Pages

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

Việt Nam: Internet được dùng để phản đối về đất đai


Stuart Grudgings, REUTERS Phản đối trên mạng ở Việt Nam là một thách thức khổng lồ đối với chính phủ của một nước có 1/3 trong số 88 triệu dân sử dụng Internet.


Những bức xúc về chính trị và xã hội ở Việt Nam đang biến Internet thành mạng phản đối. (Credit: ABC Licensed)

Một công cụ chống đối bất bạo động
Nông dân Lê Dũng và dân làng đã dùng đất đá và bom xăng để chống cảnh sát muốn chiếm đất của dân để giao cho một dự án bất động sản cao cấp ở một vùng quê gần thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, vũ khí hiệu quả nhất của họ là những máy vi tính do các nhà hoạt động internet thiết kế để ghi hình và đăng tải thông tin về cuộc xung đột - điều mà truyền thông nhà nước né tránh.
Chỉ vài giờ sau một cuộc đụng độ vào sáng tháng 4/2012, video cho thấy vài ngàn cảnh sát dùng hơi cay tấn công và đánh đập nông dân ở huyện Văn Giang, phía đông Hà Nội, đã được phát tán trên internet.
Sự phối hợp giữa nông dân và các nhà hoạt động trên internet ở các đô thị là một thách thức ngày càng tăng mạnh đối với chính quyền Cộng sản, bởi người Việt Nam ngày càng dũng cảm phản đối nhiều vấn đề, từ quyền sở hữu đất đai tới tham nhũng và sự bành trướng của Trung Quốc.

Vỏ quít dày, móng tay nhọn

Chính quyền Việt Nam trừng trị thẳng tay các blogger và do vậy Tổ chức nhà báo tự do ‘Phóng viên Không Biên giới’ đã coi nước này là ‘Kẻ thù của internet’. Theo tổ chức này, trên thế giới chỉ có Trung Quốc và Iran giam giữ nhiều phóng viên hơn Việt Nam.
Bộ phận kiểm duyệt của chế độ độc đảng như Trung Quốc và Việt Nam thường xuyên chặn mạng trang Facebook và các trang mạng xã hội khác. Mặc dù vậy, cộng đồng các nhà hoạt động trên internet vẫn tìm cách vượt tường lửa. Đây là một thách thức khổng lồ đối với chính phủ một nước có 1/3 trong số 88 triệu dân sử dụng internet.
“Đầu tiên, chúng tôi không hiểu internet có thể giúp gì nhưng sau đó chúng tôi thấy rõ giá trị của nó,” ông Lê Dũng nói trong khi ngồi dưới bức ảnh Hồ Chủ Tịch, cố lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông từng chiến đấu chống quân xâm lăng Trung Quốc vào năm 1979.
“Nếu chúng tôi không sử dụng internet, chúng tôi có thể đã chết; giờ đây chính quyền biết rằng họ phải thận trọng,” ông nói.

Nguyện vọng: ‘tức nước vỡ bờ’ 

Sự kiện Văn Giang và các cuộc xung đột đất đai khác do các blogger đưa tin đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận nảy lửa bất thường về việc chính phủ nên cải cách luật đất đai ra sao trước thời hạn thuê đất công trong 20 năm của nông dân sắp kết thúc vào năm 2013.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã tạo áp lực cho nông dân bởi bất động sản, nhà cửa và đường xá mở rộng, dẫn đến một loạt các cuộc bạo động xuất phát từ các cuộc xung đột đất đai. Nông dân than phiền về mức bồi thường thấp do chính các công ty có mối quan hệ với các ‘quan to’ ấn định.
Ông Đoàn Văn Vươn, một nông dân nuôi trồng thủy sản, đã được coi là ‘người hùng’ hồi đầu năm 2012 sau khi ông đã tổ chức một cuộc phản kháng có vũ trang chống lại chính quyền địa phương chiếm đất đai của gia đình ông ở gần thành phố Hải Phòng. Vụ việc này được giới truyền thông chính thống cũng như các blogger đưa tin.

Internet trở thành Mạng Phản đối 

Các blogger liên hệ vấn đề đất đai với một nguyên nhân khác họ cho là có cùng chủ đề - đó là một chính phủ chịu ơn các lợi ích kinh tế lớn và không đáp ứng nhu cầu của dân chúng.
“Phong trào viết blog ngày càng mạnh mẽ,” ông Nguyễn Văn Đại cho biết. Ông là một luật sư, đồng thời là nhà hoạt động nhân quyền từng bị giam cầm 4 năm do sử dụng internet để kêu gọi dân chủ. Ông hiện vẫn bị giam lỏng tại nhà riêng tại Hà Nội. Ông cho rằng ‘chính quyền không còn giữ được bí mật như trước.”
Một nhà hoạt động có ảnh hưởng lớn sử dụng bút danh Boris đang làm việc tại một công ty nhà nước đã hỗ trợ tuyên truyền cho người dân Văn Giang về quyền của họ. Ông cũng dạy họ cách gửi ảnh và video trên điện thoại. Mặc dù khoảng 1000 gia đình không thể ngăn cản được dự án Ecopark rộng 500 hectare, Boris cho biết việc đưa tin rộng rãi về sự kiện đã ngăn chặn các công ty kinh doanh bất động sản tiếp tục thực hiện kế hoạch giải phóng mặt bằng.
Boris nói ông có thể huy động tới 1000 người tới Hà Nội chỉ sau một ngày thông báo. Ông đã nắm vai trò chủ chốt trong việc tổ chức các cuộc biểu tình phản đối hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa) – một tuyên bố được sự đồng tình của các blogger khác.
Chính quyền đã cho phép biểu tình chống Trung Quốc vào năm 2011 nhưng không lâu sau xiết chặt quy định do nhận thức rằng các cuộc biểu tình có thể trở thành cột thu lôi cho kích thích nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn hơn

Thách thức đòi hỏi lòng quả cảm

Một số nhà hoạt động thể hiện lòng dũng cảm đến kinh ngạc. Họ coi nhẹ hình phạt tù mà các nhà bất đồng chính kiến khác đã bị kết án do ‘tuyên truyền chống nhà nước’.
Alfonso Le, một blogger 42 tuổi, chủ blog ‘Tổ quốc trỗi dậy’, trò chuyện với Reuters ở một quán cà phê nhỏ tại Hà Nội trong khi có một cảnh sát mặc thường phục theo dõi.
“Khi mạng xã hội trở nên phổ biến hơn, cảnh sát không dễ bắt người như trước,” ông Lê (theo tên trên Facebook) nói. “Nếu cảnh sát gây rắc rối, tôi gửi một thông điệp trên Facebook và nhiều người sẽ tới.”
Quá trình hoạt động của ông đã từng phải trả giá. Ông Lê cho biết đã từng bị bắt ba lần và ly dị vợ sau khi bà báo tin cho cảnh sát.
Một blogger khác, yêu cầu không nêu tên, cũng tham gia thế giới blog trong phạm vi ‘dung thứ được’. Cô tin rằng cô sẽ an toàn nếu bài viết nằm trong khuôn khổ ‘giới hạn đỏ’. Trên blog của cô, một cuộc biểu tình phản đối được miêu tả là một ‘cuộc tuần hành’ hay ‘đoàn người đi bộ’.
Tuy nhiên đôi khi cô vẫn bị cảnh sát theo dõi và bị bắt tại một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc vào tháng 8/2012. Cô bị giam giữ một ngày tại một trại cải tạo dành cho ‘đối tượng nghiện ma túy và mại dâm’.
“Chính quyền rất lo sợ sau những gì xảy ra tại Miến Điện và Mùa Xuân Ả-rập,” blogger này cho biết.
Theo tổ chức Phóng viên Không Biên giới, ông Lê Thanh Tùng, một cựu sĩ quan quân đội, vừa là nhà hoạt động trực tuyến bị trừng phạt trong tháng này, với mức án 5 năm tù sau một phiên tòa chỉ kéo dài 1 giờ đồng hồ. Sự kiện này xảy ra chỉ chưa đầy một tuần sau khi blogger Đinh Đăng Định bị kết án 6 năm tù giam.
Phiên tòa xử ba blogger danh tiếng khác đã bị hoãn trong tháng 8/2012 sau khi mẹ của bà Tạ Phong Tần tự thiêu.

Thử thách về mặt kiểm soát không gian mạng

Washington đã nêu quan ngại với chính phủ Việt Nam về một nghị định dự kiến sẽ yêu cầu người sử dụng internet đăng ký tên thật để chính phủ có thể dò tìm các nhà phê bình trực tuyến dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, ông Carl Thayer, một chuyên gia nghiên cứu Việt Nam của Học viện Quốc phòng Australia, cho biết nỗ lực của chính phủ nhằm kiểm soát internet sẽ không hiệu quả do sự thâm nhập sâu các trang web và các blogger có khả năng vượt qua các biện pháp chặn của nhà cung cấp.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Cimigo, Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ sử dụng internet gia tăng cao nhất thế giới.
Việc sử dụng internet ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã tăng khoảng 50%.
“Đây là cuộc chiến mà chính phủ Việt Nam khó có thể chiến thắng,” ông Thayer nhận định

Đất đai là định mệnh

Vấn đề gai góc về quyền sử dụng đất, phần cốt lõi trong hiến pháp của Đảng cộng sản trên cơ sở có hơn 10 triệu nông dân, là vấn đề các blogger có ảnh hưởng mạnh nhất.
Khi sự kiện Văn Giang và Hải Phòng nổ ra, một số nhà lập pháp và học giả đã kêu gọi chính phủ công nhận quyền sở hữu đất cá nhân để bảo vệ người nông dân. Ở một nước mà hiến pháp quy định nhà nước nắm quyền sử dụng toàn bộ đất đai, không ai nghĩ đến điều này cho đến thời điểm gần đây.
Ông Nguyễn Đức Kiên, phó chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho Reuters biết Luật Đất đai của Việt Nam sẽ được xem xét lại và nông dân sẽ được phép ở lại trên đất của họ sau năm 2013. Theo luật hiện nay, nhà nước được quyền lấy lại đất của người nông dân vào cuối thời hạn cho thuê đất.
“Đất đai là một vấn đề gây ra nguy cơ căng thẳng trong xã hội,” ông Kiên nói.
Lời bình luận của ông Kiên và các quan chức khác khiến các blogger tin rằng thời hạn thuê đất sẽ được gia hạn mặc dù điều đó không giải quyết được vấn đề các công ty tư nhân được nhà nước hỗ trợ đằng sau sẽ lấy đất của người dân.
“Các blogger là một phần quan trọng trong cuộc đấu tranh,” ông Lê nói. “Chúng tôi đưa tin trên khía cạnh khác. Chúng tôi chỉ cho người dân thấy lời nói của Đảng không thống nhất với hành động.”

Không có nhận xét nào: