Pages

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Sinh viên khoa luật tranh đấu đòi tự do cho chồng chưa cưới

Kathryn Moody

Suốt bốn năm qua, sinh viên khoa luật Nguyễn Thị Hường nghiên cứu về dân chủ.

Dân chủ là khái niệm trừu tượng hấp dẫn đối với một số người, nhất là trong một xã hội đã đề cao từ ngày đầu thành lập sự huy hoàng của một chính quyền của dân và vì dân.

Nguyễn Tiến Trung chụp tại Thanh Hóa, Việt Nam vào Tháng Hai 2008
Riêng với Hường, dân chủ là tiếng gọi đoàn tụ. Cô dành trọn ba năm tại Trường Luật Maurer để đấu tranh – một mình và [sau này] với Hiệp Hội Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế tại IU – đòi trả tự do cho vị hôn phu của mình là anh Nguyễn Tiến Trung.

Ngày 7/7/2009, Trung bị bắt tại nhà riêng ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, vì “tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa và mưu đồ lật đổ chính quyền nhân dân.”, cô Hường nói.
Trả tự do cho Nguyễn Tiến Trung:

Sinh viên Trường luật IU Nguyễn Hường đang tiến hành một chiến dịch lấy chữ ký đòi trả tự do cho chồng chưa cưới, một nhà hoạt động xã hội, khỏi nhà tù Việt Nam. Hãy tìm hiểu thêm tại idsn.ws/freetrung.
Trong lá thư gửi Ngoại Trưởng Hillary Clinton, Hường viết: “Tại quốc gia độc đảng, bất cứ ai yêu cầu một hệ thống đa đảng hay bầu cử tự do đều bị coi là tội phạm, là một tội danh hình sự và sẽ bị tòa án của đảng cầm quyền xét xử.

Đây là lần thứ ba Trung đón sinh nhật của mình trong tù vào ngày 16/9. Anh sẽ phải chịu án tù 7 năm, Hường cho biết. Có năm người khác cũng bị bắt giữ cùng Trung với cùng một cáo buộc.

Trung và Hường gặp nhau năm 2002 ở Rennes, Pháp. Lúc đó Hường đang học thạc sĩ về luật, còn Trung học công nghệ thông tin.

Họ bắt đầu hẹn hò vào năm 2004 và đính hôn tháng giêng năm 2007.

Phong trào dân chủ ở Việt Nam là mối quan tâm chung của Trung và Hường. Trong khi đang học thạc sĩ tại Pháp, Trung sáng lập Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ, đồng thời gia nhập Đảng Dân Chủ Việt Nam.
Và trên hết, anh viết. Trung duy trì một blog riêng mãi đến năm 2008.

Anh Trung dành rất nhiều thời gian để viết ra những điều anh ấy suy nghĩ về tình hình chính trị”, cô kể: “Anh ấy bắt đầu tập hợp mọi người, điều này khiến chính quyền lo ngại.

Những cuộc thảo luận này không hề bàn đến một cách mạng triệt để, Hường nói. Họ và các thiết hữu chỉ đơn thuần đòi hỏi những quyền cơ bản của công dân. Một hiến pháp dân chủ, bầu cử tự do, báo chí tư nhân, tự do ngôn luận là những gì họ yêu cầu.

Năm 2007, Nguyễn Tiến Trung quay trở về Việt Nam.

Hường cho biết: “Anh ấy có thể ở lại Pháp, sống an lành. Nhưng Việt Nam là điều anh ấy không thể dứt bỏ.

Năm 2008, chính quyền Việt Nam bắt đầu hành động.

Công dân Việt Nam khi tới tuổi 25 sẽ không phải thi hành nghĩa vụ quân sự. Nguyễn Tiến Trung lúc đó gần 25 tuổi, đang làm việc toàn thời gian và đang học tiếp bằng thạc sĩ thứ hai, nhưng lại bị gọi nhập ngũ. Trung ở trong quân đội 16 tháng, từ tháng 03-2008 đến tháng 07-2009.

Hường khẳng định: “Chúng tôi luôn xem việc này như một hình thức khác để giam cầm Trung.”

Hường quay về Việt Nam năm 2008, và đã có dịp thăm Trung hai lần, khi anh còn ở trong quân đội. Năm 2009, họ điều Trung đi nơi khác và cô không còn gặp được anh.
Trung bị bắt giữ ngày 7/7/2009
Trung và bạn bè cùng gia đình phát giác ra một điều: anh không phải là một người lính bình thường. Trung đã trở thành một tù nhân chính trị trong quân đội, ngay cả trước khi họ thực sự bắt giữ anh vì quan điểm chính trị của mình.

Tháng 06/2009, chính quyền bắt giữ bạn hữu của cặp đôi Trung - Hường, những người ủng hộ nền dân chủ. Trung đã yêu cầu Hường rời đi càng sớm càng tốt.

Hai tuần sau khi cô rời khỏi Việt Nam, Trung bị loại ra khỏi quân ngũ. Một ngày sau đó, anh bị bắt.

Nhẹ mỉm cười, Hường tâm sự, “Tôi cũng mừng vì đã nghe theo lời khuyên của anh ấy”.

Trong ba năm đầu, Hường một mình viết thư gửi tới chính quyền Mỹ, Canada và Việt Nam, cũng như tới các tổ chức phi chính phủ khác, để yêu cầu trả tự do cho Trung và những tù nhân chính trị khác.

Cô cũng viết nhiều thư gửi Trung, nhưng những lá thư ấy không bao giờ vượt qua được hệ thống kiểm duyệt.

Mùa xuân 2012, Hường biết đến Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế tại IU. Theo lời chủ tịch Sarah Jones: đây là một tổ chức nhân quyền nhằm thúc đẩy các hoạt động xã hội trong khuôn viên trường đại học.

Cô Laura Strawmyer, sinh viên năm thứ hai thuộc Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế cho biết: “Chúng tôi không bao giờ tham gia tranh luận về những sự việc chúng tôi đang làm. Nhưng rồi Hường đã đến gặp vị cựu chủ tịch của tổ chức, với hồ sơ thông tin về những người bị giam giữ tại Việt Nam, mời gọi mọi người nghe câu chuyện của cô.”

Ngay sau khi biết chuyện, họ đã thực hiện chiến dịch.

Cô Strawmyer bày tỏ: “Chúng tôi muốn nhìn thấy Hường kết hôn. Cô ấy đến Hoa Kỳ để lấy một tấm bằng về luật, và thúc đẩy sự thay đổi. Thế đã là quá đủ khó khăn rồi, chưa tính tới chuyện chồng chưa cưới còn vương vòng lao lý.”

Cũng giống như những nỗ lực trước đó của Hường, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế tập trung vào những chiến dịch viết thỉnh nguyện thư như một hành động gây áp lực với chính quyền, Jones cho biết. Bên cạnh chiến dịch thỉnh nguyện và cung cấp thông tin tới những người quan tâm, tổ chức này còn gửi thư tới các đại sứ quán, các nhà lãnh đạo chính trị của cả hai quốc gia - thành viên Marie Parent cho biết.
Nguyễn Tiến Trung tại phiên tòa ngày 20/1/2010
Các hệ thống mạng xã hội đóng vai trò quan trọng, không chỉ trong việc đòi tự do cho Trung và những "tù nhân lương tâm" khác, mà còn là phương tiện bày tỏ cho người Việt Nam mà chính phủ rất khó cản trở, Hường nói.

Việc thường xuyên nhắc nhở chính quyền rằng người dân đang giám sát họ là điều quan trọng nhất đối với những người như Trung, cô Kaylee Dolen - sinh viên năm thứ hai là thành viên của tổ chức - nói, và các hệ thống mạng xã hội là một cách để người dân thực hiện việc giám sát này.

”Trung ở trong một nhà tù rất biệt lập, rất khó thăm viếng và khó để giao tiếp với gia đình và luật sư," cô Dolen cho biết, "Họ muốn những người như thế biến mất.”

Tiến triển của sự việc đôi khi rất chậm và thường rất khó, ngay cả về phía Hoa Kỳ.

“Đôi khi thật khó hiểu. Họ nói họ quan tâm đến trường hợp này", Hường nói. "Nhưng một bản thỉnh nguyện là cách để người Mỹ nói ‘Chúng tôi xin qúy vị chú ý đến tình trạng này, chúng tôi quan tâm đến vấn đề nhân quyền, và chúng tôi muốn quý vị cũng quan tâm như vậy.’”

Cô Nguyễn Thị Hường đã có một thỉnh nguyện thư trên mạng với hơn 4.000 chữ ký.

Cô nói tiếp: “Đôi khi người ta bảo ‘bây giờ chưa phải lúc,’ nhưng tôi nghĩ chúng ta cần mọi người bắt đầu nói về dân chủ. Đây không phải chỉ là vấn đề về ý thức hệ. Có những người đang chịu đau khổ vì hệ thống tha hóa này, và đây cũng chính là động lực thực sự thúc đẩy những người như Trung phải lên tiếng.”

Kathryn Moody
Cam Táo chuyển ngữ
Theo Dân Luận
---------------------
Nguồn: 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét