BienDong.Net: Bạch Đằng – dòng sông lịch sử với 3 trận thủy chiến đại thắng của ông cha ta vào các năm 938, 981, 1288 đã trở thành biểu tượng của ý chí độc lập chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Mới đây, khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 đã được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt.
Trong 11 di tích của khu, có 2 di tích nằm trên địa bàn xã Điền Công của thành phố Uông Bí, 9 di tích nằm trên địa bàn thị xã Quảng Yên gồm: 1 Bến đò cổ, 1 miếu, 2 đền, 2 đình, 3 bãi cọc.
Bãi cọc Bạch Đằng đầu tiên được tổ chức khai quật vào năm 1958 là bãi cọc Yên Giang nằm trong đầm nước xã Yên Giang, nay là phường Yên Giang thuộc thị xã Quảng Yên.
Năm 1969 bãi cọc này được khai quật lần thứ 2, rồi lần thứ 3 năm 1976, lần thứ 4 năm 1984 và lần thứ 5 năm 1988. Cọc trong bãi cọc này chủ yếu là gỗ lim có đường kính từ 20cm đến 30cm được cắm thẳng, khoảng cách giữa các cọc trung bình từ 0,9m đến 1,5m, phần đầu cọc nhô lên đa phần bị gẫy xước do nước bào mòn mất phần giác gỗ. Một số cọc được vớt lên có chiều dài từ 2,6m đến 2,8m, phần gốc được vạt nhọn có chiều dài từ 0,5m đến 1m, phần giác đã bị mục mủn nhưng phần lõi vẫn còn rất chắc, dẻo. Ngày 22-3-1988, bãi cọc Yên Giang được xếp hạng di tích Quốc gia. Hiện bãi cọc này được khoanh vùng bảo vệ, dựng bia giới thiệu di tích, tôn tạo đường vào tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan.
Cọc trận Bạch Đằng năm 1288 ( hình tư liệu).
Trong những lần khai quật bãi cọc Yên Giang, các cơ quan hữu quan đều tiến hành thám sát bãi cọc Đồng Vạn Muối nằm trong địa phận xứ Đồng Vạn Muối thuộc phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên hiện nay. Năm 1998, bãi cọc được phòng Văn hóa địa phương đào kiểm tra và đưa một số cọc về trưng bày tại Bảo tàng huyện và Bảo tàng Hải quân. Năm 2005, Viện Khảo cổ học và tỉnh Quảng Ninh khảo sát và khai quật địa điểm này. Cọc tại bãi cọc này thuộc nhiều loại gỗ được sử dụng cả thân và cành. Đường kính mỗi cọc từ 7 - 10cm, phần được vạt nhọn chỉ khoảng 25-30cm. Tuy nhiên, mật độ cọc ở đây được cắm rất dày, phổ biến cách nhau từ 40-60cm, một số cọc chỉ cách nhau từ 10-30cm. Bãi cọc Đồng Vạn Muối đã được đắp bờ bao xung quanh, lấp đất bảo vệ nguyên trạng. Năm 2007, bãi cọc được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia.
Bãi cọc Bạch Đằng tại xã Yên Giang
Cũng trong địa phận phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tại xứ Đồng Má Ngựa - xứ đồng có các cánh ruộng lúa cao thấp khác nhau, vào năm 2010, Viện Khảo cổ học phối hợp với Ban quản lý các Di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh và các nhà nghiên cứu quốc tế đã khảo sát và khai quật bãi cọc thứ ba. Bãi cọc có chiều dài 70m, rộng 30m, cắm cọc thuộc nhiều loại gỗ có đường kính từ 6-22cm dày đặc thành dải như một lớp tường thành. Cũng như hai bãi cọc trên, bãi cọc Đồng Má Ngựa được bảo quản là "Di tích nguyên gốc” trong khu di tích Quốc gia đặc biệt của Quảng Ninh.
Dựng trận địa cọc Bạch Đằng tại khu vực có hai dải đá ngầm Ghềnh Cốc, Ghềnh Chanh, quân dân ta đã khóa chặt đường tháo lui ra biển của 600 chiến thuyền với 4 vạn binh tướng Nguyên – Mông trong lần thứ ba chúng xâm lược nước ta, khiến chúng bị tiêu diệt hoàn toàn. Chiến công lừng lẫy này đã góp vào trang sử chống ngoại xâm của dân tộc ta một mốc son chói lọi, là trận thủy chiến chiến lược đại thắng lớn nhất.
Chính vì thế mỗi cây cọc Bạch Đằng là minh chứng về cuộc bể dâu trên mảnh đất này, xứng đáng được tôn vinh như một chiến binh cảm tử trong cuộc đấu tranh giữ nước của dân tộc ta.
Ngô Tiến Cảnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét