SGTT.VN – Trong khi lãnh đạo tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 an toàn thì các nhà khoa học lo ngại, các đại biểu Quốc hội yêu cầu phải đặt tính mạng của người dân lên trên hết.
Đó là nội dung đáng chú ý tại phiên giải trình về một số vấn đề của dự án thủy điện Sông Tranh 2 tại ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội sáng 20.10.
“Vẫn an toàn”
Ông Nguyễn Tài Sơn – tổng giám đốc công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1 – khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 được thiết kế chịu động đất cực đại. Khả năng chịu tải của thủy điện Sông Tranh 2 với mức nước 161m theo tính toán thì chịu được động đất rất cao nên có thể yên tâm với động đất.
“Hiện nay có ý kiến cho rằng mức chống tấn này không tin tưởng, nhưng nhận xét nào cũng cần phải dựa trên căn cứ khoa học, trên mức nước” – ông Sơn bày tỏ.
“Áp lực nước là yếu tố quan trọng nhất với công trình này. Theo tính toán ở mức cao trình 160m, cộng với cơn địa chấn thì đập vẫn an toàn. Ở mức nước đầy hồ 175m thì kết quả kiểm tra lại vẫn khẳng định đập an toàn” – ông Sơn khẳng định.
Phó tổng giám đốc EVN Trần Văn Được cũng cho biết kết quả kiểm định của EVN tại các khe nhiệt cho thấy không nứt đập. Do đó các biện pháp khắc phục sự cố rò rỉ nước là phù hợp, bảo đảm.
“Thông tin không trung thực”
Tham dự phiên giải trình, sau khi nghe báo cáo của đơn vị chức năng, GS Vũ Trọng Hồng – chủ tịch hội Thủy lợi VN – bình luận: “Thông tin không trung thực. Các nhà khoa học không có thông tin nhưng thấy trong một ngày xảy ra 7 lần rung chấn thì chắc chắn đã tăng tích nước lên”.
PGS Phan Văn Quýnh – đại học Quốc gia Hà Nội – bình luận: “EVN đã tạo ra động đất chứ không phải do tự nhiên. Hội đồng nghiệm thu quốc gia, Bộ Xây dựng kết luận an toàn, nhưng tôi thấy công trình Sông Tranh 2 không an toàn”. Ông Quýnh nói ở Bắc Trà My có những nứt gãy nhỏ, trong khi nghiên cứu địa chất không đến nơi đến chốn, tính toán không đầy đủ mới đặt đập chắn trên nền móng không bền vững. Xây trên nền móng yếu sẽ dễ dẫn đến trôi đập.
“Vỡ đập thì dân chạy đâu?” – GS Hồng hỏi. Ông đề nghị cần lập các phương án quan trắc và cảnh báo để khi có nguy cơ báo cho người dân trước 30 phút. Phải thiết kế bổ sung cửa xả đáy. “Tôi dự báo chưa chắc vỡ đập nhưng sẽ vỡ hai vai của thủy điện do hai vai mỏng. Tôi đồng ý tạm dừng tích nước trong một năm để nghiên cứu vì tiếp tục tích nước sẽ đe dọa sự an toàn của người dân” – ông Hồng đề nghị.
GS Phạm Hồng Giang – chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước – cũng nhận định ở Sông Tranh 2 có vấn đề: “Đập có thể vỡ do ứng xuất trong đập. Kết quả chống thấm nghe qua báo cáo của tư vấn và chủ đầu tư cho thấy tốt. Nhưng tôi có những câu hỏi: khi xảy ra hiện tượng nước xuyên qua đập cho thấy chất lượng đập kém, khả năng chống thấm ở hạ lưu kém. Có dòng nước trong đập rất nguy hiểm do cột nước hàng trăm mét thì sẽ có sức công phá lớn. Trong kỹ thuật người ta nghiêm cấm đập nước có những dòng nước như vậy. Hiện chống thấm mới tiến hành ở thượng lưu, chưa khắc phục chất lượng đập”.
“Chất lượng của đập là dấu hỏi lớn. Các kết quả báo cáo mới chỉ dừng trên giấy, nghĩa là dựa trên các thông số kỹ thuật thiết kế để tính toán mức chịu đựng động đất” – ông Giang bình luận.
Phải vì tính mạng người dân
Ủy viên thường trực ủy ban Pháp luật Ngô Văn Minh – đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam – nhật xét: “Qua tiếp xúc cử tri thì thấy cái lớn nhất hiện nay là kết luận của cơ quan chức năng có thẩm quyền chưa thể giúp cộng đồng xã hội an tâm. Dân ngủ không yên giấc do lo lắng. Đây là thiệt hại không đo đếm được. Đề nghị các cơ quan phải có biện pháp để khẳng định đập thủy điện bảo đảm chịu đựng động đất”.
Đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến cũng đặt ra câu hỏi “với những yếu tố báo cáo đã bảo đảm an toàn thì tại sao chưa cho tích nước?” và đề nghị các cơ quan minh bạch thông tin. “Không thể để 1.406 hộ dân ở khu vực thủy điện trong tình trạng hiện nay. Đời sống của người dân đang khó khăn do nhường đất ở, đất sản xuất cho thủy điện. Dân thường xuyên phải lo lắng động đất thì không thể không có trách nhiệm với đồng bào” – ông Tiến nói.
“Một người đi tù không thể đền cho tính mạng của hơn 1.000 hộ dân” – PGS.TS Bùi Thị An – đại biểu Quốc hội TP Hà Nội – lên tiếng. Bà An đề nghị lãnh đạo Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường phải làm việc lại với lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan để đưa ra kết luận chính xác. “Phải xác định rõ trách nhiệm, quy trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước dân, chứ không thể đưa ra một lời hứa để chịu trách nhiệm với hàng nghìn tính mạng người dân được” – bà An nói.
Theo Tuổi Trẻ Online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét