Pages

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

Lập ban chỉ đạo chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị


SGTT.VN - Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp Quốc hội thứ 4 sẽ khai mạc sáng nay (22.10), cả báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của uỷ ban Tư pháp về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012 đều sẽ trình bày ngay phiên khai mạc, được phát thanh và truyền hình trực tiếp.

Xác nhận thông tin này tại buổi họp báo công bố nội dung kỳ họp chiều 19.10, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói đây là việc làm nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng theo chỉ đạo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về việc tiến tới hạn chế và đẩy lùi tham nhũng. Ông Phúc cũng cho biết thêm là tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành tới một ngày rưỡi để thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng, cùng với các báo cáo của các cơ quan tư pháp. Đặc biệt, toàn bộ nội dung thảo luận việc sửa luật Phòng, chống tham nhũng (theo dự kiến sẽ diễn ra trong hai buổi) tại hội trường cũng sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Đây là một điểm rất đáng chú ý ở kỳ họp này bởi vì, ở nhiều kỳ họp trước nay, không có báo cáo riêng về công tác phòng, chống tham nhũng nào được trình bày và không có buổi thảo luận nào riêng về chủ đề này mặc dù, đây là điều mà nhiều đại biểu quốc hội đã liên tục lên tiếng đòi hỏi. Thông thường, ban tổ chức kỳ họp giải thích nội dung đó được lồng ghép trong các buổi thảo luận về kinh tế – xã hội chung hay về công tác tư pháp ở các cuộc họp tổ và tại hội trường.

Hy vọng sự thay đổi này, cùng với việc Quốc hội dành nhiều thời gian để thảo luận dự thảo luật Phòng, chống tham nhũng sẽ giúp tìm ra các giải pháp hữu hiệu hơn cho công tác phòng, chống tham nhũng vốn luôn được đánh giá là “chưa đạt yêu cầu”, dù đã “có chuyển biến tích cực” như trong báo cáo mà Chính phủ đã gửi đến các đại biểu trước phiên khai mạc khá sớm.

Đáng chú ý, tại tờ trình dự án luật mới nhất gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết, thực hiện kết luận của hội nghị Trung ương 5, rằng “ở Trung ương, thành lập ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng bí thư làm trưởng ban”, dự thảo luật đã không có quy định về ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (mặc dù trước đó đã có tới ba phương án cho ban chỉ đạo này). Việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ do Đảng quy định. Đồng thời, công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của cơ quan này sẽ được thực hiện thông qua các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội sau kỳ họp Quốc hội lần thứ ba giữa năm nay đã từng nói “Hiện tượng hư hỏng, tham nhũng, tiêu cực đúng là lắm lúc nghĩ hết sức sốt ruột, nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có”. Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, khi xem xét về dự án luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cũng nêu thực tế “hiện nay kiểm toán không thấy tham nhũng, thanh tra cũng ít phát hiện và điều tra cũng chả tìm được mấy”. Uỷ ban Tư pháp – cơ quan thẩm tra báo cáo phòng, chống tham nhũng của Chính phủ – ở phiên họp tháng 9.2012 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhấn mạnh rằng một trong những nguyên nhân của việc tệ nạn tham nhũng ít bị phát hiện là bệnh quan liêu, thành tích, hình thức vẫn còn nặng nề, nên không ít người đứng đầu vẫn còn có biểu hiện bao che, dung túng cho hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý.

Vậy nên không biết nên buồn hay nên vui, khi ở báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2012 vừa được gửi đến các vị đại biểu quốc hội, Chính phủ đưa ra con số 44 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Con số 67 trường hợp của năm 2011 cũng đã ít hơn năm 2010 tới 17 trường hợp. Trong 67 người đó có 3 người bị xử lý hình sự, 14 người bị cách chức, 16 người bị cảnh cáo và 34 bị khiển trách. Còn năm nay, báo cáo của Chính phủ cho hay, mới có 9 người đã bị xử lý hình sự, 31 người đã bị xử lý kỷ luật.

Theo đánh giá của Chính phủ, nhìn chung, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Nhiều nơi còn tình trạng nhầm lẫn giữa việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, với việc xử lý người đứng đầu do trực tiếp thực hiện hành vi tham nhũng. Nhiều trường hợp, người có thẩm quyền còn nể nang, né tránh trong việc xử lý đối với người đứng đầu. Bên cạnh đó, quy định về trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý trách nhiệm người đứng đầu cũng còn nhiều vướng mắc trên thực tế.

Cả quyết tâm và cơ chế đều thiếu để có thể tạo đột phá như kiến nghị của chủ nhiệm uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, rằng nên chọn trách nhiệm người đứng đầu là khâu đột phá cho công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013. 22 bộ trưởng, 63 chủ tịch tỉnh nếu để xảy ra tham nhũng ở đơn vị mình phải nhận trách nhiệm, nhận kỷ luật hoặc xin từ chức.

Sự thiếu hụt này có thể được bù đắp khi dự án luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) có thể được thông qua ngay tại kỳ họp này? Cũng khó, khi uỷ ban Tư pháp cho rằng việc bao che, che giấu hành vi tham nhũng rất khó tránh khỏi. Bởi lẽ, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước càng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để phát hiện được càng nhiều hành vi tham nhũng xảy ra trong nội bộ cơ quan, tổ chức mình, thì người đó lại càng phải chịu trách nhiệm về công tác quản lý cán bộ vì đã để xảy ra nhiều hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó, như phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phân tích, có đến 61/110 điều của dự thảo luật là dành cho phòng ngừa tham nhũng, còn chương xử lý tham nhũng chỉ vẻn vẹn có bốn điều rất “nhẹ”, không đủ sức răn đe.

Chính phủ thì vẫn thừa nhận “tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”.

Hà Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét