Pages

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Phải chăng CA TP Hà Giang đang “lộng quyền”?


Một sự việc đơn giản, do xô xát giữa người dân với nhau, sau đó đã được hòa giải bởi tổ dân phố, nhưng việc CA TP Hà Giang “tích cực” đến “điều tra” và tiến hành “lệnh bắt khẩn cấp” đối tượng Đào Trung Kiên khiến nhiều người dân hoang mang về tình tiết vụ án. Thực chất, qua 2 lần điều tra từ CA TP Hà Giang và từ cáo trạng của VKSND TP Hà Giang, người dân đều nhận định, đây là sự việc nhỏ nhưng đang được “thổi” lên thành vụ án hình sự, xung quanh đó còn nhiều vấn đề, báo NB&CL đã vào cuộc để làm rõ vụ việc.

 

Làm phức tạp hóa sự việc đơn giản
    Ngày 07/01/2012, anh Đào Trung Kiên đã đến nhà anh Trần Tăng Cường để đòi nợ (số tiền 300 triệu đã quá hạn trả). Tại đây, đã xảy ra việc xô xát với ông Trần Văn Nho (bố anh Cường) và làm hư hỏng một số vật dụng trong nhà, bao gồm: 01 bình thủy tinh, 01 bình gốm, 03 chiếc cốc, 01 chiếc đĩa sứ. Ngay sau đó, sự việc trên đã được 2 gia đình tự hòa giải với nhau, có sự chứng kiến của tổ dân phố. Tuy nhiên, trong ngày 08/01/2012 VKSND TP Hà Giang, ông Nguyễn Chí Cường – Viện Trưởng đã có Quyết định phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp số 01/KSĐT: “Xét thấy đề nghị phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp số: 01 ngày 08/01/2012 của Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Giang, thấy việc bắt khẩn cấp đối với Đào Trung Kiên để phục vụ công tác điều tra là cần thiết”. 

  Ngay lập tức, ngày 08/01/2012, CA TP Hà Giang đã ra lệnh “bắt khẩn cấp” đối với Đào Trung Kiên với tội danh “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”. Điều này cũng được ghi tại “Bản kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự” số 01/KLĐTBS của Cơ quan CSĐT – CA TP Hà Giang, do ông Đỗ Tiến Dũng ký ngày 18/6/2012. Theo kết quả điều tra bổ sung trên: “Do sự việc xảy ra vào ngày 07/01/2012 là ngày thứ 7 và ngày kế tiếp là ngày chủ nhật (đều là các ngày nghỉ). Ngày 08/01/2012, CA TP Hà Giang đã có công văn số 151 đề nghị Phòng Tài chính – kế hoạch Thành phố chủ động, kịp thời trong việc tham mưu cho chủ tịch UBND TP Hà Giang thành lập Hội đồng định giá tài sản. Qua đó, đã có quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản số 37 ngày 09/01/2012”. Tiếp theo đó, ngày 12/01/2012, CA TP Hà Giang cho gọi anh Kiên lên để trình báo sự việc và tiến hành bắt khẩn cấp ngay lập tức. Về vụ việc này, bà Phan Thị Hà (mẹ anh Kiên) cho biết: “Trong sự việc trên, CA TP Hà Giang dựa vào đâu để tiến hành lệnh bắt khẩn cấp với Đào Trung Kiên? Đặc biệt, sự việc xô xát trên có “nguy hiểm” đến mức CA TP Hà Giang và VKSND TP Hà Giang phải cùng ra quyết định sau một ngày (Chủ nhật, 08/01/2012). Hơn nữa, nhìn qua số đồ đạc hư hại trên, liệu có cần phải tham mưu cho chủ tịch UBND TP Hà Giang để thành lập “gấp” một Hội đồng định giá tài sản không?”. Cũng tại Hà Giang, PV đã gặp bà Thư, tổ trưởng tổ dân phố nơi anh Kiên sinh sống, cùng một số người hàng xóm đều cho rằng: “Sự việc khá đơn giản, chỉ là xô đẩy nhau gây đổ vỡ ít đồ đạc trong nhà, không đến mức nghiêm trọng và 2 gia đình đã tự hòa giải với nhau. Việc CA TP Hà Giang đến bắt người như vậy là không đúng, cần làm rõ sự việc tránh gây hoang mang, sợ hãi cho người dân với chính quyền”.

    Tạm giam công dân gần 7 tháng để điều tra…?

    Sau khi tiến hành bắt khẩn cấp ngày 12/01/2012, mãi đến ngày 18/01/2012, trong CV số 03, CA TP Hà Giang mới làm “Đề nghị phê chuẩn lệnh tạm giam” gửi VKSND TP Hà Giang và cùng ngày ra “lệnh tạm giam” gửi đến cho gia đình Kiên. Trong CV số 03, ngày 18/01/2012 có nêu rõ: “…Căn cứ kết quả điều tra xác định: ngày 07/01/2012, Đào Trung Kiên có hành vi Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản…Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Giang ra lệnh tạm giam số 03, ngày 18/01/2012. Thời hạn tạm giam 01 tháng 24 ngày, tại nhà giam giữ Công an thành phố Hà Giang…”. Theo đó, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án và hồ sơ điều tra bổ xung đến VKSND TP Hà Giang, đề nghị truy tố bị can Đào Trung Kiên về tội Hủy hoại tài sản. Tiếp đó, sau thời hạn tạm giam trên, để tiếp tục…điều tra, CA TP Hà Giang liên tục đưa ra các quyết định tạm giam anh Kiên trong gần 7 tháng. Cuối cùng trong phiên tòa xét xử vụ án ngày 25/7/2012, sau hơn 4 tiếng đọc cáo trạng và lời khai của các nhân chứng, TAND TP Hà Giang lại…trả lại hồ sơ vụ án hình sự để điều tra bổ sung.

    Trong sự việc trên, người dân TP Hà Giang đang đặt dấu hỏi, phải chăng có sự “áp đặt”, “lộng quyền” từ phía CA TP Hà Giang trong việc bắt giữ người và tiến hành các “thủ tục” điều tra? Một sự việc đơn giản, tổ dân phố đã hòa giải, nhưng không hiểu sao lại được “xé ra to” đến mức phải “tham mưu cho chủ tịch UBND TP Hà Giang”. Nhiều tình tiết “không bình thường” trong việc điều tra của các cơ quan chức năng, cùng sai phạm đang dần hé lộ. Báo NB&CL sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc những tình tiết mới nhất.

    Minh Nhật
    Lệnh bắt người khẩn cấp đã được quy định rõ tại điều 81 thuộc chương VI của Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo đó, có ba trường hợp được phép thực hiện lệnh bắt khẩn cấp các đối tượng.
    Thứ nhất là khi đã có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
    Thứ hai là khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.
    Thứ ba là khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Theo:  Nhà báo & Công luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét