Pages

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Dự thảo Luật Đất Đai gây thất vọng lớn



Dự thảo luật đất đai sau 1 tháng công khai lấy ý kiến đã gây thất vọng lớn cho giới chuyên gia, luật gia, nhân sĩ trí thức. Sự bất đồng ý kiến đã lên đến đỉnh điểm khi chuyên gia đề nghị lập ban soạn thảo khác.
AFP photo
Sài Gòn nhìn từ trên cao.

Kiến nghị lập ban soạn thảo mới

Báo chí Việt Nam đã có “bữa tiệc” thông tin phản biện với các tựa bài đầy hấp dẫn. Thời báo Kinh tế Việt Nam đưa tin “Sửa Luật Đất đai: Cần đổi mới từ…ban soạn thảo?”, trong khi VnExpress đặt tựa ‘Dự thảo Luật Đất đai chưa đi trúng yêu cầu thực tế’
Có thể nói những ý kiện phản biện mạnh mẽ nhất, đã được báo chí ghi nhận trong hội thảo lấy ý kiến của các doanh nghiệp về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tổ chức ngày 9/10 tại Hà Nội.
VnEconomy bản tin trên mạng ngày 9/10 ghi nhận, cuộc hội thảo thể hiện ý kiến chung là dự án Luật Đất đai sửa đổi còn thiếu khách quan, thiếu minh bạch, dành quá nhiều quyền cho cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều diễn giả  góp ý là nên đổi mới dự án luật này ngay từ khâu soạn thảo của các công chức Bộ Tài nguyên Môi trường.

TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nhân vật có ý kiến gay gắt nhất tại Hội nghị ngày 9/10 nhận định: “dự thảo Luật không đáp ứng được đòi hỏi của Hội nghị Trung ương 5 là phải sửa đổi Luật Đất Đai 2003 một cách toàn diện”.
TS Liêm cũng đề nghị Quốc Hội lập ra và trực tiếp chỉ đạo một ban soạn thảo khác, gồm các chuyên gia giỏi cả nước trong lĩnh vực đất đai, tập trung làm việc trong 6 tháng để soạn thảo một dự tháo mới kịp thời đưa ra góp ý rộng rãi. Trả lời Nam Nguyên vào tối 11/10 từ Hà Nội TS Phạm Sĩ Liêm phát biểu:
“Tôi tin là Quốc hội sẽ lắng nghe vì hiện nay Quốc hội đã có nhiều ý kiến nổi lên. Hôm phát biểu chúng tôi có xin lỗi vì tôi nói hơi gay gắt, bởi vì tôi nhịn vấn đề này 10 năm nay rồi. Vừa rồi tôi phát biểu mạnh mẽ và các báo đăng, thật ra trong những hội thảo hay viết báo viết sách tôi đã nói những chuyện này nhưng chả ai quan tâm. Có lần hội thảo trực tiếp với những ngưới tham gia soạn thảo dự luật này, tôi có nói một vài kiến nhưng chẳng ai hỏi lại là chúng tôi muốn cái gì. Thế cho nên kỳ này không còn thể nể nang được phải nói tận cùng như vậy, tôi nghĩ được mọi người đón nhận.”
Tại cuộc họp có mặt đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường và cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi nói thẳng rằng rất là thiếu niềm tin vào Bộ Tài nguyên Môi trường.
LS Trần Vũ Hải
Có mặt tại cuộc Hội thảo ngày 9/10 ở Hà Nội, Luật sư Trần Vũ Hải bày tỏ với Đài ACTD về sự thất vọng đối với bản dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Theo ông, hàng chục ngàn vụ tranh tụng khiếu kiện thời gian qua bắt nguồn từ những bất cập của Luật Đất Đai 2003 hiện hành, nhưng dự luật sửa đổi chưa thấy sự đột phá nào. LS Trần Vũ Hải nói:
“Tại cuộc họp có mặt đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường và cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi nói thẳng rằng rất là thiếu niềm tin vào Bộ Tài nguyên Môi trường. Trong khi soạn thảo một dự luật đất đai mới mà bản thân họ không có hiểu biết nhiều về Luật Đất đai hoặc là họ không dám nhận trách nhiệm về những vấn đề liên quan.”

Trưng mua hay thu hồi

P1050746_c9ee1-250.jpg
Cảnh cưỡng chế đất tại Tiễn Lãng tháng 1/2012
Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên, TS Phạm Sĩ Liêm nhận định về những thiếu sót rất lớn trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Trước hết về mấu chốt đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, TS Phạm Sĩ Liêm phát biểu:
“Về quyền sở hữu, tôi vẫn tán thành là sở hữu công hay sở hữu chung, còn tên gọi thế nào tôi không quan tâm, gọi là sở hữu nhà nước sở hữu toàn dân chỉ là cách gọi thôi. Nhưng điều quan trọng hơn cả tên gọi của chế độ ấy là quyền sử dụng được luật pháp bảo vệ như thế nào, hiện nay vẫn là điều chưa được nói rõ. Do đó việc tùy tiện xâm phạm vào quyền sử hữu ấy đã diễn ra tương đối phổ biến, vì vậy chúng tôi đề xuất Quốc hội Việt Nam nên sớm ban hành Luật Tài sản. Trong đó tài sản bất động sản bao gồm cả quyền sử dụng đất và khi đã có quyền tài sản rồi thì có cả quyền chiếm hữu hưởng lợi định đoạt đối với tài sản đó như là thông lệ quốc tế ở các nước. Như vậy quyền sở hữu tài sản được bảo vệ, cần đưa ra luật riêng về vấn đề này.”
Điểm thứ hai TS Phạm Sĩ Liêm nhấn mạnh với chúng tôi là Dự Luật sửa đổi không phù hợp với giai đoạn đô thị hóa công nghiệp hóa ở Việt Nam mà cứ lấy nông nghiệp làm trung tâm. Cho nên không quan tâm gì đến các loại đất xây dựng hay đô thị mà chỉ nói chung chung. Dù vậy theo TS Liêm, ban soạn thảo trong khi nói chung chung như vậy thì đối với đất nông nghiệp lại không có qui định một cách cụ thể để bảo vệ đất canh tác và đất rừng.
Điểm thứ ba đặc biệt quan trọng liên quan tới việc thu hồi đất, TS Phạm Sĩ Liêm phản biện:
Chúng tôi đề nghị đúng như Hiến pháp qui định, khi Nhà nước cần đến thì trưng mua chứ không phải thu hồi bởi vì trên đất ấy còn có rất nhiều tài sản người dân.
TS Phạm Sĩ Liêm 
“Chế độ thu hồi đất theo ý chúng tôi là không đúng từ quan điểm cho đến cơ chế rồi các thủ tục triển khai. Không đúng về quan điểm chúng tôi cho rằng, những người có đất bị thu hồi đem vào sử dụng chung thì phải xem họ là những người có đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước, cho nên ngoài phần thu hồi bị thiệt hại, thì họ cũng tương tự như những người có tiền bị thu hồi vốn, họ còn phải được hưởng lợi từ kết quả phát triển. Dù kết quả phát triển từ một con đường hay từ một dự án phát triển đô thị.
Vì vậy chúng tôi đề nghị đúng như Hiến pháp qui định, khi Nhà nước cần đến thì trưng mua chứ không phải thu hồi bởi vì trên đất ấy còn có rất nhiều tài sản người dân. Còn về giá chúng tôi đề nghị giá công bằng, còn công bằng thế nào thì sẽ giải thích trong dịp khác.”
Về vấn đề thủ tục, TS Phạm Sĩ Liêm đề nghị, hoặc áp dụng thủ tục hai giai đoạn như luật của Pháp, đó là từ giai đoạn thủ tục hành chính sau đó sang giai đoạn thủ tục tư pháp. Hay như Canada nếu cuối cùng bất đồng về vấn đề giá thì hai bên có quyền đưa đến tòa án đất đai.

Mơ hồ quyền sở hữu

044_B87826026-200.jpg
Ruộng lúa Việt Nam. AFP
VnExpress ngày 10/10 trích ý kiến GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, nhận định rằng Dự thảo Luật Đất đai lần này chưa giải quyết “trúng” những khó khăn thực tế. Ông Võ nhấn mạnh là nếu đi theo hướng của dự thảo được công bố, thì chắc chắn nó sẽ vẫn làm tồn tại tham nhũng, khiếu kiện. Đây chính là 2 yếu tố nóng nhất trong việc thực hiện Luật Đất đai hiện nay. GS Võ nói rằng, hiện nay các địa phương khi thu hồi đất đã tận dụng cơ chế thu hồi đất rồi giao trực tiếp cho nhà đầu tư. Trong khi, theo ông cơ chế tốt nhất là tự thỏa thuận vì nó tạo được đồng thuận xã hội, không làm cho người dân khiếu kiện và không có sự can thiệp của Nhà nước để tạo ra nguy cơ tham nhũng.
Nhận định về ý kiến vừa nêu của GS Đặng Hùng Võ, TS Phạm Sỹ Liêm nói rằng ông tán thành. Về vấn đề thu hồi đất, ông đề xuất kết hợp kết hợp với chế độ dự trữ đất. Theo chế độ dự trữ đất thì Nhà nước làm việc với nông dân chứ không phải là doanh nghiệp làm việc với các nông dân. Sau khi có thu hồi dự trữ rộng lớn nhà nước sẽ cung ứng cho bất kỳ ai có nhu cầu. TS Phạm Sĩ Liêm nhấn mạnh:
“Khi nhà nước làm việc trực tiếp với nông dân thì nhà nước không thể không minh bạch. Chứ còn để doanh nghiệp làm việc trực tiếp với nông dân, thì các chính quyền đứng ở đàng sau nếu có đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thì họ mới có điều kiện để tham nhũng.”
Dù cho là 20 năm hoặc 50 thì người chủ vẫn không phải là mình. Tôi xuất tiền ra mua đất nhưng mình không thực sự làm chủ… cái này rất khó.
Một nông dân ĐBSCL 
Có lẽ Dự luật đất đai sửa đổi được công bố lấy ý kiến đã chỉ có sự thay đổi quan trọng được ghi nhận liên quan đến đất nông nghiệp, là nâng thời hạn sử dụng đất từ 20 năm lên 50 năm. Hạn điền vùng đồng bằng đối với cây trồng một năm vẫn là 3 héc ta mỗi hộ gia đình, cá nhân, tuy vậy hạn mức chuyển nhượng được nâng lên tối đa 30 héc ta. Nhưng điều quan trọng đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu cho nên người dân có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào và dự luật mới chưa có đột phá gì về cơ chế thu hồi và đền bù một cách minh bạch. Một nông dân trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long tuy phấn khởi về việc thời hạn sử dụng đất được tăng từ 20 năm lên 50 năm, nhưng vẫn e dè về việc tích tụ ruộng đất vì sự mơ hồ về quyền sở hữu. Ông nói:
“Dù cho là 20 năm hoặc 50 thì người chủ vẫn không phải là mình. Cũng không dám mở rộng ruộng đất nhiều. 50 năm hết đời mình còn  đời con đời cháu, tôi xuất tiền ra mua đất nhưng mình không thực sự làm chủ… cái này rất khó.”
Theo chương trình, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được chính phủ chuyển qua Quốc hội trong kỳ họp thứ 4 năm  2012 và Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua vào cuối năm 2013. Các ý kiến phản biện đã được nhân sĩ, chuyên gia, trí thức trình bày rất nhiều, điều còn lại là các nhà soạn thảo dự luật lắng nghe như thế nào và trên hết những phản biện đó có phù hợp với quan điểm của Bộ Chính trị Trung ương Đảng hay không thì lại là một chuyện khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét