Pages

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Tác động của hiện tượng El Nino



Hiện tượng El Nino lại xuất hiện trong năm nay gây nên những tác động thiên nhiên bất lợi cho cuộc sống con người trong vùng ảnh hưởng.
AFP photo
Các nhân viên cứu hỏa đang dập tắt một đám cháy rừng lan rộng giữa Orgon và Senas, miền nam nước Pháp, vào ngày 26/8/2012.
Hiện tượng El Nino lại bắt đầu xuất hiện. Điều này được giáo sư Đinh Văn Ưu, thuộc Khoa Hải Dương Học, Đại học Khoa học- Tự Nhiên Hà Nội cho biết như sau:
“El Nino đã bắt đầu rồi, và theo những dự báo của thế giới thì cũng vào loại vừa thôi chứ không phải thật mạnh đâu. Theo chỉ số Nino 3,4, thì lần này xấp xỉ 1 mà thôi. Từ 0,5 trở lên là loại mạnh, nhưng tín hiệu lần này chưa thật sự mạnh như những lần trước, như lần 97-98 xấp xỉ 2. Ảnh hưởng của El Nino kéo dài. Thông thường người ta tính El Nino vào cuối năm, vào tháng 12; nhưng năm nay bắt đầu từ nửa năm rồi. El Nino thường kéo dài từ 12 đến 18 tháng.

Thông thường trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Indonesia…nếu có El Nino thì thông thường triệu chứng khô hạn đã xảy ra. Thường mạnh khoảng sau tháng 10, 11.”

Tác động

Giới khoa học đưa ra ước tính vào khi hiện tượng El Nino xảy ra ở khu vực Đông Nam Á, mỗi năm có thêm 15 ngàn người thiệt mạng vì các vụ cháy rừng. Lý do bởi tình trạng ô nhiễm hạt bụi cao hơn và mức độ ozone trong khu vực cũng cao lên. Hạt bụi là những hạt có đường kính nhỏ hơn 2,5 micro mét. Chúng đi qua mũi hay họng và đọng lại trong phổi con người.
Theo các nhà khoa học, thì tầng ozone là một lá chắn ngăn chặn những tác hại của tia cực tím; thế nhưng khi ở trên mặt đất, ozone gây kích thích khí quản gây ra khó thở, ho và tức ngực. Tình trạng này tác hại mạnh hơn đối với những người lớn tuổi, những cá nhân có vấn đề về tim mạch và hô hấp. Cả hai nhân tố hạt bụi và mức ozone cao là tác động gây hại nặng cho phổi và tim người.
Con số được đưa ra cho khu vực có chừng 540 triệu người sinh sống của Đông Nam Á, thì hằng năm có gần 11 ngàn chết do các chứng tim mạch; và hơn 4 ngàn người tử vong vì ozone trong thời kỳ El Nino.
Các nhà môi trường tại Hoa Kỳ xem xét lượng hạt bụi do các vụ cháy rừng thải ra tại khu vực đông nam Á từ năm 1997 cho đến năm 2006. Đó là những vụ cháy mỗi năm khi mà nông dân địa phương đốt rừng hay đốt ruộng để chuẩn bị vụ mùa trồng trọt của họ.
Trong điều kiện khô hanh, lửa có thể kích cháy ở các vùng đất than bùn giàu carbon, và những vụ cháy đó có thể kéo dài đến hàng tháng trời không thể kiểm soát được. Nguy cơ đối với tình trạng này trở nên cao bậc nhất trong những năm có hiện tượng El Nino.
Giáo sư Đinh Văn Ưu cho biết một đợt cháy phát bụi trong thời kỳ có hiện tượng El Nino:
“Vụ cháy rừng năm 97-98 ở Indonesia bụi phủ khắp khu vực Đông Nam Á, ảnh hưởng đến Singapore, rồi Malaysia…
Nguyên nhân phát cháy là ở những vùng khô quá, hoặc có than bùn trên bề mặt thì trời giông sét gây cháy. Tức cháy do các hiện tượng tự nhiên chứ không phải do con người.
El Nino thông thường xảy ra ở toàn bộ vùng bắc Úc, đông bắc Úc, và vùng Indonesia khôn hạn nhiều thường xảy ra cháy. Điều đó người ta quan trắc được.”
Nghiên cứu của các nhà môi trường Hoa Kỳ xem xét giai đoạn xảy ra ba thời kỳ El Nino. Một đợt bất thường hồi năm 1997-1998. Đó là đợt El Nino mạnh nhất trong thế kỷ 20. Tiếp theo là đợt năm 2002-2003, và đợt thứ ba hồi năm 2006.
Thống kê cho thấy trong lần hiện trượng El Nino trầm trọng gần đây nhất hồi năm 1988 có hơn 2000 người thiệt mạng và gây hại cho mùa màng, cơ sở hạ tầng cũng như hầm mỏ tại Australia, và nhiều khu vực khác của Châu Á lên đến hằng tỷ đô la.
Theo đánh giá thì trong những năm xảy ra El Nino đó, lượng hạt bụi do các vụ cháy thải ra tăng đến 50 lần so với thời kỳ La Nina. Và trong những thời gian El Nino số vụ cháy được tính kéo dài đến 200 ngày.
El Nino dẫn đến hạn hán mất mùa khiến giá cả các loại lương thực, ngũ cốc sẽ tăng lên trong thời gian tới. Cụ thể giá bắp tăng hơn 60% trong hai tháng qua khi mà Hoa Kỳ đang phải chịu hạn hán nặng nề nhất trong vòng hơn nửa thế kỷ qua. Nguồn cung đậu nành cũng hạn chế sau khi vụ mùa đậu nành tại Nam Mỹ bị hạn hán gây hại giảm sản lượng đáng kể. Các đây ba năm, El Nino khiến mưa mùa chậm gây hại đến vụ mùa mía đường ở Ấn Độ. Đây là quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ nhì thế giới. Do bị tác động, giá đường lúc đó tăng cao nhất trong vòng 30 năm.
Hạn hán do El Nino gây ra cũng tác hại đến mùa màng ở những quốc gia như Australia, nhiều vùng ở Phi Châu, Đông Nam Á và Ấn Độ.

Ứng phó

000_149950728-250.jpg
Một cánh đồng bắp chết khô tại Collins, Iowa, Hoa Kỳ hôm 07/8/2012. AFP photo
Theo nghiên cứu vừa công bố thì chính phủ các quốc gia cần gia tăng biện pháp ngăn phá rừng và gây cháy nguy hại; đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu có thể làm nặng thêm nạn hạn hán vào thời kỳ xảy ra El Nino.
Hai quốc gia tại khu vực Châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản đã đưa ra những cảnh báo và biện pháp cho thời gian El Nino trong những tháng tới.
Cơ quan Khí tượng của Trung Quốc hồi đầu tháng 8 vừa qua cho biết là Hoa Lục đang chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng En Nino bắt đầu kể từ tháng 7 vừa qua. Theo đó thì mưa lớn sẽ xảy ra tại các vùng trung và đông của Hoa Lục. Như thế, cần phải tăng cường khả năng kiểm soát lũ lụt tại lưu vực sông Hải Hà tại mạn bắc, cũng như tại các vùng trung và hạ lưu của các sông Hoàng Hà và Dương Tử. Đồng thời cơ quan chức năng tại khu vực nam Sông Dương Tử được cảnh báo phải có biện pháp ứng phó khô hạn và hạn hán.
Cũng do El Nino, trong mùa thu năm nay mưa sẽ thấp hơn trung bình và nhiệt độ nóng hơn ở Hoa Lục, ngoại trừ vùng mạn bắc Khu Tự trị Nội Mông và những tỉnh ở vùng đông bắc.
Tại Nhật Bản, cơ quan chức năng nước này hồi ngày 10 tháng 8 cũng xác nhận hiện tượng El Nino đã xuất hiện. Năm nay tình trạng sẽ kéo dài đến mùa đông.
Ấn Độ đang theo dõi sát sao những diễn biến của hiện tượng El Nino đợt này. Đợt hạn hán đầu tiên trong vòng ba năm qua đã xuất hiện. Do mưa mùa chậm, nông dân trồng các loại như gạo, các cây lấy dầu và bông phải dời lùi công tác gieo cấy cho vụ hè.

El Nino-La Nina

000_Hkg3829394-250.jpg
Một khách du lịch nước ngoài lội nước ngập sau trận mưa lớn tại Hà Nội hôm 13/7/2010. AFP photo
Xin phép được nhắc lại El Nino là hiện tượng ấm lên của nhiệt độ nước biển tại khu vực biển vùng xích đạo Thái Bình Dương. Hiện tượng này thường xảy ra theo chu kỳ từ bốn đến 12 năm.
Giáo sư Đinh Văn Ưu đưa ra định nghĩa về El Nino:
“Hiện tượng El Nino là hiện tượng thời tiết dị thường liên quan đến thế giới, đặc biệt Thái Bình Dương. Thông thường phía đông Thái Bình Dương là vùng nước thường xuyên có nhiệt độ thấp hơn trung bình, có thể 24-25 độ; trong khi ở vùng xích đạo hay vùng phía tây khoảng 30 độ C. Và chính vùng phía tây của Nam Mỹ như Peru, Chile trở thành vùng rất giàu hải sản. Cá và các loại hải sản đánh bắt được nhiều do luồng nước lạnh mang chất dinh dưỡng từ dưới sâu nổi lên. Đó là bình thường nhất; nhưng khi bất thường ấm lên đến 4-5 độ thì quay ngược lại; tức vùng đánh bắt hải sản bị thu hẹp lại.
Vùng ven bờ trước đó khô hạn, trở thành mưa nhiều. Các vùng quốc đảo trước đó ít khi bị bão thì xuất hiện nhiều bão. Nói chung tình hình thời tiết bị đảo lộn tại khu vực phía đông Thái Bình Dương. Hiện tượng này xảy ra vào thời kỳ Chúa Giáng Sinh, nên người ta lấy từ El Nino, đứa bé trai, mà theo tiếng Tây Ban Nha là ‘Chúa Hài Đồng’. Hiện tượng đó không chỉ xảy ra ở vùng đông Thái Bình Dương mà liên quan quá trình ngược lại ở Tây Thái Bình Dương, và gắn liền với một hoàn lưu toàn cầu. Người ta ghi nhận hiện tượng ấy không chỉ ở Thái Bình Dương mà ở cả Ấn Độ Dương, và một phần đại tây dương…”
Ngược lại với hiện tượng El Nino là La Nina. Đây là hiện tượng gây lụt lội tại Australia, nhiều vùng của Châu Á. Cũng theo lời của giáo sư Đinh Văn Ưu về La Nina:
“Bình thường ở đó lạnh rồi, có thể lạnh hơn. Vùng lạnh đó không chỉ nằm ở phía đông Thái Bình Dương mà lan ra cả miền trung Thái Bình Dương nhiệt đới, và gây ra hiện tượng, ví dụ phía đông lạnh thì phía tây nóng hơn. Vùng lạnh, vùng nóng còn gắn với hiện tượng xuất hiện các cơn bão nhiệt đới. Trong thời kỳ ấm ở phía đông thì bão xuất hiện nhiều hơn, trong khi phía tây ít xuất hiện. Liên quan đến hoàn lưu khí quyển thì các cơn bão đổ bộ vào các khu vực khác nhau làm thay đổi số lượng, về hướng đi. Tất cả những điều đó gây nên dị thường trong hệ thống thời tiết, đặc biệt Thái Bình Dương, tuy nhiên còn cả toàn cầu.”
Nghiên cứu của các nhà khoa học môi trường Hoa Kỳ về tình trạng cháy thải bụi trong những năm xảy ra El Nino được công bố trong tạp chí Biến đổi Khí hậu Thiên Nhiên. Trưởng nhóm nghiên cứu là tác giả Miriam Marlier thuộc Đài Thiên văn Lamont-Doherty, Đại học Columbia, New York.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét