Pages

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Hai Bộ xin giải cứu các doanh nghiệp và tập đoàn trong ngành

Bộ Công Thương xin giải cứu các tập đoàn

Chính phủ cần bảo lãnh vốn vay nước ngoài đối với các dự án điện, than, hỗ trợ lãi suất cho các dự án cơ khí... là những giải pháp chính mà Bộ Công Thương vừa trình Thủ tướng nhằm tháo gỡ khó khăn cho các tập đoàn, tổng công ty.

Sau khi công bố đề án "giải cứu doanh nghiệp" hồi tháng 7, Bộ Công Thương đã đề xuất tới Chính phủ hàng loạt kiến nghị ưu đãi về vốn, thuế. Tuy nhiên, gói giải pháp này chỉ giải quyết khó khăn cụ thể của các ngành, các Tập đoàn, Tổng công ty và các DNNN trực thuộc Bộ.

Trong đó, đáng chú ý nhất là kiến nghị về bảo lãnh tín dụng của Chính phủ.

Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ cho phép Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) vay vốn ngân hàng nước ngoài dài hạn 10 năm trở lên để đầu tư phát triển mỏ mới. Các khoản vay này của TKV cần được sự bảo lãnh của Chính phủ. Ngoài ra, Chính phủ cần phê duyệt tăng giá than bán cho điện, giảm thuế xuất khẩu than từ 20% hiện nay xuống 10%.

Đối với ngành điện, Bộ đề nghị Chính phủ ưu tiên vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ, bảo lãnh cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vốn nước ngoài và cho Tập đoàn có cơ chế đặc biệt trong việc phát hành trái phiếu đầu tư trong và ngoài nước.


Chính phủ chỉ đạo các Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đứng ra đàm phán với các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á để bố trí vốn vay cho các công trình nguồn điện.

Một số dự án cụ thể của các Tổng công ty, Tập đoàn cũng được Bộ Công Thương xin Chính phủ ưu đãi riêng.

Ví dụ, ở dự án mở rộng Giang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 này, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Viettinbank tiếp tục cho chủ đầu tư- Tổng công ty Thép Việt Nam vay bổ sung đối với phần vốn tăng thêm của dự án.

Ở dự án bột giấy Phương Nam của Tổng công ty Giấy Việt Nam, Chính phủ cho phép tiến hành cơ cấu lại tài chính, sớm cổ phần hóa, nâng vốn Nhà nước sở hữu lên 30-50% giá trị nhà máy, giao Bộ Tài chính tiếp tục ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng, bảo lãnh cho đến khi nhà máy đi vào sản xuất, trích được khấu hao mới trả nợ.

Dự án chế biến muối ở Lào của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng được Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ sớm chấp thuận đầu tư, được miễn thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo, được vay vượt 15% vốn điều lệ từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Các dự án đầu tư hệ thống xử lý nước thải, cấp nước trong các khu công nghiệp dệt may được vay vốn ODA hoặc vốn Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ môi trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngành cơ khí được Bộ Công Thương đề xuất hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ giá mua máy móc cho nông dân và hưởng cơ chế chỉ định thầu ở các dự án vốn Nhà nước chiếm trên 30% tổng vốn đầu tư kéo dài đến hết quý III năm 2013.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng kiến nghị cho xuất khẩu tinh quặng titan, quặng apatit đang tồn kho, giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% cho sản phẩm động cơ dưới 30cv, kéo dài thời gian giảm 50% tiền thuê đất cho doanh nghiệp cơ khí đến hết năm 2013. Đồng thời, Chính phủ cần gia hạn thêm thời gian chuyển khoản cổ tức đối với các DNNN thuộc đã cổ phần hóa mà nay, Bộ là đại diện quyền chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại đây, có văn bản thông báo bổ sung kinh phí 50 tỷ đồng cho chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.

Trước đó, tại 2 hội nghị lấy ý kiến về đền án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tổ chức ở Hà Nội và Tp HCM hồi tháng 7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, điểm mới của đề án là tập trung các giải pháp có thể thực hiện ngay như giải phóng hàng tồn kho, thúc đẩy mở đầu ra cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với đề xuất trên đây, dường như Bộ Công Thương chỉ "cứu" các DN thuộc Bộ, chú trọng các Tập đoàn, Tổng công ty cụ thể.

Phạm Huyền
Nguồn: vietnamnet.vn

_________________________________

Bộ Xây dựng xin "giải cứu" các doanh nghiệp trong ngành

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo dài nhiều trang gửi Ủy Ban kinh tế Quốc hội kiến nghị nhiều ưu đãi với các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng.

Trong báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng 8 tháng đầu năm 2012 gửi Ủy ban kinh tế Quốc hội, Xây dựng cho biết năm 2011 và 5 tháng đầu năm 2012, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn về sản xuất, tiêu thụ và tài chính.

Hàng tồn trong cả năm 2011 và 8 tháng đầu năm 2012 trong ngành vật liệu xây dựng khiến một số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc dừng sản xuất
Tồn kho đến mức phải dừng sản xuất
Bộ Xây dựng tổng hợp trên cơ sở báo cáo của Hiệp hội kính và thuỷ tinh Việt Nam, Hiệp hội gốm sứ Việt Nam, Hiệp hội Xi măng Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy số lượng hàng tồn kho lớn, doanh nghiệp sản xuất đều gặp khó khăn.

Cụ thể, về Kính tấm tiêu thụ ước giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2011. Cả nước có 7 doanh nghiệp sản xuất kính tấm lớn với công suất thiết kế 150 triệu m2 nhưng tồn kho đến cuối tháng 8 năm 2012 của 7 doanh nghiệp này khoảng 60 triệu m2 quy tiêu chuẩn, tương đương sản lượng kính của hơn 4 tháng sản xuất (trong đó riêng kính nổi tồn kho 57 triệu m2, tương ứng sản lượng 5 tháng sản xuất).

Từ năm 2011 đến cuối tháng 8 năm 2012, có 3/4 lò kính cán in hoa dừng sản xuất đã làm giảm 85% công suất kính cán in hoa của toàn ngành kính.

Riêng Tổng công ty VIGLACERA có 3 dây chuyền sản xuất kính với công suất 33 triệu m2, ước tồn kho đến 30/8/2012 là 15,7 triệu m2.

Mặt hàng kính gia công tiêu thụ ước giảm 40% so với cùng kỳ năm 2011, bộ Xây dựng đánh giá với tình hình tiêu thụ khó khăn, chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao khiến một số nhà máy tiếp tục dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng.

Theo tin tức từ bộ Xây dựng, lĩnh vực kính gia công sử dụng nhiều lao động nhưng do khó khăn về sản xuất và tiêu thụ nên có doanh nghiệp đã giảm đến 40% lao động so với cuối năm 2011.

Về lượng tồn kho gạch ốp lát toàn ngành khoảng 60 triệu m2, 40 dây chuyền phải dừng sản xuất.

Doanh nghiệp xi măng hoạt động kinh doanh lỗ lớn như xi măng Tam Điệp, xi măng Hải Phòng, xi măng Quang Sơn, xi măng Cẩm Phả, xi măng Hạ Long, xi măng Sông Gianh, xi măng Sông Thao, xi măng Thăng Long, xi măng Đồng Bành.
Xin hàng loạt ưu đãi

Theo đó, trước những khó khăn mà bộ Xây dựng cho rằng “doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể có chiều hướng gia tăng nhanh“ bộ này đề nghị Quốc hội gói giải pháp gồm 8 nội dung để giải cứu doanh nghiệp ngành xây dựng

Cụ thể có những nội dụng đáng chú ý như Bộ đề nghị Quốc hội giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ quản lý ngành có giải pháp linh hoạt trong việc thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước như bán phần vốn nhà nước theo hình thức thoả thuận, chuyển vốn Nhà nước, mua nợ tại các doanh nghiệp.

Mặt khác, Bộ kiến nghị bổ sung các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, kính, gốm sứ xây dựng, gạch không nung) vào nhóm các doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ của Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012.

Bộ Xây dựng đề nghị các ngân hàng tiếp tục nghiên cứu khoanh nợ, dãn thời hạn trả nợ đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, xây lắp, các chủ đầu tư xây dựng nhà ở để bán nhưng đang trong quá trình xây dựng.

Ngoài ra, theo bộ Xây dựng nên tiếp tục lộ trình giảm lãi suất cho vay; cải cách các thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay.

Đồng thời, Bộ đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu xếp nguồn ngoại tệ để trả nợ các khoản vay có gốc ngoại tệ; xem xét cho doanh nghiệp được cơ cấu lại các khoản nợ, giãn thời gian trả nợ hoặc khoanh nợ nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Nới lỏng chính sách tín dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bất động sản.

Một giải pháp nữa để kích cầu tiêu dùng vật liệu xây dựng, bộ Xây dựng đề nghị thực hiện giảm 50% thuế giá trị gia tăng (thuế VAT bằng 5%) đối với các hộ gia đình, cá nhân khi mua nhà ở chung cư thương mại bình dân (diện tích căn hộ nhỏ hơn 90 m2, giá bán dưới 20 triệu đồng/m2) và mua lần đầu để ở.

Nguồn: dantri.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét