Pages

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

TS. TRẦN CÔNG TRỤC: MỘT TẤC CŨNG KHÔNG NHƯỜNG !


Không nhường dù một tấc đất!


Luôn tâm huyết với công việc gìn giữ bờ cõi thiêng liêng của tổ quốc, luôn nỗ lực sống trong đời với hai chữ “trách nhiệm” – đó là tiến sĩ Trần Công Trục – nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ.

Chuyện một luật sư tham gia làm sách về biển trong bối cảnh hiện tại có lẽ phải bắt đầu xa hơn, 3 – 4 thập kỷ trước, khi ông bắt đầu “sự nghiệp biên giới” của mình?

Tốt nghiệp trường Cán bộ ngoại giao, ngoại thương, năm 1968 tôi vào ngành ngoại thương. Năm 1971 thì nhập ngũ, trở thành bộ đội hải quân. Đến năm 1976, tôi được cấp trên cử đi công tác biệt phái tại ban Biên giới của Chính phủ để nghiên cứu lịch sử hải đồ. Năm 1982, với quân hàm đại uý, tôi chính thức chuyển ngành về công tác tại ban Biên giới; từ năm 1990 đến năm 2004 trước khi nghỉ hưu, tôi ở cương vị phó và trưởng ban. Như vậy, tôi đã có 30 năm, với nhiều vị trí khác nhau, làm những công việc liên quan trực tiếp đến biên giới và hải đảo. Nếu tính cả những công việc đã tham gia sau khi nghỉ hưu, là tròn 40 năm…

Có vẻ như việc kinh doanh, buôn bán, xuất nhập khẩu không hợp với tôi, dù tôi đã được học hành để ra làm công việc ấy. Việc nghiên cứu, lĩnh vực pháp lý, ngoại giao có vẻ thú vị hơn, hấp dẫn tôi hơn…

Còn biển có ý nghĩa thế nào đối với ông?

Là một cậu bé nhà nghèo lớn lên ở vùng cửa sông Nhật Lệ (Quảng Bình), thuở ấu thơ tôi đã rất thân thiết với biển. Khi chuyển sang làm công tác biên giới, đâu cũng đất nước quê hương, phải nói biển là một môi trường rất gắn bó. Mà biển của ta thì vô cùng đẹp, phong phú, chứa nhiều hiểm nguy lẫn bí ẩn chưa được khai phá (không chỉ về mặt địa lý, kinh tế mà cả về mặt pháp lý, chính trị). Biển luôn là nơi đưa lại hạnh phúc lẫn đau khổ cho con người, như nhà thơ Petofi từng viết: “Buồn đau là biển cả. Vui sướng là ngọc châu…”, đòi hỏi mỗi chúng ta phải hiểu về biển, hợp lực để bảo vệ và tìm được nhiều hơn nữa những gì là ngọc châu của biển!

Cuốn Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông (NXB Thông tin và Truyền thông) đến với bạn đọc đúng vào thời điểm luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua. Ông có thể kể lại chuyện làm chủ biên cuốn sách?
Chúng ta đang ở trong một cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao và đó cũng là một cuộc đấu tranh pháp lý lâu dài. Tất cả những gì chúng ta có không phải cái nào cũng đưa ra hết, vì không thể không đề phòng những ngón đòn nham hiểm từ đối phương.
Khi có một tập hợp các bài nghiên cứu về Biển Đông, để thông tin không vênh nhau, chồng chéo, thậm chí chưa được kiểm chứng gây bất lợi nhiều bề… tôi đã có ý kiến làm lại, và không chỉ dừng lại ở Hoàng Sa, Trường Sa vì nói đến Biển Đông là bao gồm biển và quần đảo; cũng như phải phản ánh đầy đủ các vấn đề về biển đảo, các quy chế pháp lý, các tranh chấp và xử lý tranh chấp, từ đó đánh giá chiến lược về biển của các bên cũng như giải pháp của chúng ta… Logic của vấn đề là vậy. Phải trên tinh thần khách quan, trên cơ sở các dữ liệu khoa học mà không tranh luận, để cho người đọc tự thấy rõ vấn đề đúng sai ra sao. Trước đó, tôi có tham gia thẩm định cuốn Kỷ yếu Trường Sa. Cuốn này đã được chuẩn bị ba, bốn năm trước, đã tập hợp được nhiều tư liệu rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, nội dung chưa ổn, thông tin chưa được chắt lọc và thế là từ người thẩm định, tôi đã nhận viết lại phần nội dung chính của kỷ yếu…

Với Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông, thông tin không phải mới nhưng đều đã được kiểm chứng, phản ánh hầu hết những vấn đề mà chúng ta đang quan tâm: biển và thềm lục địa, quy chế pháp lý, cách xác định phạm vi, giải quyết tranh chấp các vùng chồng lấn… đồng thời khẳng định: Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, ít nhất là từ thế kỷ 17. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thực sự liên tục, hoà bình, phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Có một số công bố kết quả nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, cứ liệu, bản đồ… liên quan đến Biển Đông, ý kiến của ông?

Khi công bố những tài liệu đó, nên cân nhắc kỹ lưỡng. Có những tư liệu chỉ có giá trị trong tham khảo, giáo dục, tuyên truyền; ngay cả một số sự kiện được ghi trong sách, nếu thiếu những cứ liệu chuẩn xác đi cùng, sẽ làm đảo lộn nhiều thứ.

Cách giải quyết vấn đề Biển Đông, không chỉ xuất phát từ sự thật lịch sử mà còn phải được nhìn nhận từ tương lai, ví dụ về mục tiêu sử dụng chung?

Trong vô số những tài liệu, cứ liệu lịch sử, nhất thiết phải bóc tách, phân tích, thẩm định giá trị của từng thứ. Ví dụ, bản đồ có giá trị cao nhất là bản đồ chính thức trong hệ thống hành chính, do cơ quan có thẩm quyền hành chính cao nhất xuất bản, là bản đồ chủ quyền. Phía bên kia có rất nhiều bản đồ giả và có thể nói đây chính là một cuộc chiến tranh bản đồ, chiến tranh về tên gọi nhằm mục tiêu mở rộng lãnh thổ, lãnh hải. Nếu không tỉnh táo trong việc sử dụng bản đồ, sẽ bị phản tác dụng. Phải lưu ý việc này, vì cái gọi là “lợi bất cập hại”. Nếu tìm ra được những bản đồ có giá trị, điều đó rất đáng hoan nghênh, ví dụ có tấm bản đồ tìm được đã cho thấy rõ đến đời nhà Thanh lãnh thổ lãnh hải Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam mà thôi.
Đã sinh ra làm người, phải làm người với đầy đủ ý nghĩa của từ “người”. Có nghĩa, làm hay không làm, tác vi hay bất tác vi, là trong từng bối cảnh cụ thể. Không làm gì, cũng phải có trách nhiệm, trừ khi đã nhắm mắt xuôi tay.
Để chấp nhận đưa vào hồ sơ pháp lý thì không thể tuỳ tiện và phải cân nhắc thận trọng trong quá trình sử dụng. Chúng ta đang ở trong một cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao và đó cũng là một cuộc đấu tranh pháp lý lâu dài. Tất cả những gì chúng ta có không phải cái nào cũng đưa ra hết, vì không thể không đề phòng những ngón đòn nham hiểm từ đối phương.

Trong lịch sử nhân loại, có những tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp lãnh thổ, chỉ có thể giải quyết thông qua sức mạnh quân sự. Những căng thẳng trên Biển Đông có nói với ông điều đó?

Xu hướng hiện tại rất khó nói. Loài người đã trải qua quá nhiều khổ đau và xung đột nên việc giải quyết tranh chấp bằng sức mạnh quân sự luôn bị phản đối. Biển Đông là một trong những nơi đang diễn ra những tranh chấp có ý nghĩa về quyền lợi, đang có những mầm mống và nguy cơ xung đột quân sự. Theo tôi, phải thấy Trung Quốc là nguyên nhân chủ yếu tạo ra xung đột. Đây chính là mấu chốt vấn đề. Họ đang phát triển mạnh về nhiều mặt và đang tính đến việc cân bằng bàn cân chiến lược quốc tế, do vậy lúc này chúng ta phải bình tĩnh và sáng suốt hơn.

Ba mươi năm làm công tác biên giới, nguyên tắc số một của ông là gì?

Là sự rõ ràng về quan điểm, bất kỳ trường hợp nào cũng không được phép mập mờ.

Có bao giờ, trên bàn đàm phán, người làm công việc ngoại giao – pháp lý như ông được phép có một chữ “nhường”?

Không, dù chỉ một tấc đất!

Là một dịch giả tham gia dịch văn bản Công ước Luật Biển của Liên hiệp quốc năm 1982 từ bản tiếng Pháp ra tiếng Việt năm 1999, phải chăng đó là thành quả của tự học?

Tôi tự học tiếng Pháp khi đã đi làm và có cơ hội. Trước, cha mẹ tôi nghèo, con cái khó có cơ hội đó.

Phẩm chất cần thiết nhất đối với người tham gia thực hiện sự nghiệp biên giới, thưa ông?

Dám nói thẳng, thậm chí là “nói ngược”. Muốn vậy, phải nghiên cứu sâu về căn cứ pháp lý và lịch sử, nắm được sự thật khách quan, thêm nữa, phải có sự dũng cảm để lên tiếng bảo vệ quan điểm của mình đến cùng.

Công việc có ý nghĩa nhất trong cuộc đời mà ông đã làm?

Chính là công việc liên quan đến sự trọn vẹn lãnh thổ, lãnh hải đất nước, dân tộc… mà tôi đã có cơ hội tham gia gần trọn cuộc đời mình.

Với vai trò trưởng văn phòng công chứng Thăng Long, ông quan tâm điều gì trước hết: hoạt động xã hội, kinh doanh kiếm tiền, hay thuần tuý là sự tiếp tục lao động chuyên môn?

Nghỉ hưu năm 2004, tôi về làm luật sư và sau đó thì mở văn phòng công chứng. Công việc mới liên quan đến các giao dịch, các hoạt động kinh tế – xã hội dân sự, không liên quan đến biên giới, hải đảo… với mục tiêu phục vụ lợi ích của người dân, nhằm giải quyết nhanh các giao dịch bị ách tắc, bớt đi những tranh chấp dân sự có thể tránh được và góp phần đẩy mạnh ổn định, trật tự xã hội. Một lĩnh vực nóng, cần được làm giảm về sức ép. Nhiều quốc gia coi đây là một nghề cao quý, có tính nhân văn.

Người công chứng viên, hàng ngày phải lựa chọn giữa một bên là luật pháp, công lợi và một bên là phi pháp, tư lợi bởi những cám dỗ có thật?

Điều đó cũng dễ hiểu. Sự thật là trong bối cảnh chung hiện nay, lương không đủ sống, nên trong những giây phút nào đó, người ta cũng buộc phải tính toán để giữ mình và giữ nghề. Quan điểm làm nghề của tôi: không được phép lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi, không đặt vấn đề kiếm tiền lên trên các mục tiêu khác, đó chính là đạo đức nghề nghiệp. Thiếu công tâm, không trung thực sẽ dễ dẫn đến những khuất tất, phiền hà khác và làm mất đi sự lành mạnh trong các giao dịch dân sự. Phương châm của chúng tôi là “Niềm tin tạo nên sức mạnh”. Chất lượng phục vụ và đạo đức nghề nghiệp sẽ tạo nên niềm tin và niềm tin sẽ đem đến sức mạnh. Chúng tôi đang nỗ lực thực hiện bằng được điều đó.

Ông đã có những “biên giới” trong nghề nghiệp, vậy trong cuộc sống gia đình, ông có những “biên giới” nào không?

Tôi quan niệm, làm người thì phải sống hết với những trách nhiệm của một con người. Trách nhiệm với cuộc sống, thể hiện trong cách ứng xử, quan tâm tới gia đình, con cái, họ hàng, anh em, bạn bè… Không nên thoái thác những trách nhiệm đó vì bất cứ lý do gì khi anh là chủ gia đình, là chồng, là cha, là một thành viên trong họ tộc. Tình cảm, ý thức, vật chất – suy cho cùng đều là trách nhiệm. Và đó là điều lớn nhất để làm người.

Nhưng nếu cuộc sống mà chỉ đề cập tới trách nhiệm, sẽ không khỏi cảm thấy nặng nề?

Đã sinh ra làm người, phải làm người với đầy đủ ý nghĩa của từ “người”. Có nghĩa, làm hay không làm, tác vi hay bất tác vi, là trong từng bối cảnh cụ thể. Không làm gì, cũng phải có trách nhiệm, trừ khi đã nhắm mắt xuôi tay. Còn thoi thóp sống còn phải nghĩ đến người thân, không làm gì để gây thêm buồn nản, suy sụp cho họ, đó là trách nhiệm. Không làm được như vậy mới là nặng nề!

Ông nghĩ thế nào về những “biên giới”, “chuẩn mực”, khi mà trong xã hội nào cũng luôn có những người “xây” và luôn có những người “phá”?

Đúng vậy, thậm chí đó là một sự xúc phạm lớn đối với sự nghiệp, công cuộc chung. Nhưng mình không nên bi quan, chán nản khi đã tự nguyện cống hiến, dấn thân, tự nguyện gánh vác những công việc cho xã hội, cho gia đình tốt đẹp hơn, ổn định hơn. Phải vui vẻ vượt qua những barrier đó thôi, cuộc sống mà!

Thoát ly con người gương mẫu chốn công sở, văn phòng, có thể hình dung vài nét về chuyên gia lĩnh vực biên giới Trần Công Trục trong đời thường?

Tuyệt nhiên không phải lúc nào cũng mũ mão cân đai và nói những điều sáo rỗng. Tôi không thích làm người theo kiểu như vậy. Ra đời, mình phải nghiêm túc nhưng cũng phải bình đẳng với tất cả, từ anh lái xe đến người phục vụ… Phải sống thực với con người mình vì phẩm chất cao nhất của con người là không giả dối.

Tôi luôn thấm thía một câu hát trong ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm… Sống cũng phải vậy!

THỰC HIỆN: KIM HOA

Theo SGTT

Không có nhận xét nào: