Pages

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

David Barboza trả lời câu hỏi bạn đọc về bài phóng sự tài sản Ôn Gia Bảo


Tác giả: DAVID Barboza
Người dịch: Huỳnh Phan
David Barboza, trưởng văn phòng Thượng Hải của tờ New York Times, tuần trước đã công bố bài điều tra rằng những người thân của thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo, nắm giữ của chìm hàng tỉ đô la. Dưới đây là các câu trả lời của ông cho các câu hỏi do bạn đọc nêu lên từ bài viết đó.
Hỏi: Là trưởng văn phòng Thượng Hải của New York Times, tôi nghĩ rằng ông là một chuyên gia về Trung Quốc. Tôi tò mò muốn biết điều gì đã thôi thúc ông viết bài viết này? Ông có lý do chính yếu gì cho thời gian tung ra bài viết này? Ông có bao giờ cảm giác đang bị lợi dụng không? – Casablanca


Đáp: Tôi đã ở Trung Quốc từ năm 2004, và là một phóng viên thuộc mảng kinh doanh, tôi đã tập trung khả năng viết của mình vào các vấn đề kinh tế, tài chính và kinh doanh. Trong suốt nhiệm kỳ tôi ở Trung Quốc đã có rất nhiều thảo luận về việc liệu gia đình các quan chức chính phủ cấp cao có hưởng lợi từ chuyển đổi kinh tế của đất nước này qua việc nhận cái gọi là các cổ phần bí mật trong các công ty hay không. Đây là một chủ đề thường xuyên trong các cuộc trò chuyện lúc ăn tối khi các chuyên viên ngân hàng, luật sư, kế toán tụ họp ở Thượng Hải và Bắc Kinh. Tôi đã được nói cho biết nhiều lần rằng điều này thường được thực hiện qua việc sử dụng “các nhà đầu tư đại diện”, bạn bè hoặc những người không dễ nhận diện ra từ các hồ sơ cổ đông là có quan hệ với các chính trị gia. Tôi được cho biết là những người đại diện này thường nắm giữ cổ phần cho các người thân của các nhà chính trị có thế lực, cho họ có được một phần hùn trong một công ty.
Khoảng một năm trước đây, khi tôi viết loạt phóng sự về khu vực kinh tế quốc doanh của Trung Quốc, tôi quyết định tìm hiểu xem liệu có bất kỳ bằng chứng nào đằng sau giả thuyết đó hay không. Tôi bắt đầu tìm hiểu các mối quan hệ kinh doanh của nhiều lãnh đạo cấp cao. Bất cứ người nào biết về kinh doanh và tài chính ở Trung Quốc đều biết rằng đồn đoán về họ hàng của thủ tướng là đặc biệt dai dẳng, do đó, trọng tâm của tôi cuối cùng thu hẹp về gia đình họ Ôn. Tôi biết đó sẽ là một công việc khó khăn và tốn nhiều thời gian, nhưng tôi đã nhất quyết phải trả lời câu hỏi này. Tôi lao đầu vào, và bất ngờ lớn đối với tôi là phát hiện rằng có một lượng rất lớn thông tin là có sẵn trong hồ sơ sổ sách công. Bài phóng sự của tôi không phải tìm ra tính bất hợp pháp hoặc tham nhũng. Nó phát hiện ra tên họ các người than của ông Ôn Gia Bảo ẩn đằng sau hàng chục phương tiện đầu tư mà chỉ ít người đã từng nghe nói tới.
Hỏi: Tôi hầu như tin tất cả các cáo buộc đối với Ôn Gia Bảo trong bài viết của ông (hầu hết bài viết chỉ ra ông ta là kẻ gian xảo và dính dáng nặng nề tới nhiều cáo buộc tham nhũng) cho đến phần cuối bài viết mới chỉ ra rằng ông ta gần như định ly dị vợ do các thoả thuận mua bán đầy nghi vấn của bà, và ông ta sẵn sàng để cho lịch sử phán xét mình. Rủi thay, hầu hết mọi người sẽ không đọc hết một bài báo dài như vậy, hoặc ý kiến của họ đã được định hình dựa vào nửa đầu bài báo của ông …. Xin ông giúp cho tôi và các bạn đọc khác sáng tỏ ông có thể biện minh như thế nào khi đưa ra những cáo buộc mạnh mẽ trước rồi sau đó lại gợi cho thấy là ông có thể không chắc về các cáo buộc đó. Cho tôi được nói rõ: Chúng ta đang chán ngấy với tham nhũng ở Trung Quốc (và ở các nơi khác), nhưng tôi e rằng bài báo của ông có thể gây rối trí cho bạn đọc, và dẫn đến việc chính phủ kiểm soát chặt chẽ hơn – có nghĩa là tham nhũng và các chính sách thiên tả sẽ nhiều hơn ở Trung Quốc trong tương lai. Hy vọng đó không phải là những gì ông muốn nhắm tới. – Pacific, Hoa Kỳ
Đáp: Tôi không đồng ý với khẳng định của bạn rằng tôi đã nêu ra những cáo buộc mạnh mẽ trước rồi sau đó gợi ra rằng tôi đã không chắc về những cáo buộc đó.
Mục tiêu của tôi trong việc thực hiện câu chuyện này là xác định xem người nhà của thủ tướng có cổ phần lớn trong các công ty Trung Quốc hay không, và tìm ra tài sản họ đã tích lũy được bao nhiêu. Nếu có manh mối về việc những người nhà này làm ra tài sản như thế nào, thì điều đó rõ ràng sẽ cho chúng ta biết một điều gì đó về cách mà đường dây mối nhợ hoạt động ra sao đối những người thân của các lãnh đạo cấp cao ở Trung Quốc.
Tôi đã không đưa ra các cáo buộc, tôi chỉ mô tả những phát hiện của tôi: người nhà của thủ tướng đã làm chủ một tài sản có giá trị ít nhất là $2,7 tỉ trong thập kỷ qua, theo các hồ sơ sổ sách công mà tôi đã dò ra được.
Như với tất cả báo cáo về bất kỳ chủ đề nhất định nào, chúng tôi không thực hiện việc điều tra khảo sát của mình trong chân không. Chúng tôi đã trực tiếp đi đến những người mà tên của họ xuất hiện trong các tài liệu mà chúng tôi truy được. Chúng tôi đã nhiều lần cố gắng tiếp cận thủ tướng và nhiều người thân khác nhau của ông, tạo cơ hội cho họ thảo luận về các tài liệu đó hoặc bác bỏ những phát hiện của chúng tôi. Họ không trả lời hoặc từ chối bình luận. Vì vậy, lựa chọn tốt nhất tiếp theo là khai thác hồ sơ sổ sách công này và chia sẻ với bạn đọc những gì thủ tướng đã nói công khai về tham nhũng và liệu ông có tìm kiếm lợi ích cá nhân hay không. Chúng tôi cũng dẫn các tài liệu do tổ chức WikiLeaks đưa ra vì chúng cũng làm sáng tỏ chủ đề này và có thể giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bối cảnh của những phát hiện của chúng tôi. Có một bức điện tín thú vị của Bộ Ngoại giao [Mỹ] từ năm 2007, đề cập đến thủ tướng và các giao dịch kinh doanh của gia đình ông ta.
HỏiTrước hết, cảm ơn ông về việc công bố bài viết. Đây là một dịp mở rộng tầm mắt. Câu hỏi của tôi là tác động bài viết của ông đối với việc chuyển đổi lãnh đạo cộng sản vào ngày 8 tháng 11 năm 2012 sắp tới là gì? Rõ ràng, có một ai đó đang cố làm mất uy tín của ông Ôn Gia Bảo và phe cải cách của ông ta. Ai sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ bài viết của ông? Phe theo đường lối cứng rắn của Ngô Bang Quốc và Chu Vĩnh Khang?
Tôi có một cảm giác lạ rằng New York Times lại trở thành công cụ trong một cuộc đấu đá phe nhóm giữa các phe phái khác nhau của Đảng Cộng sản. Bài viết của ông không đúng là quá bất ngờ, đó là một bí mật mở rằng chẳng có bàn tay của bất cứ ai trong ban lãnh đạo Trung Quốc là sạch cả. Toàn bộ chính phủ đều thối nát. Không thể có một quan chức chính phủ trung thực. Chỉ có điều đáng ngạc nhiên là tầm mức của tham nhũng, trước đây tôi nghĩ cỡ hàng trăm triệu, nhờ New York Times, bây giờ tôi mới biết đó là hàng tỉ. – Jordan, Bend, Oregon
Đáp: Cho tôi xin lỗi. Tôi phải thú nhận rằng tôi là một phóng viên về kinh doanh và không có kiêm thêm về chính trị Bắc Kinh, Đại hội Đảng cũng không phải là trọng tâm tìm hiểu của tôi. Vì vậy, tôi thật sự khôngthể cho bạn biết tác động chính trị của bài viết này. Bạn có thể đã thấy một bài bình luận của ông Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei), Đại học McKenna Claremont, trong bài viết. Ông ấy tin rằng điều này sẽ làm suy yếu Ôn Gia Bảo trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ. Có hai chuyên gia khác, chuyên về lĩnh vực này – Lí Thành (Li Cheng) và Kenneth Lieberthal, cả hai thuộc Viện Brookings ở Washington. Chúng ta có thể sẽ nghe họ nói thêm trong vài tuần tới về Đại hội Đảng lần thứ 18 và việc chuyển đổi lãnh đạo, điều này sẽ dính dáng tới việc công bố chủ tịch kế tiếp, được dư luận rộng rãi cho là Tập Cận Bình, và thủ tướng mới thay thế ông Ôn Gia Bảo, có nhiều khả năng sẽ là Lý Khắc Cường. Các đồng nghiệp của tôi ở Bắc Kinh đang đứng giữa chuỗi biến cố hấp dẫn về quá trình chuyển đổi đó được gọi là “việc đổi gác”.
Hỏi: Điều thú vị là cách đây vài ngày, nhiều trang web của Trung Quốc báo cáo rằng một bó tài liệu dày về của cải của gia đình ông Ôn Gia Bảo đã được những bên chưa xác định gửi đến chi nhánh các hãng tin lớn của Hoa Kỳ. Có suy đoán rằng đây là sự trả thù của những người có cảm tình với Bạc Hy Lai. Times có thể cho chúng tôi biết lý do tại sao đã quyết định làm điều này vào lúc này đối với Ôn Gia Bảo mặc dù tin đồn về nó đã diễn ra trong nhiều năm qua. Có vai trò nào của việc làm lộ bí mật có chủ đích trong việc chọn thời gian đưa ra không? Nếu có, tôi nghĩ rằng Times nên nêu rõ ra. Đây là một phóng sự to tát, nhưng sẽ có ích cho người đọc khi biết được bối cảnh của phóng sự này. Chúng tôi thật sự muốn biết nhiều hơn về những phức tạp chính trị của Trung Quốc. –Joy, Poughkeepsie
Đáp: Bạn có hai câu hỏi xuất sắc. Tại sao lại vào lúc này? Bởi vì phải tốn thời gian rất lâu để thu thập và đánh giá chứng cứ, điều đó dính dáng tới hàng ngàn trang tài liệu về công ty và điều lệ mà chúng tôi có được qua các đề nghị xin truy cập hồ sơ công gửi tới nhiều cơ quan chính phủ khác nhau ở Trung Quốc.
Tôi bắt đầu nghiên cứu các giao dịch kinh doanh của gia đình Ôn Gia Bảo vào cuối năm ngoái. Tôi viết một loạt bài gọi là “Con Rồng có nguy cơ tuyệt chủng”, nhìn vào khu vực kinh tế quốc doanh của chính phủ TQ, và muốn đưa vào một mảng cho ra cái nhìn sâu hơn vào cách mà chủ nghĩa tư bản ở Trung Quốc vận hành ở trên đỉnh như thế nào. Đó là một chủ đề rộng, mà tôi quyết định sẽ làm dễ chế ngự hơn bằng cách tập trung vào một gia đình. Tôi đã chọn gia đình thủ tướng bởi vì tôi đã nghe đồn đoán về các giao dịch kinh doanh của họ trong nhiều năm. Người ta nói công khai về sự giàu có của gia đình này như thể đó là sự thực, nhưng thật sự tôi không thể tìm ra có báo cáo nào về đề tài này mà có dẫn bằng chứng rõ ràng hậu thuẫn cho các điều tuyên bố. Tôi luôn gãi đầu về lý do tại sao không ai cố gắng để tìm ra sự thật những tin đồn lan rộng này.
Vì vậy, tôi đã bắt đầu năm ngoái, và trong khoảng trên dưới một tháng, tôi đã khám phá ra những điều hấp dẫn về một số các doanh nghiệp này, nhưng mỗi phát hiện mới lại đòi hỏi phải càng ngày càng đào sâu thêm. Tôi dự kiến sẽ hoàn thành dự án trong vòng một tháng, bằng cách làm việc cả những ngày cuối tuần, nhưng phải mất hơn một năm!
Tôi đã đọc thấy suy đoán rằng một “người trong cuộc” nào đó đã cung cấp thông tin cho tôi, hoặc một vài kẻ thù của thủ tướng đã để một hộp lớn tài liệu tại văn phòng của tôi. Chẳng những không có tài liệu lộ bí mật nào mà trong quá trình viết bài tôi cũng chẳng hề gặp bất cứ ai cung cấp hoặc gợi ý rằng họ có tài liệu liên quan đến các phần hùn của gia đình này. Đây là việc lần theo dấu vết trên giấy tờ của các tài liệu công bố công khai mà tôi đã lần theo với báo cáo riêng của tôi, và nếu tôi có thể bạo gan đưa ra một suy đoán, đó là một lối đi mà chưa có ai khác đã đi qua trước tôi.
Tóm lại, với nỗ lực mà công cuộc điều tra này đòi hỏi, tôi sẽ sửng sốt nếu có một hộp tài liệu nằm một nơi nào đó có chứa tất cả mọi thứ của công việc này. Nếu chỉ vậy thì quá dễ dàng!
Hỏi: Một bài viết tuyệt vời với rất nhiều chi tiết. Tôi có thể hỏi ông, bằng cách nào mà ông có thể nắm được tới mức chi tiết thông tin như thế? Ông có nhận được bất kỳ chỉ dẫn nào từ một người nào đó nằm bên trong Tường thành không? Theo tôi có vẻ gần như là không thể gỡ rối một mạng giao dịch bí mật như thế mà không có bất kỳ gợi ý từ những người biết chuyện, và những người này có thể là những kẻ thù của Ôn Gia Bảo. Cảm ơn ông. – Jack, NY
Đáp: Nguồn thông tin thật sự duy nhất của tôi cho bài viết dài này là một tủ hồ sơ đầy các tài liệu mà tôi đã hỏi xin từ các cơ quan khác nhau của chính phủ Trung Quốc trong thời gian khoảng một năm. Sau khi có được may mắn về các yêu cầu ban đầu đối với các hồ sơ đăng ký doanh nghiệp từ Cục Quản lý Công Thương nghiệp Quốc gia (SAIC), tôi tiếp tục say sưa với bài viết: yêu cầu và trả lệ phí cho các hồ sơ của hàng chục đối tác đầu tư có dính dáng tới người nhà của Ôn Gia Bảo.
Tôi cũng bắt đầu lập danh sách các cá nhân và các công ty và cố gắng tìm ra những người đó là ai và quan hệ của họ với nhau là gì, và tôi đưa ra câu hỏi mục đích của tất cả các mối quan hệ đối tác này – trong số đó có nhiều đối tác có danh sách cổ đông tương tự nhau – là gì.
Mặc dù các hồ sơ ghi chép của SAIC là mở cho công chúng, rất ít nhà báo ở Trung Quốc đã thực sự tận dụng các hồ sơ này. Đó là những nguồn thông tin vô giá về các công ty tư nhân. Hai ấn phẩm xuất sắc Trung Quốc, Tài Tân (Caixin) và Diễn đàn Doanh nghiệp thế kỷ 21 (21 Century Business Herald), đã thường xuyên sử dụng các hồ sơ của SAIC. Hai ấn phẩm này đã thực hiện một số báo cáo kinh doanh đột phá ở đây. Tuy nhiên, hạn chế của chính phủ trong việc viết về gia đình của các lãnh đạo cấp cao giới hạn phạm vi của ngành báo chí điều tra ở Trung Quốc, đặc biệt là khi dính dáng tới gia đình của các quan chức cấp cao.
Vì vậy, Jack ạ, không có người nào “bên trong Tường thành” đã giúp tôi. Tôi đọc các tài liệu, gọi điện các luật sư, kế toán và các chuyên gia tài chính để có lời khuyên về việc hiểu các hồ sơ này như thế nào. Thỉnh thoảng tôi gặp một người nào đó có thể để nhận diện ra một trong các cổ đông là ai. Nhưng rất ít người được tôi cho biết là tôi đang viết câu chuyện về các người nhà của thủ tướng. Ngay cả các bạn thân nhất của tôi cũng không biết. Tôi biết là nói về nghiên cứu này có thể là nguy hiểm, và có thể làm hỏng đi dự án.
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Bản tiếng Việt © Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét