Pages

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Tranh chấp chủ quyền Điếu Ngư: Trung Quốc cân nhắc thua thiệt kinh tế


Phong trào chống Nhật có thể gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho
Trung Quốc. Trong ảnh, biểu tình tại Thành Đô (Tứ Xuyên-Trung Quốc),
18/09/2012 
REUTERS
Thanh Hà
Vào lúc nhiều chỉ số cho thấy kinh tế Trung Quốc đang bị chựng lại, đọ sức với Nhật Bản trên phương diện thương mại là một tính toán đầy rủi ro. Nhật Bản có nguy cơ xét lại các dự án đầu tư vào Trung Quốc, đẩy thất nghiệp tại nước đông dân nhất địa cầu lên cao.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc không ngần ngại đe dọa trừng phạt kinh tế Nhật Bản để phản đối chính quyền Nhật « quốc hữu hóa » quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Làn sóng bài Nhật của người Trung Quốc trong 10 ngày qua đã gây nhiều thiệt hại tài chính cho nền kinh tế thứ ba thế giới. Nhưng nếu mâu thuẫn về chủ quyền tràn sang địa hạt thương mại, cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc cùng có hại. Nhật Bản sẽ xét lại chính sách đầu tư vào Trung Quốc. Hàng bị tẩy chay và các cơ sở bị tấn công, thì giới doanh nhân Nhật Bản sẽ hướng tới việc di dời cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu « hạ cánh », GDP tăng dưới 8 % ; hai thị trường lớn nhập hàng ‘Made in China’ là Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ tăng trưởng uể oải, Trung Quốc cần bảo đảm ổn định trong xã hội trong giai đoạn chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho một thế hệ lãnh đạo mới. Đó là những yếu tố cho thấy Bắc Kinh khó có thể mở ra một cuộc chiến kinh tế và thương mại với Nhật Bản do tranh chấp chủ quyền đối với 5 hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Theo quan điểm của nhà phân tích Nguyễn Xuân Nghĩa, từ Hoa Kỳ thì Biển Hoa Đông đang « dậy sóng » vì hai lý do : thứ nhất đó một sự diễn giải sai lầm của Bắc Kinh trước việc chính quyền Nhật Bản muốn mua lại 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần thể Senkaku/Điếu Ngư. Lý do thứ hai là chính quyền Trung Quốc tìm cách « đánh lạc hướng bằng liều thuốc ái quốc và chống Nhật », để che đậy những khó khăn kinh tế, đang đe dọa trực tiếp đến miếng cơm manh áo của một tỷ rưỡi triệu dân trên địa cầu. Đương nhiên đây là một bài toán đầy rủi ro.
Kinh tế Nhật Bản và Trung Quốc cùng đang hứng chịu nhiều tác động tiêu cựu của khủng hoảng châu Âu. Tháng 8/2012 xuất khẩu của Nhật giảm 5,8 % so với cùng thời kỳ năm ngoái. Đối với Trung Quốc, chỉ số sản xuất công nghiệp đã giảm trong 11 tháng liên tiếp do xuất khẩu sang thị trường châu Âu bị chưng lại.
Theo thẩm định của ngân hàng HSBC để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5 % cho năm nay, Trung Quốc bắt buộc phải có những biện pháp hỗ trợ kinh tế. GDP của Trung Quốc trong quý hai bị chựng lại.
Thiệt hại cho cả đôi bên
Vào lúc các báo đài Trung Quốc khẳng định rằng, quê hương của ông Mao Trạch Đông thừa sức trừng phạt Nhật Bản, với việc « tấn công vào các hoạt động kinh tế » của xứ hoa anh đào. Các chuyên gia phát biểu trên đài truyền hình nhà nước Trung Quốc đều kết luận rằng trong trường hợp xảy ra chiến tranh thương mại, thì phía Nhật Bản sẽ bị tổn thương, nhưng không mấy ai nói đến tác động đối với bản thân Trung Quốc.
Ngược lại, báo Wall Street Journal thì cho rằng : trong trường hợp hai cường quốc số 2 và số 3 kinh tế thế giới lao vào một cuộc chiến thương mại, thiệt hại sẽ rất đáng kể đối với cả đôi bên.
Đơn giản do Trung Quốc lệ thuộc vào đầu tư và công nghệ của Nhật Bản và Nhật là thị trường tiêu thụ hàng Trung Quốc lớn thứ ba, sau Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ. Vậy thì Trung Quốc liệu có đủ can đảm để quay lưng lại với thị trường Nhật Bản hay không khi biết rằng, nếu Nhật Bản ngưng mua hàng « made in China » hàng triệu người lao động Trung Quốc sẽ mất việc.
Ngược lại, trong trường hợp người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay hàng Nhật, đương nhiên điều đó sẽ tác động trực tiếp đến công việc làm, kim ngạch xuất khẩu và qua đó là GDP của Nhật. Thế nhưng Bắc Kinh đã vội quên rằng, một phần lớn hàng Nhật tư xe hơi đến hàng điện tử…. được bán ra trên quê hương ông Đặng Tiểu Bình được sản xuất tại chỗ và do bàn tay của người lao động Trung Quốc tạo ra.
Một điều khác nữa là đến nay tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có được cũng là nhờ đầu tư quốc tế FDI. Trung Quốc vừa cần vốn của nước ngoài để phát triển kinh tế và tạo công việc làm cho người dân, vừa cần tiếp thu công nghệ. Năm 2011, tổng đầu tư ngoại quốc vào Trung Quốc tăng gần 10 %, đạt mức kỷ lục 116 tỷ đô la. Vào lúc mà vốn của các nhà đầu tư từ Mỹ và châu Âu giảm sụt thì, chỉ tỷ lệ đầu tư của khu vực châu Á vào Trung Quốc lại tăng thêm 14 %. Tổng đầu tư trực tiếp của Nhật vào Trung Quốc năm 2011 lên tới 6,3 tỷ đô la. Nhìn chung trong giai đoạn từ 1996 tới nay các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư hơn 80 tỷ đô vào Trung Quốc. Các doanh nghiệp ngoại quốc muốn chen chân vào thị trường rộng lớn Trung Quốc, nhưng họ cũng cần được bảo đảm về ổn định chính trị và xã hội. Do vậy theo giới phân tích làn sóng bài Nhật để bày tỏ tinh thần yêu nước của người dân Trung Quốc đang làm xấu đi hình ảnh của một nền kinh tế « đầy tiềm năng, ổn định và phát triển hoài hòa ».
Những yếu tố trên cho thấy đe dọa trừng phạt kinh tế Nhật Bản chỉ là một « đòn hù dọa » nhất là khi hai siêu cường kinh tế châu Á này lại lệ thuộc rất nhiều vào nhau. Trả lời đài RFI chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa trước hết tóm lược bối cảnh của tranh chấp Nhật - Trung lần này, những động cơ của cả đôi bên khiến cuộc đọ sức trên biển Hoa Đông trở nên sôi động. Trong phần cuối, ông Nghĩa đi sâu hơn vào những tác động kinh tế đối với « cơ xưởng lớn nhất hành tinh »
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nói về bối cảnh thì mâu thuẫn về chủ quyền trên quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku hay Tiêm Các Chư Đảo thật ra đã có từ sau Thế Chiến II khi Hoa Kỳ đánh bại nước Nhật năm 1945 và trực tiếp quản lý các hòn đảo này mặc dù Đài Loan và Trung Quốc nhận là của họ và gọi là Điếu Ngư hay Điếu Ngư Đài. Quần đảo này gồm có năm đảo nhỏ xíu do Mỹ trao lại cho Nhật quản lý từ năm 1972, thật ra là của một gia đình tư nhân mà chẳng có ai ở.
Qua mấy chục năm các nước liên hệ ít chú ý đến mấy hòn đảo ấy, mãi đến 1969 là khi Ủy ban Liên hiệp quốc về Kinh tế Xã hội Á châu Thái bình dương ESCAP, thời đó còn có tên là ECAFE, cho là bên dưới có tiềm năng dầu khí. Thế rồi, khi Trung Quốc cải cách kinh tế và cần năng lượng lẫn sự vận chuyển ngoài biển thì quần đảo ấy có thêm vai trò chiến lược về an ninh cho cả ba nước vì nối tiếp chuỗi quần đảo Lưu Cầu hay Ryukyu của Nhật, trong đó có Okinawa, với lãnh thổ của Đài Loan mà Trung Quốc cũng coi là một tỉnh của mình.
RFITrước đây, tranh chấp cũng đã từng xảy ra, nhưng vì sao lần này tình hình lại có vẻ nghiêm trọng một cách bất thường như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong các năm 2005 và 2010, mâu thuẫn Hoa-Nhật đã lên tới cao điểm, nhưng lần này thì đáng ngại hơn cả vì những lý do nội bộ ở bên trong từng nước.
Vào Tháng 10 năm 2010 là khi ngư thuyền của Trung Quốc lại tông vào chiến hạm Nhật Bản trong khu vực có tranh chấp, nhưng rồi mọi chuyện cũng lại êm sau vài cuộc biểu tình phản đối của người dân Trung Quốc. Trước đó nữa, vào Tháng Tư năm 2005, dân chúng Hoa lục đã ồn ào biểu tình chống Nhật vì hai chuyện. Một là vì Nhật xin vào Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và hai là vì chính quyền Nhật cho xoá bớt tội ác của quân Nhật vào thời chiến tranh ngày xưa trong một cuốn sách học về lịch sử. Lần đó vào năm 2005, tình hình nghiêm trọng hơn cả nhưng chưa dẫn tới làn sóng chống Nhật dữ dội và bạo động như lần này, khi biểu tình lan rộng qua cả trăm thành phố của Trung Quốc trong 10 ngày liền.
RFI: Những lý do nội bộ bên trong của Nhật và Trung Quốc là gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết về nội tình Nhật Bản thì ta nhớ là xứ này chưa ra khỏi hai chục năm kinh tế đình trệ và mắc nợ quá nhiều, nay còn bị khủng hoảng chính trị khi xu hướng ái quốc nổi lên và thách đố hai chính đảng lớn là đảng Dân Chủ Nhật đang cầm quyền và đảng Tự do Dân Chủ bên phía đối lập. Thí dụ như hôm 12 vừa rồi, Thị trưởng Toru Hashimoto của thành phố Osaka, đông dân hạng ba sau Tokyo và Yokohama, quyết định lập ra một đảng mới là Đảng Duy Tân Nhật để chuẩn bị tranh cử với chủ trương ái quốc và canh tân kinh tế cho tự do hơn.
Thế rồi, Tháng Tư vừa qua, Đô trưởng của Tokyo cũng thuộc khuynh hướng ái quốc và bảo thủ là ông Shintaro Ischihara đề nghị thủ đô Tokyo mua lại ba trong năm hòn đảo này để biểu dương ý chí quốc gia. Mâu thuẫn từ đấy bùng nổ khi người Hoa tới đó cắm cờ Trung Quốc hay cờ Trung Hoa Dân Quốc của Đài Loan, hôm sau đến lượt dân Nhật cũng lên đảo Uotsuri giương cờ Nhật dù là bị cấm.
Chính là để giải tỏa nguy cơ xung đột, Thủ tướng Yoshikiko Noda mới quyết định là chính phủ mua lại ba hòn đảo này theo tôn chỉ "Ba Không"; là 1) không cho dân Nhật vào đó, 2) không xây cất công thự hay hạ tầng trên đảo và 3) không cho khảo sát hay nghiên cứu khoa học gì ở đó. Thực tế thì Nhật vẫn đưa tuần duyên ra ngăn cản dân chúng đổ bộ vào mấy hòn đảo này.
Nhưng đề nghị của ông Noda lại gây phản ứng ngược từ phía Bắc Kinh, vì được suy diễn là Nhật muốn quốc hữu hóa quần đảo này. Hôm 18 Tháng Chín vừa qua lại là ngày kỷ niệm 81 năm khi quân Nhật tấn công Mãn Châu năm 1931 và bắt đầu xâm lược Trung Quốc, nên phía Bắc Kinh khai thác biến cố thành phong trào chống Nhật. Chính quyền suy yếu của Thủ tướng Noda bị lúng túng vì thái độ của Trung Quốc lẫn sức ép của cánh hữu bên trong chính trường nên cũng khó nhượng bộ. Tình hình càng thêm căng thẳng cũng vì lý do đó.
RFICòn về phía Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Cứ 10 năm một lần, đảng Cộng sản lại tiến hành chuyển giao quyền lực. Lãnh đạo Bắc Kinh đang tổ chức Đại hội khóa 18, may lắm thì triệu tập nổi vào Tháng 10 này, để đề cử những người thuộc thế hệ thứ năm như Phó Chủ tịch Tập Cận Bình hay Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường lên thay những người như Hồ Cẩm Đào, Ngô Bang Quốc và Ôn Gia Bảo.
Từ đầu năm nay, việc chuẩn bị Đại hội gặp trở ngại vì tranh chấp quyền lực trong nội bộ, ví dụ nổi bật là Bí thư Trùng Khánh là Bạc Hy Lai thuộc thế hệ thứ năm lại bị đẩy ra khỏi Bộ Chính trị vì các vụ án tai tiếng. Trong khi ấy, dân chúng bất mãn biểu tình ngày càng đông và càng bạo vì đủ loại lý do như bất công xã hội, đảng viên cán bộ tham ô, kinh tế bị lạm phát và đình đọng, môi sinh bị ô nhiễm. Động loạn xã hội đi cùng tranh chấp quyền lực trên thượng tầng khiến lãnh đạo phải xả sức ép và chuyển hướng bất mãn của quần chúng qua một đối tượng khác.
Ngoài ra, cũng về bối cảnh chính trị, Trung Quốc có cơ chế lãnh đạo đảng, nhà nước và quân đội. Sau Đại hội 18, lãnh đạo đảng và nhà nước sẽ là một lớp người mới. Nhưng chỉ huy quân đội lại là hai cơ chế có cùng tên là Trung ương Quân ủy hội của đảng và của nhà nước với cùng một thành phần nhân sự 12 người trong đó có 10 tướng lãnh dưới quyền của hai nhân vật dân sự là Chủ tịch và Phó Chủ tịch. Sau khi hết làm Tổng bí thư đảng và Chủ tịch Nhà nước từ Đại hội 16 vào năm 2002, Giang Trạch Dân vẫn gài người của mình trong hệ thống lãnh đạo và giữ chức vụ Chủ tịch Quân ủy Trung ương thêm hai năm. Lần này, có thể Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng muốn lãnh đạo Quân ủy Trung ương thêm mấy năm trước khi trao cho Tập Cận Bình. Vì vậy, ông vừa lấy lòng giới tướng lãnh theo xu hướng cứng rắn về đối ngoại, vừa gây không khí bất ổn để chứng tỏ vai trò cần thiết của mình trong Quân ủy. Nói chung, cả Hồ Cẩm Đào sắp đi và Tập Cận Bình sẽ lên đều không muốn tỏ ra là mình mềm yếu trước điều mà nhiều người gọi là "sự hung hăng của Đế quốc Nhật". Vì vậy mà họ xẵng giọng mị dân và chống Nhật.
RFIBước qua phần tìm hiểu về quan hệ kinh tế chồng chéo giữa Nhật Bản và Trung Quốc ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Kinh tế của hai nước cần tới nhau về rất nhiều mặt, như đầu tư, thương mại, ngoại thương, du lịch. Do đó, nếu mâu thuẫn về chủ quyền lại tràn qua lĩnh vực kinh tế thì đôi bên đều bị thiệt hại, khi mà thị trường Âu Châu và Hoa Kỳ đang co cụm và kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn.
Như trong luồng giao dịch giữa đôi bên trị giá cỡ 360 tỷ đô la thì Trung Quốc đạt xuất siêu, tức là xuất nhiều hơn nhập, chừng hơn 20 tỷ dù đầu máy kinh tế Nhật Bản chính là xuất cảng và thị trường lớn nhất của Nhật chính là Trung Quốc. Về kỹ nghệ du lịch của hai nước thì hàng năm có ba triệu du khách Nhật viếng thăm Trung Quốc và 40% du khách ngoại quốc vào đất Nhật lại đến từ Hoa lục. Bây giờ mà cãi nhau thì hãng máy bay, lữ hành hay khách sạn sẽ càng ế khách.
Thứ hai, Trung Quốc cần tới đầu tư của Nhật để tiếp nhận công nghệ và tạo ra công ăn việc làm cho người dân ở nhà. Như năm ngoái, Nhật đầu tư trực tiếp vào Hoa lục khoảng 12 tỷ đô la và 25% các doanh nghiệp hải ngoại của Nhật về các ngành nằm ngoài khu vực chế biến lại đang tạo ra cả triệu việc làm cho người dân Trung Quốc. Thí dụ như hệ thống tạp hóa "Seven-Eleven" của Nhật hay các hãng xưởng và nhà hàng Nhật là những trung tâm mua bán mà Trung Quốc chưa thể thay thế trong ngắn hạn. Cho nên, nếu có kêu gọi tẩy chay thì đôi bên đều kẹt.
Ngoài ra, doanh nghiệp Nhật giữ vị trí trọng yếu trong chuỗi cung cấp nhập liệu cho kỹ nghệ ráp chế của quốc tế. Ngoài các cơ sở sản xuất Nhật Bản, các hãng xưởng Hoa Kỳ hay Đài Loan đang đầu tư tại Trung Quốc để ráp chế thành phẩm như điện thoại tinh khôn hay máy vi tính đều có sử dụng linh kiện hay sản phẩm Nhật ở bên trong.
Nói chung, hoàn cảnh toàn cầu hóa đang dẫn tới nền kinh tế "nhất thể hóa". Đa số các nước đều làm ăn và cần tới nhau vì quá nhiều quan hệ chồng chéo chứ không thể có hiện tượng phân ranh hay quốc tịch như thời Chiến tranh lạnh. Giữa hai nước có sản lượng kinh tế đứng hạng thứ nhì và thứ ba của thế giới, quan hệ chồng chéo này càng khiến lãnh đạo hai nước phải cân nhắc. Nhưng kẹt nhất trong vụ này chính là lãnh đạo Bắc Kinh.
RFIVì sao « kẹt nhất trong vụ này chính là lãnh đạo Bắc Kinh » ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Như trong nhiều vụ khủng hoảng quốc tế, động lực chính yếu có thể chỉ là chính trị nội bộ. Nhưng nền chính trị thiếu dân chủ và thừa gian hùng của Trung Quốc mới dễ gây tai họa kinh tế mà cuối cùng bất lợi sẽ nghiêng về phía họ.
Đảng Cộng sản hứa hẹn áo cơm và vuốt ve tự ái dân tộc để bảo vệ quyền độc tôn của mình. Nay kinh tế đang là vấn đề với nguy cơ hạ cánh nặng nề nên lãnh đạo đánh lạc hướng bằng liều thuốc ái quốc và chống Nhật. Nhưng họ khó kềm được lòng dân như khi đã thả cọp khỏi chuồng. Đảng cầm quyền tại Nhật có thể thất cử thì đảng khác lên lãnh đạo, Trung Quốc thì không có sự chọn lựa đó.
Trước hết, bất trắc trên thượng tầng còn kéo dài cho đến khi hoàn tất việc thay bậc đổi ngôi vào đầu năm tới, cho nên nhu cầu khích động còn tiềm ẩn mà lại bị nhồi thêm hiệu ứng đồn đãi để sách động trên mạng lưới xã hội, qua Internet. Vì vậy, không khí tranh chấp sẽ tiếp tục và ngay trước mắt thì sự hiện diện của quá nhiều tầu hải giám hay tuần duyên có thể gây tai nạn bất ngờ.
Dù có tránh nổi chuyện bất lường ngoài biển thì nếu hàng Nhật bị tẩy chay và cơ sở bị tấn công liên tục, doanh nghiệp Nhật sẽ nghĩ đến việc đầu tư ở những xứ an toàn hơn. Các công ty Trung Quốc liên doanh với Nhật bị thiệt hại trước, sau đó sẽ là nạn thất nghiệp. Đã vậy, dân biểu tình không chỉ phá phách hoặc đốt xe Nhật, kể cả xe của cảnh sát, họ còn oán chính quyền là nhượng bộ Nhật Bản nếu bị ngăn cấm và xoay ra phản đối vì nhiều chuyện khác. Bắc Kinh ở vào cảnh lưỡng nan vì tiến thoái gì cũng thất lợi.
Chuyện thứ ba là trước đây, quốc tế chẳng muốn ngả về phe nào, nhưng khi làn sóng bài bác Nhật Bản lan rộng với hành vi bạo động thì uy tín của Trung Quốc sa sút và các nước càng e ngại sự hung hăng của Bắc Kinh không chỉ ở vùng biển Đông Nam Á mà còn trên biển Hoa Đông tiếp cận với Nhật Bản.
Có lẽ vì thế, từ hôm Thứ Sáu 21/09/2012, Phó Chủ tịch Tập Cận Bình đã xuống giọng hòa hoãn với các Bộ trưởng của Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á nhân Hội chợ ASEAN tại Nam Ninh trong Khu Tự trị của người Choang ở tỉnh Quảng Tây. Nhưng mâu thuẫn Hoa-Nhật thì vẫn còn và có khi tác động ngược lên việc chuyển giao quyền lực trên thượng tầng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét