Pages

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Bà Masamune biện hộ về vụ Securency


Bà Elizabeth Masamune (ảnh trên Facebook)
Bà Elizabeth Masamune là đại diện thương mại Úc ở Việt Nam từ 1999-2002
Người tình cũ của đại tá an ninh Lương Ngọc Anh nói với cảnh sát Úc rằng bà luôn “hành xử đúng mực” trong thời gian ở Việt Nam.
Cựu đại diện cơ quan thương mại Úc (Austrade) tại Việt Nam, Elizabeth Masamune, phải ra trước tòa án ở Melbourne trong vụ xử tám bị can bị cáo buộc hối lộ liên quan công ty Securency.

Bà Elizabeth Masamune từng là quan chức phụ trách thương mại cao cấp nhất của nhà nước Australia ở Việt Nam trong các năm từ 1999-2002.
Trong văn bản khai với cảnh sát, bà nói: “Tôi không bị ông Anh gây ảnh hưởng để tìm kiếm hay giành ưu đãi cho ông ấy… Tôi tin rằng về mặt nghề nghiệp, tôi đã luôn hành xử đúng mực.”

Hồi đầu tuần, bà Masamune đã thừa nhận bà đã 'quan hệ' hai lần với ông Lương Ngọc Anh, người đã làm môi giới hợp đồng in tiền cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đang bị Cảnh sát Úc nghi là nhận tới 20 triệu Úc kim tiền hối lộ từ công ty Securency mà Ngân hàng Trung ương Úc sở hữu một nửa.
‘Không tham nhũng’
Khi tham gia vào dự án in tiền polymer ở Việt Nam, bà Masamune nói bà chưa hề thấy hay nghe “bất cứ dấu hiệu sai trái hay tham nhũng của các viên chức Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hay nhân viên Securency”.
Cũng theo lời khai với cảnh sát, bà nói mình từng lo ngại văn phòng ở Hà Nội bị nghe lén.
Sau khi nói chuyện qua điện thoại với một nhà báo, bà “cảm thấy lo lắng về tầm mức thông tin cô ta có. Tôi cũng lo ngại không biết điện thoại của mình có bị theo dõi không”.
Nhưng bà tuyên bố với cảnh sát và tòa án Úc rằng có nhiều điều không làm bà cảm thấy phải hồ nghi khi ở Việt Nam từ 1999 đến 2002, trong đó có các chi tiết như:
  • Ông Lương Ngọc Anh đến dự sinh nhật của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
  • Ông Ngọc Anh có cấp dưới là con trai Thống đốc Ngân hàng Việt Nam, Lê Đức Thúy. Bà nói bà tin rằng người con, ông Lê Đức Minh, được ông Anh thuê vào đầu năm 2002 để làm môi giới cho Ngân hàng ANZ trong lúc họ tìm cách bán công nghệ ATM cho Việt Nam.
  • Ông Ngọc Anh tặng nhiều quà cho bà như nước hoa, một đầu máy DVD và tivi.
  • Securency được trông đợi trả tiền cho một đoàn chính phủ Việt Nam đi thăm Brazil và Mexico để tham khảo công việc in tiền.
Bà Masamune nói với tòa án rằng việc trả tiền cho chuyến thăm là chi phí hợp pháp.

Quà tặng

Ông Lương Ngọc Anh
Ông Lương Ngọc Anh có nhiều quan hệ với giới chức cao cấp ở Việt Nam
Quanh chuyện quà tặng của ông Ngọc Anh, bà nói tặng quà là nét văn hóa Việt Nam chứng tỏ “sự chân thành”.
Trong lời khai với cảnh sát, bà cho hay bà đã để lại một số món quà cho từ thiện, hoàn lại tiền cho Austrade vì một số món khác và yêu cầu ông Anh “đừng tặng thêm quà nữa vì tôi là viên chức chính phủ”.
Bà viết trong lời khai: “Một trong những lợi thế của ông Anh trong vai trò môi giới là các quan hệ của ông ấy vì ở Việt Nam, có quan hệ thì mới đạt kết quả.”
Bà nói với tòa rằng bà chỉ nghe “tin đồn” ông Anh có liên hệ với ngành an ninh và chưa bao giờ có thông tin chắc chắn.
Bà Masamune cho hay bà chưa bao giờ nghĩ rằng quan hệ thương mại của Securency với ông Ngọc Anh có thể mâu thuẫn với luật chống hối lộ của Úc.
Bà cũng không nghĩ rằng quan hệ của vị đại tá với Thủ tướng, Tổng Bí thư và Thống đốc Ngân hàng Việt Nam là dấu hiệu chứng tỏ ông này không đơn giản chỉ là một doanh nhân quen biết nhiều.
Vụ xử vẫn đang tiếp tục tại tòa án ở Melbourne.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét