Pages

Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Phải phi bạo lực và bất tuân phục


Ward Churchill, Peter Gelderloos và nhiều người khác lập luận rằng lựa chọn bạo lực là cần thiết đối với các phong trào chống lại quyền lực ngoan cố, thậm chí cần phải đi kèm với việc tham gia của số đông trong các chiến thuật bất bạo động như chiếm giữ và đình công. “Tại sao lại phải trói tay chúng ta thế nhỉ?” những người đó đặt câu hỏi. Họ nhấn mạnh là khi gặp sự trấn áp của cảnh sát hay của quân đội thì cần phải có các hành động bạo lực cụ thể và có tính chiến lược để bảo vệ mình.
Mới đây tôi đã tranh luận công khai với Ward Churchill về các vấn đề này và tôi đồng ý là những vấn đề này cần phải được xem xét cẩn trọng.

Tôi thấy các vấn đề đó có tầm quan trọng trong giai đoạn bất hợp tác về chính trị và kinh tế đối với một phong trào phản kháng – giai đoạn 4 trong công thức 5-bước[i] của tôi đã đề xuất. Tôi cũng cho rằng các chiến thuật bạo động có quá ít lý do để dùng khi một phong trào còn tương đối nhỏ, ở giai đoạn 3, cái mà tôi gọi là “sự đương đầu”. Đó là giai đoạn khi phong trào chỉ có khả năng huy động được hàng ngàn người biểu tình chứ không phải là hàng trăm ngàn người. Vì giai đoạn 4 đã có số lượng tham gia vượt trội hơn giai đoạn 3 nên nó có thể sử dụng các chiến thuật như đình công diện rộng và chiếm giữ kéo dài. Ai-cập năm 2011 đã cho thấy giai đoạn 4 thể hiện như thế nào và Quảng trường Tahrir đã thấy cả việc những người phản kháng đập phá tài sản và tự vệ bằng bạo lực chống lại bạo lực của lực lượng an ninh. Liệu Ai-cập có mang lại một mô hình cho những nhà hoạt động khác làm theo khi họ đạt được giai đoạn 4 ở nước họ hay không?
Những người ủng hộ cho “đa dạng chiến thuật” cần phải xem lại cuộc nổi dậy dân sự ở Pháp năm 1968. Tháng Tư năm đó, Tổng thống Charles de Gaulle, người được 1% ủng hộ, đã phải chịu nhiều bấn loạn hơn ông ta nghĩ. Dưới bề mặt phẳng lặng của mùa xuân là sự căm ghét của hàng triệu công nhân Pháp. Và tháng Năm các sinh viên bắt đầu biểu tình. Họ đã bị cảnh sát tấn công một cách tàn nhẫn và phải dựng các rào chắn, chiến lũy ở Bờ Tây để tự bảo vệ mình. 4/5 người Paris được hỏi lúc đó đã tỏ thiện cảm ngay lập tức đối với sinh viên.
Sự đối đầu của sinh viên là một khởi phát cần thiết. Chỉ vài tuần sau đã có 10 triệu công nhân đình công – chiếm 2/3 nhân lực toàn nước Pháp!
Khi các nhà hoạt động triển khai sự phản đối ra khắp nước Pháp thì một số thị trấn còn tự tuyên bố trở thành các vùng giải phóng và bắt đầu lập ra các cơ quan mới. Các công sở làm việc đều bị chiếm giữ, kể cả thợ đào mồ cũng chiếm nghĩa địa còn các vũ công của Folies Bergere chiếm rạp hát.
Khi làm các cuộc phỏng vấn vào năm sau, tôi đã nói chuyện với một phó giám đốc nhà máy lớn nhất (của Renault). Ông ta cho tôi biết là chính ông ta, chứ không phải giám đốc, đã được công nhân cho phép đi xem xét một vòng nhà máy bị chiếm giữ. Ông ta nhận thấy các công nhân vẫn lau chùi, châm dầu, bảo trì các máy móc, dây chuyền lắp đặt và bối rối vì tại sao trong một phong trào cách mạng mà các công nhân vẫn chăm chút cho nơi làm việc như thế.
“Bởi vì,” một công nhân mỉm cười, “ngày mai nhà máy này có thể sẽ là của chúng tôi!”
Các báo cáo lan đi rằng các binh lính trẻ ở ngay tại Pháp đã không muốn tuân theo các mệnh lệnh của de Gaulle nhằm trấn áp phong trào và ông ta đang chuẩn bị điều quân từ nơi khác đến. Trong khi đó các sinh viên tiếp tục sử dụng biện pháp bạo động xen kẽ ở Khu Latin và tiếp tục giữ các rào chắn, chiến lũy thô sơ. Công nhân lại tham gia cùng với họ trong các sảnh đường, các khu trường đại học để cùng tạo ra sự nhất trí về viễn cảnh của một nước Pháp dân chủ và công bằng.
Trong mấy tuần tiếp theo, truyền thông nhà nước đã chiếu tràn ngập cảnh đánh nhau trên đường phố và cảnh các rào chắn ngùn ngụt lửa. Mục đích rõ ràng là để lôi kéo giới trung lưu Pháp về phía nhà nước và lợi dụng việc phong trào sinh viên-công nhân không có tuyên bố nói tới vai trò của giới trung lưu “sau cách mạng”.
Cuối cùng de Gaulle đã phải phản công lại bằng cách lùi bước và giải tán Quốc hội, tuyên bố lịch trình cho các cuộc bầu cử mới. Lãnh đạo của các nghiệp đoàn lo lắng cho vấn đề dân chủ ở địa phương đã phải đi trấn an các thành viên của họ và đưa họ tới các nơi bầu cử. Và cuộc nổi dậy đã mất động lực. 1% đã thắng.
Cuộc nổi dậy ở Pháp diễn ra ở một nước công nghiệp phát triển với tầng lớp trung lưu rộng lớn là một hiện tượng cần nghiên cứu cho nhân dân ở các xã hội tương tự.
Điều thú vị là, khi xem xét mức độ đe dọa đối hiện trạng, chính quyền đã chỉ giết vài người. De Gaulle có thể đã bị ngăn chặn bởi sự lo lắng về việc giới trung lưu có thể thay đổi. Sự thiện cảm ban đầu của giới trung lưu đối với sinh viên (được thúc đẩy bởi sự trấn áp của cảnh sát ở giai đoạn 3) đã bị bào mòn bởi những cảnh chiếu trên TV cố tình phóng đại hành vi bạo lực của sinh viên.
Qua các cuộc phỏng vấn tôi mới có thể hiểu được việc các sinh viên sử dụng bạo lực trên đường phố có tính nhạy cảm như thế nào. Nhưng khi nhìn bao quát hơn thì kết luận của tôi vẫn là: các chiến thuật dùng bạo lực, ngay cả ở giai đoạn 4, là một sai lầm. Các sinh viên đã không nhìn thấy tầm quan trọng của giới trung lưu đối với de Gaulle như một khối sức mạnh, đấy là chưa kể việc nhiều công nhân không tỏ ra nhiệt tình trong việc đánh nhau trên đường phố và sự đụng độ có thể xảy ra khi những đoàn quân từ bên ngoài được điều động vào.
Tôi cũng biết được một câu chuyện nhiều ý nghĩa ở bên Bờ Tả khi các sinh viên bắt đầu kéo một chiếc xe hơi về phía một rào chắn mà họ đã dựng lên ở cuối một con phố. Kế hoạch của họ là sẽ đốt rào chắn khi đã dựng xong và cho thêm nhiều đồ vật để gia tăng sức nóng. Nhưng bỗng nhiên người chủ của chiếc xe hơi mà họ đang kéo lê đi ra khỏi nhà, nhìn thấy và hết sức tức giận. Vào thời điểm đó cần phải mất nhiều năm tiết kiệm thì một công nhân mới có thể mua được một chiếc xe hơi, thế mà chiếc xe của ông ta lại bị mang ra đốt.
Các sinh viên dừng lại, bối rối không biết nên làm gì tiếp. Người công nhân tiến đến và tranh cãi để giữ lại chiếc xe của mình. Cuối cùng các sinh viên đã quyết định bằng tiếng hét: “Hãy lấy cái xe đó đi, các bạn, chả phải là đang trong thời kỳ cách mạng sao?”
Con đường dẫn tới sự tự thất bại là từ chối cách mạng hóa các các phương tiện cách mạng. Bị mắc kẹt trong sự lãng mạn của truyền thống Pháp, các sinh viên đó đã đốt chiếc xe của người công nhân với nhân danh tôn trọng giới công nhân.
Qui mô cũng là vấn đề
Trong công trình nghiên cứu bao gồm 323 phong trào bất bạo động và bạo động lớn trong khoảng thời gian 1900-2006, Erica Chenoweth and Maria Stephan đã phát hiện ra qui mô của phong trào cũng liên đới tới xác suất thành công. Sự huy động nhân dân càng lớn thì xác suất thành công của một phong trào càng lớn.[ii]
Một lý do tại sao các phong trào lựa chọn cách thức bất bạo động có xác suất thành công lớn gấp hai lần so với bạo động để chống độc tài, chống kẻ xâm chiếm và những kẻ bá quyền là vì họ có khả năng huy động được nhiều người tham gia hơn. Trong nghiên cứu của Erica Chenoweth and Maria Stephan, Tại sao phản kháng dân sự lại thành công?, chúng tôi đã thấy một danh sách 25 cuộc đấu tranh lớn nhất, trong đó cuộc lớn nhất là 4,5 triệu người Trung Quốc chống lại sự xâm chiếm của Nhật Bản. 20 cuộc trong số những cuộc lớn nhất là bất bạo động và 5 cuộc là bạo động. Các cuộc bất bạo động có tỷ lệ thành công là 70% trong khi bạo động là 40%.
Erica Chenoweth and Maria Stephan đã làm sáng tỏ một trong những bối rối gặp ở Peace News Camp mà tôi đã tham dự cách đây vài tuần ở Anh. Trong cuộc thảo luận tôi đã đưa ra một thách thức: Nếu những người ủng hộ sự đa dạng chiến thuật tin rằng cách tiếp cận đó hiệu quả hơn thì tại sao họ lại không đơn giản khởi xướng một phong trào để có cái so sánh và chỉ cho chúng ta biết cách thức để thành công? Ví dụ vấn đề đang nóng trong những ngày này ở Hoa Kỳ là nhằm vào các ngân hàng. Tại sao không thành lập một chiến dịch du kích để bắt một ngân hàng phải đáp ứng yêu cầu và để chúng ta so sánh kết quả thu được với những gì mà các phong trào bất bạo động có kỷ luật mang lại?
Sau thảo luận, nhiều người đã nói về những người chủ trương đa dạng hóa chiến thuật: “Họ không phát động, họ chỉ làm rối những phong trào khác vì ở đó có nhiều người.”
Vào lúc các phong trào dân sự trở thành lan tỏa khắp Hoa Kỳ vào giữa năm 1968 tôi đang giảng dạy ở trường Biến đổi Xã hội Martin Luther King. Một sinh viên cưng của tôi, người Hoa Kỳ gốc Phi châu đến từ miền Nam, thích trêu tôi. Cô ta nói “Rồi thầy sẽ thấy, nếu thầy đi thực địa ở North Philly, người ta quá chán chuyện bất bạo động rồi.”
Hai tháng sau khi đi thực địa về cô sinh viên đã đến gặp tôi. Tôi hỏi: “Kết quả thế nào, rồi em?”
“Ôi, họ điên hết cả rồi, nhưng khi tôi giới thiệu với họ về việc dùng một số cách bạo động cùng với việc biểu tình thì họ nói:”Cô đang làm gì đấy, cô bé con, cô đang định làm chúng tôi chết hết à?” Đấy, người dân ở đó là thế đấy.
Sự huy động số đông dân chúng tham gia vào bất bạo động mang lại một sự an toàn rõ ràng về số lượng mà cách thức đa dạng chiến thuật vẫn thường đe dọa. Tuy nhiên số lượng không đảm bảo thành công – không có gì đảm bảo – nhưng số lượng làm tăng khả năng các nhóm quan trọng trong xã hội, như giới trung lưu Pháp, tiếp tục ủng hộ phong trào và tăng xác suất cho thành công.
Sức mạnh đến từ đâu
Sự bất đồng về bạo lực và đa dạng chiến thuật có thể do cách hiểu lệch nhau về sức mạnh. Tôi tin rằng 1 % (và các lực lượng trấn áp khác) lấy được sức mạnh từ sự tuân thủ của những người ở hệ thống phía dưới, từ sự đồng ý của người khác làm theo những gì họ được chỉ bảo. Cái sẽ làm tan rã sức mạnh của những người cầm quyền là sự từ chối tuân thủ của người khác.
Bernard Lafayette đã giải thích cho tôi vào thập niên 1960 là xã hội như một ngôi nhà. Mái nhà là sự thống trị trắng và sự thống trị đó dựa trên nền tảng của sự tuân thủ đen. Khi cái nền đen đó rời rạc ra thì mái nhà trắng phải đổ. Bất kể bao nhiêu súng đạn, xe tăng chất trên mái nhà đó nhiều thế nào nhưng khi cái nền đã rệu ra thì mái nhà sẽ phải sụp xuống.
Nếu cách tiếp cận của sự đa dạng chiến thuật làm chúng ta quên đi những yếu tố đã tạo nên quyền lực thì chúng ta không cần nó.
Đối Thoại biên dịch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét