Pages

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Trung Cộng Sắp Hết Tiền


Gordon G. Chang, PBD dịch
Giấy tiền… vàng bạc
Cứ hung hăng mà “bành” với “trướng” thì thiên hạ nó cứ thế này là chẳng mấy chốc phải đi ăn mày và đem xe tăng tàu bò ra bán … ve chai sắt vụn lấy tiền nuôi mấy thằng chóp bu của đảng!
Dữ kiện kinh tế và mậu dịch của Tháng Bảy đầy thất vọng được công bố hồi tuần trước, như đã dự liệu, lại đưa đến các lời kêu gọi cần có thêm các biện pháp thúc đẩy kinh tế. Hồi Tháng Năm, Bắc Kinh đã gia tăng biện pháp yểm trợ kinh tế, và các nhà quan sát cho rằng hoạt động kinh tế đã phải gia tăng hồi tháng trước.

Nhưng tại sao tới giờ vẫn không thấy có hiệu quả gì đối với nền kinh tế?  Có nhiều lý do khác nhau, nhưng có lẽ lý do quan trọng nhất là Trung Cộng đang cạn tiền để có thể áp dụng các biện pháp thúc đẩy kinh tế.
Thoạt nhìn thì lối giải thích này có vẻ như phi lý. Xét cho cùng, Ngân Hàng Nhân Dân Trung Hoa (PBOC), tức là ngân hàng trung ương, có tới $3.24 ngàn tỷ trong quỹ dự trữ ngoại tệ tính đến cuối sáu tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, bất luận có nhiều bao nhiêu đi nữa thì ngoại tệ cũng không có ích gì nhiều trong một cuộc khủng hoảng tiền tệ địa phương. Dù sao đi nữa, số ngoại tệ dự trữ của PBOC hầu như cũng ngang ngửa với số nợ bằng đồng nguyên đã vay mượn để mua số ngoại tệ bằng đô la, bảng, euros, và đồng yên. Vì thế, ngân hàng trung ương không thể dùng số dự trữ này vì nếu dùng thì sẽ bị lún sâu—thực ra là sâu hơn nữa—vào tình trạng không còn khả năng trả nợ.
Việc đồng nguyên xuống giá một chút so với đô la dạo gần đây đã làm giảm bớt số nợ của PBOC so với tài sản của họ và nhờ đó mà tình trạng tài chánh của họ đỡ hơn một chút, nhưng ngân hàng trung ương vẫn không có được khả năng linh động để sử dụng số dự trữ theo ý họ muốn. Do đó sẽ không có chuyện bơm ngoại tệ ồ ạt vào nền kinh tế, cho dù là có thể có hiệu quả giúp được nền kinh tế.
Tuy nhiên, như đã làm hồi đầu năm 2003, ngân hàng trung ương có thể bơm một ít tiền dự trữ cho các ngân hàng nhà nước trong xứ này để các ngân hàng đó có thể cho vay thêm tiền. Chương trình thúc đẩy kinh tế lần trước, được loan báo hồi cuối năm 2008, đã giúp nền kinh tế tăng trưởng phần chính là vì các ngân hàng nhà nước, theo lệnh của Bắc Kinh, cho vay vô tội vạ. Đến năm 2009 chẳng hạn, số tiền các ngân hàng cho vay tại địa phương đã lên đến mức kỷ lục là 9.59 ngàn tỷ đồng nguyên, khoảng gấp đôi số cho vay vào năm 2008. Nỗ lực cho vay này vẫn tiếp tục kéo dài sang năm 2010 và 2011 khi nền kinh tế đã trở nên lệ thuộc vào việc vay mượn tín dụng quá dễ dàng.
Nhưng, chương trình cho vay thả cửa nay đã chấm dứt. Các ngân hàng nhà nước không thể tài trợ cho hàng trăm dự án mới, theo một nguồn tin cho biết thì có đến 500 dự án, được Bắc Kinh và các chính quyền địa phương loan báo trong những tháng vừa qua. Tại sao?  Nhiều món nợ mà nhà cầm quyền trung ương buộc các ngân hàng phải cho vay từ năm 2008 sẽ không bao giờ được trả lại.
Hội Đồng Kiểm Soát Ngân Hàng Trung Cộng (CBRC) nói rằng tỷ lệ số cho vay không đòi được của ngân hàng vào cuối tam cá nguyệt thứ nhất là 0.9%, nhưng ngay cả cơ quan kiểm soát này cũng tỏ ra nghi ngờ chính các con số của họ. Và các số tiền cho vay không đòi được đã gia tăng nhanh chóng kể từ cuối năm 2008 sẽ gây ra nhiều hậu quả.
Bất luận CBRC nói gì, các ngân hàng đều bị ảnh hưởng tai hại vì các khoản cho vay không đòi được và sẽ phải tìm nguồn tài trợ trước khi có thể cam kết dài hạn với các dự án thúc đẩy kinh tế. Giáo sư Patrick Chovanec của Viện Đại Học Thanh Hoa cho biết là năm nay các ngân hàng đã có thể cho vay lại nhưng phần lớn đều là ngắn hạn. Hơn nữa, ông cũng nói rằng không bao lâu nữa các viện tài chánh này sẽ gặp khó khăn khi họ cần đến số tiền còn lại của họ để tái tài trợ các sản phẩm về quản trị tài chánh và ủy thác tài sản sắp đến hạn phải trả. Nói tóm lại, họ sẽ phải nháo nhào chỉ để tìm ra tiền cho các cam kết hiện thời. Ngân khoản tài trợ cho các dự án mới—các dự án nhằm giúp tăng trưởng—sẽ trở nên hiếm hoi. Hồi Tháng Bảy vừa qua, không có gì ngạc nhiên khi số tiền cho vay bằng đồng nguyên đã sụt giảm, thấp hơn tất cả các mức ước tính mà chỉ còn 540.1 tỷ đồng nguyên so với số cho vay trong Tháng Sáu là 919.8 tỷ.
Trong bất cứ trường hợp nào, các nhà kinh tế tin rằng số chi tiêu vào hạ tầng cơ sở, thúc đẩy kinh tế, sẽ chỉ bù đắp được cho mức cầu sụt giảm của các thương nghiệp tư nhân. Theo lời Tom Orlik của tờ Wall Street Journal thì số chi tiêu đó không thúc đẩy được mức tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù vậy, một số thành phố cũng đang được tài trợ cho các dự án mới, nhưng chỉ vì CBRC hầu như đã ra lệnh cho các ngân hàng phải xúc tiền đổ vào các tổ chức tài trợ của chính quyền địa phương vốn không đáng tin về tín dụng. Ông Chovanec cho biết chỉ mới cách đây vài tháng, các tổ chức vay tiền này đều có tên trong “danh sách những thành phần không được cho vay tiền.” Thế mà nhiều nơi, ngay cả sau khi được cho vay, vẫn thiếu tiền trầm trọng.
Vậy thì tình trạng này tệ hại đến mức nào? Anne Stevenson-Yang thuộc J Capital Research cho biết là sở thuế của một trong các thành phố lớn nhất tại Trung Cộng lại “không có tiền.” Điều không thể tưởng tượng nổi là các viên chức của sở thuế này được bảo là hãy đi thu tiền trực tiếp từ người dân đóng thuế để trả lương cho họ. Tình trạng sa sút của chính quyền tại thành phố đó cũng thấy được ở khắp nơi trong nước và nhiều địa phương nay tìm không ra nguồn thu nhập.
Thành phố Thái Châu trong tỉnh Giang Tô đã áp đặt bất hợp pháp một khoản thuế 5% trên nhà cho thuê và phái nhân viên thu thuế đến tận nhà để đòi thuế. Thành phố Trường Ninh tại Hồ Nam đã hủy bỏ kỳ nghỉ phép và một ngày nghỉ mỗi cuối tuần cho nhân viên thu thuế. Mười lăm thành phố và quận tại đảo Hải Nam, chỉ thu được 17% số thu nhập tiền bán đất dự trù theo ngân sách.
Số thu nhập thuế của Hàng Châu năm nay giảm 2.7%. Con số này là không gồm số thu nhập từ việc bán đất, vốn đã giảm 50% trong sáu tháng đầu. Thành phố Tương Đàm tại Hồ Nam đã không trả được lương cho giáo viên và không đóng góp vào quỹ hưu bổng. Nghe đồn rằng thành phố Vô Tích đã không trả được lương trong Tháng Năm và Ngạc Nhĩ Đa Tư, thành phố có tiếng là bỏ hoang ở Nội Mông, đã phải vay mượn từ một công ty than đá nhà nước để chi tiêu cho các hoạt động của thành phố.
Và Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, đã áp dụng đến biện pháp bóc lột bằng cách tăng 57% số thu các khoản lệ phí không phải thuế trong năm nay. Hồi tuần trước đã có hàng ngàn cửa tiệm và nhà hàng đóng cửa ba ngày vì chủ nhân các tiệm này nghe đồn là các viên chức “tham tàn” định đi đến từng nơi để “phạt nặng” hầu có tiền tài trợ cho Quốc Vận Hội Trung Cộng, sẽ được tổ chức tại thành phố này vào năm tới. Các viên chức của Thẩm Dương đã nhanh chóng bác bỏ tin đồn về kế hoạch này của họ, nhưng các chủ tiệm vẫn cẩn thận đề phòng bằng cách đóng cửa tiệm.
Khi các cửa tiệm phải đóng cửa để tránh bị các viên chức bóc lột thì chúng ta biết là két bạc của Trung Cộng gần cạn. Tình trạng này còn trở nên trầm trọng hơn vì các khó khăn tài chánh của nước này sẽ còn khó giải quyết hơn nữa do ngân sách nhà nước nay đã trở nên bội chi. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1988 ngân sách Trung Cộng đã lầm vào tình trạng thâm thủng trong tam cá nguyệt thứ nhì trong năm nay. Số dự trữ của nước này cũng giảm đi trong Tam Cá Nguyệt 2. Chúng ta cũng không nên ngạc nhiên: trong thời gian đó có lẽ có đến $110 tỷ vốn đã được đưa ra khỏi nước, và tình trạng tẩu tán tiền bạc ra ngoạI quốc xem chừng như vẫn không ngừng trong Tháng Sáu. Công dân tại Trung Cộng đang mất đi lòng tin thật nhanh chóng.
Không có quốc gia đang phát triển nào nào thoát được cuộc khủng hoảng lớn về tài chánh. Trung Cộng sắp sửa bước vào cuộc khủng hoảng đầu tiên. Nước này, từ các thành phố lớn ở duyên hải cho đến các ấp tí hon trong núi, đang thiếu hụt tiền bạc.
Source: http://www.forbes.com/sites/gordonchang/2012/08/12/china-is-running-out-of-money/

Không có nhận xét nào: