Pages

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Hội nghị Trung ương 6 vào cao trào



Hội nghị Trung ương 6 dự kiến kéo dài đến ngày 15/10
Hội nghị Trung ương 6 dự kiến kéo dài đến ngày 15/10
Hội nghị Trung ương 6 ngày 10/10 dự kiến sẽ nghe báo cáo về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong khi một trang web công kích ông Dũng có vẻ hoạt động trở lại sau khi bị tấn công.

Trước đó, giới chóp bu trong Bộ Chính trị đã từng họp kín để kiểm điểm suốt 12 ngày.
Các nguồn tin trong nước cho BBC biết dự kiến hội nghị Ban Chấp hành Trung ương hôm thứ Tư sẽ công bố báo cáo của Ban Kiểm tra Trung ương về quá trình phê bình và tự phê bình của Thủ tướng.
Người ta được biết trong tháng Bảy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có riêng năm ngày để kiểm điểm tự phê bình và phê bình.

Bảy ngày còn lại đầu tháng Tám dành để kiểm điểm các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn lại.
Theo giới quan sát, Hội nghị Trung ương 6 sẽ có thể quyết định kết quả cuộc tranh chấp quyền lực trong Đảng, trong bối cảnh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị nhiều chỉ trích.
Tiến sĩ Lê Sỹ Long, Đại học Houston, Hoa Kỳ, nói với BBC hôm 9/10 rằng liên minh giữa ông Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang đang đối đầu với ông Nguyễn Tấn Dung.
“Cuộc tấn công của liên minh chống ông Dũng dựa trên ý rằng tham nhũng chính quyền to lớn không chỉ làm đình trệ kinh tế mà đe dọa tính chính danh của Đảng.”
“Theo tôi, liên minh này muốn hạn chế biên độ ảnh hưởng của ông Dũng để ông Sang và Trọng hướng đến một mô hình được điều chỉnh. Theo đó, những người đã chứng tỏ khả năng kinh tế và đạo đức chính trị nên được giao quản lý doanh nghiệp nhà nước, còn các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân chứng tỏ đạo đức chính trị thì có thể đóng vai trò lớn hơn trong chính quyền.”
“Khi đã hạn chế được ông Dũng, ông Sang và ông Trọng có thể trực tiếp tác động việc ai sẽ là thủ tướng sau nhiệm kỳ của ông Dũng,” nhà nghiên cứu từ Mỹ nói.
Trang quanlambao có nhiều bài phê phán Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Từ California, cây bút bình luận Trần Bình Nam cho rằng ông Trương Tấn Sang “muốn nhân cơ hội Trung ương đảng đang họp để bứng chức thủ tướng của ông Dũng hay ít nhất tăng thêm quyền hành cho chức Chủ tịch nước của ông”.
Nhưng ông Nam dự đoán: “Tương quan lực lượng giữa ông Dũng và ông Sang cũng ngang ngửa thôi, và có thể đảng sẽ xử hòa. Sự tranh chấp sẽ lắng xuống một thời gian.”
Tấn công mạng
Chiều tối 9/10, trang blog Quan làm báo, được lập ra gần đây với nội dung công kích Thủ tướng, bị hacker kiểm soát trong mấy tiếng đồng hồ.
Người đọc khi bấm vào địa chỉ này được dẫn đến một tên miền khác là quanlambao.info và thấy một thông cáo của một nhóm người ẩn danh xưng là ‘đang sinh sống ở hải ngoại’ và cho đăng bài tấn công cựu dân biểu Việt Nam, bà Đặng Thị Hoàng Yến.
Những gì đăng tải tại đây cho rằng bà Hoàng Yến đứng đằng sau trang Quan làm báo nhưng cũng cảnh báo là họ đã “hoàn toàn nắm được tất cả thông tin, các hoạt động của bà tại Hoa Kỳ, thì chúng tôi đưa thêm các thông tin khác của bà để bà tự thẩm định”.
Trong phần ảnh đăng trong bài có cả nhiều ảnh của gia đình và con cái bà Đặng Thị Hoàng Yến chụp ở Hoa Kỳ.
“Chúng tôi là những người sinh sống tại hải ngoại tuy chưa đồng tình với sự lãnh đạo hiện nay của Nhà nước Việt Nam nhưng cũng tuyệt đối không thể đồng tình với các hành động vu khống bỉ ổi, bịa đặt hèn hạ nhằm đưa đất nước Việt Nam vào cảnh nguy cơ nồi da xáo thịt để thu lợi cho cá nhân và nhóm lợi ích của bà.”
Tuy nhiên, các bài đăng trên quanlambao bộ cũ và cách viết trên bài mới nhất hôm 9/10 tìm cách quy bà Hoàng Yến là người đứng đằng sau trang web bị cho là tấn công Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, không dùng văn phạm theo cách các Việt Kiều ở Hoa Kỳ hay nơi khác thường dùng.
Đến sáng 10/10, trang này dường như hoạt động trở lại khi bài về bà Hoàng Yến bị xóa và thay bằng một bài đả phá Thủ tướng.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với BBC qua điện thư email trong tháng 9, bà Hoàng Yến nói bà không đứng đằng sau trang quanlambao.
Dù kết quả cuộc đấu đá nội bộ đi đến đâu, dường như với nhiều người Việt, “chưa bao giờ kể từ 1986 đất nước lại gặp nhiều thách thức như vậy đe dọa tính chính danh của Đảng và sự sống còn của chính thể,” theo tiến sỹ Lê Sỹ Long.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét