Pages

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

“Không nói dối mới là chuyện lạ”


Hoàng Phi   – TBKTSG
(TBKTSG) – Tiền dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) vẫn cứ nằm trong kho bạc không thể giải ngân, trong khi bên ngoài, giới khoa học đang nghiên cứu trong cảnh không có tiền. Vì sao?
Cái lỗi mang tên cơ chế
Dù là ngành rất đặc thù, nhưng khoa học công nghệ đang được đánh đồng với hoạt động hành chính, với một cơ chế kế hoạch hóa.
Từ khi ý tưởng về việc chế tạo một loại vật liệu mới hình thành, tiến sĩ A, công tác tại Viện KHCN Việt Nam, đã phải chờ đến hai năm mới được phê duyệt kinh phí 1 tỉ đồng.

Sau khi chạy vạy vay mượn số tiền đặt cọc 10% giá trị đề tài, con đường để bà hoàn tất nghiên cứu phải hơn một năm sau đó. Rồi đến khâu hoàn thành thủ tục tài chính để nhận được tiền về, bà lại mất một quãng thời gian dài. Hết chạy đôn, chạy đáo xin mấy chục chữ ký của các cơ quan
Đến nay dù đã có đến tám đạo luật chuyên ngành
cùng gần 300 văn bản hướng dẫn thi hành, nhưng
sự bất cập về cơ chế tài chính cho khoa học công
nghệ vẫn chưa được giải quyết – Ảnh: Tuệ Doanh.
có liên quan, bà lại hì hục “nghiên cứu” cách thức hoàn tất các hóa đơn, chia nhỏ chuyên đề này, tăng thêm chuyên đề kia.
Lắm lúc bà phải “bịa” ra các phân mục mà bà chưa hề thực hiện, với mục đích chỉ “làm đẹp” chứng từ theo yêu cầu quyết toán. Hơn bốn năm, kể từ khi ý tưởng hình thành, đề tài mới được hoàn thành. Vật liệu mới bà nghiên cứu ra lúc này đã không còn mới nữa.
Câu chuyện về nữ tiến sĩ trên là nét phác họa về chân dung của các nhà khoa học Việt Nam thời hiện tại, trong đó phần lo thủ tục quyết toán chiếm đến phân nửa thời gian nghiên cứu. Cơ chế tài chính hiện hành đang được cho là rào cản lớn trong việc phát triển KHCN của Việt Nam. Cơ chế này quy định rất cụ thể từng định mức của các chuyên đề, cứng nhắc trong các khoản mục, chi li trong từng hóa đơn quyết toán, trói buộc các nhà khoa học trong mớ bòng bong chứng từ. Thời gian, thay vì nghiên cứu sáng tạo, họ lại cặm cụi “sáng tác” các chuyên đề, các chứng từ, để hợp thức hóa. Chính điều này đã khiến cho Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân phải thừa nhận, trong một mớ các thủ tục đã quá lạc hậu như thế, để có đủ các chứng từ hóa đơn thanh toán, nhà khoa học “không nói dối mới là chuyện lạ”.
Chưa hết, điều mà giới khoa học bức xúc chính là cơ chế kế hoạch hóa về tài chính. Bất chấp các yêu cầu bức thiết của khoa học, các đề tài chỉ được phê duyệt mỗi năm một lần vào ngày 31-7. Tiền phải đến tháng 8 hay tháng 9 mới về để Bộ KHCN ký hợp đồng với các nhà khoa học, nhưng đến tháng 12 họ đã được yêu cầu phải quyết toán. Quy định này khác xa với thực tế hoạt động KHCN, khi mà từ khi nhà khoa học đề xuất đề tài đến khi nhận được tiền là khoảng thời gian dài đến hai năm. Chi phí khi đó cũng đã vượt dự toán.
Đến nay dù đã có đến tám đạo luật chuyên ngành cùng gần 300 văn bản hướng dẫn thi hành, nhưng sự bất cập về cơ chế tài chính vẫn chưa được giải quyết. Dù là ngành rất đặc thù, nhưng KHCN đang được đánh đồng với hoạt động hành chính, với một cơ chế kế hoạch hóa.
Đã ít lại không đúng chỗ
2% tổng chi ngân sách là số tiền hàng năm Nhà nước đổ vào hoạt động KHCN. Số tiền này được Quốc hội phê duyệt hàng năm, và hiện ở mức khoảng 700 triệu đô la Mỹ. Phần lớn số tiền này được dành cho các hoạt động chi thường xuyên, như trả lương, chi phí hành chính cho các tổ chức KHCN. Một phần rất lớn nữa được dùng để đầu tư phát triển, còn chỉ khoảng 10% số tiền đó, tức khoảng 70 triệu đô la Mỹ, dùng cho hoạt động nghiên cứu khoa học.
Chưa hết, số tiền này lại phải rải đều ra cho 23 bộ ngành, 63 tỉnh thành, cùng hàng ngàn viện, trung tâm nghiên cứu. Bộ KHCN cho đến nay không hoàn toàn quản lý được mức chi tiêu trong ngành, vì số tiền đó còn do Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ ngân sách dành cho các địa phương. Chính vì thế, bộ này cho đến nay vẫn chưa thể đánh giá được hiệu quả hoạt động KHCN. Sự trùng lắp đề tài giữa các địa phương, cùng với mô hình mũi nhọn “trái mít” – tức là chỗ nào, ngành nào cũng là mũi nhọn, khiến cho số tiền đã ít, lại bị dàn trải, cào bằng, nên KHCN không thể nào phát triển được.
Những nghịch lý vẫn cứ nối đuôi nhau tồn tại khiến cho giới khoa học ngán ngẩm. Bên cạnh đó, trong khi tiền dành cho nghiên cứu khoa học đang được cân đong, đo đếm chi li, thì các công trình nghiên cứu xong lại bị phó mặc. Vì vậy mới có chuyện nghiên cứu nhiều, nhưng ứng dụng chẳng bao nhiêu, phần lớn chỉ để trong ngăn kéo, làm đẹp hồ sơ khoa học. Việc thiếu vắng các kho dữ liệu khiến cho đề tài nghiên cứu sau trùng với đề tài trước, địa phương này nghiên cứu cái địa phương khác đã làm, khiến cho sự lãng phí càng trở nên lớn hơn. Chưa hết, số tiền vốn đã ít ỏi này lại không được chi đúng mục đích, nhất là ở các tỉnh, thành. Theo Bộ KHCN, khoảng phân nửa ngân sách đó được dùng vào mục đích khác.
Ngân sách của Nhà nước vốn đã ít, số tiền mà các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu lại càng ít hơn, chỉ khoảng 300 triệu đô la Mỹ. Tính chung, tổng số tiền chi cho KHCN mỗi năm chỉ xấp xỉ 1 tỉ đô la Mỹ, bằng số tiền mà hãng điện tử Samsung của Hàn Quốc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển hàng năm. Ở các quốc gia phát triển, tỷ lệ này hoàn toàn ngược lại, khi ngân sách nhà nước chỉ chiếm chừng 20-25%, còn lại là từ xã hội.
Những bất cập về cơ chế tài chính trong lĩnh vực khoa học công nghệ đã được nhận diện từ lâu, vấn đề còn lại chính là giải pháp tháo gỡ. Bộ KHCN đề xuất, trước mắt cần ứng kinh phí cho các đề tài nghiên cứu để công việc được tiếp tục. Sau đó là cơ chế khoán, nghĩa là nhà khoa học được tự chủ trong việc chi tiêu tài chính và Nhà nước chỉ quan tâm đến kết quả đầu ra. Điều này được kỳ vọng là sẽ tháo gỡ khó khăn cho giới khoa học trong những vấn đề thuộc về thủ tục. Khi đó họ sẽ chuyên tâm vào công việc nghiên cứu, phần thủ tục về tài chính sẽ được các quỹ phát triển KHCN đứng ra lo liệu.
Một vấn đề mà bộ cũng đề xuất là nhà khoa học nên được xem là người sở hữu thành quả của mình, dù đề tài đó sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước. Với việc này, giới khoa học có thể sử dụng kết quả đó để chuyển nhượng hay góp vốn cho doanh nghiệp. Nếu các đề xuất được chấp thuận, hy vọng ngành KHCN nước nhà sẽ có được một sự cất cánh thực sự

Không có nhận xét nào: