nhật báo SGGP số ra ngày 23/8/2012, ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước đã gửi đến nhân dân cả nước nhiều thông điệp. Một trong những thông điệp đó là: Làm sao để chính trị xã hội ổn định?
Đặt ra câu hỏi đó tức là ông Chủ tịch nước đã thừa nhận rằng hiện trạng chính trị xã hội của đất nước ta đang không được ổn định.
Nguyên nhân của những bất ổn chính trị xã hội, đối với những người quan tâm thời cuộc thì không có gì khó hiểu. Đó là do những đường lối, chủ trương, chính sách, những quy định của pháp luật còn chưa phù hợp, không được nhân dân ủng hộ. Đó là do sự yếu kém trong quản lý nhà nước, tình trạng tham nhũng kinh khủng, sự băng hoại biến chất của số đông người làm việc trong guồng máy lãnh đạo Đảng, chính quyền, doanh nghiệp. Đó là sự phân hóa giàu nghèo đang ở cấp độ báo động. Đặc biệt do sự xuống cấp trầm trọng của hệ thống giáo dục và y tế, hai lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, đã gây nhiều hệ lụy cho cộng đồng và cho cả tương lai nòi giống dân tộc. Đó còn là sự bất an của cuộc sống khi tội phạm gia tăng, khi kinh tế giá cả lên xuống phập phù, khi nhân quyền bị đe dọa, khi tuổi trẻ bị bế tắc, v.v…

Trả lời câu hỏi: Làm sao để chính trị ổn định, ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã kêu gọi Đoàn kết – Hòa hợp – Thống nhất, thu hẹp những khác biệt, tất cả phải nhằm vào mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tuy nhiên làm thế nào để đoàn kết – hòa hợp – thống nhất được thì ý kiến của ông chủ tịch lại chưa đủ thuyết phục.
Vâng, thưa ông chủ tịch, mục tiêu trên thì 100% nhân dân ta mơ ước, đồng tình ủng hộ. Đồng thời ai cũng biết rằng chỉ có đoàn kết toàn dân tộc như ông nói thì mới thực hiện được mục tiêu cao quý ấy.
Vấn đề mắc mớ là xã hội chúng ta đang sống đang tồn tại nhiều mâu thuẫn gay gắt, cả những mâu thuẫn đối kháng.
Đó là mâu thuẫn về chính kiến giữa trào lưu dân chủ hướng tới những giá trị phổ quát của văn minh nhân loại với những tư tưởng bảo thủ, có khuynh hướng độc tài, hà khắc.
Đó là mâu thuẫn giữa tinh thần dân tộc bất khuất quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước với thái độ nhu nhược có nguy cơ phụ thuộc ngoại bang.
Đó là mâu thuẫn giữa sự đòi hỏi có một thể chế kinh tế thị trường minh bạch theo quy luật khách quan với sự duy trì một kiểu kinh tế thị trường định hướng ma trận, bị những nhóm lợi ích xâu xé, bị bọn mafia kinh tế thâu tóm phá hoại.
Đó còn là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân giữa số đông yếu thế nghèo khó với một bộ phận có tiền, có quyền, có tất cả.
Theo tôi một khi chưa giải quyết được những mâu thuẫn nói trên thì chưa thể có đoàn kết – hòa hợp – thống nhất. Đoàn kết không thể có được bằng lời hiệu triệu hay tuyên truyền lừa mị.
Làm sao anh nông dân Đoàn Văn Vươn một nắng hai sương có thể đoàn kết với viên đại tá Đỗ Hữu Ca, kẻ đã đem quân lính, súng đạn và cả chó becgie đến áp đáo gia đình mình?
Làm sao cháu Trịnh Kim Tiến có thể đoàn kết với tên trung tá Nguyễn Văn Ninh, kẻ đã dùng dùi cui đánh chết người cha của cô gái chỉ vì lỗi không đội mũ bảo hiểm?
Làm sao người thanh niên trí thức yêu nước Nguyễn Chí Đức có thể đoàn kết với viên công an quận Hoàn Kiếm, kẻ đã đạp thẳng vào mặt anh khi bắt người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược?
Làm sao cô thôn nữ phải đi hầu hạ trong sân golf có thể đoàn kết với gã chuyên viên văn phòng quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, khi bị gã đánh đập đến ngất xỉu phải đưa vào bệnh viện?
Làm sao hàng triệu nông dân ở khắp nơi có thể đoàn kết với những kẻ đã tước đoạt đất đai của mình với giá đền bù rẻ mạt?
Làm sao các nhân sĩ trí thức có thể đoàn kết với các nhà lãnh đạo khi nhiều lần gửi các kiến nghị tâm huyết về xây dựng phát triển đất nước mà tuyệt nhiên không được hồi âm?
Làm sao thân nhân các liệt sĩ trong các nghĩa trang ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai có thể đoàn kết với những kẻ khom lưng bắt tay thơn thớt cảm ơn giặc Tàu giúp đỡ?
Tóm lại nếu tình trạng đất nước cứ như hiện nay, không thể giải quyết được những mâu thuẫn xã hội âm ỉ, gay gắt thì chắc chắn không thể có đoàn kết – hòa hợp – thống nhất. Vậy thì đất nước sẽ đi đến đâu?
Thưa ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tác giả bài viết “Tương lai đang thúc giục chúng ta viết nên những trang sử mới”, người viết nên trang sử mới cho dân tộc, có lẽ không phải là “chúng ta” chung chung mà chúng tôi hi vọng phải là Bộ chính trị, BCHTW ĐCSVN. Đơn giản vì các vị đang cầm quyền, đang chèo lái đất nước. Liệu các vị có thể thay đổi?
Sài Gòn, 26/08/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét