Pages

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Tranh chấp biển đảo : châm củi thêm lửa


  • Liên quan đến châu Á, báo chí Pháp đều quan tâm đến tình hình ở hai quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Takeshima mà dân Hàn gọi là Dokdo. 
  • Báo La Croix chạy hàng tựa đậm, Chủ nghĩa dân tộc : cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều khơi dậy. 
  • Theo tờ báo, vấn đề tranh chấp chủ quyền các hải đảo đã có từ lâu trong quan hệ Trung - Nhật. Nó tựa như một ngọn lửa âm ỉ tiềm tàng, hể có một chút gió, thì lửa lại bùng lên.
  • Theo La Croix thì lần này bất đồng lại nảy sinh trong bối cảnh sắp tới đây là đến mùa bầu cử. Nhật Bản tổ chức bầu cử trước thời hạn vào tháng 11. Trung Quốc họp Đại hội đảng vào tháng 10. Hàn Quốc bầu tổng thống vào tháng 12.
  • Khi đổ bộ lên các hoang đảo để cắm cờ, người dân của mỗi nước muốn bày tỏ tinh thần yêu nước, và các nhà lãnh đạo Trung, Nhật hay Hàn thường hay có những động thái nhằm khơi gợi chủ nghĩa dân tộc, hầu thu hút cảm tình cử tri.
  • Trên cùng một đề tài, tờ báo Le Figaro gọi đó là một cuộc leo thang.
  • Tình hình căng thẳng do Senkaku / Điếu Ngư trở thành một vấn đề tế nhị cho cả hai phía Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng tế nhị ở hai mức độ khác nhau. 
  • Tokyo có vẻ hoà hoản nhưng thật ra thủ tướng Yoshihiko Noda muốn nắm thế chủ động, để dễ kiểm soát tình hình nội bộ.
  • Một mặt, ông không thể để cho vấn đề Senkaku rơi vào tay các nhóm dân tộc chủ nghĩa.
  • Nó giống như một loại vũ khí đáng gờm, lọt vào tay của người không biết sử dụng thì lại càng nguy hiểm.
  • Mặt khác, thủ tướng Nhật phải khéo léo chứng tỏ là ông bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ Nhật Bản, một cách để bắn tín hiệu về phía các cử tri Nhật có tinh thần yêu nước.
  • Về phía Trung Quốc, tình hình lại càng phức tạp hơn vì cách đây hai ngày, chiếc xe chở đại sứ Nhật tại Bắc Kinh đã bị chặn lại.
  • Một người đàn ông Trung Quốc đã lao tới xé chiếc cờ Nhật gắn trên đầu xe hơi của đại sứ Uichiro Niwa. Theo Le Figaro, bình thường thì chính quyền Bắc Kinh ngăn cấm đám đông tụ tập, nhưng từ khi tranh chấp Nhật - Trung về chủ quyền hải đảo, bùng phát trở lại, Bắc Kinh lại để yên cho các cuộc biểu tình bài Nhật tại các thành phố lớn.
  • Nhưng cách đây hai ngày, cảnh sát đã giải tán 500 người biểu tình bài Nhật ở Quảng Đông.
  • Le Figaro đánh giá : Rõ ràng là chính quyền đã thay đổi quan điểm, nhưng sở dĩ Bắc Kinh có thái độ thận trọng là vì trước đại hội đảng cộng sản, chính quyền không muốn để cho các cuộc tập hợp kéo dài, dù là bài Nhật, vì e ngại rằng đám đông có thể trở nên khó kiểm soát.
  • Phong trào này có thể sinh ra nhiều cuộc tập hợp khác, không phải là bài Nhật mà liên quan đến tình hình xã hội Trung Quốc. 
  • Tờ báo nhận xét : nếu như thủ tướng Nhật đang ở trong tư thế của một người đi dây, thì về phía Trung Quốc, cái khó là làm thế nào để châm củi thêm lửa mà không biến phong trào biểu tình thành một đám cháy to lớn, khó thể dập tắt.
  • Tuấn Thảo ,RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét