Pages

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

Vấn đề Biển Đông cản trở hội nhập kinh tế ASEAN



Container chờ bốc dỡ tại cảngTanjung Priok gần Jakarta (Indonesia).
Thanh Phương (RFI)

Bất đồng giữa các nước Đông Nam Á trên hồ sơ Biển Đông đã bộc lộ vào lúc mà ASEAN đang cố đẩy mạnh hội nhập kinh tế theo mô hình của Liên Hiệp Châu Âu từ đây đến năm 2015.

Lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN, cuộc họp các Ngoại truởng của hiệp hội này đã không ra được một thông cáo chung sau cuộc họp thường niên vừa qua ở Phnom Penh, do bất đồng nội bộ về việc giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc.
Các lãnh đạo chính trị và các giới chức ASEAN cho rằng bất đồng đó sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch hội nhập kinh tế khu vực. Nhưng vấn đề là Trung Quốc đầu tư ngày càng nhiều vào ASEAN, tạo ra một ảnh hưởng ngày càng lớn trong khu vực và Bắc Kinh đã khai thác ảnh hưởng này để ngăn không cho các nước Đông Nam Á có một lập trường chung trên vấn đề Biển Đông.
Đông Nam Á hiện được coi là một địa điểm rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, trong bối cảnh châu Âu đang suy thoái, kinh tế Mỹ đang hồi phục và tăng trưởng đang chậm lại ở các khu vực khác của châu Á.

Các nhà đầu tư đang rất trông chờ vào kế hoạch đưa ASEAN trở thành một thị trường và cơ sở sản xuất duy nhất, trong đó hàng hoá, dịch vụ, đầu tư và nhân công trình độ cao được tự do lưu thông. Tuy rằng đã có sự đồng thuận về mục tiêu hội nhập kinh tế, nhưng ASEAN lại phải đối đầu với nhiều bất đồng, tranh chấp nội bộ. Ngoài vấn đề Biển Đông, còn có tranh chấp biên giới giữa Thái Lan và Cam Bốt hay va chạm về văn hóa giữa Indonesia và Malaysia v. v...

Hơn nữa, đến năm 2015, kế hoạch hội nhập kinh tế sẽ chỉ mới đạt được một phần, cho nên, những nước thành viên phát triển nhất trong khối ASEAN có thể sẽ phải thúc đẩy hội nhập khu vực theo hai tốc độ, giống như Liên hiệp châu Âu đã làm. Mô hình hai nấc này có thể sẽ khiến một số thành viên ASEAN chịu ảnh hưởng mạnh hơn từ Trung Quốc cũng như từ Hoa Kỳ, vì hai cường quốc này đang tranh giành ảnh hưởng ở châu Á thông qua đầu tư và ngoại giao. Hiện giờ Trung Quốc đã là nước đầu tư hàng đầu ở Cam Bốt và Miến Điện.

Cho dù không có những khác biệt về kinh tế và chinh trị, khả năng yếu kém của một số nước thành viên ASEAN cũng đã khiến cho rất khó thực hiện hội nhập kinh tế khu vực. Ngay cả Philippines đôi khi cũng rất vất vả trong việc gởi quan chức đi dự các cuộc họp và thường ra các quyết định rất chậm. Thậm chí Philippines có nguy cơ rơi vào nhóm các quốc gia kém phát triển nhất gồm Cam Bốt, Lào, Việt Nam và Miến Điện. Bốn nước này đã được gia hạn thêm thời gian để giảm các thuế quan.

Ấy là chưa kể khối ASEAN đã đề ra một cơ chế cho phép « linh động » trong việc thực hiện các cam kết, tức là nước nào chưa sẵn sàng cho cam kết nào thì có thể được tạm hoãn thực hiện cam kết đó. Thành ra, chẳng hạn như sáu nước, trong đó có Việt Nam, đã ký hiệp định nối các thị trường chứng khoán trước cuối năm 2011 để thúc đẩy giao dịch điện tử xuyên biên giới, nhưng cho tới nay chỉ có Malaysia và Singapore thực hiện hiệp định đó.

Vấn đề Biển Đông cũng cho thấy là ASEAN không có khả năng giải quyết những tranh chấp lớn. Khác với Liên Hiệp Châu Âu, ASEAN không có một nghị viện, một cơ quan hành pháp hoặc một tòa án khu vực để ban hành luật và bảo đảm thực hiện luật đó. Hiện giờ ASEAN chỉ có một ban thư ký với quyền hành rất hạn chế.

Còn nhiều thách đố khác đang chờ đón ASEAN, chẳng hạn như chuẩn hóa các thủ tục hải quan, mở cửa các ngành công nghiệp đang được bảo hộ chặt chẽ như dịch vụ tài chính, đồng thời phải bãi bỏ hơn nữa các hàng rào còn cản trở đầu tư giữa các nước trong khu vực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét