Pages

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Tranh chấp Biển Đông: Không nên chờ TQ làm gì rồi đối phó



Xâu chuỗi toàn bộ quá trình lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc, đặc biệt trong mấy năm trở lại đây, ta thấy, đến nay Bắc Kinh đã cơ bản hoàn thành trò ảo thuật “biến không thành có”. Từ một vùng biển chung của Đông Nam Á với chằng chịt những tuyến đường hàng hải quốc tế giờ đây bổng nằm gọn trong cái gọi là “Thành phố Tam Sa” của riêng người Trung Quốc. Đó là “sự đã rồi” mà Bắc Kinh đã dầy công tạo ra bằng sức mạnh và những thủ đoạn dối trá. Đầu tiên họ tung ra một đường ranh giới mơ hồ gồm 9 đoạn đứt khúc không dựa vào bất cứ cơ sở pháp lý nào để khoanh trọn 80% diện tích của biển Đông và gọi đó là “lợi ích cốt lõi ” của TQ. Sau đó để thực hiện âm mưu này, Bắc Kinh đã lần lượt chiếm quần đảo Hoàng Sa, rồi một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam; chiếm đảo Mischief và bãi cạn Scarborough của Philipine.
Tàu hải quân và tàu dân binh TQ hàng ngày xâm phạm lãnh hải và liên tục quấy phá các hoạt động kinh tế cuả Việt Nam, Philipine và một vài nước khác trong khu vực. Tuy vậy, Bắc Kinh luôn bác bỏ đàm phán đa phương với ASEAN hoặc bất cứ bên thứ ba nào. Họ một mặt hứa sẽ đàm phán với ASEAN với điều kiện tổ chức này thỏa thuận xong Bộ quy tắc ứng xử (COC), một mặt dùng thủ đoạn “chia để trị” nhằm trì hoãn sự ra đời của COC, kể cả việc trắng trợn mua quyền phủ quyết của nước chủ nhà Hội nghi AMM 40 là Campuchia. Thực chất đó là chiến thuật “câu giờ” của Bắc Kinh nhằm tranh thủ thời gian chuẩn bị điều kiện cần thiết cho giai đoạn đấu tranh tiếp theo của họ. Đó là lý do tại sao Bắc Kinh ráo riết lấn chiếm Scarborough của Philipine và cho hàng nghìn tàu thuyền vây hãm quần đảo Trường Sa của Việt Nam bất chấp nguy cơ xung đột quân sự (miễn sao tránh được sự can thiệp của Mỹ). Sự ra đời vội vàng của cái gọi là ” Thành phố Tam Sa” giữa Biển Đông là một bằng chứng rõ rệt nhất. Việc Bắc Kinh đồng thời gây hấn với cả Nhật Bản là một phần của chiến thuật “dương đông kích tây” nhằm đánh lạc hướng chính của họ tại Biển Đông để khiến cả Mỹ, Nhật cùng bối rối.
Ngẫm mà xem, thật vô lý khi thế giới đã mất quá nhiều thời gian để bàn cãi về cái “lưỡi bò” do Bắc kinh đơn phương đưa ra trong khi Việt Nam và Philipine phải loay hoay chống đỡ trước sự lấn lướt của các lưc lượng Trung Quốc. Thái độ phản ứng của Mỹ thể hiện với đồng minh Philipine xung quanh vụ Scarborough có thể nói là “quá dè dặt” mặc dù biết rằng đối phương là bên phi nghiã rất lo ngại nỗ ra chiến tranh!. Sự rạn nứt trong nội bộ ASEAN dù vì lý do chủ quan hay khách quan đều thật đáng tiếc. Đáng lẽ ra, COC đã có thể thống nhất sớm hơn. Hoặc ngay cả trong khi chờ đợi COC vẫn có thể hình thành một cơ chế đàm phán bao gồm các nước ven bờ là Việt Nam, Philipine, Malaysia, Indonesia , Brunei và Singapore, hoặc với các nước có lợi ích hàng hải tại Biển Đông, kể cả Đài Loan chẳng hạn. Một vài tiếng súng vang lên khi cần cũng không có gì là tồi tệ, bởi vì Bắc Kinh tuy tham lam, hiếu chiến nhưng rất lo ngại chiến tranh, ít nhất là vào thời ky này. Tuy nhiên những việc làm đó đã không xảy ra. ASEAN cũng như thế giới đã thụ động chờ đợi trước những bước đi ngang ngược của Bắc Kinh mà không đưa ra những đối sách kịp thời cần thiết.
Nhắc lại chuyện này chỉ để rút ra bài học cho thời kỳ sắp tới mà thôi!. Điều gì xảy ra đã xảy ra rồi. Giờ đây hậu quả đã hiện rõ với cái gọi là “thành phố Tam Sa” không có dân cư nhưng đầy căn cứ quân sự và các phương tiện chiến tranh. Nếu Bắc Kinh thành công trong mục tiêu của họ, thì nơi đây sẽ là lãnh thổ bất khả xâm phạm của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và quyền đi lại tự do của tàu bè quốc tế qua Biển Đông coi như chấm dứt! Tiếp sau đó sẽ không tránh khỏi một chu kỳ bành trướng mới diễn ra đối với các quốc gia vòng ngoài và phía Nam của Biển Đông. Có thể nói, đến nay Bắc Kinh đã hoàn tất giai đoạn đầu của mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Đó là một tổn thất không đáng có không chỉ đối với Việt Nam và Philipin mà đối với ASEAN và thế giới. Nó cho thấy sự tham lam và thâm độc của chủ nghĩa bành trướng bá quyền, nhưng chính thái độ chờ đợi thụ động của các bên bị hại đã trao cho Bắc Kinh quyền chủ động trên bàn cờ trong khi thế giới lại cứ “đánh cờ nước một” để ứng phó. Mới đây trong một cử chỉ đáng lưu ý khi Người phát ngôn Ngoại giao TQ- Hồng Lỗi trả lời về 6 nguyên tắc giải quyết vấn đề Biển Đông của ASEAN đã nói: “Điểm cốt lõi của vấn đề Biển Đông là tranh chấp giữa các nước liên quan xung quanh chủ quyền quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) và phân giới vùng biển phụ cận”.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra công khai về “điểm cốt lõi của vấn đề Biển Đông”. Bình luận về việc này, báo điện tử Liên hợp Buổi sáng của Singapore ngày 23/8 cho rằng tuyên bố này của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của tình hình Biển Đông trong tương lai, đồng thời đánh dấu sự chuyển biến lớn về lập trường và sách lược của Chính phủ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Bài báo cũng nhận định: “Ở một khía cạnh nào đó, ý nghĩa và ảnh hưởng của “điểm cốt lõi của vấn đề Biển Đông” không hề kém quan trọng hơn “thuyết lợi ích cốt lõi Biển Đông” xuất hiện vào tháng 3/2010. Việc Bắc Kinh đưa ra “điểm cốt lõi của vấn đề Biển Đông” cho thấy nước này không cho rằng quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và quần đảo Trung Sa cùng vùng biển phụ cận tồn tại tranh chấp chủ quyền và hy vọng thế giới bên ngoài thừa nhận cũng như tiếp thu lập trường này (của phía TQ). Bài báo đi tới kết luận: “Việc Trung Quốc đưa ra giới định “điểm cốt lõi của vấn đề Biển Đông” là để chuẩn bị ứng phó với thách thức đến từ việc đưa ra “Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông” (COC)”.
Giờ thì rõ rồi nhé, con cáo đã thò toàn bộ hai cái chân lông lá của nó vào tấm chăn Biển Đông. Bước đi sắp tới của Bắc Kinh rất có thể là chấp nhận đàm phán vói ASEAN, và cũng có thể sẽ làm lơ chuyện “đường lưỡi bò” (vì nhân thấy nó đã tỏ ra quá lố bịch). Tuy nhiên, thay vào đó Bắc Kinh đã có trong tay những con bài cụ thể để thương lượng. Bằng cách này, Bắc Kinh hy vọng sẽ có thêm lý lẽ để gạt Mỹ, Nhật Bản hoặc các nước ngoài khu vực ra khỏi cuộc đàm phán về Biển Đông. Đối với Bắc Kinh, giờ đây toàn bộ vùng biển đảo bên trên quần đảo Trường Sa coi như đã thuộc về TQ, và nếu bắt buộc phải đàm phán thì Bắc Kinh chỉ đàm phán với ASEAN về quần đảo Trường Sa mà thôi!.
Hy vọng rằng, với những bài học của thời gian vừa qua, ASEAN cũng như các quốc gia có lợi ích tại Biển Đông sẽ tìm được đối sách thích hợp làm thất bại âm mưu độc chiếm Biển Đông của nhà cầm quyền Bắc Kinh . Đồng thời cùng với thời gian, nhân dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình và công lý sẽ giác ngộ và đứng lên phản đối hành động sai trái của các thế lực dân tộc cực đoan trong nước họ. Đó sẽ là kết cục đúng logic thường thấy đối với các cuộc tranh chấp quốc tế xưa nay, tuy nhiên có thể sẽ rất chậm xảy ra đối với trường hợp TQ nơi mà chủ nghĩa dân tộc cực đoan luôn ngự trị. /.
Trần Kinh Nghị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét