(HNM) – Những tưởng tình trạng căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á sẽ hạ nhiệt sau khi Tokyo thả 14 nhà hoạt động Hongkong (Trung Quốc) đổ bộ lên quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền gọi là Điếu Ngư, nhưng trái lại, một loạt tuyên bố khá cứng rắn mới đây của cả ba quốc gia trong khu vực là Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn Quốc về chủ quyền quần đảo tranh chấp khiến biển Đông Bắc Á vốn ẩn chứa những con sóng ngầm đang đứng trước nguy cơ “nổi sóng”.
Binh sĩ Nhật Bản trong cuộc tập trận trên biển Hoa Đông.
Căng thẳng được thổi bùng khi cuối tuần qua Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tới quần đảo Takeshima (Hàn Quốc gọi là Dokdo) là “bất hợp pháp”, trong khi cho rằng “Trung Quốc chỉ thực sự tuyên bố chủ quyền với quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) kể từ năm 1970 – thời điểm phát hiện các vỉa dầu mỏ tiềm tàng trên biển Hoa Đông”. Tuyên bố của Thủ tướng Y.Noda – Thủ tướng đầu tiên sử dụng ngôn từ mạnh mẽ với các tranh chấp lãnh thổ kể từ khi đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) lên nắm quyền từ năm 2009 – được đưa ra ngay sau khi Hạ viện nước này thông qua nghị quyết đầu tiên về quần đảo Senkaku yêu cầu chính phủ có hành động mạnh mẽ để Trung Quốc không tái diễn vụ việc tương tự. Với “quyết tâm không mệt mỏi” khi giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và Hàn Quốc, nội các đương nhiệm Nhật Bản đã đưa ra một loạt biện pháp như: bảo vệ và quản lý các hòn đảo xa; tăng cường tuần tra cảnh giới các vùng biển xung quanh Nhật Bản cùng những thông điệp ngoại giao cứng rắn bảo vệ chủ quyền…
Tuyên bố của Thủ tướng Y.Noda ngay lập tức đã thổi bùng làn sóng phản đối Nhật Bản tại nhiều nơi ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Cùng với việc đáp trả bằng những tuyên bố ngoại giao, Trung Quốc và Hàn Quốc đều có những bước đi riêng để khẳng định cũng như bảo vệ chủ quyền với quần đảo tranh chấp. Cùng với việc tổ chức các cuộc diễn tập thường niên với Mỹ, Hàn Quốc mới đây đã công bố kế hoạch tập trận hỗn hợp hải – lục – không quân và cảnh sát biển để bảo vệ chủ quyền quần đảo Dokdo trước nguy cơ bị các tàu nước ngoài tấn công. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi Tokyo thông báo đang xem xét để tạm dừng Hội nghị Thượng đỉnh luân phiên Nhật Bản – Hàn Quốc và cả kế hoạch mở rộng Hiệp định Hoán đổi tiền tệ.
Căng thẳng gia tăng ở Đông Bắc Á liên quan đến chủ quyền biển đảo diễn ra vào lúc mỗi quốc gia trong khu vực đang bước vào thời điểm chính trị quan trọng. Trong khi Trung Quốc tích cực chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lực dự kiến vào tháng 11 tới, thì cuộc bầu cử Tổng thống ở Hàn Quốc diễn ra vào ngày 19-12 cũng đang đến gần. Trong khi đó, chính quyền của Thủ tướng Y.Noda cũng đang chật vật để lấy lại đà tăng trưởng cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang rơi vào cảnh nợ công chồng chất. Trong bối cảnh như vậy, dường như chủ quyền lãnh hải đang là một giải pháp được các nhà chính trị sử dụng để hướng dư luận ra bên ngoài nhằm tiết chế áp lực từ những khó khăn về xã hội và kinh tế ở trong nước. Căng thẳng gia tăng ở vùng biển Đông Bắc Á những ngày qua được nhìn nhận chủ yếu xuất phát từ lợi ích kinh tế khi cơn khát tài nguyên và năng lượng của ba nền kinh tế hàng đầu thế giới này đang ở thời kỳ chạy đua nhạy cảm.
Biển Đông chưa lặng sóng, Bán đảo Triều Tiên chưa hết căng thẳng sau cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn Quốc, vùng biển của khu vực Đông Bắc Á lại chuẩn bị đón hạm đội Thái Bình Dương của Nga vừa rời cảng Vladivostok tuần hành đến quần đảo Kurils/vùng lãnh thổ phương bắc tranh chấp với Nhật Bản… Việc Mỹ lên tiếng khẳng định quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát trên biển Hoa Đông nằm trong phạm vi Hiệp ước An ninh Nhật – Mỹ, vốn quy định hai bên hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công quân sự, và kêu gọi đối thoại về Biển Đông đã phần nào nói lên quan điểm của Washington với tư cách là một cường quốc trong khu vực Thái Bình Dương mà biển tại khu vực Đông Bắc Á cũng như Biển Đông là những vùng biển cấu thành.
Căng thẳng về chủ quyền biển đảo ở Đông Bắc Á cho thấy một cuộc cạnh tranh gay gắt về địa – chiến lược trong khu vực đang diễn ra giữa các quốc gia liên quan. Song, với quá nhiều lợi ích ràng buộc, cả ba cường quốc kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ không để những tranh chấp ảnh hưởng đến quan hệ song phương, nhất là trong bối cảnh ba nước đang hướng đến một Hiệp định Thương mại tự do (FTA) trong tương lai.
Đình Hiệp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét