Pages

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

VIỆT NAM GIỮA BA TẦNG TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG


Lê Hồng Hiệptheo TVN
Vấn đề tranh chấp Biển Đông hiện nay đang là thách thức lớn nhất về mặt an ninh – quốc phòng cũng như đối ngoại của Việt Nam, có ảnh hưởng to lớn đến tương lai hòa bình và phát triển của đất nước.
Việc giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông đòi hỏi ở Việt Nam sự khôn ngoan, kiên trì về chiến lược lẫn sự khéo léo, kịp thời về sách lược, nhất là khi cuộc tranh chấp ngày càng trở nên phức tạp và không chỉ liên quan đến Việt Nam, Trung Quốc mà còn cả các nước khác trong và ngoài khu vực.
Ba tầng xung lực tranh chấp Biển Đông
Xét tổng thể, tranh chấp Biển Đông hiện đang diễn ra ở ba tầng nấc liên quan và tác động lẫn nhau. Ở tầng trong cùng, cuộc tranh chấp là sự cạnh tranh, đối đầu giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á có yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông, bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, và Brunei. Ở tầng này, mặc dù Đài Loan cũng là một bên tranh chấp nhưng do đặc thù quan hệ Trung – Đài cũng như những dấu hiệu cho thấy Trung – Đài đang phối hợp với nhau trong việc đối phó các bên tranh chấp khác, thể hiện rõ nhất qua đề xuất Trung – Đài cùng phối hợp khai thác đảo Ba Bình của Việt Nam gần đây, nên có thể coi Trung Quốc và Đài Loan về bản chất chỉ là một bên tham gia tranh chấp mà thôi.

Trong số các nước Đông Nam Á tham gia tranh chấp, khác với Malaysia và Brunei, Việt Nam và Philippines không những là hai nước cùng có tuyên bố chủ quyền đối kháng với Trung Quốc liên quan đến toàn bộ quần đảo Trường Sa mà còn có những tranh chấp song phương riêng lẻ với Trung Quốc. Trong khi Việt Nam có tranh chấp song phương với Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa thì bãi cạn Scarborough cũng là một đối tượng tranh chấp song phương chỉ liên quan đến Philippines và Trung Quốc. Chính vì vậy, có thể nói ở tầng trong cùng của tranh chấp Biển Đông, sự đối đầu tập trung vào tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines.
Trong khi đó, tầng giữa của tranh chấp Biển Đông liên quan đến sự đối đầu giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á với tư cách là một khối, cụ thể là ASEAN. Mặc dù không phải tất cả các nước ASEAN đều liên quan đến tranh chấp nhưng bản thân ASEAN có lợi ích trong việc giải quyết thành công cuộc tranh chấp giữa các nước thành viên liên quan với Trung Quốc nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh, tự do hàng hải trong khu vực cũng như vị thế chính trị của ASEAN.
Sự vận động chiến lược ở tầng tranh chấp này cũng hết sức phức tạp khi bản thân các nước ASEAN không liên quan trực tiếp tới tranh chấp cũng có những lập trường khác nhau trong việc xử lý tranh chấp với Trung Quốc. Trong khi những nước như Indonesia và Singapore tỏ ra cương quyết hơn với Trung Quốc chủ yếu vì e ngại tham vọng của Trung Quốc ở khu vực thì những nước như Thái Lan, Myanmar, và đặc biệt là Campuchia, lại không thể hiện thái độ cứng rắn, nếu không muốn nói là có phần thỏa hiệp, đối với những yêu sách ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, nhìn chung với tư cách là một khối thì ASEAN vẫn đang cố gắng thể hiện một vai trò đoàn kết và chủ động trong việc xử lý cuộc tranh chấp Biển Đông lẫn quan hệ của cả khối với Trung Quốc, thể hiện rõ nhất trong việc ASEAN chủ trì đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông với Trung Quốc.
Lâu nay, cuộc tranh chấp Biển Đông chủ yếu chỉ diễn ra ở phạm vi hai tầng vừa nêu. Tuy nhiên những diễn biến trong tình hình khu vực thời gian qua cho thấy hiện nay xung lực của cuộc tranh chấp còn xuất phát từ một tầng quan hệ mới được hình thành, đó chính là cuộc cạnh tranh mang tính chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ.
Mỹ mặc dù không phải là một bên trực tiếp tham gia tranh chấp nhưng tham vọng quá mức cũng như sự ngang ngược ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, vốn đe dọa hòa bình và ổn định của khu vực, mang lại cho Mỹ một lý do chính đáng để can dự vào cuộc tranh chấp. Điều mà Mỹ muốn đảm bảo thông qua sự can dự của mình không chỉ là hòa bình hay quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, mà sâu xa hơn Mỹ dường như đang muốn sử dụng cuộc tranh chấp Biển Đông như một công cụ nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc ở phạm vi khu vực cũng như toàn cầu.
Sự can dự gia tăng của Mỹ
Để hiểu được chính sách của Mỹ ở Biển Đông chúng ta cần đặt nó vào bức tranh chiến lược rộng lớn hơn. Những thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã không ngừng trỗi dậy về mọi mặt, đặc biệt là về kinh tế và quân sự, khiến cho cán cân lực lượng toàn cầu hiện nay vốn đang có lợi cho Mỹ có thể bị thách thức và đảo ngược. Theo lập luận của các lý thuyết về quan hệ quốc tế, đặc biệt là chủ nghĩa hiện thực, thì nếu như sự trỗi dậy của Trung Quốc vẫn tiếp diễn tới một mức độ mà các lợi ích và vị thế toàn cầu của Mỹ bị đe dọa thì Mỹ sẽ phải hành động đáp trả bằng cách tìm cách ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc nhằm duy trì địa vị áp đảo của mình trong hệ thống quốc tế.
Vừa qua Mỹ đã quyết định tái cân bằng lực lượng toàn cầu của mình theo hướng ưu tiên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Cụ thể, tại Singapore tháng 6 vừa qua Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã tuyên bố trong thời gian tới Mỹ sẽ điều chuyển tới khu vực Thái Bình Dương 60% năng lực hải quân của mình, thay vì cân bằng tỉ lệ 50-50 giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương như hiện nay. Biện pháp tái cân bằng chiến lược này cùng với một loạt động thái như luân chuyển quân tới Australia, củng cố quan hệ với các đồng minh trong khu vực… rõ ràng đều liên quan đến sự trỗi dậy của Trung Quốc và có thể được coi như những dấu hiệu đầu tiên của một chính sách ngăn chặn mà Mỹ đang manh nha hình thành đối với Trung Quốc.
Tương tự như vậy, ở khu vực Đông Nam Á, sự can dự ngày càng tăng của Mỹ vào tranh chấp Biển Đông, đặc biệt là từ năm 2010 đến nay, cũng cho thấy Mỹ đang tìm cách ngăn chặn Trung Quốc hiện thực hóa các tham vọng biển quá mức và sử dụng “mối đe dọa Trung Quốc”, thể hiện qua yêu sách đường lưỡi bò và sự ngang ngược ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, làm “ngọn cờ chính nghĩa” tập hợp lực lượng khu vực phục vụ mục tiêu ngăn chặn Trung Quốc của mình.
Hệ lụy đối với Việt Nam
Sự can dự ngày càng tăng của Mỹ vào tranh chấp Biển Đông chắc chắn tác động tới quan điểm chiến lược của Việt Nam trong việc đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông. Là một nước nhỏ, tiềm lực hạn chế hơn Trung Quốc về mọi mặt, Việt Nam có lợi ích trong việc chuyển hóa tranh chấp của mình với Trung Quốc từ tầng trong cùng ra các tầng bên ngoài nhằm hóa giải tác động tiêu cực của tình trạng bất đối xứng trong sức mạnh giữa hai nước.
Rõ ràng sự can dự của Mỹ, dù mới chủ yếu dừng ở mức gián tiếp, sẽ có tác dụng khiến Trung Quốc hành động kiềm chế, thận trọng hơn, và có thể không dám sử dụng vũ lực trong hành xử của mình ở Biển Đông. Vai trò và tiếng nói của ASEAN với tư cách là một khối trong xử lý tranh chấp với Trung Quốc cũng có sức nặng lớn hơn khi có sự hậu thuẫn của Mỹ.
Ngoài ra, các ý định mang tính chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc cũng tạo điều kiện cho Việt Nam, một quốc gia có vị trí địa chiến lược và lịch sử quan hệ đặc biệt với Trung Quốc, trở nên quan trọng hơn trong mắt các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ. Việc lý giải sự quan tâm lớn hơn của Mỹ đối với Việt Nam cũng như sự phát triển ấn tượng của quan hệ Việt – Mỹ thời gian qua chính vì vậy cần phải dựa trên bối cảnh những chuyển biến trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc và khu vực.
Mặc dù vậy, sự điều chỉnh chiến lược toàn cầu của Mỹ cũng như việc Mỹ gia tăng can dự vào tranh chấp Biển Đông cũng mang lại cho Việt Nam một số rủi ro nhất định, trong đó rủi ro lớn nhất là việc Việt Nam có thể bị cuốn vào một cuộc Chiến tranh lạnh phiên bản 2.0. Nếu cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên khốc liệt hơn thì Việt Nam với tư cách là một nước láng giềng của Trung Quốc và là một bên tham gia tranh chấp Biển Đông sẽ gặp vô vàn khó khăn trong việc duy trì sự cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như tránh bị vạ lây bởi sự đối đầu giữa hai cường quốc.
Khi Mỹ tìm cách tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực với hàm ý nhắm vào Trung Quốc thì Trung Quốc chắc chắn sẽ không ngồi yên. Ví dụ, khi Mỹ gia tăng can dự vào Biển Đông và quan hệ Việt – Mỹ trở nên nồng ấm hơn thì Trung Quốc sẽ tìm cách răn đe Việt Nam, trên mọi phương diện: kinh tế, quân sự, ngoại giao… Các báo cáo về việc Trung Quốc hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam những tháng qua, lập đơn vị quân đội đồn trú tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”, hay tác động vào Campuchia như tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 45 nhằm vừa phá vỡ áp lực của quốc tế nhắm vào Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, vừa gây chia rẽ quan hệ Việt Nam – Campuchia (vốn là một mối quan hệ không kém phần trọng yếu đối với an ninh của Việt Nam)… đều cần được lý giải dựa trên những vận động vừa qua trong tam giác quan hệ Mỹ – Việt – Trung lẫn vấn đề Biển Đông.
Đã từng là nạn nhân của cuộc Chiến tranh lạnh thế kỷ 20, Việt Nam sẽ cần thận trọng để không trở thành nạn nhân của một cuộc Chiến tranh lạnh mới. Tuy nhiên viễn cảnh về việc Việt Nam bị cuốn vào một cuộc Chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc cũng không nên bị thổi phồng, bởi viễn cảnh này còn phụ thuộc vào sự phát triển của nhiều yếu tố khác nhau trong tương lai. Yếu tố quan trọng nhất chính là mức độ căng thẳng trong cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc. Khác với thời kỳ Chiến tranh lạnh trước đây, tình trạng phụ thuộc lẫn nhau sâu rộng về kinh tế hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến cho hai nước không muốn tham gia vào một cuộc đối đầu toàn diện tốn kém như giữa Mỹ và Liên Xô trước đây.
Ngoài ra, các phát triển trong chính sách đối ngoại của Mỹ, Trung Quốc, lẫn bản thân Việt Nam cũng sẽ có ý nghĩa quan trọng. Ví dụ, nếu Trung Quốc có nhượng bộ trong tranh chấp Biển Đông, như chấp nhận xem xét lại yêu sách đường lưỡi bò hay cùng ASEAN thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, thì hình ảnh Trung Quốc sẽ trở nên bớt đe dọa hơn và vì vậy chính sách ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ cũng sẽ trở nên ít thuyết phục hơn. Theo đó, nguy cơ đối đầu chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như việc các nước nhỏ bị cuốn vào cuộc đối đầu này cũng sẽ giảm xuống.
Tóm lại, tranh chấp Biển Đông với ba tầng xung lực đan xen đang dần mang một sắc thái mới với sự can dự ngày càng sâu sắc của các nước lớn bên ngoài, đặc biệt là Mỹ, trong bối cảnh Mỹ dường như đang muốn sử dụng tranh chấp Biển Đông như một công cụ để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bối cảnh này một mặt có thể khiến Trung Quốc buộc phải kiềm chế và giúp cho tranh chấp Biển Đông được giải quyết một cách hòa bình, mặt khác cũng có thể khiến cuộc tranh chấp thêm phần phức tạp nếu Trung Quốc tiếp tục cứng rắn và đối đầu chiến lược Trung – Mỹ trở nên sâu sắc hơn.
Tình hình đó mang lại cho Việt Nam những thuận lợi lẫn thách thức mới trong việc xử lý tranh chấp Biển Đông và giải quyết quan hệ với các nước lớn, đòi hỏi ở Việt Nam hơn lúc nào hết một sự bản lĩnh, khôn ngoan và khéo léo trong việc hoạch định và thực thi các chính sách chiến lược của mình.
Lê Hồng Hiệp là Giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TPHCM, và hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia, Canberra.
_______
Tiếng Nói Dân Chủ là diễn đàn chia sẻ những quan điểm dân chủ từ nhiều nơi khác nhau. Ban Biên Tập không chịu trách nhiệm nội dung các bài viết đã được đăng tải, cũng như bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tiếng Nói Dân Chủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét