Pages

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Lá thư không người nhận


Giang Le (Danlambao) - Lần thứ hai ra biển một mình. Đứng nhìn về phía trời xa, nơi tôi rắc tro cho anh, nghe như lời anh từ xa vọng lại, an ủi, vỗ về, động viên tôi, gió biển se lạnh ngoài da nhưng lòng tôi thấy ấm hơn bao giờ, có lẽ vong linh còn lại trên cõi trần đang hun đúc cho tôi, đang vạch lối cho tôi, tôi cảm thấy bầu trời rộng bao la đang rộng mở đón chờ, một quê hương điêu tàn trong chiến tranh và đổ nát mục rỗng từ gia đình đến xã hội đang kêu cứu! Cái tôi bây giờ mới thật nhỏ nhoi đến thế nào… Phải rồi, tôi phải đấu tranh để lấy lại công đạo cho gia đình tôi, hoàn cảnh của tôi, của chồng tôi, san bằng nghịch lý, trái đạo, mà người đời cố tình bưng bít. Tôi phải biết buồn khi dân tộc ngữa nghiêng… Tôi phải biết vươn tay cứu lấy khi dân tộc đắm chìm… Vì thế ngày hôm nay, các bạn đừng ngạc nhiên tại sao tôi từ một cô gái yếu mềm, có một hoàn cảnh thương tâm lại đột nhiên vươn mình sức như phù đổng… Là bởi vì cái tôi trong tôi không còn nữa, có còn chăng chỉ là số 0 tròn nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Vâng! Con Số 0…
*
Mercer island WA, ngày… tháng… năm…
Phần 1
30-04-1975, đánh dấu sự chia lìa của cô gái 18 tuổi, hớt hãi, hòa vào dòng người ra đi, bỏ lại nơi vùng xa heo hút cha mẹ và đàn em thơ dại… Tôi còn nhớ, những năm tháng tuổi thơ, gia đình tôi lúc nào cũng quấn quít bên nhau. Đêm nằm ngủ chung dưới hầm trảng sê (hầm trốn đạn), tôi phải học ngồi dưới ánh đèn dầu leo lét; thỉnh thoảng đứa em mới lên hai quấy, mẹ tôi thì thầm dỗ dành sợ làm kinh động sự học hành của tôi.
- Ừa, nín nín, để chị con học, ông kẹ kìa!
Sau đó được sự nhắc nhở nhẹ nhàng của ba tôi:
- Học xong, con nhớ hạ đèn (làm ánh sáng mờ đi) cẩn thận khéo đổ dầu nghe con!
Mọi người yên lặng như an giấc nồng, tôi chăm chú học thì thầm như nhà sư tụng niệm… thỉnh thoảng nhìn quanh, mẹ và các em đang ngủ say, nhìn sang ba tôi, cánh tay phải hãy còn gác lên trán.
Sau 3 tháng nghỉ hè, chuẩn bị cho năm đầu tiên bậc trung học, ba tôi bảo:
- Hôm nay con mặc đồ mới đi Sài Gòn thăm Bác Hai với ba. Tôi nào nhận ra là ba má tôi có sẵn ý định mang tôi ra thành (Chợ Lớn), gửi gắm tôi cho người Bác để việc học hành của tôi thuận tiện hơn. Mẹ tôi sẵn sàng các thứ cần thiết: 2 chiếc áo dài (rẻ tiền), một cặp 3 lá mới, một đôi dép mới và một số tập vở… ngần thứ ấy là sự cố gắng và hy sinh lớn dành cho tôi. Ngày Ba tôi đưa tôi đi, mấy em đứng nhìn có vẻ buồn, gương mặt mẹ tôi lộ rõ hàm răng như cười nhưng 2 chiếc môi thì mấp máy, run run… Mẹ tôi đang khóc nhưng cố nén, nuốt, để dòng nước mắt khỏi bị rơi…
Ba tôi rời khỏi nhà như né tránh cái nhìn mọi người, gọi giục tôi:
- Thôi mình đi con! Mặt ba tôi cúi xuống đất. Trời ơi… ba tôi đang khóc!! Có còn lời lẽ nào, cử chỉ nào cha mẹ dành cho con hơn thế nữa không? Tôi bật khóc òa lên! 4 đứa em tôi cũng khóc!!…
Bác Hai tôi không vợ, không con, Bác ít nói nhưng rất thương cháu bằng cử chỉ ân cần, ngày 2 buổi đến trường đều được sự đón đưa của Bác. Tình thương của Bác dành cho rất nhiều, nhưng không đủ làm tôi vơi đi nỗi nhớ cha mẹ và đàn em thơ lam lũ nơi quê nhà. Tôi rất ngoan và ham học, như hối thúc thời gian chóng đến hè, để tôi có dịp trở về… Và, cứ mỗi lần về, tôi nhận ra kinh tế gia đình tôi sa sút hơn năm trước, cha mẹ tôi càng gầy và thấy già đi nhiều. Một lần, năm tôi thi đậu tú tài phần 1, Ba Má tôi hết nỗi vui mừng, 2 người cùng ra thành đón tôi về và nhân tiện, cho mẹ tôi thấy được sài thành hoa lệ. Nhìn Mẹ tôi mặc chiếc áo bà ba bạc màu, chiếc quần vải xám nhăn nhún ra chốn thị thành lần đầu tiên, ngơ ngác nhìn dòng người qua lại, tôi không còn lời diễn tả cảm xúc dành cho Mẹ tôi, ôm chằm lấy Mẹ, tôi khóc sướt……..
Bác Hai tôi chỉ là tài xế taxi, cái nghề miễn cưởng xa quê vì thời cuộc, cho nên chẳng bao giờ bác trở về. Bác như cảm nhận được niềm vui của 2 em và đứa cháu, Bác tôi bảo:
- Thôi, ra xe, Bác đưa Ba Mẹ và con về cả Bác nữa! Về lại chốn xưa…
Xe dừng lại, Ba Mẹ hăm hở mang hành lý vào nhà, không quên gõ cửa kính xe mà không nhìn thái độ Bác Hai tôi.
- Vào đi anh hai.
Bác tôi ngồi bất động, không chớp mắt, ném cái nhìn mà đưa tay dụi mắt, như cố xóa đi hình ảnh vừa nhận qua. Bất giác, Bác gọi như hối thúc:
- Con đóng cửa xe cho Bác rồi vào đi, nên ở lại chơi vài ngày, rằm ngương Bác sẽ lên đón con. (ngương= vía)
Bác cho xe quay đầu rồi vụt đi… Tôi đứng chết lặng miên man… Điều gì làm cho Bác tôi tất tả ra đi với vẻ buồn như vậy?… Rồi tôi tự nghĩ cho Bác: Bao năm xa quê nay trở về, chứng kiến một quê hương thực sự điêu tàn.. Mái nhà thờ phụng thân yêu dột nát, đàn cháu dại lam lũ, nhìn thân thể gầy guộc các em, vì quá vất vả và mất ngủ bởi tiếng đạn bom gào rú hằng đêm… Bác còn giữ được cân bằng tâm lý, nén cảm xúc mà dặn dò tôi và điều khiển được xe; không biết Bác còn đầy đủ nghị lực đè nén cảm xúc đưa chiếc xe và Bác về đến nhà không?… Hay là Bác đang dừng lại nơi nào đó, gục đầu trên vô lăng mà nức nở….
Nước mắt tôi rơi lã chã thay Bác lúc nào không hay. Tôi vòng ra sau hè, rửa mặt, tay chân và đứng thật lâu, không dám nghĩ ngợi nữa và tôi nghe như có tiếng ơ ới của Bé Sỏi. Chị đâu?… chị đâu?…
Mẹ tôi chuẩn bị cho ngày sum họp gia đình bằng một con gà nhốt sẵn trước khi đi đón tôi. Không thấy Ba và Mẹ, tôi hỏi bé Sỏi, nó là đứa em kế tôi, chị em sau bao ngày xa cách gặp lại, Sỏi ra mòi con gái, ít nói và hay đỏ mặt…
- Ba Mẹ đâu em?
- Dạ, Ba đi trồng khoai, Mẹ đi quán (đi chợ)
- Chị bắt nước sôi giùm em đi..
Tôi lúi húi dụm lửa, thổi mãi lửa mới bắt vì củi ướt, Bé Sỏi xách con dao chưa kịp mài, đè con gà ra cắt cổ, cù cưa cù cứa mà không thấy máu, rồi không biết làm thế nào con gà sẩy khỏi tay vong tuốt… báo hại chị em có một trận đuổi bắt hả hê như những ngày tắm dưới mưa… Tôi và bé Sỏi lúi húi nhặt lông gà thì Ba vào, chắc đói bụng nên khi rửa tay chân xong ba tôi vào bếp tìm thức ăn. Vừa nhổ lông, tôi phải ra vào bếp lấy nước sôi, bắt gặp ở Ba tôi một điều mà tôi chưa hề biết. Một điều vô tâm ở tôi. Ba tôi bưng chén khoai lang khô vừa đứng vừa ăn và vừa né chừng, sợ tôi bắt gặp..
- Trời ơi! Gia đình tôi ăn như thế này từ khi tôi ra thành học đây sao?? nụ cười vui trên môi vụt tắt, muốn vui cũng không được nữa rồi! Tôi im lặng cùng với Sỏi nhổ nốt lông con gà; để đánh tan không khí đang đè nặng tim tôi:
- Sỏi nè!
- Gì chị?
- Ba Má khỏe không?
- —–
-Ba Má có ăn ngon, có ngủ ngon giấc không?
- —–
-Thường các em ăn gì?
- Chị à!
- Chị đừng có hỏi em vậy nữa!!
Thức ăn được tôi và Sỏi dọn lên. Cơm trắng, thịt gà kho, canh chua và một đĩa cua đồng; loại cua mà lúc còn bé tôi thích ăn, Ba tôi bắt và để dành cho tôi. Vào bàn ăn, đúng hơn là manh chiếu trải dưới đất, tôi chủ động mọi thứ. Tôi bới cho mỗi người chén cơm đầy ắp, như chứa đựng tình tôi kính dâng cho họ. Thức ăn tôi cũng gắp bỏ nhiều lần cho mọi người, duy chỉ có Sỏi chỉ nhận một lần, những lần sau Sỏi dùng tay che chén lại, nhìn tôi bằng đôi mắt long lanh như chứa đựng một biển tình mênh mông……
Phần 2
Những ngày lênh đênh trên biển cả… và những ngày ở trại tạm cư, tôi chỉ khóc, chỉ biết mỗi khóc, không còn quay lại được nữa rồi… Rồi… trăm dặm xa… ngàn dặm xa… bài hát cho người tị nạn bằng tiếng Anh càng làm tôi ngậm ngùi thêm cho thân phận người con gái 18 tuổi lạc loài bơ vơ… mang theo bên mình kiến thức ít ỏi, đủ để hình dung một tương lai cuối chân trời… đủ để nhận thức thật đầy đủ một mất mát tình cảm quê hương, tình cảm gia đình, hình thành tiếng khóc lời than, để tang cho cuộc chia lìa vĩnh viễn…
*
Chiều nay, sau khi họp, tôi được vào groups Bác Sĩ nội khoa, mở đầu nghề nghiệp cho một bệnh viện lớn, vậy là hết việc lo cho chính tôi rồi! Rất mừng, mừng là vì, rồi thì một ngày báo ân cho cha mẹ sẽ được toại nguyện, gia đình tôi thoát cảnh long đong…
Mở lại bài hát Bạc Liêu Hoài Cổ, tôi nghe mà hình ảnh quê hương và gia đình như thoát khỏi tâm trí hiện ra trước mặt, thỏa niềm vui chờ đợi bấy lâu. Cũng bài hát này năm xưa, bé Sỏi hát nghêu ngao lúc chị em còn bên nhau, ước gì giờ này có em tôi cùng nghe lại bài hát này… Chợt có tiếng gõ cửa, người mang thư đưa cho tôi bức điện tín với nội dung: “Chị Hai yêu dấu, em vừa đặt chân lên đất Canada, vội báo tin chị mừng, hẹn ngày tái ngộ. Bé Sỏi của chị”. Chị mừng quá Sỏi ơi… tội nghiệp em tôi, vì gia đình nghèo, cứ ao ước được xuống miền Tây một lần, nhưng mơ ước vẫn chỉ là mơ ước… Rồi đây chị em mình sẽ về… về miền Tây Sỏi ơi….
Chưa một lần cảm nhận niềm vui rộn ràng khó tả như ngày hôm nay, ngày đầu tiên đi làm, ngày đánh dấu mọi sự mới mẻ trong tôi. Giờ tan sở, tôi vội bàn giao, về cho kịp cái hẹn với anh bạn mới quen từ VN sang theo diện HO đầu tiên. Tôi quen anh ấy khi khám tổng quát cho lần đầu tiên người định cư. Nhìn dáng mảnh mai và giọng nói như con gái, tội nghiệp, hỏi đến đâu, anh nói đến đó, khép nép như ngồi trước quan tòa, làm kích thích sự tò mò của tôi về anh:
- Anh Long sang đây trường hợp nào?
- Dạ, Long qua đây diện HO đầu tiên chị à.
- Anh đi một mình?
- Dạ, một mình.
- Anh có thể cho biết quá trình của anh được không?
- Dạ được.
- Anh tự nhiên nói đi, sao lại khép nép, cứ gọi em là Niệm, cùng là phận lưu vong bỏ nước ra đi cả mà. Đừng gọi em là bác sĩ nữa nha… nha anh Long!
- Không dấu gì Niệm, ngày xưa tui là lính không quân VNCH, quê tui ở Cần Thơ, đơn vị cũng ở Cần Thơ. Sau 1975 tui bị tù 5 năm nên mới được đi diện HO.
- Thế anh là phi công?
- Dạ.
- Anh không có vợ con gì sao?
- Dạ, Long có ý trung nhân do mẹ chọn, nhưng vì bị tù quá lâu nên nàng đã sang ngang trước khi tui về.
- Thế anh có buồn và còn nhớ cô ta không?
- Dạ, không buồn cũng không nhớ, không buồn vì Long không để cho nàng héo hon. Không nhớ vì cũng chưa nặng tình; vả lại, cũng chưa có hiểu và chưa thương nhiều.
- Anh không có người yêu sao?
- Dạ, không có, nhà tui nghèo lắm Niệm ơi…
- Lời nói như than vãn nỗi niềm, giọng miền Tây càng làm tôi xốn xang, xốn xang cho cảnh nghèo, cho người lính có quá nhiều mặc cảm, mặc cảm đối với tổ quốc, đối với đồng bào, hận chính mình vì bất lực xuôi tay…
- Anh đừng một dạ, hai anh cũng dạ với Niệm nữa nha… nha anh Long.
- Dạ,
- Hihi, lại cũng dạ, anh nghe Niệm hỏi nha! Vì sao anh lại có nick name là “cơm chiên”?
- Dạ, ý xin lỗi tui quen miệng, tui cũng hỏng biết vì sao mà bạn bè trong phi đoàn đặt sao tui chịu vậy.
Trời ơi sao mà dễ thương quá vầy nè… Tôi hỏi tiếp:
- Vây nếu sau này nếu mình là bạn nhau, Niệm gọi anh là anh Long cơm chiên anh có khó chịu không?
Anh ta lúc này coi bộ không vừa:
- Nhưng mà Niệm có thích dùng cơm chiên không?
- ????? Tôi bị ngọng… cứng lưỡi…
Câu trả lời vừa ra vẻ thật thà vừa lém lĩnh dễ thương, thảo nào mà chị Nhung mê anh Liêu Mổ, mê anh không quân như điếu đổ….
Chúng tôi cảm mến nhau từ giây phút đầu. Ngày hôm nay không biết nhận được tin gì về cái hẹn của anh. sau khi trang điểm, tôi lên ngồi đối diện nghe anh thỏ thẻ, mặt nhìn xuống bàn, tay như rối mỏi, hết nắm rồi lại buông….
- Niệm à, anh thật lòng muốn hỏi em có bằng lòng kết hôn với anh không? Thú thật với Niệm, sang đây trơ trọi một mình, ngày nào vắng em anh thấy lòng mình lạnh lẽo bơ vơ…
- Em nào khác chi anh, hằng đêm em vẫn ao ước mình được sống bên nhau, nhưng… bây giờ thì chưa được anh ạ! Em còn quá nặng hiếu chưa đền đáp, trách nhiệm đứa em mới sang chưa biết phải thế nào! em cần thêm ít thời gian được không anh?
- Niệm à, anh thực sự cảm kích và hiểu tấm lòng của em, dù đợi bao lâu, chân chùng hay gối mỏi anh vẫn đợi em.
Thật không còn hạnh phúc nào hơn, khi bên cạnh có người yêu lúc nào cũng quan tâm và lo cho tôi. Bây giờ chỉ còn hai vấn đề, lo gia đình và tiếp cận em gái của tôi.
Những ngày sau đó, mỗi tuần tôi đều nhận được thư em tôi gửi từ VN, được biết Ba Má tôi vì lao tâm, lao lực nên lúc này cứ bệnh luôn, tôi hối hả gửi tiền về, Vì mới đi làm, nên tiền cũng chưa có bao nhiêu, tôi apply liền hai credit card, đây là cứu cánh cho bước đầu của tôi, và cứ như thế, tuần nào tôi cũng nhận được thư. Hình như không tuần nào không gửi tiền về. Vào một hôm, tôi nhận được hung tin Mẹ tôi bị đau mắt phải mổ, Ba tôi bị ung thư trực tràng đang nằm bệnh viện, tôi mang hai credit card rút tiền nhiều lần theo nhu cầu, không cần biết lời lãi bao nhiêu, cũng không cần biết làm cách nào để trả số tiền lớn tôi mượn, nếu không sẽ bị lãi nặng. Cũng nhờ trời thương, bệnh tình Ba Má tôi có phần thuyên giảm, tiền thì tôi tiếp tục gửi đều đặn dù không có yêu cầu, phòng khi bất trắc em tôi có mà lo.. Thật trớ trêu, cứ một tuần nhận được tin lành, thì sau đó là tin dữ. Bệnh tình Ba tôi đã sang thời kỳ di căn cần phải đốt (xạ trị), em tôi cho biết nhu cầu bây giờ là Ba phải nằm trên xe mỗi lần đi bệnh viện, nhà cần phải sửa sang gắn máy lạnh. Tôi bảo mấy em cứ lo nếu thấy cần, đừng hỏi chị làm mất thời gian, chị sẽ gửi tiền về trang trải. Em tôi phỏng chừng cho cái nhà và chiếc xe 17 chỗ ngồi khoảng 70.000 dollar.
Trải qua hai tháng sau, bệnh tình ba tôi không thuyên giảm mà còn tái phát, em tôi bảo chỉ còn cách sau cùng là vô hóa chất. Được Bác Sĩ cho biết phải vô tám lần, mỗi lần 10 triệu tức khoảng 1000 dollar lúc đó. Bằng mọi giá phải giữ sinh mạng Ba tôi; mặc dù lúc này, bill credit card tổng cộng 200.000, minimum pay 600 cho mỗi tháng. Tôi tự trấn an, còn nước thì còn tát.
Mãi lo việc gia đình ở VN, tôi quên sắp xếp cho ngày gặp mặt bé Sỏi, Anh Long bảo:
- Tuần sau anh nghỉ học một tuần, anh muốn chở em đi thăm Sỏi.
- Được đó anh, em cám ơn anh Long. Thứ bảy mình đi sớm, ngủ qua đêm, chúa nhật về vì em còn phải đi làm.
Xe chạy hai phần ba đoạn đường, tôi gọi phone cho Sỏi, Sỏi bảo em đang đứng đợi tại cửa khẩu Vancouver BC.
Gặp mặt nhau chị em mừng mừng tủi tủi, hai chị em ôm nhau khóc hồi lâu, cơn xúc động tôi đã lắng, mà Sỏi thì cứ ghì chặt lấy tôi như bám lấy phao, đã vậy Sỏi bật khóc thành tiếng, tôi ái ngại nhìn Long?? Long cũng ái ngại nhìn lại tôi??? Cả hai không hiểu Sỏi vì sao?
Về đến nhà Sỏi bồng con trai trao tay tôi.
- Lại dì hai ẵm đi con, rồi để ngón tay lên miệng nhìn tôi nháy mắt, mình ra phố tìm nơi nói chuyện đi chị.
Tôi cảm nhận như có cái gì bất an cho em tôi. Thì ra, em tôi ra đi vì không muốn để tôi bơ vơ một mình nơi xứ lạ. Ra đi vì chữ hiếu phải làm vợ một người không yêu để trả ơn. Em tôi thổn thức: Nhà mình nghèo đâu có tiền vượt biên, người ta giàu mua được ghe, nếu em đồng ý đi tức là em đồng ý làm vợ người ta. Ngày chia tay Ba Mẹ dặn dò: Dù hoàn cảnh nào, con cũng phải giữ phận vợ hiền dâu thảo mà đáp đền sự cưu mang của người ta. Nỗi bất hạnh tiếp nối cuộc đời em tôi, sống với bà mẹ chồng bất nhân, một người chồng bất nghĩa khinh người, không vùng thoát cũng chỉ vì lời Cha Mẹ khuyên bên tai và 3 đứa con dại khờ. Hình bóng người chồng mờ nhạt, nhưng như hiện thân của bốn bức tường rào chắn, giam hãm cuộc đời bé nhỏ em tôi.
- Em Sỏi, em có nhận thư mấy em không?
- Sỏi lắc đầu, chắc Ba Mẹ hiểu phận mọn của em, nên không viết thư vì ngại người ta nghĩ quấy về mình.
Tôi mang hết chuyện gia đình san sẻ cho Sỏi.
- Em an tâm. Tuy là chị em không được gần nhau, nhưng hình ảnh em lúc nào cũng bên chị, em cũng đừng lo lắng, mọi việc có chị lo toan.
- Em cám ơn chị.
- Chị có dự tính cho ngày về thăm ba mẹ chưa?
- Chị định là gặp em bàn luôn thể, hai chị em cùng về cho vui.
- Chị à, chị về lựa lời mà nói cho ba mẹ vui, em về không được nhưng lúc nào cũng dõi theo chân chị, em không buồn chị à.
- Muốn nói nhiều với em tôi, muốn phá xiềng xích buộc ràng, mang em tôi về với tôi nhưng tôi nghe như nghẹn thắt cổ họng…. Long như hiểu được tâm tình chị em tôi. Anh đặt tay lên bờ vai vỗ về:
- Thôi lên xe đưa dì ba nó về, mình còn về cho kịp.
***
Ngồi trên phi cơ, tôi miên man niềm vui sướng, vì chỉ ngày hôm nay thôi, và bây giờ Ba Mẹ và mấy em tôi chắc không ngủ, hay là đã xuống phi trường đón đợi tôi. Bước xuống phi cơ tôi như bước từng bước theo nhịp tim, bao năm tháng nổi trôi theo vận nước, cuối cùng rồi thì cũng có ngày hôm nay.
Lạ thật, tôi vào phòng check out đã hơn nửa giờ, bây giờ nhận hành lý xong vẫn chưa bắt gặp người thân của tôi. Tôi vội vàng bước nhanh ra cửa, một cánh tay yếu ớt giữ chặt tôi lại, chiếc nón bành tô che khuất, tôi không nhận ra là ai, khi tôi xê dịch hành lý ông ấy vẫn bám chặt.
- Dạ xin lỗi bác là ai ạ?
- Cậu út nè con
- Trời ơi… sao lại thế này hở cậu? Ba Mẹ con đâu? Mấy em con đâu? Cậu???
- Con bình tĩnh, về nhà cậu kể con nghe.
Cậu tôi phụ mang hành lý vào nhà, tôi còn lớ ngớ ngoài sân.
- Nhà con đâu cậu?
- Cậu tôi dùng ngón tay chỉ
- Đó!
Một cái building sang trọng giữa thôn quê vắng người. Tôi loay hoay định vụt chạy, cậu tôi nắm chặt tay giữ lại ôn tồn:
- Vào nhà cậu, ngồi xuống đi từ từ cậu giãi bày con nghe.
- Cậu ngồi cạnh bên tôi như canh tội phạm, cất tiếng gọi đứa em họ.
- Tủn à, Con mua cho ba xị rượu.
Rõ ràng rồi! Phải có chuyện gì nên cậu tôi cần có xị rượu mới nói lên được. sau ba hớp rượu, cậu tôi bắt đầu mở mắt to, môi giựt giựt, tôi gặng hỏi lần nữa,
- Ba đứa em con đâu cậu???? còn Ba Mẹ…… cậu tôi ngắt lời.:
- Cái đám mắc dịch ôn hoàn đó trốn hết rồi… còn anh chị… cậu nói đến đó khựng lại, xách xị rượu ực tiếp… Tôi phát hoảng… Trợn mắt, răng cắn chặt, ngón tay như chuẩn bị tinh thần đón nhận lời xử tội.
- Còn Ba Má con đã chết sau 3 tháng con Sỏi vượt biên, cái đám ôn dịch đó dựng đứng sự thật phũ phàng để gạt, dối lừa con đó! Ai đời cha mẹ chết đã 10 năm mà con thì không hay biết. Trời ơi ngó xuống mà coi nè ông trời…. rõ ràng cái thời mã ngụy đào thai kiếp người……… Cậu tôi vừa la vừa khóc, tôi như không còn nghe thấy được gì nữa, lỗ tai tôi như ve kêu mùa hè, mắt tôi hoa lên, tôi cố gượng đứng cũng không vững, tôi vụt chạy nhưng lảo đảo rồi ngã quỵ….
Sáng hôm sau tôi tỉnh lại, toàn thân tôi tê dại, tim tôi đau nhói…. nỗi đau oằn oại gấp vạn lần ngày tôi xuống tàu rời xa quê hương…
Ngồi trên xe, cậu tôi ghì chặt vỗ về, tôi như miên man trong giấc ngủ đau, thỉnh thoảng nấc lên: Mẹ ơi… Ba ơi…..
Đã 3 tuần trôi qua, tôi chưa tìm được lý lẽ để gọi điện cho em tôi. Không biết rồi Sỏi nghe được câu chuyện này Sỏi có gượng nổi không? Tôi biết phải nói sao với em tôi??
Sỏi ơi! chị biết phải làm sao………
Phần kết: 
Chiếc phi cơ đưa tôi trở lại xứ cờ hoa, sau lưng tôi là một quê hương trở thành xa lạ đầy nỗi chán chường, tôi muốn quên đi ngay tức khắc, cố tìm, lục lọi trong trí não, lổn nhổn, rời rạc những thứ còn lại mà đã bao ngày bị lãng quên. Đó chính là cái tôi nhỏ nhoi trong tôi. Một đất nước cưu mang tôi bằng tình nhân loại tha thiết dành cho tôi, một người hết dạ yêu thương và hết lòng lo cho tôi, một đứa em còn lại trong nhiều đứa em đã tự đánh mất trong tôi… Tôi muốn bù đắp cho họ, và cũng để bù đắp những tình cảm đã làm hụt hẫng trong tôi… (tôi!)
Người đầu tiên nghĩ đến là anh Long của tôi, khẻ cười một mình, rằng có lẽ anh đang ngồi chờ và cũng có cùng cảm nghĩ như tôi, tôi cảm thấy mình vui lạ… Ra cửa phi cơ, chỉ mỗi va li xách tay, tôi đi thẳng một lèo, chiếc gate mở cửa đang đón chờ, như anh Long đón chờ mở cửa xe, và có lẽ tôi sẽ phải đón nhận một hung thần bạo lực đang chực chờ để vùi dập thân tôi, tôi thầm nhũ phản đòn… Cắn anh thôi!!!
Không thấy anh đâu hết! Tôi hoảng hốt, người như cây nghiêng ngã trước gió, đưa ngón tay trỏ lên môi cắn rướm máu mà không nghe đau?? Tôi vội chạy đến public telephone gọi cho anh, nhấn đôi lần ba lượt mới đúng số, đầu dây có chuông reo như tim tôi đang réo… tôi gọi lại ba lần nữa, lúc này chỉ còn nghe tim tôi réo thình thịch, tôi quăng điện thoại, lên Ta xi chạy thẳng về sở làm mà không về nhà. Mọi người đang làm việc, vừa thấy tôi ai cũng đứng dậy bỏ đi hết!!! Linh tính báo tôi biết có chuyện chẳng lành… điện thoại trên bàn cạnh tôi reo vang, tôi chụp nghe, đầu dây không ai xa lạ chính là đồng nghiệp lánh mặt gọi cho tôi. Họ bảo anh Long đang nằm ở Funeral home!!!
Ngồi trên xe đến Funeral home mà tôi ngỡ như mình đang đến nhà thăm anh, mắt tôi ráo, tâm tôi tỉnh hơn bao giờ hết! Tôi gọi anh Long thành tiếng, nhìn đôi mắt khép hờ như giỗi hờn chọc tôi. Tôi ngồi bên anh, tựa vào anh, tay vuốt đôi gò má ửng hồng màu son, vuốt đôi mắt đong cứng không chịu khép, tôi vạch hai mắt mờ đục như không muốn nhìn tôi, tôi cố nén, cố nín, sức chịu đựng người con gái như đánh gục tôi, hai bàn tay tôi co lại đấm túi bụi vào ngực anh, sao anh lại trơ ra như chuẩn bị gồng mình chờ đợi giây phút tôi âu yếm anh như thế này sao…! Anh Long!!!!
Ngồi bên anh ba hôm, tôi sống lại giây phút bên anh thật êm đềm, tay mò mẫm lần theo từng làn da teo lạnh, mà tưởng như những lần mò mẫm bên nhau khi anh còn sống. Một lần từ Canada thăm em Sỏi trở về, anh nói huyên thuyên… một lần ở trại cải tạo, anh nói: sáng chỉ ăn nửa chén mì khô còn vỏ, uống một lon guigo nước cơm cháy nhà bếp, làm hì hục đến 11 giờ trưa, lúc đó vì bụng đói chân tay run lẩy bẩy mà phải đánh cái gốc bằng lăng to, năm anh em đều đói nên khi gốc bật không điều khiển nổi, cho nên nó đè lên hông anh làm anh bất tỉnh, kể từ đó anh mang chứng bệnh khó thở về đông, dễ bị ngất. Anh vừa nói vừa lái xe vừa cười: mai mốt anh chết trước em, đừng khóc nhé! phải tỉnh táo để đối diện ngày tháng còn lại, người chết là hết, hy vọng vong linh còn lại nếu có, thì anh hoàn toàn phò hộ cho em và Sỏi. Nhớ mang tro anh ra biển rắc về hướng Việt Nam. Nghĩ tới đây tôi chịu hết nổi, tay ghì chặc đấm vào anh liên hồi… và tôi khóc không biết bao lâu, và ngất từ lúc nào, khi tỉnh dậy thì đang nằm ở nhà, bên cạnh tôi là em Sỏi đang sờ nắn ve vuốt tay tôi, bên cạnh tôi vĩnh viễn không còn anh Long, chiếc hủ đựng tro cốt đang đặt cạnh bên tôi.
Sỏi đưa tôi ra biển vào một ngày không có nắng, nhìn xa về phía chân trời màn sương mờ đục, tôi tưởng tượng anh Long đang ở nơi đó chờ tôi. Xuống xe tôi không nói gì với sỏi, lẳng lặng bước xuống nước đi từ nông đến sâu, thâm tâm tôi đang thúc giục bước nhanh, vừa bước nhanh chân vừa rắc tro, tôi không muốn chết mà tôi muốn đi cho tới nơi tôi không còn bước được nữa, chồng chềnh… ngụp lặn, và cuối cùng hụt chân là tôi sẽ gặp được anh, có nghĩa rằng, tôi không muốn chết mà tôi muốn vĩnh viễn sống với anh nơi cõi xa mờ ấy! Tiếng của Sỏi kêu ơi ới!!
Chị Niệm!!!
Thì ra, Anh Long đã trối dặn dò khi còn sống, tôi phải sống, sống dù chỉ còn mình tôi… còn em tôi nữa… tôi phải sống!!! Trên đường về, ngồi trên xe tôi khóc như đứa trẻ bị lạc mẹ, Sỏi vừa lái vừa an ủi, chị khóc thoải mái đi chị, khóc được sẽ nhẹ… Vâng, chị sẽ qui y… Về đến nhà, Sỏi không nói không rằng, thu xếp hành trang từ giã tôi để về Canada. Trong lúc bịn rịn chia tay, Sỏi ôm chầm lấy tôi khóc… Chị bỏ em rồi!!!! Tôi cảm thấy hối hận cho sự quyết định yếu mềm của tôi, đi tu không có nghĩa là giải quyết vấn đề còn tồn tại, cũng không có nghĩa cứu vãn những mất mát mà mình đã từng gánh chịu. Tôi đề nghị với Sỏi, em ở lại sống với chị, chị không đi đâu cả…..
Lần thứ hai ra biển một mình. Đứng nhìn về phía trời xa, nơi tôi rắc tro cho anh, nghe như lời anh từ xa vọng lại, an ủi, vỗ về, động viên tôi, gió biển se lạnh ngoài da nhưng lòng tôi thấy ấm hơn bao giờ, có lẽ vong linh còn lại trên cõi trần đang hun đúc cho tôi, đang vạch lối cho tôi, tôi cảm thấy bầu trời rộng bao la đang rộng mở đón chờ, một quê hương điêu tàn trong chiến tranh và đổ nát mục rỗng từ gia đình đến xã hội đang kêu cứu! Cái tôi bây giờ mới thật nhỏ nhoi đến thế nào… Phải rồi, tôi phải đấu tranh để lấy lại công đạo cho gia đình tôi, hoàn cảnh của tôi, của chồng tôi, san bằng nghịch lý, trái đạo, mà người đời cố tình bưng bít. Tôi phải biết buồn khi dân tộc ngữa nghiêng… Tôi phải biết vươn tay cứu lấy khi dân tộc đắm chìm… Vì thế ngày hôm nay, các bạn đừng ngạc nhiên tại sao tôi từ một cô gái yếu mềm, có một hoàn cảnh thương tâm lại đột nhiên vươn mình sức như phù đổng… Là bởi vì cái tôi trong tôi không còn nữa, có còn chăng chỉ là số 0 tròn nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Vâng! Con Số 0.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét