Trung tá Lê Trọng Phổ, chủ nhiệm chính trị Cảnh sát biển vùng 2 cho biết như vậy trong bối cảnh tàu cá Trung Quốc đang tràn xuống Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa.
Mỗi tháng đuổi hàng chục tàu Trung Quốc
Thời gian gần đây, tàu cá Trung Quốc tràn vào Biển Đông ngày càng nhiều, thậm chí còn tiến gần đến các đảo thuộc các tỉnh miền Trung chỉ vài chục hải lý. Trung tá Lê Trọng Phổ khẳng định: “Việc tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển miền Trung là có thật, nhất là từ sau khi Trung Quốc bỏ lệnh cấm biển do họ tự đặt ra vào đầu tháng 8 này. Các tàu cá Trung Quốc đã đi sâu vào vùng biển gần đảo Lý Sơn từ 30 – 45 hải lý, với lượng tàu mỗi đợt xâm nhập từ 18 – 30 chiếc”. Thông tin được đăng tải trên báo Sài Gòn Tiếp thị.
Ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trên Biển Đông |
Cũng theo tờ báo này, để ngăn chặn tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép, vi phạm chủ quyền trên biển Việt Nam, lực lượng Cảnh sát biển vùng 2 (đóng tại Quảng Nam) liên tục tuần tra để xử lý, xua đuổi những tàu cá này. Riêng từ đầu năm đến nay, theo trung tá Phổ, mỗi tháng đơn vị xua đuổi vài ba chục lượt tàu Trung Quốc xâm phạm. “Tàu cảnh sát biển luôn nạp đầy đủ nhiên liệu, lương thực và nhu yếu phẩm, đảm bảo có thể hoạt động 45 ngày trên biển. Khi nhận lệnh, các tàu cảnh sát biển tức tốc lên đường”, trung tá Phổ nói. Hiện cảnh sát biển còn được trang bị rađa có tầm quét cánh quạt 100km, trong đó khoảng 70km rađa nhìn rõ tàu xâm phạm vùng biển.
Trung tá Phổ cho chúng tôi xem nhiều đoạn clip mà đơn vị khi thực thi nhiệm vụ đã ghi lại. Đặc biệt, trong đó clip tàu cảnh sát biển vùng 2 giám sát tàu Trung Quốc hoạt động trên biển mà Trung Quốc từng bù lu bù loa cho rằng, đã ngăn cản và đuổi tàu cảnh sát biển Việt Nam!
“Sắp tới sẽ có máy bay tuần thám tham gia tuần tra trên biển. Hiện nay máy bay này đã có và sẽ đi vào hoạt động trong một ngày gần đây”, trung tá Phổ cho biết. Cùng với máy bay tuần thám, cảnh sát biển sẽ có các trạm trên các đảo trọng yếu để phối hợp với máy bay tuần thám xử lý các vụ tàu nước ngoài xâm nhập. Đồng thời nắm tình hình ngư dân, tình hình trên biển để bảo vệ vùng biển tốt hơn. Bên cạnh đó, trạm và máy bay tuần thám còn hỗ trợ, khẩn cứu ngư dân và các tàu trên biển gặp nạn.
Nhiều ngư dân phản ánh, khi gặp tàu cá Trung Quốc hoạt động đánh bắt trái phép trên vùng biển Việt Nam, nhưng không liên lạc được với lực lượng chức năng. Trả lời vấn đề này, trung tá Lê Trọng Phổ cho biết: Đơn vị đã phát cho ngư dân hơn mười ngàn tờ rơi, trên đó có ghi rõ tần số liên lạc ngày và đêm.
Tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông
Trong sách "Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông" vừa ra mắt, tiến sĩ Trần Công Trục đã phân tích về chiến lược biển của Trung Quốc.
"Sau thời gian dài bế quan tỏa cảng, từ đầu thế kỷ 20, nước này bắt đầu dòm ngó và tranh chấp Biển Đông, bước đầu tiên là khu vực biển đảo phía Bắc, đến giữa thể kỷ hình thành yêu sách toàn bộ Biển Đông với các mốc chủ yếu sau: năm 1909 ra Hoàng Sa; năm 1946 vẽ yêu sách "lưỡi bò" (chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông nhưng chỉ đến tháng 5/2009 mới chính thức đưa ra yêu sách này) đồng thời ra chiếm nhóm phía đông của quần đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình ở Trường Sa; năm 1956, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đóng giữ phần phía đông của Hoàng Sa, Đài Loan tái chiếm giữ đảo Ba Bình ở Trường Sa; năm 1958, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra tuyên bố chính thức yêu sách chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; năm 1974, chiếm phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa; năm 1988 đánh chiếm một số điểm trên quần đảo Trường Sa; năm 1995, đánh chiếm thêm Vành Khăn, phía nam quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, coi Hoàng Sa và vùng biển kế cận là thuộc chủ quyền lãnh thổ đương nhiên và không thể tranh cãi; toàn bộ quần đảo Trường Sa (và vùng biển kế cận) nhưng thừa nhận có tranh chấp, chủ trương "chủ quyền Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác".
Từ những năm 1990, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế, Trung Quốc bắt đầu xây dựng và triển khai chiến lược biển mới, đẩy mạnh sự kiểm soát và khai thác các vùng biển gần và vươn ra các đại dương. Năm 1995, Trung Quốc đưa ra “Chiến lược khai thác biển” với mục tiêu biến Trung Quốc thành cường quốc thế giới về biển; có khả năng kiểm soát và khống chế đường biển, khai thác tài nguyên biển. Trung Quốc cho rằng, không thể trở thành cường quốc toàn diện nếu không phải là cường quốc biển.
Về khai thác tài nguyên, Trung Quốc chủ trương khai thác biển xa trước, biển gần sau, biển có tranh chấp trước, biển thuộc chủ quyền Trung Quốc sau, ngoại giao đi trước hải quân đi sau, văn công, vũ vệ; phân hóa, chia rẽ ASEAN, tranh thủ và hạn chế Mỹ, Nhật.
Về phương thức hợp tác, Trung Quốc chủ trương lấy song phương là chính, đa phương khi Trung Quốc giữ vai trò chủ đạo. Hướng chính ra biển của Trung Quốc là Biển Đông, nơi giàu tài nguyên thiên nghiên, các nước lớn không còn căn cứ quân sự và các nước nhỏ liên quan đều yếu về quân sự".
Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) phối hợp với nhóm Biển Đông tại Pháp tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu kiến thức Biển Đông" nhằm khuyến khích sinh viên, cộng đồng người Việt tại Pháp tăng cường tìm hiểu sâu rộng hơn về biển đảo Việt Nam cũng như những vấn đề pháp lý, địa chính trị của biển Đông và các khu vực biển đảo thuộc lãnh thổ chủ quyền Việt Nam.
Tham dự cuộc thi bao gồm tất cả mọi người, sinh viên, học sinh, bạn bè quốc tế tại địa bàn nước Pháp. Người tham dự phải trả lời 14 câu hỏi trắc nghiệm và 01 câu hỏi mở cho một kỳ, xoay quanh các kiến thức chung về vấn đề biển đảo và tình hình thời sự biển đảo.
Cuộc thi sẽ được tổng kết ba tháng một lần, với 01giải duy nhất cho người có các câu trả lời chính xác và nhanh nhất.
Trong trường hợp có nhiều người trả lời đúng tất cả các câu hỏi, ban tổ chức sẽ tiến hành bốc thăm ngẫu nhiên và thông báo người thắng cuộc./GDVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét