Pages

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

BẮT HÀNG LOẠT LÃNH ĐẠO ACB ĐỂ TÌM RA TỘI THÂU TÓM NGÂN HÀNG?


Bắt đầu là Bầu Kiên, bị bắt vì những hoạt động kinh doanh sai trái tại các công ty do ông ta làm chủ. Sau nầy ông bị khởi tố thêm hai tội danh nữa là lừa đảo và chiếm đoạt…. Cùng trong ngày bắt bầu Kiên thì TGĐ Lý Xuân Hải cũng bị mời đến CA làm việc rồi sau đó phải từ nhiệm và bị bắt vì sai phạm đã xảy ra từ vài năm trước liên quan đến trùm quỵt nợ Huỳnh thị Huyền Như. Và mới đây nhất, những lãnh đạo cao cấp của ACB, trong đó có chủ tịch HĐQT Trần Xuân Giá cũng bị khởi tố vì liên quan đến quyết định của TGĐ Lý Xuân Hải mang tiền đi gởi vào Vietibank và bị mất vào tay Huyền Như.

Trước đây vài năm, ACB đã mang 719 tỷ đồng  đến gởi tiết kiệm tại Vietinbank, nhưng không biết Huyền Như, trưởng chi nhánh Vietinbank Điện Biên Phủ, đã phù phép như thế nào rút toàn bộ số tiền này để sử dụng vào việc riêng. Nhiều tổ chức và cá nhân khác cũng gởi tiền vào Vietinbank rồi cũng bị Huyền Như rút đi. Tổng số tiền Huyền Như chiếm đoạt từ Vietinbank và từ các phi vụ lừa đảo khác, theo công bố mới đây của cơ quan chức năng lên đến 4.600 tỷ đồng. Vì tội ấy, năm 2011, Huyền Như và một vài người liên quan bị bắt. Các nạn nhân bị mất tiền chưa thấy ai bị bắt. Thế nhưng bỗng dưng, nạn nhân  là ACB bị bắt hàng loạt. Khởi đầu là ông Lý Xuân Hải, mà thời điểm bắt gần như cùng lúc với bầu Kiên.
Chính vì việc bắt hai người nầy cùng lúc với hai sai phạm khác biệt nhau nên gây hoang mang dư luận. Những câu hỏi được đặt ra: Tại sao sai phạm của Lý Xuân Hải xảy ra từ lâu mà bây giờ mới bị bắt? Tại sao bắt cùng lúc với bầu Kiên để gây ra hiệu ứng bất lợi cho hoạt động của ngân hàng vốn đang trong thời điểm rất nhạy cảm? Sai phạm đó có đáng bị bắt không?  (Ông Trần Xuân Giá đã mạnh mẽ nói: Cái gì pháp luật không cấm thì doanh nghiệp có quyền làm, ý nói việc gởi tiền của ACB vào Vietinbank là không sai) . Nhiều tổ chức kinh tế khác cũng là nạn nhân của Huyền Như tại sao không bị bắt?…v…v…
Những câu hỏi đó cũng chỉ gây ra đôi chút hoang mang trong dư luận và ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động của các ngân hàng, đặc biệt là ACB.
Tuy nhiên chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới làm cho dư luận nổ bùng.
Ngay sau khi bầu Kiên và Lý Xuân Hải bị bắt, chiều ngày 22.8.2012,  thủ tướng chủ trì cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, qua đó “ biểu dương Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, đã nghiêm túc chấp hành sự chỉ đạo của Chính phủ; đã khởi tố, điều tra để đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng, gây mất ổn định hoạt động ngân hàng”
Trước đây, dư luận còn bán tín bán nghi về những tin đồn liên quan đến âm mưu thâu tóm ngân hàng của một nhóm đặc quyền. Dư luận cũng chưa tin tưởng lắm về một loạt bài viết về một nhóm người đang thao túng tài chính và ra tay thâu tóm ngân hàng đăng liên tục trên Quan Làm Báo, một trang mạng mà mới đây thủ tướng ra chỉ thị cấm đoán.
Thế nhưng phát biểu của thủ tướng đã khẳng định rằng những đồn đoán và những thông tin trên Quan Làm Báo là có thật. Có một nhóm đặc quyền có “hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng, gây mất ổn định hoạt động ngân hàng” đang bị bộ Công An khởi tố, điều tra theo chỉ đạo của thủ tướng.
Nhóm đăc quyền đang thâu tóm ngân hàng đó là ai?  Đó là hai người mới vừa bị bắt lúc ấy: Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải. Thế nhưng tội của hai người ấy lại không thấy liên quan đến chuyện thâu tóm ngân hàng như thủ tướng vừa biểu dương công trạng của bộ Công An.
Từ đó có thể hiểu rằng hai người ấy bị bắt cùng lúc vì hai cớ khác nhau nhưng mục tiêu là nhằm điều tra cho ra tội nghiêm trọng hơn là tội “thâu tóm ngân hàng” ? Phải chăng vì thế mà ông Trần Xuân Giá và cả loạt lãnh đạo khác của ACB cũng lần lượt bị khởi tố?
Liệu sau vụ khởi tố hàng loạt nầy, cơ quan điều tra có tìm ra được “hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng” liên quan đến ACB hay không?
Trong khi đó có một ngân hàng rất lớn là Sacombank bị thâu tóm thấy rõ bởi cha con ông Trầm Bê nhưng mãi đến nay vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào nói đến. Cũng có một đại biểu quốc hội chất vấn thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình về việc này nhưng ông ta đã né tránh trả lời.
Ngay trong ngày bầu Kiên bị bắt thì Thống Đốc Nguyễn Văn Bình ra điều trần trước UBTV Quốc Hội. Một đại biểu đã hỏi: Khối lượng tiền rất lớn dùng để “thâu tóm” Sacombank là từ đâu ra? Ông Bình đã né tránh trả lời câu hỏi này. Nhưng liệu ông Bình có liên quan gì với nhóm đặc quyền có “hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng” như thủ tướng đã chỉ đạo điều tra hay không?
Có lẽ câu trả lời không còn phải chờ đợi lâu.
Và cũng có  thể mãi mãi không có câu trả lời.
Được đăng bởi 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét