Pages

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

MỐI LO NGẠI VỀ ĐIỂM NÓNG ĐÔNG HẢI

Tàu Hải giám TQ trên biển. Ảnh: Xinhua.net.

Trong những ngày gần đây điểm nóng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã chuyển từ Biển Đông sang Đông Hải nơi đang xảy ra tranh chấp căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).
Tranh chấp xung quanh vấn đề quần đảo Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã diễn ra từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, thời gian đó Trung Quốc đang cần tranh thủ Nhật về vốn và công nghệ phục vụ công cuộc cải cách mở cửa nên Trung Quốc đã chủ động đề nghị vì “đại cục quan hệ Trung – Nhật”, tạm gác vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku “để lại cho thế hệ con cháu thông minh hơn giải quyết”. Vấn đề tranh chấp về quần đảo Senkaku thực sự nổi lên từ tháng 9/2010 khi tàu tuần tra Nhật Bản bắt giữ tàu cá của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Senkaku. Tranh chấp ngày càng căng thẳng và lên đến đỉnh điểm trong những ngày gần đây sau khi Chính phủ Nhật Bản quyết định mua lại các đảo thuộc quần đảo Senkaku (ngày 10/9/2012) trước đây thuộc sở hữu tư nhân của một số người Nhật Bản.

Để khẳng định chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku, Nhật Bản đã triển khai một loạt các biện pháp thực thi chủ quyền như: đề ra kế hoach xây dựng tháp hải đăng, xây dựng cơ sở lánh nạn trên đảo, tiến hành điều tra tài nguyên biển, đưa lực lượng phòng vệ đến thường trú trên đảo…; kiên quyết cản phá tàu chấp pháp và tàu cá của Trung Quốc vào vùng biển quần đảo Senkaku. Ngày 12/9/2012, Thủ tướng Nhật Bản Noda khẳng định Nhật Bản sẽ huy động sức mạnh toàn quốc để tăng cường cảnh giới đối với quần đảo Senkaku và các đảo phụ cận, đồng thời tuyên bố đưa vấn đề lãnh thổ vào phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc cuối tháng 9/2012. Trong bối cảnh tranh chấp xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku ngày càng căng thẳng, Nhật Bản tăng cường quan hệ với Mỹ và các nước đồng mình, nhất là hợp tác trong lĩnh vực ngoại giao, an ninh, quốc phòng và luôn khẳng định quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật.
 Trung Quốc phản ứng rất cứng rắn: Lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc đã lên tiếng phản đối Nhật Bản, nhấn mạnh Trung Quốc quyết không khoan nhượng; Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra Tuyên bố phản đối (ngày 10/9/2012), đồng thời tiến hành giao thiệp ngoại giao dồn dập với phía Nhật Bản ở các cấp. Nhiều quan chức quân đội Trung Quốc có những phát biểu hết sức cứng rắn. Ngày 13/9/2012, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung Quốc Từ Tài Hậu kêu gọi quân đội nỗ lực cương quyết thực hiện nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Thiếu tướng quân đội Trung Quốc Bành Quang Khiêm tuyên bố quân đội Trung Quốc sẵn sàng tiến công đánh chiếm các đảo thuộc quần đảo Senkaku, giới hạn cuối cùng là khi Nhật Bản triển khai Lực lượng phòng vệ đến quần đảo Senkaku. Trên thực địa, Trung Quốc tăng cường hoạt động của các tàu chấp pháp (tàu hải giảm và tàu ngư chính): ngày 11/9/2012, Trung Quốc cử 2 tàu hải giám, ngày 14/9 cử 6 tàu hải giám và ngày 18/9 cử 11 tàu hải giám đến khu vực xung quanh quần đảo Senkaku… đã nhiều lần xảy ra đối đầu giữa tàu tuần duyên của Nhật với các tàu hải giám Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc tăng cường diễn tập quân sự ở khu vực biển Hoa Đông: các quân khu Nam Kinh, Tế Nam, Quảng Châu và Hạm đội Đông Hải liên tục tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo, bắn đạn thật, kể cả tên lửa, nhảy dù chiếm đảo. Theo một số nguồn tin thì vệ tinh của Mỹ còn phát hiện một số tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc tại khu vực biển gần quần đảo Senkaku. Từ giữa tháng 9/2012 hàng ngàn tàu cá Trung Quốc ùa ra hoạt động tại vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku.
Ngày 10/9/2012, Trung Quốc chính thức công bố đường cơ sở lãnh hải của các đảo thuộc quần đảo Senkaku và ngày 13/9 đã đệ trình lên Liên hợp quốc. Ngày 16/9, Trung Quốc nộp lên Ủy ban thềm lục địa của Liên hợp quốc báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa Trung Quốc ở khu vực biển Hoa Đông kéo dài đến tận rãnh biển Okinawa của Nhật Bản. Trung Quốc áp dụng một loạt các biện pháp “trừng phạt” kinh tế đối với Nhật Bản như dung túng cho việc tẩy chay hàng hóa của Nhật; dừng quảng cáo về hàng hóa Nhật trên truyền hình trung ương; yêu cầu các công ty du lịch hủy bỏ các chuyến du lịch đến Nhật Bản; huỷ bỏ việc tham dự Hội chợ du lịch lớn nhất hàng năm ở Nhật Bản; hoãn việc tổ chức kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung - Nhật. Báo chí và các trang mạng của Trung Quốc có nhiều bài viết công kích Nhật Bản, thậm chí đe dọa Nhật “đang đùa với lửa”, Nhật sẽ “trả giá đắt nếu tiếp tục đánh giá sai lầm” và Trung Quốc quyết không “nương tay”. Không những thế, chính quyền Bắc Kinh còn ngầm dung túng cho các hoạt động biểu tình chống Nhật diễn ra ở nhiều thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông… Trong đó, cuộc biểu tình ngày 15/9/2012 có hơn 60 nghìn người tham gia. Ngày 16/9/2012, người biểu tình tại Quảng Châu đã chiếm khách sạn Hoa Viên, nơi có Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản, tại nhiều nơi người biểu tình đã có những hoạt động quá khích như đập phá nhà máy, cửa hàng của Nhật Bản, hành hung người Nhật, đốt phá xe ô tô Nhật. Cộng đồng người Hoa ở nhiều nơi trên thế giới cũng tổ chức biểu tình phản đối Nhật.
Trước những diễn biến căng thẳng ngày càng leo thang xung quanh tranh chấp quần đảo Senkaku, Mỹ khẳng định cam kết thực hiện Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, Senkaku nằm trong phạm vi Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật và Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản nều bị tấn công. Bên cạnh đó, Mỹ tăng cường hợp tác quân sự với Nhật, tiến hành nhiều cuộc tập trận chung với Nhật; nhất trí triển khai thêm một hệ thống rada phòng thủ tên lửa X-band thứ hai ở Nhật Bản. Mỹ cũng triển khai loại máy bay do thám không người lái hiện đại nhất RQ-4 Global Hawk đến căn cứ không quân Andersen để theo dõi các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Senkaku và biển Hoa Đông.
Diễn biến phức tạp, căng thẳng ở biển Hoa Đông nằm trong chiến lược biển tổng thể của Trung Quốc nhằm đưa Trung Quốc trở thành cường quốc biển trong thời gian tới. Nguyên nhân của tình hình căng thẳng ở biển Hoa Đông cũng giống như ở Biển Đông là do chính sách cường quyền của Trung Quốc. Với thực lực kinh tế đứng thứ 2 thế giới, Trung Quốc đang trở thành nguy cơ cho sự gia tăng căng thẳng ở cả Biển Đông lẫn biển Hoa Đông. Song cách thức tiến hành ở biển Hoa Đông có sự khác biệt với những gì Trung Quốc đã làm ở Biển Đông. Tại Biển Đông, với các nước liên quan như Việt Nam, Philippin, Malaysia, Brunei đều là những nước nhỏ, tiềm lực kinh tế còn hạn chế nên Trung Quốc thực hiện chiến lược áp đặt, gây sức ép buộc các nước này “khuất phục”, phản đối quốc tế hóa và không muốn công khai hóa các tranh chấp chỉ muốn giải quyết “nội bộ” với từng nước. Trong khi đó, ở khu vực biển Hoa Đông, Nhật Bản là nước có tiềm lực kinh tế mạnh, là đồng minh chiến lược của Mỹ, lại đang quản lý các đảo thuộc quần đảo Senkaku thì Trung Quốc lại chủ động quốc tế hóa vấn đề (đưa ra Liên hợp quốc), chủ động làm rùm beng, đẩy cao vấn đề nhằm được thừa nhận trong cộng đồng quốc tế quần đảo Senkaku là vấn đề có tranh chấp.
Chỉ trong vòng nửa năm qua, từ căng thẳng ở Biển Đông đến căng thẳng ở biển Hoa Đông, Trung Quốc đang thi hành một chính sách “kép”, nhưng đều chung một mục tiêu là khống chế các khu vực biển gần để từng bước vươn tới biển xa, đưa Trung Quốc trở thành siêu cường ngang hàng với Mỹ. Những việc làm của Trung Quốc ở biển Hoa Đông những ngày gần đây cũng như những hành động của họ ở Biển Đông thời gian qua đang làm cho cả cộng đồng quốc tế thêm lo ngại về một “nguy cơ” của Trung Quốc ngày càng gia tăng.                                              
                                                                                          Việt Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét