The New York Times Tác giả: THOMAS FULLER Người dịch: Huỳnh Phan 01-09-2012HÀ NỘI, Việt Nam – Cô ta diện một bộ cánh màu hồng, tiệp màu với giày cao gót khi viếng một công trường xây dựng đầy bụi bặm. Chẳng bao lâu sau chuyến thăm của Tô Linh Hương hồi tháng 4, những bức ảnh chụp được lúc đó đã lan tràn trên Internet, nhưng không phải vì khiếu trang phục của cô Hương.Phần lớn sự tức giận của dân chúngViệt Nam về vấn đề gia đình trị và điều hành kinh tế kém nhắm vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã được bầu lại thêm một nhiệm kỳ 5 năm hồi năm ngoái.
Con gái của một uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam, cơ quan chính trị có quyền lực nhất của đất nước này, chỉ vài ngày cô Hương được bổ nhiệm làm người đứng đầu của một công ty xây dựng quốc doanh. Các bình luận viên trên Internet đã bày tỏ sự phẫn nộ về việc một người quá trẻ – được biết mới 24 tuổi – giữ một chức vụ cao cấp như thế ở một tổng công ty.
Một bình luận trên trang blog được nhiều người biết đến là nhà văn Phạm Viết Đào nêu: “Đưa một cô bé vừa tốt nghiệp trường báo chí và biến cô trở thành tổng giám đốc của một công ty xây dựng, chẳng khác cho một người anh chàng què một chân làm thủ môn bóng đá. Xin lỗi phải nói – đây là điều rất ngu ngốc”.
Giống như các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, các quan lại Việt Nam đang vật lộn để làm cho thông điệp của đảng về công bằng xã hội và bình đẳng dung hoà với thực tế là giới có quyền thế ngập chìm trong giàu có và đặc quyền. Hố ngăn cách giữa đói nghèo nông thôn và giàu có thành thị đã trở nên hết sức quá quắc, vì một thập kỷ tăng trưởng chóng mặt đã đi đến kết thúc, làm mờ mịt triển vọng của tầng lớp nghèo và trung lưu đang tìm lối nâng bậc thang xã hội của mình.
Ông Carlyle A. Thayer, một chuyên gia hàng đầu về chính trị Việt Nam, có một kho dữ liệu về các lãnh đạo Việt Nam cùng gia đình của họ, đã nói: “Cho đến nay, tăng trưởng là điều kỳ diệu, và trở nên giàu có là tuyệt vời. Có một sự bất mãn đối với người giàu ngày càng tăng, đặc biệt ở những người thiếu thốn”.
Phần lớn sự giận dữ này tập trung vào phiên bản chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism) của Việt Nam – có sự liên kết chặt chẽ giữa các đại gia và các quan chức Đảng Cộng sản chóp bu. Chỉ trích này đã có thể nở rộ lên một phần vì tin tức về những vụ lạm dụng đã bị rò rỉ ra ngoài khi các công ty nhà nước vốn vẫn còn là thành phần chủ đạo của nền kinh tế, bị thất bại, đẩy nhanh các tai họa tài chính nghiêm trọng của Việt Nam. Các nhà hoạt động [đối lập] và các nhà phê bình cũng có thể ẩn danh trên mạng để né tránh sự kiểm soát truyền thông gắt gao, từng che dấu các vụ bê bối khỏi mắt công chúng.
Do chỉ trích dâng cao nên một số thân nhân của các quan chức Đảng Cộng sản đã rút lui khỏi các vai trò chức vụ cao.
Cô Hương đã rời công ty quốc doanh vào tháng 6, chỉ ba tháng sau khi được bổ nhiệm, và con gái của thủ tướng mới đây đã rời bỏ một trong những chức vụ ở một ngân hàng tư nhân.
Trong khi đó các quan chức chính phủ ở thế phòng thủ rõ rệt.
Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang đã đưa ra lời tự phê bình thẳng thắng trong một bài viết gần đây trên các phương tiện truyền thông nhà nước, nói về “những thất bại và thiếu hiệu quả của các công ty quốc doanh, sự băng hoại lý tưởng chính trị và đạo đức”. Ông cũng quy lỗi cho “lối sống của một nhóm các đảng viên và cán bộ” đối với các vấn đề của đất nước.
Nói về sự bùng nổ kinh tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, ông viết: “Tự hào với những gì đã làm được, nhưng chúng ta cũng cần phải biết hổ thẹn với tiền nhân, với những bậc tiên liệt về những yếu kém, khuyết điểm của mình đã cản trở bước đi lên của dân tộc”.
Trên Internet và các mạng xã hội, phần lớn sự giận dữ về vấn đề gia đình trị và điều hành kinh tế kém, đã hướng vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã được được bầu lại thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa hồi năm ngoái giữa tình trạng hỗn loạn của các công ty quốc doanh bị thua lỗ.
Ông Thayer, giáo sư danh dự Đại học New South Wales ở Canberra, Úc, nói: “Mọi người đều lo ngại rằng ông ấy có quá nhiều quyền lực – họ cảm thấy ông ấy cần phải bị kiềm chế”.
Gia đình ông Dũng là tiêu điểm của một bức điện ngoại giao [mật] năm 2006, năm ông trở thành thủ tướng, Seth Winnick, lúc đó là Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã viết.
Thông tin này bị lộ ra cho công chúng qua WikiLeaks, đã tô đậm sự nghiệp cô con gái Nguyễn Thanh Phương của thủ tướng trong công ty. Winnick viết: “Chắc chắn là cô ấy có tài. Nhưng sự thăng tiến nhanh chóng của cô, và nhiều cánh cửa rộng mở cho cô lẫn anh và em trai cô là dấu hiệu về cách mà giới lãnh đạo cao cấp Việt Nam bảo đảm cho con của họ được đặt vào chỗ tốt trong giáo dục, chính trị và kinh tế”.
Mặc dù công việc của cô trong khu vực tư nhân, bức điện lưu ý cách mà công và tư có khuynh hướng chồng lấn nhau ở Việt Nam, với hệ thống lai căng giữa thống trị Cộng sản độc đảng và chủ nghĩa tư bản mới phát.
Cô Phượng điều hành một quỹ đầu tư gọi là Công ty Cổ Phần Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Bản Việt (Viet Capital Asset Management) và một công ty môi giới là Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (Viet Capital Securities), cả hai đều là công ty tư nhân. Hồi tháng 6, giữa các chỉ trích trên Internet về sự giàu có và ảnh hưởng của mình, cô đã rút khỏi chức vụ chủ tịch của Viet Capital Bank, một chức vụ mà cô mới đảm nhiệm bốn tháng.
Cô Phượng nằm trong số nổi tiếng hơn của cái gọi là “con cái kẻ có quyền”, danh sách này rất dài. Trong danh sách đó gồm có anh trai cô đang là Thứ trưởng Bộ Xây dựng, và cô Hương, cô gái trẻ đứng đầu công ty xây dựng và là con gái của ông Tô Huy Rứa, một uỷ viên Bộ Chính trị đầy quyền thế. [Còn con cái] những người khác cũng đã thăng tiến cao trong đảng. Con trai của ông Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản đã nghỉ hưu năm ngoái, lên uỷ viên Uỷ ban Trung ương đảng.
Do việc kiểm soát truyền thông gắt gao – và việc phạt nặng bất đồng chính kiến, có thể gồm cả án tù – nên việc chỉ trích lãnh đạo phần lớn là ẩn danh, trên các trang blog và Facebook, thường xuất phát từ những tin đồn và chuyện nhặt nhạnh không được chứng minh nguồn gốc. Tuy nhiên, khi các công ty quốc doanh đánh vật với các vụ bê bối và hàng núi nợ nần, các chi tiết về gia đình trị và các thoả thuận mờ ám cũng đã lọt ra ngoài công chúng.
Khi tường thuật vụ sụp đổ của Vinahin, một trong những tập đoàn quốc doanh lớn nhất, các phương tiện truyền thông nhà nước tiết lộ rằng, ít nhất ba thành viên gia đình của chủ tịch công ty, ông Phạm Thanh Bình, đã giữ các chức vụ cấp cao trong công ty, gồm cả con trai và em trai của ông ta.
Công chúng Việt Nam vẫn chưa được biết tổng số thua lỗ của các vụ bê bối này. Nhưng hàng tỉ đô la tiền nợ có thể là một gánh nặng rất lớn cho nền kinh tế trong nhiều năm tới.
Trong bối cảnh lịch sử phản kháng của Việt Nam, có lẽ khá hợp cảnh khi nhiều ý kiến phản hồi cay đắng trên mạng nói về những vụ bê bối này thường kèm theo bài ca dao Việt Nam giảng dạy cho học sinh phổ thông:
Con vua thì được làm vua
Con sãi ở chùa thì quét lá đa
Bao giờ dân nổi can qua
Con vua thất thế lại ra quét chùa.
Ảnh: Tô Linh Hương, con gái của một uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, hồi tháng 4, chỉ ít ngày sau khi được bổ nhiệm làm người đứng đầu của một công ty xây dựng quốc doanh.
Nguồn: The New York Times
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét