BBC
Ông Trần Xuân Giá là Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư đầu tiên của Việt Nam
Ngân hàng Cổ phần Á châu (ACB) công bố việc ba lãnh đạo cao nhất từ nhiệm, trong số đó có cựu bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Trần Xuân Giá.
Thông báo của ACB ra chiều thứ Tư 19/9 nói các ông Trần Xuân Giá, chủ tịch Hội đồng Quản trị, Lê Vũ Kỳ, phó chủ tịch và Trịnh Kim Quang, phó chủ tịch, đã “từ nhiệm vì lý do cá nhân”.
ACB còn cho biết thêm rằng các vị này “có liên quan đến việc phê chuẩn cho ông Lý Xuân Hải ủy thác 19 nhân viên ACB thực hiện việc nhận 718 tỷ đồng của ACB để gửi vào Ngân hàng Công thương Việt Nam”.
Ông Lý Xuân Hải, cựu Tổng giám đốc ACB, đã bị bắt và tạm giam từ hôm 23/8 với tội danh ‘Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ Luật Hình sự’.
Trước khi bị bắt, ông Hải cũng đã từ nhiệm.
Khi xảy ra vụ bắt ông Lý Xuân Hải và Bầu Kiên – một trong các sáng lập viên ACB, ông Giá đang ở Hoa Kỳ.
Ông Trần Xuân Giá được nói bị bệnh từ lâu và một trong các lý do từ nhiệm là vì sức khỏe.
Tuy nhiên, với liên quan vụ ông Lý Xuân Hải, cả ba vị lãnh đạo này chắc sẽ bị điều tra.
‘Chọn bến đỗ mới’
ACB nói được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thanh khoản trong thời gian gần đây.
Ngân hàng ACB cũng đã tiến hành bầu tân chủ tịch và phó chủ tịch HĐQT. Ông Trần Hùng Huy, phó Tổng giám đốc, thành viên HĐQT, đã được bầu vào chức chủ tịch HĐQT.
Hai ông Julian Fong Loong Choon và Lương Văn Tự được bầu vào vị trí phó chủ tịch HĐQT ACB.
Ông Lương Văn Tự là cựu thứ trưởng Bộ Thương mại.
Ông Trần Xuân Giá, 73 tuổi, từng làm cố vấn HĐQT Ngân hàng ACB trước khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch.
Ông bắt đầu gia nhập ACB từ tháng 11/2006, ngay sau khi nhận quyết định nghỉ hưu từ Bộ Kế hoạch-Đầu tư một tháng trước đó.
Ông từng là đại biểu Quốc hội khóa X, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, có học hàm Phó giáo sư, và từng là giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.
Một Bấm bài viết đăng trên trang web của Ngân hàng ACB bình luận về quyết định của ông Giá tham gia ACB với vai trò Chủ tịch HĐQT.
Bài viết có đoạn nói “nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng đối với ông [Giá] là hoàn toàn mới nhưng hoạt động kinh doanh ngân hàng lại không quá xa lạ bởi nó gắn liền với các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như các chính sách vĩ mô mà bản thân ông có khá nhiều kinh nghiệm lúc còn làm việc trong bộ máy quản lý nhà nước”.
Phản hồi lại những quan ngại được mô tả là “tận dụng mối quan hệ sẵn có để mang về những hợp đồng lớn cho ACB hay không”, ông Giá được dẫn lời nói “Tôi làm việc vì danh dự và trách nhiệm của một con người. Tôi chẳng đại diện cho một cổ đông cụ thể nào và tôi làm việc theo luật”.
“Tôi là người chủ trì dự thảo Luật Doanh nghiệp, theo tinh thần đó, tôi không thể làm điều gì trái với những gì mà mình mong muốn xã hội làm.”
Ông Giá được ACB dẫn lời nói thêm “Uy tín của ACB rất lớn, họ không cần ai che chắn” và rằng ông đã từng “ra điều kiện” cho ACB, nếu ông làm Chủ tịch HĐQT thì mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải theo luật chứ không được theo bất cứ một mối quan hệ nào.
Tân chủ tịch
Sinh năm 1978, tân Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, ông Trần Hùng Huy, là con trai ông Trần Mộng Hùng (Chủ tịch Hội đồng sáng lập, Tổng giám đốc đầu tiên của ACB).
Bản thân ông Trần Mộng Hùng từng giữ chức Chủ tịch HĐQT cho đến năm 2008. Vợ của ông và là mẹ ông Huy, bà Đặng Thu Thủy, hiện là thành viên HĐQT của ACB.
Báo Sài Gòn Tiếp Thị hôm 14/9 công bố bài phỏng vấn với ông Trần Mộng Hùng, trong đó lần đầu tiên ông tiết lộ những sai phạm liên quan hai người bị bắt, Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải.
Ông Hùng nói ông Nguyễn Đức Kiên “chỉ là cá biệt”.
“Sự việc xảy ra là do tính toán của một vài cá nhân, không phải chủ trương của ngân hàng.”
“Các khoản vay của ông Kiên thông qua các công ty con đều có tài sản thế chấp. Tuy nhiên việc thu hồi vốn phải có thời gian.”
Ông Hùng tiết lộ: “Ông Lý Xuân Hải đã cho ký hợp đồng ủy thác cho 19 nhân viên để thực hiện việc nhận 718 tỷ đồng của ACB, để gửi vào ngân hàng Công thương.”
“Số tiền gửi này đã quá hạn. ACB đã tổ chức thực hiện việc khởi kiện yêu cầu ngân hàng Công thương hoàn trả tiền.”
Ông nói thêm: “Giả sử ngay cả khi không được hoàn trả, ACB hoàn toàn có thể trích lập dự phòng rủi ro từ nguồn lợi nhuận đã có tám tháng đầu năm là 2.300 tỷ đồng.”
*****
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét