Pages

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Trung Quốc phô trương Hàng Không Mẫu hạm đầu tiên


Chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh đã chính thức đưa vào sử dụng ngày 25/9/2012.
Chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh đã chính thức đưa vào sử dụng ngày 25/9/2012.
REUTERS/Stringer/Files
Trọng Nghĩa – RFI
Trong một buổi lễ hôm qua, 26/09/2012 chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc đã chính thức được đưa vào hoạt động. Giới lãnh đạo Bắc Kinh đã xem đây là một bước ngoặt trong lịch sử quân đội Trung Quốc, một hành động được cho là nhằm phô trương uy thế vào lúc tranh chấp trên biển gia tăng giữa Bắc Kinh với các láng giềng.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chiếc tàu cũ được tân trang lại này còn lâu mới thay đổi được tương quan lực lượng với đối thủ chiến lược của Trung Quốc là Hoa Kỳ. Phát biểu trong buổi lễ chuyển giao chiếc tàu cho Hải quân Trung Quốc tại cảng Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh, miền Đông Bắc), Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã mệnh danh sự kiện chiếc tàu sân bay đi vào hoạt động là một “cột mốc” trong lịch sử quân sự và tiến trình phát triển vũ khí của Trung Quốc.

Còn trong một bài bình luận được báo chí chính thức Trung Quốc đăng tải, nguyên chuẩn đô đốc hải quân Trung Quốc Dương Nghị cho rằng chiếc tàu đó đã đưa Trung Quốc sát gần mục tiêu « không chỉ là một cường quốc trên bộ, mà còn là một cường quốc trên biển ».
Theo giới lãnh đạo quân sự và chính trị Trung Quốc, chiếc hàng không mẫu hạm dài 300 mét này là một bước nhảy vọt về phía trước của hải quân nước họ về vào lúc Hoa Kỳ đang thực hiện chiến lược « xoay trục » về châu Á.
Thế nhưng, theo giới phân tích quân sự, nếu không được nguyên một hạm đội tàu chiến hay các chiến đấu cơ tháp tùng theo, phương tiện mới này chỉ có giá trị biểu tượng, gia tăng uy tín cho hải quân Trung Quốc, nhưng chưa thể cải tiến chiến thuật sẵn có của quân đội nước này.
Xin nhắc lại là chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc vốn là một hàng không mẫu hạm có tên là Varyag đang đóng dở dang vào thập niên 1980 cho hải quân Liên Xô, nhưng chưa xong thì Liên Xô phân rã. Tàu Varyag bị bỏ phế tại cảng của Ukraina trước khi được một công ty Trung Quốc có liên hệ với Quân đội Trung Quốc mua lại với danh nghĩa biến con tàu thành một sòng bạc nổi tại Macau, nhưng sau đó đã được tu bổ lại thành tàu quân sự.
Tên được đặt cho chiếc tàu là « Liêu Ninh », theo tên của tỉnh nơi chiếc hàng không mẫu hạm được tu bổ, một tên gọi « bình thường », khác với những đề nghi trước đây mang tính chất hiếu chiến như « Thi Lang », tên một đô đốc hải quân đã từng chinh phục Đài Loan trong lịch sử, hay « Điếu Ngư », tên quần đảo đang tranh chấp với Nhật Bản.
Cho dù chiếc Liêu Ninh mang số hiệu 16 ghi trên thành tàu, có nghĩa là chiếc tàu được dùng vào công tác huấn luyện, các lãnh đạo quân đội Trung Quốc vẫn coi đấy là một phương tiện « bảo vệ chủ quyền, an ninh và phát triển đất nước », theo như tuyên bố của bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Dẫu sao thì tác động tâm lý của việc Trung Quốc đưa tàu sân bay vào hoạt động không phải là không có, đặc biệt trong bối cảnh tranh chấp đang căng thẳng hẳn lên giữa Bắc Kinh với Tokyo về chủ quyền trên quần đảo Điếu Ngư/Sekaku tại biển Hoa Đông, và với Việt Nam và Philippines ngoài Biển Đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét