Trefor Moss/The Diplomat
Trần Ngọc Cư dịch
Trần Ngọc Cư dịch
Mặc dù có nhiều người đặt tin tưởng vào một bộ Quy tắc ứng xử (Code of Conduct) cho vấn đề biển Đông, một số người khác lại tự hỏi là liệu Trung Quốc có cố tình trì hoãn để mua thời gian hay không. Như vậy, một giải pháp đích thực, nếu có, cũng phải mất nhiều năm mới hình thành.
Biển Đông thường được mô tả như là một trong những cuộc tranh chấp lãnh thổ gai góc nhất thế giới. Tuy nhiên, nếu có một nhóm quan sát viên đủ khách quan và hoàn toàn không thiên vị, họ sẽ nhận thấy lối mô tả vừa nói là lạ lẫm. Thật vậy, đối với nhóm quan sát viên giả định này, những gì cần phải thực hiện để chí ít làm giảm bớt tình hình căng thẳng tại biển Đông một cách đáng kể, trông có vẻ hiển nhiên đến khó chịu. Một kế hoạch như thế có thể sẽ bắt đầu bằng bốn giai đoạn đơn giản:
Bước 1: Đặt các vấn đề chủ quyền qua một bên. Những vấn đề này là quá phức tạp và đầy cảm tính, không thể giải quyết trong một tương lai có thể trông thấy.
Bước 2: Xác định nước nào có tuyên bố chủ quyền trên vùng biển nào. Trung Quốc, chẳng hạn, là cực kỳ muốn bảo vệ chủ quyền của mình, nhưng lại chưa bao giờ tuyên bố chính xác Trung Quốc thực sự làm chủ vùng nào trong biển Đông (việc vẽ ra một cách mơ hồ những đường đứt đoạn trên một bản đồ là không có giá trị). Các đòi hỏi chủ quyền phải được gửi đến Tòa án Quốc tế LHQ trước ngày nhất định – có ghi rõ đầy đủ toạ độ kinh tuyến và vĩ tuyến của vùng lãnh thổ – nếu không, sẽ bị thế giới coi như là thiếu cơ sở.
Bước 3: Áp dụng Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) ở bất cứ nơi nào có thể áp dụng. Ở đây có một sự trùng hợp đáng mừng là: tất cả các nước đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông đều đã phê chuẩn UNCLOS. Điều này lẽ ra phải giúp cho tình hình dễ giải quyết hơn nhiều. Đối với các vùng không bị tranh chấp, UNCLOS quy định rõ ràng các quyền của quốc gia có chủ quyền cũng như các quốc gia không có chủ quyền trong các vùng lãnh hải và các khu đặc quyền kinh tế. Bất cứ vấn đề nào Công ước (Điều 279 ff,) cũng đều có một cơ chế giải quyết tranh chấp chi tiết.
Bước 4: Trung lập hóa các vùng tranh chấp. Nếu các nước tranh chấp thực sự muốn duy trì hòa bình và ổn định tại biển Đông – và tất cả các nước đều nói họ muốn – thì rõ ràng là, họ cần phải thảo ra một bộ quy tắc để quản lý việc gì được cho phép và việc gì không được cho phép trong những khu tranh chấp. Họ có thể gọi đó là một bộ Quy tắc ứng xử, hay bằng một từ ngữ tương tự. Những quy tắc này có thể bao gồm việc: phi quân sự hóa những vùng tranh chấp (demilitarization of disputed areas); tránh bất cứ một luận điệu hay hành động khiêu khích nào, chẳng hạn như các dự án xây dựng mới trên các đảo tranh chấp; không thăm dò hay khai thác các tài nguyên dưới biển, trừ phi các nước tranh chấp thỏa thuận hợp tác để thực hiện việc này; và thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp; có thể đặt dưới sự bảo trợ của Toà án Quốc tế.
Tất cả những điều nói trên nghe ra thật đơn giản. Nhưng nếu đi ra ngoài lãnh vực “Giải quyết tranh chấp tưởng tượng” này để trở về với thế giới hỗn độn của chính trị quốc tế, kế hoạch nhỏ bé này hoàn toàn không thể khởi động được. Lý do chủ yếu là, nhiều quốc gia khác nhau chẩn đoán vấn đề biển Đông theo nhiều cách khác nhau. Một số nước cho rằng tình hình hiện nay là rất nguy hiểm và cần có giải pháp. Một số nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, lại hoàn toàn thoải mái với nguyên trạng (the status quo).
Đối với nhiều quan sát viên, những tranh chấp gần đây về Bãi cạn Scarborough và các lãnh thổ đảo khác đã trở nên một vấn đề rất đáng quan tâm. Nhưng Bắc Kinh thì ít giao động hơn nhiều. Thật ra, chiến lược của Trung Quốc là cố tình duy trì nguyên trạng có khi bất ổn này (sometimes messy status quo), trong khi bề ngoài TQ cố làm ra vẻ cộng tác trong việc tìm kiếm một giải pháp lâu dài, chỉ để tránh bị quy kết là kẻ tạo ra vấn đề. Trung Quốc tính toán rằng những căng thẳng này sẽ không có khả năng dẫn đến xung đột vũ trang, và chúng là cái giá mà TQ có thể chấp nhận phải trả cho việc tiếp tục hành động [sai trái] của mình tại các vùng tranh chấp, mà không ai làm gì được. Đồng thời, Bắc Kinh cũng không muốn bước quá lằn ranh, vì làm như thế sẽ có hại cho uy tín của TQ tại Đông Nam Á (hiện có một số nước thân Trung Quốc) và chỉ mời mọc Hoa Kỳ can thiệp nhiều hơn nữa vào khu vực.
Cử chỉ hợp tác cao đẹp nhất của Bắc Kinh cho đến nay là thiết lập Quỹ hợp tác trên biển Trung Quốc-ASEAN trị giá 3 tỉ yuan (hay 473 triệu USD) năm 2011. Hiện nay đang có những cuộc thảo luận liên quan đến cách sử dụng số tiền này cho việc thực thi bản Tuyên bố ứng xử (Declaration of Conduct, hay DOC) năm 2002 về vấn đề biển Đông. Theo Ian Storey, một nhà nghiên cứu thâm niên tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, đây là một nỗ lực nhằm chuẩn bị cho việc đưa ra một thông cáo chung đánh dấu kỷ niệm năm thứ 10 ngày ký kết DOC đầu tiên. Nhưng sự kiện này có thực sự đáng được liên hoan hay không? DOC là một nghị định thư bất thành (a failed protocol) chưa bao giờ được thực thi nghiêm chỉnh – và đây là lý do cần có một cuộc vận động nhằm thúc đẩy việc hình thành một bộ Quy tắc ứng xử mới (a new Code of Conduct). Storey nhận xét: “Theo quan điểm của Trung Quốc, một số thành viên ASEAN đã liên tục vi phạm DOC; nhưng đó cũng là quan điểm của một số nước ASEAN đối với Trung Quốc”.
“Nhưng liệu Trung Quốc có thực sự muốn một bộ Quy tắc ứng xử có thực lực hay không?” Storey nêu câu hỏi và tự giải đáp. “Tôi nghĩ câu trả lời là không. Một bộ quy tắc thực sự hữu hiệu sẽ hạn chế quyền tự do thao túng của Trung Quốc trên biển Đông, và các nước lớn thường không thích một điều như vậy”.
Philippines, Việt Nam và một số nước tranh chấp khác rõ ràng đã đi đến cùng một kết luận về sự cam kết ỡm ờ của Trung Quốc đối với việc soạn thảo một bộ Quy tắc ứng xử (COC) có ý nghĩa. Đề nghị của Philippines được Hà Nội hậu thuẫn đòi hỏi một bộ Quy tắc ứng xử có thực quyền đã bị các thành viên ASEAN sửa đổi cho yếu đi, chỉ vì họ sợ làm mất lòng Trung Quốc. Gần đây hơn, cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao vào tháng Bảy tại Phnom Penh đã trở thành một trò hề, vì Campuchia, nước giữ ghế Chủ tịch hiện nay, nhằm bảo vệ lợi ích của Trung Quốc, đã tìm cách ngăn chặn một cuộc thảo luận tích cực về tranh chấp biển Đông. Campuchia đã bán đứng ASEAN: bằng hành động này, Phnom Penh đã cho phép Trung Quốc thực hiện một chính sách can thiệp với đặc quyền ngoại giao (extraterritorial interference) tại một cơ chế then chốt của Đông Nam Á. Đối với Trung Quốc, đây là một cuộc đảo chính ngoại giao (a foreign policy coup).
Cố gắng làm cái việc mà Campuchia không làm được, Indonesia liền đó đã chứng tỏ với ASEAN khả năng lãnh đạo của mình sau sự thất bại thảm hại của Hội nghị Phnom Penh, bằng cách vá víu để đúc kết một lập trường chung gọi là “Nguyên tắc sáu-điểm về biển Nam Trung Hoa [biển Đông VN]”. Mặc dù tốt hơn sự kiện Campuchia không đưa ra được một thông cáo chung nào, lập trường do Indonesia bảo trợ không đi ra ngoài việc kêu gọi “sớm hoàn tất” tiến trình soạn thảo bộ Quy tắc ứng xử.
Nhưng điều đó sẽ không diễn ra. Trung Quốc đã bắt đầu trì hoãn các cuộc đàm phán, khiến chúng khó có triển vọng diễn ra trước năm 2013 (cuộc chuyển giao quyền lực tại Bắc Kinh loại trừ bất cứ động thái nào trong một tương lai gần có liên quan đến một vấn đề gây tranh cãi như thế). Một bộ Quy tắc ứng xử mới vì thế không thể xuất hiện trước năm 2014 là thời điểm sớm nhất.
Tất nhiên, nếu đó là một bộ quy tắc ứng xử hữu hiệu, tìm cách điều tiết hành vi của các nước có yêu sách chủ quyền, thì đó là một viễn ảnh đáng chờ đợi. Nhưng không ai dự kiến điều này sẽ diễn ra. “Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất cứ điều gì có tính cách bắt buộc”; đó là kết luận của Carlyle Thayer, Giáo sư danh dự tại Học viện Quốc phòng Úc.
Lạ thay, lẽ ra Trung Quốc có thể có nhiều lợi thế nếu TQ chịu hậu thuẫn việc soạn thảo một bộ Quy tắc ứng xử có thực quyền. Nhờ thế, hình ảnh TQ ở trong khu vực sẽ được nâng cao đáng kể; những lời kêu gọi Hoa Kỳ can thiệp nhiều hơn nữa trong khu vực sẽ giảm bớt; và nguy cơ xung đột trên một hòn đảo nhỏ bé nào đó trong biển Đông sẽ dần dần biến mất.
Nhưng, những khía cạnh hấp dẫn này của một chính sách ngoại giao hợp tác đã bị khuynh loát bởi bản năng không khoan nhượng của Bắc Kinh về các vấn đề liên quan đến chủ quyền. “Khi liên quan đến các vấn đề quyền lợi to lớn và chính trị quan trọng, các thỏa hiệp quốc tế có tác dụng rất hạn chế”, đó là ý kiến của Zhang Baohui, một Phó giáo sư thuộc Đại học Lingnan tại Hồng Kông. Ông nói, “Nhìn chung, tôi nghĩ rằng Trung Quốc là cường quốc muốn duy trì nguyên trạng về các vấn đề trong biển Nam Trung Hoa”. Zhang nhận xét rằng duy trì nguyên trạng có lợi cho Trung Quốc theo hai cách: TQ sẽ không cần tạo điều kiện để sớm đạt được một giải pháp lâu dài, nhưng TQ cũng không muốn mang tiếng là nước tạo ra một cuộc đối đầu. TQ sẽ chỉ phản ứng mạnh mẽ trước những điều mà TQ coi là những khiêu khích của các nước khác, như trong cuộc tranh chấp gần đây với Manila. Đồng thời, Trung Quốc sẽ không dè dặt khi cần nống rộng giới hạn của một hành vi có thể chấp nhận, chẳng hạn như việc nâng cấp Tam Sa thành một thành phố, hay việc cấp giấy phép cho các công ty dầu lửa TQ khoan dầu tại các vùng tranh chấp.
Nhưng mục tiêu nhiên hậu của Trung Quốc trong việc [theo đuổi bộ Quy tắc ứng xử] này là gì? “Trung Quốc chỉ muốn mua thêm thời gian, càng kéo dài nguyên trạng càng lâu càng tốt”, Storey lý luận. “Nhưng nước cờ sau cùng của Trung Quốc là gì? Tôi không tin bản thân Trung Quốc biết được điều này”.
Điều đáng buồn là, hiện nay vẫn chưa có một phương án thứ hai (Plan B) để giải quyết tình hình biển Đông. Trung Quốc và ASEAN hình như đang bị khóa chặt vào trong một tiến trình vô ích, đó là tiến trình hình thành một bộ Quy tắc ứng xử; nhưng bộ quy tắc này sẽ không xử lý được các loại hành vi cần phải thực sự được xử lý tại biển Đông.
Thật là tội nghiệp cho các nhà ngoại giao phải khốn khổ làm việc trong vòng hai năm tới để soạn thảo một bộ quy tắc như thế. Bộ quy tắc ứng xử này chỉ là một điều hoang tưởng khác – chỉ là một điều nghe không ổn cả trên lý thuyết lẫn trong thực hành.
Trefor Moss
Trefor Moss là một nhà báo độc lập, làm việc tại Hồng Kông. Ông viết về các đề tài chính trị, quốc phòng và an ninh châu Á, và từng là Biên tập viên về khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Tuần báo Quốc phòng Jane cho đến năm 2009.
Nguồn: Bauxite Vietnam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét