Pages

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

KHỐI ASEAN KHÔNG THỂ KHÔNG BÀN VỀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG



BienDong.net: Trong 5 cường quốc thành viên thương trực Hội đồng Bản an của tổ chức Liên hợp quốc, Trung Quốc là nước gần các nước trong khối ASEAN nhất. Trung Quốc có chung đường biên giới trên bộ với 3 thành viên ASEAN là Myanmar, Lào và Việt Nam. Trung Quốc và 8 nước thành viên ASEAN tiếp giáp Biển Đông.
Liên quan vấn đề Biển Đông, lâu nay Trung Quốc kiên trì thuyết phục, vận động khối ASEAN rằng vấn đề Biển Đông là vấn đề song phương giữa một vài nước ASEAN như Việt Nam, Phillippines và Trung Quốc. Trung Quốc nói vấn đề Biển Đông không liên quan đến toàn bộ khối ASEAN. Cho nên, ASEAN đừng bàn về vấn đề Biển Đông. Việc ASEAN bàn về vấn đề Biển Đông là chọc tức, khiêu khích Trung Quốc. Khối ASEAN ngược lại cho rằng lập luận đó không đúng. Có rất nhiều khía cạnh trong vấn đề Biển Đông liên quan lợi ích chung của cả khối. Do đó, khối ASEAN không thể không bàn về vấn đề Biển Đông.

1. Sự gắn bó của ASEAN với Biển Đông. Khối ASEAN có 10 thành viên. Trừ Lào là nước nội địa và Myanmar ra, 8 thành viên còn lại, bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei, Singapore, Thái Lan và Campuchia, tiếp giáp Biển Đông. Lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước ASEAN là một phần không thể tách rời của Biển Đông. Các vùng biển này của nhiều nước ASEAN vừa tiếp giáp nhau (Việt Nam với Campuchia, Campuchia với Thái Lan, Thái Lan với Malaysia, Malaysia với Indonesia, Brunei với Malaysia, Malaysia với Phillippines), và vừa đối diện nhau (Việt Nam và Malaysia, Việt Nam và Indonesia, Brunei và Philippines hoặc giữa Singgapore và Indonesia và Malaysia v.v). Cuộc sống của hàng trăm triệu người dân trong khối ASEAN và sự phát triển kinh tế của các nước thành viên khối ASEAN phụ thuộc lớn vào Biển Đông. Biển Đông vì thế là nhân tố chung gắn bó lợi ích của các nước thành viên ASEAN với nhau.
Liên quan vấn đề Biển Đông, các nước ASEAN nhận thức rằng ở đây không chỉ có một khía cạnh tranh chấp chủ quyền đối với các đảo, mà có nhiều khía cạnh khác nhau. Một số khía cạnh liên quan tất cả các nước thành viên và tất cả các nước thành viên của ASEAN phải chung tay gánh vác. Một số khía cạnh khác chỉ liên quan đến một số nước thành viên trong khối ASEAN và các nước này phải chịu trách nhiệm chính.
Khía cạnh thứ 1 trong vấn đề Biển Đông là duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông. Khía cạnh này rất quan trọng vì liên quan đến mọi thành viên của khối ASEAN. Điều I Hiến chương ASEAN (ký năm 2007) nêu rõ 15 mục tiêu của khối, trong đó duy trì, bảo đảm hoà bình, an ninh và ổn định của khu vực được đặt lên hàng đầu. Khối ASEAN hiểu rõ mục tiêu này sẽ không đạt được, nếu hoà bình và ổn định ở Biển Đông không được duy trì. Chỉ khi Biển Đông hoà bình và ổn định thì lợi ích của các thành viên ASEAN mới được đảm bảo. Nếu hoà bình và ổn định ở Biển Đông không được đảm bảo thì các nước thành viên ASEAN sẽ không có điều kiện khai thác và sử dụng các vùng biển của mình. Đồng thời lúc đó giao lưu hàng hoá giữa các nước ASEAN với nhau và với thế giới bên ngoài sẽ bị ảnh hưởng. Duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông chính là duy trì hoà bình và ổn định của cả khối ASEAN. Tất cả 10 nước ASEAN đều có nghĩa vụ và trách nhiệm đóng góp, tăng cường mọi nỗ lực để duy trì hoà bình và ồn định ở Biển Đông. Trong khía cạnh này họ nhận được sự hậu thuẫn và cổ vũ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Bởi vì duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông phù hợp với trào lưu chung của cộng đồng quốc tế và góp phần duy trì hoà bình và ổn định trên thế giới.
Khía cạnh thứ 2 thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (thường gọi tắt là Tuyên bố DOC) mà ASEAN và Trung Quốc ký năm 2002. Khía cạnh này cũng liên quan cả 10 nước thành viên vì Tuyên bố DOC năm 2002 là con đẻ của cả 10 nước trong khối. Tuyên bố này có được chính là do nỗ lực chung của 10 nước. Khi ký Tuyên bố này, các thành viên trong khối cũng kỳ vọng là nó góp phần duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông. Chính vì vậy, các nước thành viên ASEAN thảo luận ở mọi diễn đàn đa phương và tìm mọi biện pháp để thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố này, để tất cả các cam kết theo Tuyên bố này được tuân thủ nghiêm chỉnh. Các nước ASEAN nhận thức rõ DOC là quan trọng nhưng đó mới chỉ là bước đi ban đầu. Bước đi tiếp theo là ASEAN và Trung Quốc phải ký kết Bộ Quy tắc ứng xử đã được ghi nhận trong đoạn cuối của Tuyên bố DOC năm 2002.
Khía cạnh thứ 3 trong vấn đề Biển Đông là tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. ASEAN nhất trí rằng không phải mọi thành viên mà chỉ một số thành viên ASEAN liên quan đến các tranh chấp này. Tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa là tranh chấp song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, còn tranh chấp về quần đảo Trường Sa là tranh chấp đa phương giữa một số nước thành viên khối ASEAN (Việt Nam, Philippines, Malaysia) với Trung Quốc. Liên quan khía cạnh này, lập trường ASEAN cũng rất rõ ràng các bên liên quan các tranh chấp đó phải giải quyết với nhau. Điều tiên quyết mà ASEAN nhất trí là việc giải quyết các tranh chấp đó phải bằng cách thức hòa bình, các bên không được phép sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Lập trường này của ASEAN đã và đang được cộng đồng quốc tế ủng hộ.
2. Nỗ lực của khối ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Trong 20 năm qua, theo tính chất căng thẳng ở Biển Đông, khối ASEAN càng ngày càng thảo luận vấn đề Biển Đông nhiều hơn. Qua thảo luận, khối đã từng bước đạt được những kết quả tích cực liên quan vấn đề Biển Đông.
Vào năm 1992, các Ngoại trưởng của khối ASEAN đã ký Tuyên bố của ASEAN về Biển Đông. Đây là văn kiện chung đầu tiên của ASEAN về Biển Đông. Bản Tuyên bố nêu rõ bất kỳ diễn biến bất lợi nào ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoà bình và ổn định của khu vực. Tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết mọi vấn đề về chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông bằng các biện pháp hoà bình. Tuyên bố kêu gọi các bên liên quan kiềm chế tạo bầu không khí cho việc đạt được giải quyết cuối cùng cho mọi tranh chấp. Vào thời điểm đó, Việt Nam chưa phải là thành viên của gia đình ASEAN nhưng Việt Nam đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của mình đối với Tuyên bố này.
Diễn biến căng thẳng ở Biển Đông những năm sau đó, đặc biệt sự kiện Bắc Kinh gây ra ở bãi Vành Khăn năm 1995, tăng lo ngại của khối ASEAN. Năm đó, khối ASEAN đã thảo luận rất sâu và ra Tuyên bố của khối về sự kiện bãi Vành Khăn. Đòng thời khối tăng cường thảo luận nội bộ và sau đó cùng thương thảo với Trung Quốc về Tuyên bố DOC. Việc thảo luận không chỉ tiến hành trong khuôn khổ các diễn đàn chính thức của khối, mà còn được tiến hành trong khuôn khổ sáng kiến của Indonesia “Hội thảo không chính thức về khống chế xung đột tiềm tàng ở Biển Đông”.
Kết quả là vào năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đạt được Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Với việc đặt bút ký bản Tuyên bố này, ASEAN và Trung Quốc cam kết tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế, tuân thủ Công ước Luật Biển năm 1982 và các nguyên tắc chung sống hòa bình. Ngoài ra, ASEAN và Trung Quốc cũng đã có một loạt cam kết cụ thể như giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, kiềm chế và không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông, phấn đấu để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Cần phải khẳng định rằng Tuyên bố DOC năm 2002 đã có đóng góp quan trọng cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Tuy nhiên, trái với mong đợi của ASEAN, không phải mọi cam kết theo DOC đều được tuân thủ nghiêm ngặt và thực hiện đầy đủ. Trong mấy năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc ở Biển Đông đi ngược lại các cam kết theo DOC, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển, đảo của các nước ASEAN, làm cho tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng và phức tạp hơn. Năm 20089 Bắc Kinh lần đầu tiên chính thức đưa yêu sách đường lưỡi bò phi lý ra Liên hợp quốc. Cộng đồng quốc té bị sốc. Bời vì yêu sách đó của Bắc Kinh chà đapợ lên các cam kết của Bắc Kinh theo Công ước Luật Biển năm 1982,. Yêu sách đó xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của 5 nước trong khối ASEAN (Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines và Brunei). Sau đó, Bắc Kinh ào ạt triển khai các biện pháp trên thực địa nhằm thực hiện yêu sách phi lý này. Đặc biệt vào tháng 5/2011, Bắc Kinh dùng vũ lực phá hoại hoạt động kinh tế bình thường của Việt Nam ngay trong phạm vi 200 hải lý của nước này. Trước tình hình đó Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 44 (2011) đã nêu rõ các Ngoại trưởng thảo luận sâu các diễn biến gần đây ở Biển Đông và bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến đó.
Nhằm mục tiêu thúc đẩy thực hiện DOC ASEAN đã có nhiều nỗ lực hơn và đạt được những kết quả quan trọng. Tháng 5/2011, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19 đã quyết định xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC. Tiếp đó, vào tháng 7/2011, nhờ sự nỗ lực của ASEAN, bản Quy tắc Hướng dẫn DOC giữa ASEAN và Trung Quốc đã được thông qua. Tháng 11/2011, ASEAN đã giao SOM ASEAN tiến hành xây dựng COC.
Tháng 7/2012, ASEAN hoàn thành nội dung cơ bản của COC (thường gọi là các thành tố cơ bản của COC). Cách tiếp cận của ASEAN trong quá trình xây dựng COC là các thành viên ASEAN tham vấn nội bộ như truyền thống của ASEAN lâu nay, COC phải kế thừa DOC và tiếp tục phát triển ở mức cao hơn. Lập trường của ASEAN là nội dung của Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông cần phải có những điểm chính sau: quy định nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Luật Biển năm 1982, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, Tuyên bố DOC năm 2002; mục tiêu của Bộ Quy tắc ứng xử ở Bỉen Đông là tạo khuôn khổ dựa trên quy định luật pháp để điều chỉnh hành vi của các bên ở Biển Đông theo những nguyên tắc nêu trên; quy định về các nghĩa vụ và hành vi ứng xử của các bên ở Biển Đông nhằm mục tiêu hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, thúc đẩy hợp tác xây dựng lòng tin, ngăn ngừa tranh chấp leo thang và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển năm 1982, tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven Biển Đông theo Công ước Luật Biển năm 1982; quy định cơ chế thực hiện COC, trong đó thiết lập cơ chế giám sát và đảm bảo thực hiện COC, xử lý vi phạm COC và bảo đảm giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982. Dự thảo COC năm 2012 đã được ASEAN hoàn tất là sự phát triển từ DOC năm 2002 và có những yếu tố mới trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thực hiện DOC trong 10 năm qua. Đây là cơ sở tốt để các nước ASEAN thuợng lượng với Trung Quốc về COC trong thời gian tới.
3. Lời kết. Việc khối ASEAN thảo luận vấn đề Biển Đông là nhu cầu khách quan. ASEAN không thể không bàn về nó. Thông cáo chung của các Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN trong khoảng 15 năm nay đều đề cập Biển Đông. Có năm có đến 4, 5 đoạn. Đồng thờiBiển Đông cũng được đưa vào chương trình nghị sự của các diễn đàn ASEAN + như ARF và các Hội nghị của ASEAN với các đối tác. Xu thế chung là càng ngày càng có nhiều nước lên tiếng về tình hình căng thăngr gia tăng ở Biển Đông. Tại ARF Hà Nội năm 2010 có 14 nước phát biểu. Hội nghị ARF năm 2011 tại Indonesia có 16 nước phát biểu. Tại Hội nghị ARF năm 2012 có 18 nước phát biểu.
Trong quá trình khối ASEAN thảo luận vấn đề Biển Đông cũng có lúc có trục trặc. Sự cố Hội nghị AMM 45 tại Pnôm pênh tháng 7/2012 không ra được Thông cáo chung là một cú vấp ngã rất đáng tiếc. Khối ASEAN buồn. Bạn bè của khối ASEAN cũng không vui. Dư luận cũng mổ xẻ nhiều về sự cố này. Điều quan trọng là các nước ASEAN kịp thời rút ra bài học thích đáng và ngay lập tức thống nhất Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông. Trong vấn đề này, thách thức và trở ngại sẽ còn tiếp diễn. Nhưng chắc chắn rằng không thế lực nào có thể ngăn cản được khối ASEAN tiếp tục bàn về vấn đề Biển Đông./.
An Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét