Pages

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

BIỂN ĐÔNG LIỆU CÓ BÌNH YÊN TRƯỚC THAM VỌNG CỦA TRUNG QUỐC


BienDong.Net: Biển Đông là một trong 6 biển lớn trên thế giới, diện tích khoảng 3,5 triệu km2, được bao bọc bởi nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Biển Đông là một ngã tư đường giao thông hàng hải, có thể nói là sống còn, bởi con đường ngắn nhất thông thương giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đi qua vùng biển này.
Lượng dầu mỏ chuyên chở qua eo biển Mallaca trong Biển Đông lớn gấp 5 lần so với lượng dầu mỏ đi qua kênh đào Suyê và gấp 15 lần so với lượng dầu mỏ đi qua kênh đào Panama.

Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan phụ thuộc đến 60% lượng dầu nhập khẩu đi qua Biển Đông. Nền kinh tế thứ hai của thế giới là Trung Quốc thì phụ thuộc 80%. 30 % lượng quan hệ thương mại của thế giới và 90% quan hệ thương mại của Trung Quốc được trao đổi thông qua Biển Đông. Biển Đông còn giầu có bởi trữ lượng khí đốt tự nhiên, ước tính là 25.000 tỷ mét khối, chiếm khoảng 13,4 % tổng trữ lượng của thế giới. Cá và những sinh vật biển quý hiếm để nuôi sống cư dân quanh vùng biển này cũng được đánh bắt chiếm 10% sản lượng cá của thế giới.
Chính vì Biển Đông với những tiềm năng giầu có về tài nguyên, vị trí ưu thế về địa chính trị đã làm cháy lên những tham vọng của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông thành vùng biển riêng của mình. Những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông từ ba thập kỷ nay đã biến vùng biển này trở thành nơi diễn ra các xung đột về lợi ích, xung đột về chủ quyền và xung đột quân sự, là căn nguyên của sự mất an ninh trong khu vực, cản trở sự phát triển của các nước khác.
Trên bản đồ địa lý khu vực Đông Nam Á có thể thấy khu vực này gồm nhiều quốc gia có đường bờ biển bao bọc hơn 80% chu vi của Biển Đông, và Trung Quốc, tuy là một quốc ra rộng lớn đứng thứ tư trên thế giới, nhưng đường bờ biển của các tỉnh duyên hải phía Nam của Trung Quốc hướng ra Biển Đông chỉ khoảng 2800 km, ngắn hơn so với một số nước khác trong khu vực. Tuy nhiên, nước này lại đòi hỏi đến 80% diện tích Biển Đông bằng yêu sách “đường lưỡi bò”. Theo đánh giá của các nhà phân tích chiến lược thì với 14.500 km chiều dài bờ biển, theo Công ước LHQ về Luật biển 1982, Trung Quốc có khoảng 2.285.772 km2 diện tích vùng ĐQKT, đứng thứ 20 trên thế giới. Nhưng với yêu sách “đường lưỡi bò” Trung Quốc đã chiếm thêm 40% diện tích mặt nước biển cho vùng ĐQKT của mình, khoảng gần 4 triệu km2 và vươn lên xếp thứ 10 trên thế giới. Chính vì vậy nên Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán và có những hành động ngang ngược hơn trong việc tranh giành chủ quyền trên Biển Đông với các quốc gia khác, được cho là yếu hơn và còn phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế, hoặc có thể còn phụ thuộc cả về chính trị bởi cái bóng nước lớn của nước này.
alt

Khu vực Biển Đông. Ảnh: Internet.

Theo dòng lịch sử, Trung Quốc mới chỉ thực sự quan tâm đến vùng biển phía Nam của mình từ đầu thế kỷ 20, cụ thể là từ năm 1907. Nhưng cũng từ đó, âm mưu bành trướng trên biển được nuôi dưỡng và dần được coi như đã có “từ lâu trong lịch sử” và “không tranh cãi” bởi cái yêu sách “đường lưỡi bò” ảo tưởng và vô lý đòi cả vùng Biển Đông phải thuộc của riêng Trung Quốc. Đường lưỡi bò được vẽ ra năm 1947 và được Trung Quốc công khai với thế giới năm 2009 có phạm vi gần như ôm trọn Biển Đông và vào đến tận cửa nhà các quốc gia khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia. Từ những năm 70 của thế kỷ XX, khi những phát hiện mới về trữ lượng khí đốt tự nhiên dồi dào trên Biển Đông được nhắc đến, khi tầm quan trọng của Biển Đông ngày càng được kiểm chứng, khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển ngày càng nóng, nhu cầu về tài nguyên tăng lên, thì toan tính muốn độc chiếm khu vực Biển Đông giàu có ngày càng rõ nét.
Kể từ khi Trung Quốc tìm cách hiện thực hoá và pháp lý hoá yêu sách “đường lưỡi bò”, mỗi khi Biển Đông nổi sóng người ta lại thấy Trung Quốc luôn là một bên chủ động gây hấn, đe doạ với các nước nhỏ hơn trong khu vực, khiến cả thế giới quan tâm và lo ngại. Kể từ năm 2010 đến nay, Biển Đông đã nhiều lần chứng kiến các hoạt động ngang ngược của Trung Quốc thể hiện sức mạnh của mình trên các phương diện chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế. Nào là tăng ngân sách quân sự (trung bình trên 12% qua mỗi năm), tăng tần xuất diễn tập bắn đạn thật trên biển; phát triển nhanh mạnh lực lượng hải quân; tăng cường cử tầu tuần tra xuống Biển Đông; hỗ trợ và khuyến khích ngư dân Trung Quốc xuống Biển Đông đánh bắt cá tràn lan; đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trên vùng biển thuộc quyền tài phán của Việt Nam, Philippines và Malaysia; ngang nhiên cắt cáp và cản trở hoạt động của hai tầu nghiên cứu khoa học của Việt Nam trong vùng ĐQKT của Việt Nam; sẵn sàng cử tầu hải giám can thiệp thô bạo để giải thoát cho các hoạt động đánh bắt cá trái phép của ngư dân Trung Quốc trong vùng biển Philippines; ngang nhiên gọi thầu quốc tế đối với 9 lô dầu khí năm trong vùng ĐQKT và thềm lục địa Việt Nam; thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa, có tòa thị chính đặt ở đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam với khu vực hành chính bao gồm cả các quần đảo đang tranh chấp chủ quyền trong Biển Đông; công khai các hoạt động kinh tế, du lịch, đồn trú quân cấp sư đoàn.. trên “thành phố Tam Sa” nhằm đặt các nước trong khu vực vào sự đã rồi.
Tại thời điểm này, Biển Đông có vẻ như đang bình yên vì không có những hành động gây hấn, đụng độ trên biển của Trung Quốc. Nhưng liệu có phải đã lạc quan với tình hình Biển Đông hiện nay? Phải chăng Trung Quốc đã có những thay đổi trong chiến lược? Tất cả đều không phải vậy. Nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự trong tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông chưa hề được loại trừ, khó phán đoán diễn biến bởi tham vọng bành trướng lãnh thổ, bá quyền nước lớn, chủ nghĩa dân tộc Đại Hán Trung Hoa vẫn còn đó, thậm chí đang được đẩy lên. Yêu sách phi lý “đường lưõi bò” đang được Trung Quốc tìm mọi cách để hiện thực hoá trên thực tế. Do vậy, các nước trong khu vực vẫn phải tăng cường cảnh giác để đối phó với những toan tính và bước đi một chiều của Trung Quốc trên vùng biển giầu có này.
                                                                                    Minh Thu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét