Pages

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

BÀN THÊM VỀ PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM



Thưa quý vị độc giả
Sau khi phong trào Con đường Việt Nam do ông Lê Thăng Long phát động, tôi đã có một bài viết thể hiện quan điểm phản đối cách làm của phong trào này. Qua một thời gian phong trào này hoạt động, tôi thấy rằng có thể kết luận những người chủ trương thực hiện phong trào quyền con người này chẳng có mớ kiến thức gì về quyền con người và lẽ dĩ nhiên, quyền con người – một phạm trù rất quan trọng – đang được họ biến thành trò hề.
1. Quyền và nghĩa vụ không thể tách rời nhau
Qua các hoạt động, các bài viết của các thành viên Ban Quản trị của phong trào (đã nói ở bài trước), tôi thấy họ dường như đang chỉ cố hiểu quyền con người theo cái cách đơn giản nhất hoặc tuyệt đối nó như một thứ quyền năng vô hạn mà quên đi điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia và cũng lờ đi rằng trong “quyền” có “nghĩa vụ”.

Quyền con người không chỉ có một mặt “đòi quyền” mà còn có nghĩa vụ đi kèm. Vấn đề trách nhiệm/nghĩa vụ của cá nhân đã được nêu một cách rõ ràng trong các văn kiện chủ chốt của Luật nhân quyền quốc tế. Ví dụ, khoản 1 Điều 29 UDHR quy định: “Tất cả mọi người đều có những nghĩa vụ với cộng đồng mà ở đó nhân cách của bản thân họ có thể phát triển một cách tự do và đầy đủ”. Theo khoản 2 Điều này, mỗi người trong khi hưởng thụ các quyền và tự do cá nhân đều phải chịu những han chế do luật định nhằm bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng các quyền và tự do của người khác…
Ngoài quy định trên, vấn đề trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân với cộng đồng cũng được nêu trong Lời nói đầu và nhiều điều khoản của cả hai công ước ICPPR và ICESCR cùng nhiều văn kiện quốc tế khác về nhân quyền. Nội dung cốt lõi của các quy định này là trong quá trình thực hiện, hưởng thụ các quyền của bản thân mình, mọi cá nhân còn có trách nhiệm tôn trọng và không được làm tổn hại các quyền chính đáng của cộng đồng và của các cá nhân khác. Như vậy, Luật nhân quyền quốc tế không tuyệt đối hóa các quyền mà bỏ qua trách nhiệm/nghĩa vụ của các cá nhân. Với những quy định đã trích dẫn ở trên, rõ ràng Luật nhân quyền quốc tế hàm ý rằng trong lĩnh vực này, quyền và trách nhiệm/nghĩa vụ của cá nhân luôn đi đôi với nhau, không có yếu tố nào quan trọng hơn yếu tố nào.
Trong một số lĩnh vực thì quyền con người cũng có giới hạn: giới hạn quyền (limitation of rights) là quy định được ghi nhận trong một số điều ước quốc tế về quyền con người mà bản chất của nó là cho phép các quốc gia thành viên áp đặt một số điều kiện với việc thực hiện/hưởng thụ một số quyền con người nhất định. Những quyền không bị giới hạn được gọi là các quyền tuyệt đối (absolute rights).Cách thức quy định về giới hạn quyền trong các điều ước quốc tế về quyền con người là khác nhau. Một số điều ước, ví dụ như ICESCR, dành hẳn một điều riêng (Điều 4) đề cập đến vấn đề này, gọi là điều khoản giới hạn chung (general limitation clause) áp dụng cho tất cả các quyền trong công ước; trong khi ở một số điều ước khác, việc giới hạn được đề cập trong một số điều quy định về các quyền cụ thể. Một số quyền trong ICCPR và ICESCR cho phép các quốc gia thành viên có thể đặt ra những giới hạn trong việc áp dụng, ví dụ:
- Quyền thành lập, gia nhập công đoàn và quyền đình công (Điều 8 ICESCR)
- Quyền được tự do đi lại, cư trú, xuất nhập cảnh (Điều 12 ICCPR)
- Quyền được xét xử công khai (Điều 14 ICCPR)
- Quyền tự do ngôn luận (Điều 19 ICCPR)
- Quyền tự do lập hội (Điều 22 ICCPR)
2. Đây là phong trào “mất đầu”, “rao vặt” hay “ôm cột điện” ?
Dưới đây là những hình ảnh do chính phong trào giới thiệu về hoạt động tuyên truyền cho cuộc thi viết Quyền con người và tôi:
                                                Mất đầu ?
 
                                   Rao vặt ?
                                      Một hình thức ôm cột điện ?
Ở Việt Nam, những hình thức phát quảng cáo như thế này xuất hiện nhan nhản và ai cũng biết nó dành cho những đối tượng thuộc đẳng cấp nào!
“Quyền con người”, nghe thì dễ như ăn kẹo, nhưng để thực hiện được nó phải hiểu rất sâu sắc trên cả bình diện quốc gia lẫn quốc tế. Chúng ta thấy trong xã hội có rất nhiều người dù không hiểu gì về quyền con người nhưng họ vẫn có thể yêu cầu thế này, thế kia. Điều đó cũng là lẽ thường tình. Nhưng một phong trào về quyền con người thì không thể hiểu và làm theo cái cách đó được. Với một người sáng lập phong trào Con đường Việt Nam chỉ hiểu về “quyền con người” theo cách hiểu của trẻ con thì phong trào này nên nghĩ đến việc phát kẹo cho các em nhỏ là thích hợp nhất.
Luật gia Thái Hoàng
……………………………….
ICCPR: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị
ICESCR: Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa
UDHR: Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người, 1948

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét