Pages

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Trung Quốc không còn con đường nào khác nếu…


(Quốc phòng)- Giới quân sự hiếu chiến Trung Quốc đang đặt câu hỏi và tỏ vẻ rất hưng phấn là làm sao Mỹ có thể duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu bằng một nền kinh tế yếu kém? Trong mắt họ, Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ còn Mỹ đang suy thoái…
Trung Quốc chỉ trích Mỹ,đổ lỗi Việt Nam làm rối biển Đông
Rốt cuộc, Trung Quốc đã quá sớm bộc lộ ý đồ, gây sự chú ý và sự đối phó, chống phá quyết liệt, hùng hổ của các thế lực cảm thấy bất an trên thế giới mà trước hết là Mỹ.

Chiến lược quân sự mới của Mỹ ở châu Á-TBD được Tổng thống Mỹ và giới chức quốc phòng công bố ngày 5/01/2012 đã rõ.
“Để răn đe một cách đáng tin cậy những đối thủ tiềm tàng và ngăn chúng đạt được những mục tiêu của mình, Mỹ phải duy trì khả năng triển khai sức mạnh ở những khu vực mà sự tiếp cận và quyền tự do hoạt động của chúng ta bị thách thức…”
Lầu Năm Góc bắt buộc phải từ bỏ kiểu cơ cấu tổ chức lực lượng tác chiến đánh thắng 2 cuộc chiến tranh lớn cùng một lúc (do ngân sách cắt giảm) mà chuyển sang chiến lược có “cơ cấu tổ chức lực lượng tác chiến để đánh thắng các thách thức trong thế kỷ 21…”
Nói một cách đơn giản, thời kỳ giàu có vung tiền, phiêu lưu quân sự của Mỹ đã qua. Thời kỳ coi thường những thách thức từ Trung Quốc khi Mỹ còn đang ở đỉnh cao của sức mạnh đã qua. Bây giờ là phải thể hiện sự thực dụng kiểu Mỹ của mình.
Và trọng tâm, cốt lõi của chiến lược quân sự mới này là: Mỹ đã, đang và sẽ “giữ vai trò lãnh đạo toàn cầu và duy trì ưu thế quân sự của Mỹ”.
Một nước Trung Quốc trỗi dậy là sự thách thức chủ yếu đặt ra cho Mỹ trong thế kỷ 21. Do đó, Mỹ phải kiềm chế, bao vây Trung Quốc và sẵn sàng đối đầu khi cần thiết.
Mỹ không chỉ nói mà Mỹ còn làm như những gì đã nói. Sự tăng cường của Mỹ ở châu Á-TBD trên cả 3 mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế cả thế giới đều biết, Trung Quốc đã nhận thấy.
Như vậy có thể nói, Mỹ – cường quốc số 1 thế giới, đã tuyên bố thẳng thắn không úp mở trên giấy trắng mực đen về hành động của mình đối với những ai thách thức vị trí bá chủ thế giới.
Với Trung Quốc, Mỹ đã “rút kiếm”. Trung Quốc chỉ có thể được 3 quyền lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất: Sẵn sàng “rút kiếm”. Lúc này một cuộc chiến tranh lạnh nhất định sẽ xảy ra.
Trung Quốc khác Liên Xô về thực lực quân sự (lúc đó Mỹ và Liên Xô thực lực quân sự ngang nhau, còn bây giờ thì Mỹ vượt trội so với Trung Quốc), nhưng giống Liên Xô về sự bất ổn trong nội bộ và thiếu tính bền vững trong lãnh thổ.
Trung Quốc không có đồng minh và nội lực chưa thể so với Mỹ.
Mỹ, các cường quốc lớn trên thế giới, trừ Nga thì đều là đồng minh. Mỹ lại có thừa kinh nghiệm trong việc tiến hành kiểu chiến tranh này.
Vậy một cuộc chiến tranh nóng liệu có xảy ra không?
Điều ngạc nhiên là không phải ai trong giới quân sự Trung Quốc cũng đánh giá khách quan tình hình, đặc biệt là giới quân sự hiếu chiến-giới có tiếng nói quyết định trong chiến lược Trung Quốc.
Họ đang đặt câu hỏi và tỏ vẻ rất hưng phấn là làm sao Mỹ có thể duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu bằng một nền kinh tế yếu kém? Trong mắt họ, Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ còn Mỹ đang suy thoái…thì việc soán ngôi Mỹ đã đến lúc.
Sẽ là sai lầm nếu cho rằng sự cắt giảm chi phí quân sự của Mỹ chứng tỏ sức mạnh quân sự đã giảm. Không phải vậy! Nếu trong tình hình hiện nay, Mỹ không cắt giảm ngân sách quốc phòng thì Trung Quốc còn cơ may kéo dài được thời gian tự tung tự tác.
Sự cắt giảm chi phí quân sự của Mỹ không phải là dấu hiệu cho Trung Quốc vui mừng. Vì chỉ như thế (cắt giảm chi phí QS) Mỹ mới có điều kiện để tăng nơi khác, nơi mà Trung Quốc không muốn.
Với Trung Quốc, Mỹ đã “rút kiếm”.
Với Trung Quốc, Mỹ đã sẵn sàng
Sự giải thích nằm trong thực tế ở châu Á – TBD…
Một sự so sánh lực lượng quá chênh lệch trong một thế trận cũng hoàn toàn bất lợi cho Trung Quốc. Cho nên, bất kỳ một sự lựa chọn kiểu chiến tranh nào, “lạnh” hay “nóng” của Trung Quốc với Mỹ trong tương lai gần cũng đều bị đều thua thiệt. Mỹ là “kẻ cuối cùng tra kiếm vào vỏ”.
Lựa chọn thứ hai: Cùng nhau thống trị thế giới hay tái cân nhắc cấu trúc G2.
Tạp chí “Tuần tin tức Trung Quốc” số ra ngày 15/1/2012, đăng bài viết của tác giả Bào Thịnh Cương, một học giả về quan hệ quốc tế của Trung Quốc, trong đó cho rằng quan hệ Trung-Mỹ chỉ tồn tại 2 sự lựa chọn lớn: một là như trên, đối đầu; hai là cùng thống trị thế giới.
Ông Bào Thịnh Cương cho rằng, đứng trước thế tiến công hùng hổ của Mỹ, nếu Trung Quốc lựa chọn đối đầu thì dẫn đến xung đột song phương nghiêm trọng, có khả năng bùng phát chiến tranh khu vực…(không nói đến ai thắng ai thua), và “ Cùng nhau thống trị thế giới” là sự lựa chọn thứ hai.
Quả thật, dư luận hoàn toàn đồng quan điểm với ông Bào Thịnh Cương ở sự lựa chọn thứ nhất. Vì (theo ông ấy) đây là sự lựa chọn “hạ sách”.
Nhưng khả năng tồn tại lựa chọn thứ hai theo sự phân tích của ông Bào Thịnh Cương thì “ngây thơ” không tưởng được.
Rằng “Trung Quốc đang trỗi dậy còn Mỹ trên đà suy thoái. Trong lịch sử một nước Anh suy thoái và một nước Mỹ trỗi dậy cùng nhau thống trị thế giới nên tránh được xung đột song phương…” “ Mỹ suy thoái thì cùng với Trung Quốc thống trị thế giới mới tránh được sự hỗn loạn trật tự quốc tế…”
Quan điểm cho rằng nước Mỹ suy thoái thì phải nhường quyền thống trị thế giới cho Trung Quốc không chỉ là của một học giả.
Năm 2008, lúc cả thế giới kinh tế suy thoái, kể cả Mỹ, nhưng Trung Quốc vẫn tăng trưởng thần kỳ 2 con số thì khi Đô đốc Timothy Keating, tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, gặp một đô đốc cao cấp của Trung Quốc trong năm 2008, ông nghe thấy một lời đề nghị đáng ngạc nhiên.
Keating cho biết, ông ta đã đề nghị bằng cách vẽ một đường trên bản đồ xuống giữa Thái Bình Dương và nói thêm: “Các bạn có thể có một phần phía đông của Thái Bình Dương tính từ Hawaii. Chúng tôi sẽ lấy phần phía tây của Thái Bình Dương, từ Hawaii đến Trung Quốc”.
Trong khi đó, Mỹ đánh giá sự trỗi dậy của Trung Quốc như nào?
Chiến lược quân sự mới của Mỹ ở châu Á-TBD thẳng thắn chỉ rõ: “Về lâu dài, sự trỗi dậy của Trung Quốc như là một cường quốc khu vực…”
Rõ ràng, Mỹ không gắn cho Trung Quốc cái mác cường quốc toàn cầu hay siêu cường…Đúng thôi, vì dấu ấn quân sự của Trung Quốc trên toàn cầu chưa có. Điều này thể hiện sự đánh giá cho rằng quân đội Trung Quốc còn lâu mới mang tính toàn cầu, còn lâu mới đuổi kịp quân đội Mỹ là không sai.
Lưu ý, đây là đánh giá này của Lầu Năm Góc chứ không phải của một cá nhân nào. Vậy, liệu Mỹ có nhường quyền thống trị thế giới cho Trung Quốc hay không?
Sự lựa chọn này mang tính “xin-cho” cho nên chỉ mang tính một phía. Trung Quốc “xin”, và đương nhiên đời nào Mỹ “cho”.
Hơn ai hết, người Trung Quốc hiểu rằng, một đất nước không bao giờ có 2 vua cũng như thế giới không có 2 mặt trời, hơn nữa,Trung Quốc không phải là Anh quốc.
Mối quan hệ giữa Anh-Mỹ là đặc biệt, không mâu thuẫn về quyền lợi, không mâu thuẫn về ý thức hệ. Đó là mối quan hệ giống như “công ty mẹ và công ty con”.
Vì thế, chừng nào Mỹ còn “thoi thóp” chừng đó Mỹ còn cố bảo vệ ngôi báu.
Cho nên, lựa chọn này, cùng thống trị thế giới, là không tưởng, không thể xảy ra. Mỹ chẳng dại, chẳng ngây thơ đến mức chấp nhận đề xuất “cùng thống trị thế giới” của Trung Quốc để “nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà”.
Trung Quốc muốn có ngai vàng thì phải giành lấy bằng sức mạnh, phải “rút kiếm” ra và là “người cuối cùng tra kiếm vào vỏ” mới thống trị thế giới chứ không có sự lựa chọn nào khác.
Đó chính là phải đối đầu với Mỹ.
Nhưng, như trên đã nói, trong tương lai gần thì thế và lực của Trung Quốc chưa cho phép họ làm được điều này, vậy có sự lựa chọn nào khác không?
Và, đây là lời dạy của ông Đặng Tiểu Bình: “Lặng lẽ quan sát; giữ vững trận địa; bình tĩnh ứng phó; giấu mình chờ thời; giỏi về phòng thủ; quyết không đi đầu”.
Đây chính là lựa chọn thứ 3, sự lựa chọn duy nhất đúng của Trung Quốc hiện nay, sự lựa chọn mà họ từng vứt bỏ không lâu.
Có thể nói đây là trụ cột chính trong chiến lược của Trung Quốc chỉ muốn bảo đảm an toàn lợi ích của mình trong thế giới đa cực.
Nhưng, sau 3 thập kỷ yên ổn làm ăn, tình thế Trung Quốc đã khác. Họ cho rằng đã đến lúc không cần phải “dấu mình” vì thời cơ đã đến. Mỹ suy thoái kinh tế, Trung Quốc trở thành trung tâm kinh tế thứ 2 thế giới…Cho nên phải “quyết đi đầu”.
Tuy nhiên, do sự ham muốn quá lớn thúc giục, Trung Quốc hay giới hiếu chiến có vai trò lớn trong việc định ra chiến lược đã không nhận ra mâu thuẫn quá lớn giữa khả năng và thực tế, nên vội vàng “đốt cháy giai đoạn”.
Bộc lộ quá sớm ý đồ và hành động đã khiến Trung Quốc đã ở trong một tình thế khó khăn đó là, ngoài Mỹ ra, thì thế giới cũng đang tồn tại nhiều siêu cường quân sự ngang và hơn Trung Quốc dù kém GDP như Nga, Nhật, Ấn Độ…và những quốc gia này cũng đang theo dõi chặt chẽ sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc không kém gì Mỹ, khi sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc cũng đang khiến họ bất an.
Bởi vậy, hành động ngang ngược, trong cái gọi là “thành phố Tam Sa”, được coi là sự hung hăng, leo thang nguy hiểm nhất gần đây của Trung Quốc khiến các nước trong khu vực phẫn nộ, các nước lớn phản đối quyết liệt.
Ông Kalha, cựu thư ký bộ NG Ấn Độ cho rằng “Vẫn chưa quá muộn để Trung Quốc nhận ra hành động điên rồ của mình”.
Biên tập viên của Tân Hoa Xã, Chu Phương thẳng thắn đề xuất: “Đối với vấn đề “thành phố Tam Sa”, chính phủ Trung Quốc cần sớm nhận ra sai lầm lớn lao của mình, xin đừng ngại mất thể diện mà bỏ lỡ thời cơ. Trung Quốc cần sớm hành động, sửa chữa sai sót…”
Đúng vậy, Trung Quốc bây giờ chỉ có một sự lựa chọn: Trở lại sách lược của ông Đặng Tiểu Bình dù đã vứt bỏ nó khi còn quá sớm.
(Tiếp theo: Trong mưu đồ chiếm trọn biển Đông trước mắt Trung Quốc chỉ có người khổng lồ hùng mạnh Mỹ.
Họ quên mất một điều, trước tiên muốn chiếm trọn biển Đông thì phải vượt qua Việt Nam, mà vượt qua Việt Nam…thì không thể nói trước được điều gì).
  • Lê Ngọc Thống

Không có nhận xét nào: