Gần đây, ở Việt Nam báo chí lại làm ồn về phong trào chống tham nhũng.
Thật ra, đó cũng là chuyện… thường ngày ở huyện. Lâu nay vẫn thế. Lâu lâu đảng và chính quyền Việt Nam lại phát động các chiến dịch chống tham nhũng, và nói chung, lần nào họ cũng thành công về…cơ bản; để sau đó, họ lại có dịp tung ra chiến dịch khác và lại có dịp báo cáo là đã thành công, nếu không về “cơ bản” thì cũng “bước đầu”.
Tuy nhiên, lần này thì tiếng ồn về việc chống tham nhũng coi bộ lớn hơn những lần trước. Thứ nhất, nó ồn ở sự kiện Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng và chống tham nhũng trực thuộc Bộ chính trị (nhưng người ta lại không giải thích gì về sự tồn tại của một Ban chỉ đạo cùng tên đã được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 10 năm 2005, trong đó ghi rõ Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng là do Thủ tướng cầm đầu!
Nếu có sự hoán chuyển về cơ quan cầm đầu thì trên nguyên tắc, nó phải được Quốc Hội thông quan, nhưng Quốc Hội, đến nay, hoàn toàn không bàn gì đến chuyện ấy). Thứ hai, nó càng ồn hơn do các vụ bắt bớ các quan chức cao cấp trong ngành ngân hàng với lý do lạm dụng công quỹ và làm việc sai nguyên tắc tài chính. Thứ ba, rải rác trên báo chí, người ta cho đăng tải một số bài liên quan đến việc phòng chống tham nhũng ở…những nơi khác.
Ví dụ, về việc chính phủ Thái Lan kêu gọi dân chúng tham gia chống tham nhũng. Chống bằng cách nào? Bằng cách tích cực tố cáo tham nhũng với chính phủ. Để giúp việc tố cáo ấy được nhanh chóng và hiệu quả, chính phủ Thái Lan chủ trương (a) thành lập các dường dây nóng; (b) đặt các thùng thư ở các nơi công cộng; và (c) lập các trang mạng để mọi người đều có thể gửi đơn tố cáo thẳng đến văn phòng Thủ tướng. Cần chú ý: về các biện pháp chống tham nhũng ở Thái Lan, các phóng viên chỉ tường thuật chứ không ai dám đề nghị là nên được áp dụng ở Việt Nam. Còn chính quyền Việt Nam thì im lặng.
Thật ra, không ai bảo đảm hai biện pháp phòng và chống tham nhũng ở Việt Nam và ở Thái Lan đều có hiệu quả hoặc biện pháp nào tốt hơn biện pháp nào. Việt Nam thì chọn biện pháp phòng và chống từ trên xuống. Cái gọi là “trên” ấy, thoạt đầu nằm trong tay Thủ tướng; sau, có vẻ như người ta muốn nâng cấp lên Bộ chính trị, cao hơn phủ Thủ tướng. Ở Thái Lan, người ta chọn biện pháp từ dưới lên: chính dân chúng, những người thấp cổ bé miệng, đóng vai trò chủ đạo trong việc tố cáo, qua đó, một mặt, vạch trần; mặt khác, ngăn chận tham nhũng.
Cả hai biện pháp ấy đều bất cập.
Cả hai biện pháp ấy đều bất cập.
Sự bất cập của biện pháp trên thì đã rõ: người ta vừa đá bóng vừa thổi còi. Ở Việt Nam, lâu nay nhiều người đã nói nhiều đến sự giàu có một cách bất bình thường của gia đình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Sự giàu có ấy đến từ đâu? Chắc chắn không phải từ lương hay bất cứ một nguồn thu nhập hợp pháp và chính đáng nào cả. Mà không phải chỉ có Nguyễn Tấn Dũng. Hầu như người nào trong nhóm lãnh đạo cao cấp nhất của đảng và chính phủ cũng đều cực kỳ giàu có. Hiện tượng tương tự cũng từng được thấy ở Trung Quốc qua vụ án Bạc Hy Lai. Bây giờ, giao cho những người như thế nhiệm vụ chính trong việc phòng và chống tham nhũng, làm sao có tin cậy được? Cuối cùng, như cái điều mọi người đã từng nhìn thấy trong suốt nhiều năm qua: chỉ có những cán bộ nho nhỏ, cấp phường hay cấp xã, là bị bắt về tội tham nhũng. Còn những cán bộ cao cấp, ngay cả khi bị các công ty và chính phủ ngoại quốc nêu đích danh về việc nhận hối lộ, người ta cũng tảng lờ với lý do “để tìm thêm chứng cứ”. “Chứng cứ” ấy không bao giờ có; thậm chí, việc tìm kiếm cũng không bao giờ thực sự bắt đầu.
Việc tố cáo tham nhũng từ dưới lên, cũng vậy, cũng chỉ thành công với điều kiện: chính phủ, ở những cấp cao nhất, phải trong sạch. Bởi, nếu đơn tố cáo đến văn phòng Thủ tướng, nhưng văn phòng Thủ tướng lại bao che cho những con cá mập lớn nhất thì sao? Thì, không những việc tố cáo không có kết quả gì mà người tố cáo có thể mang họa, có khi đến mất mạng không chừng.
Cả hai biện pháp phòng chống tham nhũng nêu trên, muốn có hiệu quả, cần thêm biện pháp thứ ba: theo chiều ngang, với sự tham gia của Quốc Hội, của tư pháp, của xã hội dân sự và của các cơ quan truyền thông. Các tổ chức này không những đóng vai trò phát hiện và tố cáo tham nhũng mà còn theo dõi việc chống tham nhũng của chính phủ và bảo vệ những người tố cáo tham nhũng.
Tuy nhiên, tất cả các tổ chức này chỉ có thể thực hiện được sứ mệnh của họ với một điều kiện: độc lập. Đây chính là mấu chốt của vấn đề. Bởi, không độc lập, họ sẽ chẳng làm được gì cả, ngoài việc vâng lệnh những kẻ có chức quyền, nghĩa là, thành thực mà nói, những người tham nhũng nhất.
Ở Việt Nam, ai cũng biết, tất cả các tổ chức trên đều nằm hết trong tay của đảng. Vậy thì, một, ai sẽ tố cáo tham nhũng; hai, ai sẽ bảo vệ những người tố cáo ấy, nếu có; ba, ai sẽ kiểm tra việc xử lý các vụ tham nhũng? Câu trả lời đã rõ ràng: Không có ai cả.
Không thể không nghĩ đến vụ án nhà báo Hoàng Khương (Nguyễn Văn Khương) vừa mới xảy ra. Là phóng viên báo Tuổi Trẻ, Hoàng Khương viết loạt bài phóng sự về nạn tham nhũng của công an. Để có tài liệu và chứng cứ, ông tham gia vào một vụ hối lộ 15 triệu đồng (750 đô la) cho cảnh sát giao thông. Sau đó, ông viết bài đăng trên báo Tuổi Trẻ. Nhưng bài viết ấy lại trở thành chứng cứ để công an bắt ông về tội hối lộ. Đầu năm 2012, ông bị bắt. Trong phiên tòa diễn ra trong hai ngày 6 và 7 tháng 9, ông bị kết án 4 năm tù giam. Trong khi đó, hai công an nhận tiền hối lộ của ông chỉ bị 5 năm tù.
Nhân vụ án Hoàng Khương, nhà báo Minh Diện nhớ lại một việc liên quan đến bản thân ông cách đây 14 năm: Năm 1998, ông có bằng chứng cho thấy Ngân hàng Việt Hoa cấu kết với Công ty xuất nhập khẩu Tổng hợp Long An tham nhũng hàng trăm tỉ đồng và gần 90 triệu đô la Mỹ. Ông muốn xác minh các tài liệu ấy nên đến trụ sở Ngân hàng Việt Hoa, xin gặp Ban giám đốc. Không ai tiếp ông cả. Nhưng ngay sau đó, một cán bộ cao cấp trong Ủy ban an ninh của Quốc Hội liên lạc với ông và yêu cầu ông từ bỏ ý định điều tra vụ tham nhũng ấy. Chưa hết. Mấy ngày sau, Đào Duy Quát, Phó Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương kịch liệt lên án ông trong buổi giao ban hàng tuần của báo giới. Rồi tổng biên tập báo Tiền Phong, nơi Minh Diện đang làm việc, khiển trách ông và yêu cầu ông ngưng ngay mọi việc điều tra. Trước những áp lực nặng nề từ trên xuống dưới như vậy, nhà báo Minh Diện không những không thể tiếp tục điều tra vụ tham nhũng mà còn bị “treo bút”.
Từ kinh nghiệm của hai nhà báo Hoàng Khương và Minh Diện, ai còn dám chống tham nhũng nữa?
Và cũng từ đấy, người ta có thể tiên đoán ngay kết quả của các chiến dịch phòng và chống tham nhũng với những Ban này Ban nọ mà giới lãnh đạo Việt Nam đã hoặc đang thành lập.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét