Pages

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Tội ác trời không dung đất không tha!


Thanh Tùng


Gần đây, các vụ công an dùng nhục hình, đánh chết người có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính những vụ công an dùng nhục hình, đánh chết người đã bị xử lý và được thông tin công khai trên các phương tiện truyền thông Nhà nước cũng không thể kể hết. Mặc dù rất phẫn nộ nhưng tôi cũng đã  cố đi tìm chứng lý để bào chữa cho các hành vi đánh chết người của những kẻ được gọi là “Công an Nhân dân” kia, nhưng tôi đã thất bại. Vì sao Công an Nhân dân lại lộng quyền và bất chấp pháp luật đến như vậy? Tôi thử đi tìm câu trả lời… 
“MỌI CÔNG DÂN ĐỀU BÌNH ĐẲNG TRƯỚC PHÁP LUẬT” – THỰC TẾ THÌ SAO?
Điều 52 Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam qui định rõ: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” và Điều 71 Hiến pháp qui định: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm.

Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật.
Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân”.
Điều này còn được tái khẳng định tại khoản 2, Điều 3, Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999: “Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội”.
           Trên thực tế thì sao? Xin đưa một vài vụ điển hình xảy ra trong thời gian gần đây.
Vụ thứ nhất:
Ông Trịnh Xuân Tùng bất tỉnh trên băng ca vẫn bị còng tay (ảnh trái) và  bị cáo Nguyễn Văn Ninh tại phiên tòa.
Ông Trịnh Xuân Tùng bất tỉnh trên băng ca vẫn bị còng tay (ảnh trái) và bị cáo Nguyễn Văn Ninh tại phiên tòa.
– Thứ nhất, xét về mặt định tội danh:
Ngày 17/07/2012, phiên tòa phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm 04 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Văn Ninh (SN 1958) – nguyên là Trung tá Công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, về tội:“Làm chết người trong khi thi hành công vụ”, theo khoản 1, Điều 97 BLHS. Nạn nhân là ông Trịnh Xuân Tùng (SN 1958, trú tại 252 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Nguyên nhân trực tiếp gây cho ông Tùng tử vong, theo kết luận tại Bản Giám định pháp y của Viện pháp y Quân đội, là tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn sau chấn thương cột sống cổ, gây trật đốt C4 kèm theo liệt tuỷ…
Đây là vụ án gây căm phẫn tột đỉnh cho gia đình nạn nhân và công luận, nên được cả báo “lề trái” và “lề phải” đề cập rất nhiều, vì thế người viết bài này xin phép không nhắc lại diễn biến vụ án, mà chỉ đề cập đến tính công bằng, nghiêm minh trong việc xử lý vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng mà thôi.
Khoản 1, Điều 97 BLHS qui định Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ như sau: “Người nào trong khi thi hành công vụ mà làm chết người do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.
Nếu như một người không am hiểu pháp luật hoặc ít am hiểu pháp luật mới chỉ đọc những tình tiết vụ án nêu trong bản cáo trạng của VKSND TP. Hà Nội (có những lời khai của nhân chứng khác không được đưa vào bản cáo trạng) và cũng chỉ đọc khoản 1, Điều 97 BLHS (điều khoản làm căn cứ khởi tố nguyên trung tá Nguyễn Văn Ninh) sẽ cho rằng, cơ quan tiến hành tố tụng đã truy tố và khởi tố “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đối với Ninh. Thế nhưng, đối với người am hiểu luật pháp thì họ không dừng lại ở đó.
“…Một điểm nữa để chứng minh hành vi của ông ta là cố ý khi ông ta cùng những người trực ban tại đồn CA Thịnh Liệt ngày hôm đó đã cố tình cản trở việc được cứu chữa kịp thời của bố tôi, không cho bố tôi đi cấp cứu; giam giữ trái pháp luật bố tôi gần 6 tiếng. Chúng tôi không biết bố tôi phạm tội gì và nghiêm trọng đến đâu mà họ không cho gia đình tôi được tiếp xúc chăm sóc và cho bố tôi ăn uống, thậm chí còn còng tay bố tôi đến tận phòng cấp cứu của bênh viện Bạch Mai…”, cô Trịnh Kim Tiến – con gái ông Trịnh Xuân Tùng – đau đớn thốt lên khi công lý không được thực thi đúng mực.
Trịnh Kim Tiến với di ảnh của người cha. Nguồn: Facebook Trịnh Kim Kim – BVN)
Trịnh Kim Tiến với di ảnh của người cha. Nguồn: Facebook Trịnh Kim Kim – BVN)
Theo khoản 3 Điều 104 BLHS: “Phạm tội gây thương tích gây tổn hại cho sức khỏe người khác  mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60% …, thì bị phạt từ từ năm năm đến mười lăm năm”.
– BLHS còn có các điều khoản quy định về “tình tiết giảm nhẹ”, “tình tiết tăng nặng”… Cụ thể, khoản 1, Điều 48 BLHS qui định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như sau:
1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
A) …;
B) …;
C) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
D) …
Đ) …
E) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;
Khoản 2, Điều 9 BLHS còn qui định về việc cố ý phạm tội: “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”.
Ông Ninh còn thể hiện sự vô nhân đạo ở chỗ “khi tôi mua phở đem vào đồn công an Thịnh Liệt cho bố ăn tên Ninh đã không cho bố tôi ăn…” – Trịnh Kim Tiến.
Sau khi nghiên cứu các điều khoản nêu trên, tôi cho rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng khoản 3 Điều 104 BLHS để truy tố và khởi tố ông Ninh mới tương xứng với tính chất, mức độ hành vi của ông Ninh đối với ông Tùng. Hơn thế nữa, các cơ quan tiến hành tố tụng còn phải áp dụng các tình tiết tăng nặng theo điểm C, điểm E khoản 1, Điều 48 và Khoản 2, Điều 9 BLHS đối với ông Ninh mới thuyết phục.
Vụ thứ hai:
 
Bị cáo Nguyễn Thế Nghiệp tại phiên tòa (VTC News) và hình ảnh gia đình anh Khương bê quan tài anh lên cơ quan chức năng ngày 25/7/2010, để đề nghị làm rõ. Nguồn: internet.
Ngày 1/3/2011, TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên phạt 7 năm tù giam đối với ông Nguyễn Thế Nghiệp (nguyên thiếu úy công an – Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) với tội danh“Làm chết người trong khi thi hành công vụ”, cùng tội danh mà cơ quan tiến hành tố tụng TP. Hà Nội đã truy tố và xét xử đối với ông Nguyễn Văn Ninh. Nạn nhân của ông Nghiệp là anh Nguyễn Văn Khương (SN 1989, quê thôn Như Thiết, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên). Nguyên nhân công an “xuống tay” như đòn thù lấy đi mạng người dân lương thiện hết sức đơn giản: “nạn nhân không đội mũ bảo hiểm”.
Vụ thứ ba:    
 
Các bị cáo nguyên là Công an thị trấn Ngã Năm (Sóc Trăng) trước vành móng ngựa. Nguồn: SGGPO.
Sáng 3-10-2011, TAND tỉnh Sóc Trăng đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý gây thương tích” đối với 3 bị cáo nguyên là Công an thị trấn Ngã Năm (Sóc Trăng) và một dân quân tự vệ, gồm: thượng úy Võ Văn Út Đèo (nguyên Phó Công an thị trấn Ngã Năm); thượng sĩ Danh Nhãn và trung sĩ Trần Tuấn Khải (nguyên cảnh sát khu vực thị trấn Ngã Năm) cùng Trần Quốc Thắng (dân quân tự vệ thị trấn Ngã Năm). Tất cả bị cáo là những người trực tiếp gây ra cái chết đối với ông Trần Văn Dữ (44 tuổi, ngụ ấp 3, thị trấn Ngã Năm).
Qua điều tra, thượng sĩ Danh Nhãn khai nhận đã ra tay đánh ông Dữ, còn Trung sĩ Khải và dân quân Thắng cũng tham gia đánh. Riêng thượng úy Đèo dù biết cấp dưới đánh người nhưng không ngăn cản nên bị khởi tố với vai trò đồng phạm. 
    Vụ thứ tư:
Vợ và con gái anh Kiều không thể hiểu được những người Công an nhân danh Nhân dân lại có thể dễ dàng tước đi mạng sống của người dân – là chồng và cha của họ. Ảnh: TẤN LỘC – phapluattp.vn.
3 giờ sáng 13-3-2012, Công an TP Tuy Hòa phối hợp Công an huyện Tây Hòa đưa anh Ngô Thanh Kiều (31 tuổi ngụ tại xã Hòa Đồng huyện Tân Hòa tỉnh Phú Yên) đến Công an TP Tuy Hòa để làm việc. Chẳng hiểu công an “làm việc” với anh Kiều kiểu gì mà sau đó phải đưa anh Kiều đến trạm xá rồi chuyển đến BV Đa khoa tỉnh Phú Yên để cấp cứu. Đến tối cùng ngày thì gia đình anh Kiều nhận tin anh đã chết. Ông Cộ, cha của anh Kiều vô cùng bức xúc trước cái chết của con mình. Đến nay ông vẫn không biết vì sao con ông bị bắt (?).
Ngày 17/08/2012, Cục Điều tra VKSND Tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can về tội dùng nhục hình đối với đại úy Nguyễn Minh Quyền, cán bộ Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Phú Yên và thiếu úy Phạm Ngọc Mẫn, cán bộ điều tra Công an TP Tuy Hòa. Đại tá Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Phú Yên, thừa nhận ngày 12-5, cơ quan công an có gửi “giấy mời” anh Kiều đến làm việc vào 8 giờ sáng 13-5. Tuy nhiên, lúc 3 giờ sáng 13-5, Công an TP Tuy Hòa phối hợp Công an huyện Tây Hòa đến nhà còng tay anh Kiều đưa đến cơ quan công an. Ông Nghĩa thừa nhận việc còng tay anh Kiều khi chưa có lệnh bắt, không phạm pháp quả tang là “sai sót trong hành chính”.
Vụ thứ năm:
Các vết bầm dập do còng số 8 và dùi cui (Phapluatvn.vn).
           Trưa ngày 30/8, sau khi mẫu thuẫn với hàng xóm, ông Nguyễn Mậu Thuận (SN 1958 – thôn Đoài, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội) được Công an xã Kim Nỗ mời đến trụ sở để làm việc. Các “Công an Nhân dân” đã khóa tay “Nhân dân” – ông Thuận ra phía sau bằng còng số 8. Ông Thuận quá bức xúc nên đã chửi bới các công an viên. Các công an viên Nguyễn Trọng Kiên (SN 1991), Hoàng Ngọc Thức (SN 1988) và Đoàn Văn Tuyến (SN 1983) tiếp tục sử dụng 4 khoá số 8 khoá cả 2 chân và 2 tay của ông Thuận vào chân ghế. Hoàng Ngọc Tuyên (SN 1980, phó Ban CA xã Kim Nỗ) và Nguyễn Trọng Kiên dùng dùi cui cao su đánh liên tiếp vào đùi phải và đùi trái ông Thuận. Tuyên còn chỉ đạo Kiên dùng hai chiếc bút bi kẹp vào các ngón tay của ông Thuận bóp mạnh như kiểu nhục hình trong phim Bao Công của Trung Quốc. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, thấy ông Thuận có biểu hiện khó thở, các công an viên liền đưa ông Thuận đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đông Anh nhưng ông Thuận đã tử vong. Do các “Công an Nhân Dân” chỉ “làm việc” sơ sơ nên “Nhân Dân – Thuận” chỉ bị gãy các xương sườn số 6, 7, 8 bên trái. Tôi đoán mò, chắc các công an viên nói trên nghĩ các xương sườn số 1, 2, 3, 4, 5 quan trọng nên không đụng đến, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho Nhân Dân của mình!
Chưa biết vụ tra tấn dã man như thời trung cổ trên sẽ được các cơ quan chức năng xử lý thế nào. Nhân dân hãy chờ xem…
            Các quan chức công quyền vi phạm pháp luật thì xử lý như trên, còn thường dân thì sao?
         – Sáng 10-8-2009, TAND huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã tuyên phạt Trương Ngọc Quyền năm năm tù, Vy Hoàng Bảo Hưng và Vy Kim Long mỗi người bốn năm tù về tội cướp tài sản.
         Theo công an huyện Đức Trọng, lúc đầu họ trộm vịt, khi bị phát hiện lại ném đá uy hiếp người chăn vịt là đã chuyển hóa thành tội cướp (lập luận ngớ ngẩn!). Bản án sơ thẩm của TAND huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) phạt ba nông dân mỗi người từ bốn đến năm năm tù vì cho rằng họ có hành vi cướp hai con vịt về làm mồi nhậu đã không được dư luận đồng tình.
– Ngày 9/1/2012, TAND TP.HCM đã xét xử phúc thẩm đã giảm án cho Phạm Thị Mỹ Linh (sinh năm 1993, ngụ quận 12) – nữ sinh tát cảnh sát giao thông – từ 9 tháng tù xuống còn 6 tháng tù về tội “chống người thi hành công vụ”.
Vụ vừa xảy ra gần đây nhất:
Nụ cười Hoàng Khương. Ảnh: HUYỀN VI
Nụ cười Hoàng Khương. Ảnh: HUYỀN VI
Thứ bảy, ngày 07/9/2012, phiên tòa sơ thẩm của TAND TP HCM đã khép lại và “mở ra” 4 năm tù cho nhà báo Hoàng Khương với tội danh “Đưa hối lộ”. Không thể gọi đó là công lý. Bởi lẽ, những hành vi của Hoàng Khương, dù gì đi nữa, thực chất chỉ là “dùng biện pháp nghiệp vụ” để phanh phui tiêu cực, góp phần chống tham những mà thôi, đó là công lý, là sự “bình đẳng trước pháp luật” đó ư?
Nguyên trung tá Nguyễn Văn Ninh đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng chỉ vì cái mũ bảo hiểm và hành vi không cho ông Tùng ăn, không cho ông Tùng đi cấp cứu dẫn đến cái chết oan ức của ông, gây đau thương cho gia đình ông  Tùng – một mạng người chỉ đổi bằng 4 năm tù giam – đó là công lý, là sự “bình đẳng trước pháp luật” đó ư?
“Riêng thượng úy Đèo dù biết cấp dưới đánh người nhưng không ngăn cản nên bị khởi tố với vai trò đồng phạm”, thì bị truy tố, xét xử, còn hành vi tham gia đánh đập ông Tùng của các dân phòng (cụ thể là Đặng Hoàng Anh) và trách nhiệm của lãnh đạo công an phường Thịnh Liệt đối với cái chết của ông Tùng, nhưng Tòa không để ý tới, đó là công lý, là sự “bình đẳng trước pháp luật” đó ư?
Nguyên thiếu úy công an Nguyễn Thế Nghiệp thụ án 7 năm tù giam do “Làm chết người trong khi thi hành công vụ”, cùng tội danh mà cơ quan tiến hành tố tụng TP. Hà Nội đã truy tố và xét xử đối với nguyên trung tá Nguyễn Văn Ninh, đó là công lý, là sự “bình đẳng trước pháp luật” đó ư?
Trương Ngọc Quyền 5 năm tù, Vy Hoàng Bảo Hưng và Vy Kim Long mỗi người 4 năm tù về tội cướp tài sản (2 con vịt), đó là công lý, là sự “bình đẳng trước pháp luật” đó ư?
Nữ sinh bị phạt 9 tháng tù (giảm xuống còn 6 tháng tù) do tát cảnh sát giao thông và còn rất nhiều bản án kèm theo tội danh thiếu thuyết phục, đó cũng được gọi là công lý, là sự “bình đẳng trước pháp luật” đó ư?
PHẢI CHẶN ĐỨNG NHỮNG HÀNH VI CỦA NHỮNG KẺ MANG DANH CÔNG AN NHÂN DÂN ĐÁNH CHẾT DÂN!
Ông Trịnh Xuân Tùng, anh Nguyễn Văn Khương đều là những người dân vô tội. Giả sử họ có là tội phạm đi chăng nữa, thì rõ ràng, họ chỉ bị hạn chế quyền công dân nhưng họ vẫn còn quyền của một con người – những quyền này của họ vẫn được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Vì thế, các “Công an Nhân dân” được phân công làm việc với họ không có quyền chà đạp.
Vậy thì, làm gì để chặn đứng, chí ít cũng giảm thiểu, những hành vi “Làm chết người trong khi thi hành công vụ” – thực chất là giết người kia? Đáp án cho câu hỏi trên không hề khó, hầu hết ai cũng có thể trả lời, rằng: Phải nghiêm trị sự lộng hành của công an và những người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm liên quan đến những cái chết oan uổng của thường dân mà nhân viên của mình gây nên. Bởi lẽ, cả hành vi gây nên những cái chết oan uổng cho thường dân và sự bao che của những người có trách nhiệm đầu là tội ác Trời không dung, Đất không tha.
Trong khi tôi chưa thực hiện xong bài viết này thì ngày 08/09/2012, tôi lại đọc được các phương tiện thông tin đại chúng Nhà nước phản ánh về cái chết thương tâm của anh Nguyễn Thanh Hiền (SN 1969, phường Ngô Quyền) sau khi rời trụ sở công an phường Ngô Quyền (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), vì chấn thương sọ não. 
 
Những vết bầm trên người anh Hin (nghi do dùi cui điện của công an P. Ngô Quyền gây nên. Nguồn:Hoàng Phan PLVN Online.
Thanh Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét