Pages

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Trí thức lại kiến nghị với lãnh đạo VN


Các trí thức tham gia biểu tình chống Trung Quốc năm 2011
Nhóm nhân sỹ trí thức hàng đầu Việt Nam lại gửi thư ngỏ lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước hoan nghênh Luật Biển và bênh vực bất đồng chính kiến.
Đây là lần đầu tiên có ý kiến công khai đề cập bất đồng chính kiến về chính trị, điểu mà Chính phủ Việt Nam luôn bác bỏ tồn tại ở trong nước với lập luận “không có tù chính trị, chỉ có người vi phạm pháp luật bị trừng phạt”.
Thư ngỏ với chữ ký của 71 nhà khoa học, nhà nghiên cứu và hoạt động xã hội nổi tiếng cả ở trong nước lẫn ở hải ngoại cũng kêu gọi “chấm dứt các hành động trấn áp, quy kết tùy tiện đối với người dân biểu tình yêu nước”.

Trong số những người ký tên có các nhân vật như cựu Thứ trưởng Chu Hảo, TS Nguyễn Quang A, Lê Đăng Doanh, GS Tương Lai, Hoàng Tụy, Giám mục Nguyễn Thái Hợp, nhà văn Nguyên Ngọc, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh…
Bức thư ký ngày 6/8 được gửi tới Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ Việt Nam, cũng như Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam. Hiện chưa rõ phản hồi của các bên nhận thư ngỏ.
Trước đây, các nhân sỹ trí thức này đã gửi hai thư khác vào tháng 7/2011 và tháng 9/2011 với tựa đề ‘Bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay’ và ‘Cải cách toàn diện để phát triển đất nước’ để đóng góp ý kiến với lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Lý do để họ gửi thư ngỏ thứ ba là vì nhận định Bắc Kinh “đã đi được những bước quan trọng trong việc thực hiện mưu đồ chiến lược bá quyền của họ, nhằm làm cho Việt Nam suy yếu, chịu khuất phục hay lệ thuộc vào Trung Quốc”.

Hoan nghênh Luật Biển

Các nhân sỹ trí thức ngỏ lời ‘hoan nghênh và đánh giá cao’ Luật Biển vừa được Quốc hội thông qua và cho rằng “sau một thời gian bị kìm hãm, báo chí nước ta đã được cất tiếng nói phê phán thẳng thắn, mạnh mẽ và kịp thời những chủ trương và hành động sai trái của Trung Quốc”.
Tuy nhiên, để Luật Biển đi vào cuộc sống, họ kiến nghị thống nhất tên gọi Biển Đông Nam Á cho các nước khu vực Asean, đồng thời “mong Nhà nước công bố trước nhân dân ta và nhân dân thế giới thực trạng quan hệ Việt – Trung”, nhất là giải thích về bối cảnh ra đời, nội dung thực chất và giá trị pháp lý của công hàm mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958 về Biển Đông nhằm “bác bỏ dứt khoát mọi xuyên tạc từ phía Trung Quốc”.
Thư ngỏ khẳng định “Việt Nam có chính nghĩa” và cần kêu gọi sự ủng hộ của các quốc gia trên trường quốc tế.
Những người ký tên trong lá thư cũng đề xuất tiến hành cải cách sâu sắc, toàn diện về chính trị, tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh cải cách các lĩnh vực khác.
Thư viết: “Nhân dân ta rất quan tâm tới việc sửa đổi Hiến pháp để tạo cơ sở cải cách thể chế chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền”.
“Trong việc bảo đảm thực hiện các quyền hiến định về tự do, dân chủ, cần nhấn mạnh quyền tự do kinh doanh, quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, quyền được thông tin, quyền lập hội, quyền được tự do bày tỏ thái độ chính trị thông qua các cuộc biểu tình ôn hòa.”
Các vị trí thức cho rằng việc biểu tình phản đối Trung Quốc góp phần hỗ trợ tích cực cho cuộc đấu tranh ngoại giao và “động viên ý chí bảo vệ độc lập, chủ quyền của dân tộc”.
Đáp lại quan ngại rằng các cuộc biểu tình chống Trung Quốc có thể bị lợi dụng để chuyển thành biểu tình chống chính quyền, bức thư viết “chính quyền nước ta cùng với ý thức làm chủ của nhân dân ta hoàn toàn có đủ khả năng bảo đảm các cuộc biểu tình phản đối hành động xâm lược, bành trướng của Trung Quốc diễn ra ôn hòa, trật tự, đúng mục đích”.
Thư ngỏ kêu gọi chấm dứt ngay hành động trấn áp, quy kết tùy tiện đối với người dân biểu tình yêu nước và “trả tự do cho những người bị giam giữ vì bất đồng chính kiến, chỉ công khai bày tỏ quan điểm chính trị của mình mà đã và đang bị kết án hình sự”.
Bức thư kết thúc bằng khuyến nghị: “Chúng tôi mong các nhà lãnh đạo đất nước đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, nỗ lực thực hiện trách nhiệm nặng nề trong tình thế hiểm nghèo, không phụ lòng mong đợi của nhân dân”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét