Pages

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

Xăng dầu tăng giá: Đẩy khó cho người tiêu dùng


Chiều 1-8, chỉ sau hơn mười ngày kể từ đợt tăng giá trước đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lại đồng loạt tăng giá bán xăng dầu thêm 500-900 đồng/lít, gây thêm nhiều áp lực cho các doanh nghiệp.
Như vậy, thay vì sử dụng các công cụ điều tiết như thuế nhập khẩu, quỹ bình ổn… để ổn định giá xăng dầu, Bộ Tài chính lại buông cho giá xăng dầu tăng thêm, gây thêm nhiều áp lực cho các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn…

Nhân viên của một cây xăng trên đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) đặt biển điều chỉnh giá bên ngoài cửa hàng – Ảnh: nguyễn khánh.
Tăng 500-900 đồng/lít
Chiều 1-8, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tiếp tục tăng thêm giá bán xăng dầu từ 500-900 đồng/lít tùy loại. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Ngọc Năm, phó tổng giám đốc Petrolimex, cho biết việc điều chỉnh giá lần này là bám sát tình hình giá thế giới. Ông Năm không bình luận sau điều chỉnh giá doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lãi bao nhiêu, nhưng cho biết theo công thức tính giá cơ sở, sau khi điều chỉnh giá bán bằng giá cơ sở, doanh nghiệp có lãi khoảng 300 đồng/lít.
Ông Năm cũng cho biết theo cách tính thuế bảo vệ môi trường mới thì số tiền phải nộp tăng thêm so với cách tính phí cũ là 100 đồng/lít. Ngoài ra, chi phí định mức cho một lít xăng dầu hiện tại là 600 đồng/lít, theo ông Năm, đã lạc hậu và nay Bộ Tài chính đưa ra mức khuyến nghị mới sẽ là 860 đồng/lít. Tuy nhiên, trong lần tăng giá này, do quy định mới chưa ra nên Petrolimex vẫn phải tính chi phí định mức cũ. “Vì vậy, mọi người đều có thể tính xem thực tế Petrolimex có lãi không” – ông Năm nói.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối phía Nam cho biết sau khi tăng giá, tùy doanh nghiệp nhưng về cơ bản doanh nghiệp có lãi song mức lãi rất thấp, không đáng kể… Với câu hỏi đáng ra nên dừng trích quỹ bình ổn hay giảm thuế có thể giúp không phải tăng giá, theo lãnh đạo doanh nghiệp này, đó là quyền của Bộ Tài chính, Bộ Công thương và lần này liên bộ không trích quỹ, giảm thuế cũng là… hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng!
Cần công khai quỹ bình ổn
Bình luận về giá xăng dầu tăng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN, cho rằng trong thời điểm rất khó khăn này, đáng lẽ việc trích quỹ bình ổn cần được tính đến hoặc ít nhất là tạm dừng trích quỹ để giảm mức tăng giá. Vừa qua, thuế nhập khẩu đã tăng nên Nhà nước cũng cần tính đến để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp bởi riêng ngành vận tải ôtô, cầu đã giảm 20-30%, nhiều ngành giá không thể tăng giảm nhanh như xăng dầu được. Ông Hùng cho rằng mức tăng giá xăng dầu lần này khá mạnh, khoảng 6-7% và có thể khiến các biện pháp giảm chi phí đầu vào, giảm tồn kho của Chính phủ giảm tác dụng.
Ông Phạm Chí Cường, chủ tịch Hiệp hội Thép VN, cho rằng tăng giá xăng dầu lần này sẽ tác động đến các doanh nghiệp cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Theo ông Cường, nhiều doanh nghiệp thép đã lỗ nhưng vẫn phải cố giữ giá để giảm tồn kho, việc tăng tiếp chi phí xăng dầu sẽ khiến họ khó khăn hơn nữa. Doanh nghiệp bình thường rất khó tăng giá dù hoàn toàn theo cơ chế thị trường, nên ông Cường đề nghị các doanh nghiệp xăng dầu cũng cần chia sẻ, cân nhắc rất kỹ trước khi tăng giá.
Cũng theo ông Cường, việc xăng dầu tăng giảm theo tín hiệu thị trường là chủ trương đúng, nhưng xăng dầu có tăng giá người dân vẫn phải mua. Nó là mặt hàng thiết yếu, có tác động dây chuyền đến các ngành sản xuất khác, nên việc kiểm soát của các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính là rất cần thiết, đồng thời nên công khai các hoạt động giám sát, chi phí giá thành… trong thông cáo tại mỗi đợt tăng giá. “Mỗi lần cần tăng giá, các cơ quan nhà nước đều nói quỹ bình ổn đã hết sạch rồi, cần công khai xem thực tế là bao nhiêu, có đúng như vậy không” – ông Cường nói.
CẦM VĂN KÌNH
Tiếp tục tăng giá nếu giá thế giới tăng
Ngày 1-8, ông Nguyễn Tiến Thỏa, cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, cho biết Bộ Tài chính có gửi văn bản hỏa tốc đến các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu về điều hành kinh doanh xăng dầu. Theo đó, một lần nữa bộ khẳng định doanh nghiệp được quyền điều chỉnh giá xăng dầu khi giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành trong biên độ 7%. Cùng với việc tăng giá bán lẻ xăng dầu, Bộ Tài chính cũng cho biết giữ ổn định mức trích quỹ bình ổn giá, thuế suất nhập khẩu xăng, dầu và các loại phí như quy định hiện hành.
Tại sao không xả quỹ bình ổn hoặc giảm thuế nhập khẩu để chia sẻ với người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế đang có nhiều khó khăn? Trả lời câu hỏi này, một lãnh đạo Cục Quản lý giá cho rằng tình hình chưa đến mức phải sử dụng các biện pháp như thuế hay quỹ bình ổn giá xăng dầu. Thuế nhập khẩu thì mới khôi phục, còn quỹ bình ổn sẽ được sử dụng nếu như giá xăng dầu thế giới tăng cao hơn mức hiện hành.
LÊ THANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét