Pages

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Con đom đóm , Con chó mực ghẻ và thiên đàng cộng sản của “cụ hồ”


Võ Phương


Đom đóm là một loại côn trùng có đôi cánh cứng dùng để bay, người Mỹ gọi là firefly.  Ngay khi còn là ấu trùng, phần đuôi bụng của nó đã chứa chất lân tinh; đến khi trưởng thành, lúc bay tỏa ánh sáng nhấp nháy vào ban đêm. Ban ngày đom đóm không hoạt động. Loại côn trùng này thường sinh sản ở những vùng ôn đới hay  nhiệt đới có khí hậu ẩm ướt. Vào những đêm mùa hè ở miền Bắc Việt Nam, khoảng tháng Năm, tháng Sáu, ánh sáng của nhiều đom đóm tụ lại, nhởn nhơ, thường tạo ra cảnh sinh động ở gần những bờ ao. Ở miền Bắc, ao thường dùng để nuôi bèo cho lợn (heo) ăn, có nhiều khóm tre bao bọc, là nơi đom đóm hay lảng vảng. Ở Mỹ, cũng vào khoảng tháng Năm, tháng Sáu, đom đóm thường xuất hiện nhiều ở vùng núi Smoky, tiểu bang Tennessee và ở công viên Congaree, tiểu bang South Carolina.


Và con chó mực là loại chó có bộ lông đen, đen như mực Tàu, và đen tuyền không pha trộn bất kỳ một tí màu sắc nào ngoài màu đen, là loại chó được nhiều người ở quê tôi ưa chuộng. Người Việt Nam ở vùng quê thường hay đặt tên tắt cho chó bằng màu lông bẩm sinh của nó. Ví dụ: gọi con chó đen là “con Mực”, chó vện là “con Vện”, chó vàng là “con Vàng”, chó vá là “con Vá”,…. Màu đen tuyền của “con Mực” đồng lõa với bóng đêm, làm cho kẻ trộm rất ngại vì không biết con chó đang ở đâu, chỉ khi nào nó “gầm gừ” hay “gâu gâu” thì mới định được vị trí của nó. Do đó, màu đen tuyền của “con Mực” đã tự giúp nó ngụy trang rất khéo, làm kẻ gian khó thấy. Vì thế, nó có khả năng canh giữ nhà hữu hiệu hơn những con chó có màu lông khác, nhất là về đêm. Và cũng vì thế, ở vùng quê tôi nhiều người thích nuôi chó mực.

Nói về đặc tính của loài vật, thì mỗi loài có một đặc tính tự nhiên khác nhau. Nhưng tuy trong cùng một loài, ngoài đặc tính chung, vẫn có những đặc tính riêng rất đáng chú ý. Chẳng hạn như, khi nói về loài chó là loài vật nuôi để giữ nhà — ngoài đặc tính chung  cất tiếng “gâu gâu” khi thấy người lạ, vật lạ, hay khi nghe tiếng động lạ, vẫy đuôi khi thấy người quen — còn có những đặc tính riêng bẩm sinh của từng con chó. Mặc dù nhiều con chó có cùng cha cùng mẹ, nhưng có con hiền, có con dữ, có con thông minh, lanh lợi; có con ù lì, ngu si, lười biếng; có con không cất tiếng “gâu gâu” khi thấy người lạ, thấy ai nó cũng vẫy đuôi mừng rỡ; nó không phân biệt người lạ hay quen, không hiểu vì bản chất hiền lành hay vì ngu si đần độn. Những con chó khôn, không cần dạy nó cũng không bao giờ ăn đồ ăn của người lạ vứt cho nó, mặc dù đói; khác với con chó dại gặp cái gì cũng ăn, rất dễ bị kẻ gian đầu độc. Ngoài ra, còn một đặc tính chung rất đáng quý của loài chó, đó là: trung thành với chủ, không bỏ chủ, không chê chủ trong mọi hoàn cảnh. Rất hiếm khi thấy chó phản chủ, trừ khi “chó điên”.
Trong văn chương thế giới, có rất nhiều câu chuyện viết về loài chó. Ở Việt Nam, ngoài văn chương, dân ta còn có những khẩu ngôn (truyền miệng) rất phổ thông, vẫn thường nghe:“Chó đen giữ mực” ám chỉ loại người có bản chất đầu bò đầu biếu, ngoan cố, khó dạy bảo.“Chó già giữ xương” ám chỉ loại người có bản chất tham lam, già sắp xuống lỗ mà vẫn chứng nào tật nấy. “Chó càn cắn dậu” ám chỉ loại người có bản chất khi bị dồn vào ngõ bí không còn lối thoát, quay ra chửi bậy,  phang bậy, nguỵ biện, bất chấp lẽ phải. “Chó nhảy bàn độc” ám chỉ loại người vô học, vô luân, may mắn gặp thời trở nên kệch cỡm lên mặt chỉ bảo người khác. Khi thương yêu đứa con của mình, người mẹ cũng hay mắng yêu “con chó con” của mẹ. Ngoài ra, còn rất nhiều khẩu ngôn khác, liên quan đến loài chó mà loài người đã mượn tên “đồ chó” hay “đồ chó đẻ” để xỉ vả những kẻ vong ơn bội nghĩa. Nhưng rất oan cho loài chó!  Vì sự thật thì loài chó có đặc tính trung thành — rất dễ thương, nó luôn “trả ơn”, không biết “trả oán” — hơn hẳn loài người phản bội, khi nhận được ơn đã không trả, lại còn trả oán; loại người này thường bị đồng hóa với tên gọi “chó điên” hay “chó ghẻ”. Lịch sử cho thấy xã hội CS đã sản sinh ra nhiều “chó điên”,“chó ghẻ” hơn các xã hội khác.
Liên quan giữa con đom đóm và con chó mực ghẻ
Sở dĩ có sự liên quan giữa hai con vật này là vì, vô tình tôi đọc bài viết của giáo sư Trần Chung Ngọc trên “net”, có tựa đề <<Vài Nét Về “Cụ Hồ”>>, trong đó có đoạn: “Phần nhận định tích cực về Hồ Chí Minh tràn ngập so với phần tiêu cực thưa thớt của một số người Việt hải ngoại mà tên tuổi không đáng kể, và chỉ như những con đom đóm lập lòe trên vài diễn đàn điện tử ít có giá trị trí thức của đám người Việt còn mang nặng lòng hận thù Quốc-Cộng, chống Cộng cuối mùa, chống Cộng khi đã không còn Cộng..”
Khi đọc đến  nhóm chữ  “những con đom đóm lập lòe”, giáo sư Ngọc đã tạo ngẫu hứng cho tôi đặt tựa đề bài viết này. Ngẫu hứng vì khi còn ở tuổi thiếu niên — trước khi cùng  gia đình di cư vào miền Nam năm tôi chưa đầy12 tuổi (sau khi Hiệp Định Genève được ký kết ngày 20-7-1954 chia đôi đất nước) — tôi sống ở một làng quê cách tỉnh Thái Bình khoảng 12 cây số, đã chứng kiến nhiều lần, cảnh đêm trăng mùa hè chó sủa đom đóm mỗi khi con chó mực nhà tôi thấy đóm đóm bay lạc vào sân. Mường tượng lại thời kỳ ấy, tôi thấy vui vui và khôi hài. Nhưng, con chó mực gia đình tôi nuôi hồi đó không mắc bệnh “ghẻ” (như tựa đề của bài viết) mà là con chó khôn, trung thành với chủ. Nó không bao giờ ăn thức ăn do người lạ vứt cho, cũng không sủa bâng quơ như nhiều chó khác, vì vậy ông bà tôi rất quý nó.
Làng tôi không giàu, nhưng nhà nào cũng nuôi chó. Quanh làng có con đê ngăn nước sông Hồng Hà, dưới chân đê có Chợ Bồng Tiên khá lớn, có Nhà Thờ Đông-A khá khang trang, có Chùa Keo rất nổi tiếng về phong cách đặc biệt, được xây dựng đã lâu đời. Thấm thoắt, từ ngày rời nơi “chôn nhau cắt rốn”, đến nay đã 58 năm, tôi chưa một lần trở lại nơi ấy. Nhưng vẫn nhớ, vẫn mong một ngày thăm lại quê hương trong hoàn cảnh khác hơn hiện nay. “Đường xưa lối cũ” quê tôi, tôi vẫn còn nhớ như in, nhưng bây giờ thì chẳng biết ra sao.
Tôi là người được sinh ra ở miền Bắc; lớn lên ở miền Nam; và làm việc ở miền Trung.  Suốt 7 năm ở miền Trung rong ruổi theo bước quân hành, có khi hành quân đêm, đóng quân đêm, đột kích đêm đã cho tôi đôi chút kinh nghiệm về loài chó và VC, nhưng tuyệt nhiên không nhìn thấy đom đóm bao giờ. Sau khi rời miền Trung, liên tục những năm sau, tôi làm việc ở nhiều nơi cho đến ngày mất nước 30-4-1975 cũng không hề nhìn thấy đom đóm, chỉ thấy chó và VC. Nếu không đọc bài viết của GS Ngọc, tôi cũng không có dịp nhớ đến chuyện con chó mực nhà tôi sủa những con đom đóm lập lòe vào ban đêm.
Giống như mọi người, vì hoàn cảnh chung của quê hương, tôi đã cùng đồng bào, theo gót cha, anh, đóng góp phần nhỏ của mình vào công cuộc xây dựng miền Nam, ngăn bước chân  xâm lăng của tay sai giặc Tàu. Cả 3 miền quê hương đất nước tôi đều thương nhớ, đồng bào cả 3 miền đều cho tôi nhiều kỷ niệm êm đềm khó quên. Nhưng nếu phải so sánh, thì ngoài ông bà, cha mẹ tôi, tôi nhớ đồng bào miền Nam nhiều hơn, vì nơi đây đã giúp tôi trưởng thành. Nền giáo dục Nhân Bản của miền Nam đã cho tôi nhiều kiến thức tổng quát từ bậc tiểu học đến đại học, đặc biệt biết yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào, không biết phản bội.
Khung trời miền Nam 1954-1963 cũng đã cho tôi nhiều sức sống trong tuổi học trò, cho tôi tình yêu quê hương với biết bao hình ảnh đồng quê thanh bình. Người dân miền Nam hiền hòa, chất phác và hiếu khách. Trong độ tuổi học trò, đã nhiều lần tôi theo chân các bạn học gốc miền Nam đến những vườn trái cây “ăn bao bụng”, picnic, đàn ca xướng hát thâu đêm dưới ánh trăng thanh bình, mà cho đến nay, mỗi lần nhắc đến, tôi vẫn nhớ và luyến tiếc thời cực thịnh của miền Nam. Tôi nhớ chính quyền miền Nam và đồng bào thời đó. Không thể nghĩ đến chuyện phản bội.
Tháng 11-1963, tôi tự nguyện gắn thêm đời lính vào đời tôi, cho nên bây giờ lại mang thêm nỗi nhớ về đời lính chiến mà tôi đã trải qua. Nhớ các bạn lính, nhớ hình ảnh các bà mẹ Việt Nam đã một thời luôn đăm chiêu vì chiến cuộc. Nhớ những địa danh tôi đã từng đặt chân đến, đã nhiều lần đổ máu, đã nhiều lần vuốt mắt bạn bè khi họ nằm xuống, đã nhiều lần ngấn lệ đưa tiễn họ về nơi an nghỉ cuối cùng… Và, tôi biết rất rõ nguyên nhân cũng như thủ phạm đã gây nên cuộc chiến “biển dâu” đầy tang tóc cho quê hương mình!
GS Trần Chung Ngọc, một người khoác áo lính
Khi đọc “Vài Nét Về ‘Cụ Hồ’” của GS Trần Chung Ngọc, tôi mới biết, ông đã từng là một người khoác áo lính đàn anh. Ông không phải là “chiến hữu” hay “chiến binh”, ông chỉ là người khoác áo lính. Có thể nói, đối với các “chiến hữu” của tôi, ông là người “đồng thuyền dị mộng”. Ông hơn tôi cả về tuổi đời lẫn tuổi lính hàng chục năm. Về ngành chuyên môn khoa học thực nghiệm, có thể ông là bậc thầy của tôi, vì ông có học vị Tiến Sĩ. Nhưng về lãnh vực Quốc-Cộng thì ông chưa đáng là học trò của tôi, vì tôi đã từng trải qua kinh nghiệm chiến trường với VC và nhiều lãnh vực khác, các nhà tù “cải tạo” và nhà tù “nhân dân” trước khi định cư ở Mỹ, trong khi ông chỉ là “lính kiểng”.
Mặt khác, chắc chắn tôi không được may mắn như ông, có lẽ vì cuộc chiến Việt Nam đã bộc phát quá mạnh vào đúng tuổi thanh xuân của thế hệ chúng tôi. Cho nên tôi và các bạn cùng trang lứa không có nhiều thời gian ung dung cắp sách đến trường như thời của ông. Ngay cả lúc khói lửa chiến tranh trên quê hương bốc cao đến tột độ — tuy khoác áo lính, nhưng ông đã may mắn hơn nhiều người — được Chính Quyền Việt Nam Cộng Hòa ưu ái (mà đúng hơn thì phải nói, nhân dân miền Nam ưu ái ông), cho đi du học ngoại quốc. Vì thế, ông khó thông cảm được cuộc sống hết sức mong manh của người lính chiến trên tuyến đầu chống giặc. Ông lại càng không thông cảm được nỗi thống khổ của người lính khi lâm vào thảm cảnh “tù không tội” ngay sau khi Saigon rơi vào tay giặc Tàu và VC. Ông cũng không hiểu được nỗi xót xa của nhiều gia đình bị tan nát, lầm than sau khi Saigon bị “giải phóng”. Còn nhiều nỗi gian truân, bất hạnh khác của đồng bào ta trên đường vượt biên, vượt biển tìm Tự Do sau ngày “giải phóng”, ông cũng không bao giờ thông cảm nổi.
Nhớ lại Mùa Thu năm 1963, tôi và nhiều bạn tôi, không quản ngại gian khổ đã tình nguyện “xếp bút nghiên theo nghiệp kiếm cung”. Kể từ Mùa Thu năm ấy cho đến trước ngày mất nước 30-4-1975, tuy miền Nam đã chịu nhiều thảm cảnh chiến tranh do “cụ Hồ” gây ra, nhưng vẫn có Độc Lập, Tự Do.  Thế mà bây giờ, sau 37 năm “Saigon giải phóng” không còn chiến tranh, nhưng thật thảm hại, người dân cả nước không hề tìm thấy Độc Lập, Tự Do ở đâu, mà chỉ thấy toàn giặc Tàu nhan nhản, ngang tàng trên quê hương, chúng bất chấp luật lệ, chiếm hữu đất đai và đầu độc dân ta bằng đủ mọi cách. Bởi đâu, đất nước ta đã liên tục rơi vào nghịch cảnh?! Có lẽ GS Ngọc thừa hiểu.
Hơn 40 năm trước, tuổi thanh xuân của thế hệ chúng tôi đã bị cuốn hút vào cơn lốc chiến tranh; sau một thời gian khá dài, tuổi thanh xuân ấy lại bị lãng phí trong các ngục tù “cải tạo”. Bây giờ, tuy chúng tôi, sức đã tàn, lực đã kiệt, thậm chí có người đã mang trọng bệnh từ trại tù cải tao, hay mất một phần thân thể từ cuộc chiến, nhưng vẫn phải bôn ba kiếm sống nơi đất khách quê người. Nỗi vất vả cứ liên tục tiếp nối nhau… đến một ngày đẹp trời, chợt thấy tuổi đời đã vượt qua “thất thập,” tóc đã bạc, răng đã long, tuổi thanh xuân đã qua đi trong nháy mắt. Thế nhưng lúc nào chúng tôi cũng coi “chống Cộng” là một Nghĩa Vụkhông thể tách rời khỏi đời sống. Mặc dầu thấy mình hoàn toàn trắng tay trong suốt cuộc hành trình phục vụ lý tưởng Tự Do cho miền Nam. Tuy bị thất bại, nhưng chúng tôi không hề than trách, chỉ thấy buồn nôn về đàn anh vô liêm sỉ, đồng lõa với giặc, ca tụng giặc. Đặc biệt, không ai trong đám bạn tôi có ý tưởng phản bội quê hương, mà ngược lại, luôn giữ vững ý chí cho dù “chống Cộng cuối mùa” , không khác gì thời chúng tôi còn khoác chiến y. Nếu có khác chăng, chỉ khác về phương cách chiến đấu hiện nay: thay súng đạn bằng ngòi bút. Mặc dầu “cuối mùa” nhưng vẫn còn Cộng thì vẫn phải chống.
Tôi không có cơ hội trở lại học đường, nhưng vẫn làm bạn với sách vở mỗi khi rảnh rỗi; vì thế, tôi đã biết được khá nhiều những gì cần biết mà trước kia ở tuổi thanh xuân, vì bận  với chiến trường nên đã không có dịp biết, hoặc chỉ biết lơ mơ. Khi biết được “Vài Nét về Cụ Hồ” của tác giả GS Trần Chung Ngọc, đồng thời cũng qua bài viết này, tôi biết được phần nào “con người thật” của tác giả, nhưng rất tiếc, không thể thông cảm những gì ông viết, nếu không muốn nói là “tởm”.
“Giá trị trí thức”
Trong đoạn văn màu đỏ ở trên, GS Ngọc có nhắc đến “giá trị trí thức”, cho nên, một lần nữa, lại gây ngẫu hứng cho tôi nhớ đến cụm chữ:“trí thức không đáng cục phân” của Mao Xếnh Xáng. Dĩ nhiên Mao không phải là trí thức, nhưng hắn  biết cách sử dụng trí thức. “Cụ Hồ” của GS Trần Chung Ngọc cũng vậy, Hồ là đệ tử của Mao cho nên hắn cũng biết cách sử dụng trí thức như Mao là lẽ tự nhiên. Có điều, cả Mao lẫn Hồ đã không phân biệt được tầng lớp trí thức với những người khoa bảng.
Trí Thức là người khoa bảng, hay không khoa bảng nhưng có nhiều kiến thức, biết nhìn xa hiểu rộng, biết phân biệt lẽ phải trái, biết dấn thân làm điều ích quốc lợi dân. Có thể nói trí thức rất gần với “kẻ sĩ” thời xưa.
Còn người Khoa Bảng chỉ là người được liệt kê tên tuổi vào danh sách những người đã vượt qua kỳ thi chuyên môn. Phần lớn những người khoa bảng thường cố lấy bằng chuyên môn để mưu sinh, để “vinh thân phì gia” hơn là để dấn thân vào việc chung của đất nước. Nếu những ai quan tâm, hy sinh cho việc chung của đất nước, thì tự nhiên họ đã biến thành Trí Thức rồi.
Người Trí Thức không bao giờ tự làm nhục mình; khác xa với kẻ khoa bảng sẵn sàng làm thân khuyển mã cho bất cứ ai. Nhiều người gọi thành phần khoa bảng vô liêm sỉ là  “trí thức bưng bô”, tôi nghĩ, gọi như vậy là sai; phải gọi họ là “khoa bảng bưng bô” mới đúng với danh và phận của họ. Trí thức là người không bao giờ chịu nhục đi “bưng bô” cho ai cả. Không phải bây giờ, mà xưa kia cũng vậy, những khoa bảng vô liêm sỉ bị cụ Cao Bá Quát chế riễu là:
“Mũ cánh chuồn đội trên mái tóc,
“Nghiêng mình đứng chực cửa hầu môn”.
Hai câu thơ trên nhắm vào những khoa bảng thuộc loại: hàng thần lơ láo, nịnh bợ, thiên lôi chỉ đâu đánh đấy, chứ không nhắm vào tầng lớp trí thức là những người nhìn xa hiểu rộng, có liêm sỉ, có sáng kiến, làm điều ích quốc lợi dân. Nếu được bổ đi làm quan mà không vì điều ích quốc lợi dân thì người trí thức sẽ xin “rũ áo từ quan” ngay, họ không chịu khuất phục trước bả vinh hoa phú quý hay bạo lực. Chẳng hạn như Chí Sĩ Ngô Đình Diệm đã trả lại chức thượng thư bộ Lại dưới thời vua Bảo Đại, tương đương chức Thủ Tường bây giờ, năm ông 32 tuổi, vì những đòi hỏi ông đề ra có ích cho dân ta không được chính quyền Pháp đáp ứng.
Còn các ông Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ chẳng hạn, hay mới đây có ông Lê Xuân Khoa chỉ là những người được liệt kê vào danh sách khoa bảng mà thôi, không thể gọi là trí thức được, vì thiếu tư cách trí thức như đã nói ở trên. Chưa kể, Lê Xuân Khoa còn mang tội “ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản” là người thụ hưởng bổng lộc của nhân dân miền Nam, được ân huệ đi du học nhưng phản bội, chính là  “khoa bảng bưng bô”.  Khoa bảng thì nhiều, nhưng trí thức chẳng bao nhiêu. Chính những “khoa bảng bưng bô” đã làm giảm sức chiến đấu của toàn dân ta đang chống giặc Tàu và VC.
Trong khi Mao và Hồ là những tên rất ma mãnh, họ hiểu được tâm lý và bản chất của  khoa bảng: hèn hạ, ham danh, hám lợi. Vì muốn đạt được lợi ích trong chiến thuật đoản kỳ rồi sẽ “vắt chanh bỏ vỏ”, cho nên Mao-Hồ đã lợi dụng khoa bảng, kích động đúng vào những ham muốn và những nhược điểm khác nhau của từng cá nhân khoa bảng. Họ tâng bốc những khoa bảng này lên tận mây xanh, cho ăn “bánh vẽ” theo sở thích riêng của từng người, rồi sau đó, đáp ứng đúng những nhu cầu cần thiết. Thế là những khoa bảng hèn hạ mắc bẫy, chấp nhận làm tay sai cho họ ngay. Nhưng trong thâm tâm của Mao-Hồ và đám đệ tử kế nghiệp, thì rất khinh rẻ những bộ mặt khoa bảng mà họ đã từng sử dụng làm công cụ. Những khoa bảng trong cái gọi là  “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam” là một điển hình, tất cả đều mang thân phận “ghẻ” sau khi bị “cụ Hồ” và đàn em của “cụ” sử dụng xong. Ông Nguyễn Cao Kỳ, người bạn cùng trang lứa với GS Trần Chung Ngọc tuy không phải là khoa bảng, càng không phải là trí thức, nhưng cái mác Phó Tổng Thống phản bội đã được VC sử dụng một thời để sai bảo. Đến khi nằm xuống, nó không cho mang xác về Việt Nam, thân phận không khác gì thân phận khoa bảng trong MTDTGPMN, chắc GS Ngọc đã thừa hiểu.
Thường thì những khoa bảng có thể thông suốt về chuyên ngành của họ thật đấy, nhưng mù tịt về chiến thuật, chiến lược và quỷ kế của CS nói chung, VC nói riêng. Vì thế mới có lời nhận định tỏ rõ sự khinh miệt: “trí thức không đáng cục phân” của Mao Xếnh Xáng. Đấy làgiá trị trí thức.
“Hận thù Quốc-Cộng” & “Hận Thù Cộng-Cộng”
Mọi người đã thừa hiểu chính VC là thủ phạm gây ra hận thù Quốc-Cộng. Nhưng có thể vì một lẽ bất công nào đó đã ràng buộc “khoa bảng bưng bô” phải chối bỏ sự thật, lên tiếng bênh vực, che chở cho kẻ vô luân, đổ lỗi cho “một số người Việt hải ngoại”. Ai cũng hiểu  sự thật luôn là lẽ sống của loài người, không thể “gâu gâu” như loài chó rồi coi như xong chuyện, cũng không thể mượn bóng đêm để che lấp sự thật. Phương ngôn của người Tây Ban Nha có câu: “Bóng đêm trên thế giới không đủ sức giập tắt ánh sáng của một ngọn nến nhỏ” (There is not enough darkness in the world to extinguish the light of one small candle.)
Khi nhắc đến “hận thù Quốc-Cộng” thì phải nhắc đến “hận thù Cộng-Cộng” . Lịch sử luôn luôn công bằng và sẽ không bao giờ đồng lõa với bóng đêm. Bóng đêm đã một thời che lấp sự thật về cái chết của Tạ Thu Thâu, một lãnh tụ thuộc nhóm Quốc Tế Cộng Sản IV, nhưng chỉ một thời gian ngắn, bóng đêm qua đi, sự thật lại đến. Ông Tạ Thu Thâu là người yêu nước kiên cường đứng ra tổ chức một cuộc biểu tình trước điện Elysée phản đối chính quyền Pháp xử tử 13 chiến sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng và sau đó bị trục xuất về nước tháng 6-1930. Khi ông về nước, một lần công tác trên đường từ Bắc vào Nam  trong dịp “cách mạng mùa thu” tháng 8-1945, ông bị giết khi đi ngang Cánh đồng Dương, Mỹ Khê, Quảng Ngãi. Mãi đến năm 1946 nhà văn người Pháp Daniel Guérin đã đem ánh sáng rọi thẳng vào cái chết mờ ám của ông, nhưng chỉ nhận được câu trả lời cửa miệng quen thuộc của các “lãnh tụ” VC, đại khái: “địa phương đã giết lầm một người ái quốc”, “tôi khóc cái chết của ông”…?! Còn nhiều trường hợp khác nói đến những cái chết của nhóm Cộng Sản Đệ Tứ bị Cộng Sản Đệ Tam của “cụ Hồ” đưa về âm phủ, nhưng không phải là chủ đề của bài viết này. Riêng về “hận thù Quốc-Cộng”, thiết tưởng không cần nhắc lại, hiển nhiên suốt từ 1945 đến nay mọi người, nhất là những gia đình nạn nhân  đã quá rõ ai là thủ phạm.
Chỉ xin nhắc lại, kẻ thù của Marx-Lenin không chỉ là “Quốc” mà cả “Cộng” nữa. “Quốc” ở đây là  Quốc Gia, “Cộng” là Cộng Sản mà thuỷ tổ là Marx đã đi qua nhiều giai đoạn, từ Quốc Tế Cộng Sản I, II, III đến IV. “Cụ Hồ” dừng lại ở QTCS III tức Marx-Lenin, để được lãnh lương, để học hỏi cách gây bạo động, cách tuyên truyền, cách làm tay sai,… Ở Việt Nam, nhiệm vụ của “cụ Hồ” là phải thanh toán hết đối lập, đối kháng, rồi báo cáo cho quan thầy. Tất cả những gì không cùng chung đường lối với quan thầy đều là “phản động”. Bằng mọi thủ đoạn, “cụ Hồ” phải tiêu diệt cho bằng hết mọi tư tưởng phản động để xây dựng “thiên đàng CS”!
“Chỉ có những người không có trái tim mới thực hiện được chủ nghĩa Cộng Sản”, đó là lời nói của bố tôi trước khi ông đưa gia đình di cư vào Nam năm 1954. Sau gần một thế kỷ đi tìm, nay thiên đàng CS đang ở đâu, bao nhiêu người đã chết vì thiên đàng này, sau cái thiên đàng này có còn cái thiên đàng nào khác? Thật tội nghiệp cho những tiếng “gâu gâu” bênh vực cho “cụ Hồ”.
Võ Phương
Tháng 9-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét